Cung oán ngâm khúc là gì? Nội dung, nghệ thuật Cung oán ngâm khúc Cung oán ngâm khúc là gì? Cung oán ngâm khúc (tên gọi khác là Cung oán ngâm) là kiệt tác văn học trung đại, là tác phẩm gắn liền với tên tuổi nhà thơ Nguyễn Gia Thiều, được viết bằng chữ Nôm, gồm 356 câu thơ với văn phong trau chuốt, gọt giũa, sử dụng nhiều từ Hán Việt trang trọng. Về nhan đề, "cung" là cung nữ - những cô gái tài sắc được tuyển vào cung vua chúa thời xưa; "oán" là oán hận, oán trách; "ngâm khúc" là tên một thể loại văn học. Cung oán ngâm khúc được hiểu là khúc ca ai oán của người cung nữ. Bài thơ Cung oán ngâm khúc Cung oán ngâm khúc thể loại Cung oán ngâm khúc được viết theo thể ngâm khúc. Vậy thể loại ngâm khúc là gì? Ngâm khúc là thể loại trữ tình trường thiên thuần túy Việt Nam viết bằng thể thơ song thất lục bát, thường có quy mô tương đối lớn thường là trăm hoặc vài trăm câu thơ. Ngâm khúc có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thể thơ song thất lục bát với phương thức trữ tình dài hơi (kéo dài) gắn với số phận nhiều éo le, ngang trái của con người. Cung oán ngâm khúc thể thơ Bài thơ được viết bằng thể thơ song thất lục bát (mỗi khổ thơ gồm hai câu 7 chữ và một cặp lục bát). Song thất lục bát là một thể thơ của dân tộc có âm điệu buồn triên miên, phù hợp với việc biểu đạt tâm trạng buồn sầu ai oán. Sau này, các khúc ngâm, thán, vãn có cảm hứng trữ tình hầu hết được viết bằng thể thơ song thất lục bát. Cung oán ngâm khúc phương thức biểu đạt Phương thức biểu đạt chính của Cung oán ngâm khúc là biểu cảm (biểu đạt tâm trạng của nhân vật trữ tình – người cung nữ: buồn sầu, oán trách, thương thân, xót phận, mong đợi trong mỏi mòn...). Ngoài ra, Cung oán ngâm khúc còn sử dụng các phương thức biểu đạt khác như: miêu tả (tả cảnh thiên nhiên), tự sự (có nhân vật, chi tiết...) Cung oán ngâm khúc nhân vật trữ tình là ai? Nhân vật trữ tình trong Cung oán ngâm khúc là người cung nữ. Nàng vốn dĩ là cô gái có tài có sắc được tuyển vào cung vua, thời gian đầu được nhà vua yêu thương chiều chuộng. Nhưng sau đó, những cuộc thăm viếng thưa dần, cuối cùng nàng bị ruồng bỏ một cách phũ phàng. Trong tình cảnh cô đơn giữa chốn lầu son, gác tía, nàng thương xót cho thân phận của chính mình, oán trách sự phụ tình của nhà vua, mong ngóng nhà vua đến mòn mỏi, có lúc bức bối đến "muốn đạp tung phòng mà ra" nhưng bất lực. Nàng vẫn phải kéo lê tuổi thanh xuân của mình trong buồn đau sầu thảm và oán hờn chất chứa. Nội dung Cung oán ngâm khúc Bài thơ là lời độc thoại nội tâm của người cung nữ bị nhà vua ruồng bỏ sau một thời gian mây mưa ân ái. Qua lời độc thoại ấy, ta thấy được tình cảnh cô đơn, đáng thương của người cung nữ. Dù sống giữa gác tía lầu son, nhưng nàng không còn được nhà vua đoái hoài như thời gian đầu nữa. Điều đó khiến nàng rơi vào tâm trạng buồn bã, đau khổ, oán trách và trông chờ trong vô vọng. Cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi, còn nàng thì héo hon, sầu muộn – tấn bi kịch tinh thần đau đớn của phận hồng nhan. Thấu hiểu nỗi lòng của người cung nữ, nhà thơ vô cùng xót thương, đồng cảm, ông đã dồn hết tâm huyết và tài năng văn chương để viết nên một tác phẩm bất hủ, đau đớn xé lòng về cuộc đời nàng. Trân trọng khát vọng hạnh phúc của người cung nữ, nhà thơ còn cất lên tiếng nói đòi quyền sống, quyền hạnh phúc lứa đôi cho người cung nữ đồng thời ngầm oán trách chế độ đa thê của vua chúa thời xưa đã đẩy biết bao phận hồng nhan vào tình cảnh trớ trêu, bi kịch. Những nội dung sâu sắc trên đã thể hiện giá trị nhân đạo trong Cung oán ngâm khúc ở các phương diện cơ bản như: đồng cảm, xót thương cho người cung nữ; lên tiếng tố cáo xã hội; trân trọng, đề cao khát vọng chính đáng của con người. Nghệ thuật Cung oán ngâm khúc Đặc sắc nghệ thuật của Cung oán ngâm khúc trước hết, phải kể đến thể thơ: Cung oán ngâm khúc sử dụng thể thơ song thất lục bát với đặc điểm riêng về cách phối thanh: thanh trắc ở hai câu thất (thăng) và thanh bằng ở cặp lục bát (trầm) đan cài liên tiếp làm cho nhạc điệu bài thơ trở nên réo rắt, da diết, triền miên như khúc hát, khúc ngâm – phù hợp với việc biểu đạt tâm trạng buồn sầu của nhân vật trữ tình. Thứ hai, về mặt ngôn ngữ: ngôn ngữ trong bài thơ là thứ ngôn ngữ trang trọng, được trau chuốt, gọt giũa công phu. Có người nhận xét, ngôn ngữ trong Cung oán ngâm khúc "hết sức tài hoa, đài các, tinh xác và nhuần nhị". Trong bài thơ, nhà thơ còn sử dụng nhiều điển tích, điển cố hàm súc, biểu cảm; hệ thống từ Hán Việt uyên bác. Có thể nói, mỗi câu thơ trong Cung oán ngâm khúc được trau chuốt đến mức tuyệt xảo, xứng đáng là áng thơ bất hủ, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả cả về phương diện cảm xúc và nghệ thuật biểu đạt. Cung oán ngâm khúc đọc hiểu Các bạn học sinh có thể tham khảo đề đọc hiểu Cung oán ngâm khúc tại đây: Đọc Hiểu: Nỗi oán sầu của người cung nữ - Cung Oán Ngâm