Review Sách Cửa Hiệu Tự Sát - Jean Taulé

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Slyaz, 23 Tháng sáu 2021.

  1. Slyaz

    Bài viết:
    16
    Khi tự Sát là Một thứ quyền được công nhận

    [​IMG]

    Tại một dòng thời gian không rõ, ở một nơi nào đó trên thế giới, trong khu tập thể "Những Tôn Giáo Bị Lãng Quên", có một cửa hàng chuyên bán những dụng cụ tự sát. Phải, bạn không nghe hay đọc nhầm đâu. Dụng cụ tự sát, được kinh doanh một cách công khai và phổ biến như những chai tương hũ mắm. Vô số khách hàng tìm đến cửa hàng đó đều có chung một mục đích: Tìm kiếm một thứ gì đó phù hợp cho cái chết của bản thân.

    The Suicide Shop - Cửa hiệu tự sát: Dành cho những kẻ ngán sống.

    Nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà chọc trời trên đại lộ Bérégovoy, trong khu tập thể "Những Tôn Giáo Bị Lãng Quên", có một nơi mang tên "Cửa hàng dành cho những kẻ ngán sống". Nơi đây chuyên bán những dụng cụ tự sát cho những ai có nhu cầu tự kết liễu đời mình. Chủ của cửa hiệu ấy là Mishima Tuvache. Ông đã kế thừa cái nghề "gia truyền" 10 đời của dòng họ và tiếp tục xây dựng phát huy cửa hiệu ấy cho đến ngày ông cảm thấy muốn tự sát và giao lại cửa hàng cho đứa con trai cả của ông. Cùng quản lý cửa hiệu ấy là vợ ông, bà Lucrèce, một người phụ nữ xinh đẹp và 3 đứa con, 2 trai 1 gái.

    Nếu bạn để ý, tên của những nhân vật trong truyện đều ít nhiều có liên quan đến những người nổi tiếng đã kết thúc cuộc sống của mình bằng cách tự sát, ở mọi thời đại, từ cổ chí kim. Mishima, trong Mishima Yukio. Là một nhà văn, nhà biên kịch của Nhật Bản, đã tự sát sau khi hô hào, xúi giục binh sĩ đảo chính nhưng không thành bằng nghi thức seppuku. Một nghi thức mổ bụng tự vẫn của các Samurai Nhật để bảo toàn khí tiết. Lucrèce, hay Lucretius, là tên của một nhà thơ và nhà triết học La Mã. Ông bị phát điên bởi một mê dược và tự sát ở tuổi trung niên, để lại cho đời sau một công trình duy nhất là bài trường ca triết học De rerum natura.

    Ba đứa con của Mishima có vẻ "nổi tiếng" hơn cha mẹ nó. Vincent, đứa con trai cả, niềm tự hào của Mishima, cái tên cậu lấy từ nhà danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh. Cũng là một nghệ sĩ từ trong cái tên, Vincent luôn đưa ra những ý tưởng và chế tạo những món đồ phục vụ cho việc tự sát, vì thế cậu luôn làm hài lòng người cha của mình. Marilyn, cô con thứ, cái tên của cô được lấy từ biểu tượng sắc đẹp của nước Mỹ, Marilyn Monroe. Thay vì tự hào vì điều đó, cô lại luôn cảm thấy bản thân mình thật vô dụng, cục mịch, xấu xí và luôn chán ghét bản thân. Tuy nhiên, cô vẫn luôn có một khát khao được yêu, được chú ý đến bởi những cậu trai trong khu "Những Tôn Giáo Bị Lãng Quên". Và cuối cùng, Alan, trong Alan Turing, một nhà toán học và mật mã học người Anh, cha đẻ của ngành khoa học máy tính, người góp phần giúp quân Đồng Minh sớm kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2.

    Alan có thể xem là nhân vật chính của truyện. Câu sinh ra trong một gia đình có truyền thống "trợ tử" cho những kẻ muốn tự kết liễu cuộc đời mình. Cậu luôn phải chịu đựng những thứ "độc hại" từ suy nghĩ, hành động, lời nói của cha mẹ và anh chị mình, họ cố tiêm nhiễm vào Alan những thứ bi quan, tối tăm, ủ rũ. Nhưng như một bông hoa kiên cường, Alan chẳng hề bị ảnh hưởng bởi những điều ấy. Ngược lại, cậu còn luôn khiến cha mẹ mình phải điên đầu bởi những trò nghịch ngợm của cậu. Những trò ấy, dù không gây hại gì cho ai, nhưng nó lại là những thứ kì quặc trong xã hội này. Như bật thật to một bài nhạc có giai điệu vui nhộn và những lời lẽ kì quặc, cho những khách hàng đến cửa hàng nhà cậu những lời khuyên tốt đẹp (điều này thật sự bố mẹ cậu rất không thích đấy), và.. nở một nụ cười.

    Alan, xuất hiện hầu như ít hơn anh chị hay ba mẹ của cậu, nhưng lại là nhân vật trung tâm giải quyết những nút thắt trong truyện theo hướng tích cực. Cậu vô cùng khác biệt với những thành viên khác trong gia đình và xã hội cậu đang sống. Từ lúc mới lọt lòng mẹ, nụ cười đã ở sẵn trên môi cậu. Cậu luôn nhìn thấy những điều lạc quan giữa những thứ tiêu cực, như trong số hàng trăm người lên kế hoạch tự tử, vẫn có số ít người tự tử hụt. Trong số những người bị rơi máy bay, vẫn có 3 người sống sót. Khi cô biên tập viên thông báo về số lượng những vụ tự tử, thiên tai, tai nạn tăng lên hằng ngày, cậu vẫn nhận thấy mái tóc mới và nụ cười của cô ấy rất đẹp.

    Alan luôn bày những trò nghịch ngợm, hòng chỉ để thay đổi sự u ám trong căn nhà của cậu. Ban đầu, những thành viên khác luôn cảm thấy khó chịu và đau đầu với với Alan. Nhưng dần dần, những trò nghịch của Alan đã thay đổi nhân sinh quan của gia đình cậu và những người khách vô tình tiếp xúc với cậu. Bằng cách tặng cho cô chị một chiếc khăn đeo cổ nhỏ xinh trong ngày sinh nhật, cậu đã khiến Marilyn phải đứng trước gương để ngắm nhìn bản thân. Có lẽ không phải lần đầu cô đứng trước gương và săm soi cơ thể mình, nhưng là lần đầu tiên cô thấy mình xinh đẹp đến thế. Cậu đã tráo đổi thứ thuốc kịch độc trong xi-lanh mà Marilyn tiêm bằng một thứ thuốc bổ, và mặc dù điều đó vô tình biến gia đình cậu thành những kẻ lừa đảo, nhưng chị cậu có thể tìm đến tình yêu của đời mình và hoàn toàn thoát khỏi con người ủ rủ, tự ti khi xưa. Mẹ cậu cũng dần dần nhiễm lấy những lời nói vui vẻ của Alan, khi bà vô tình nói "hẹn gặp lại" thay vì "xin vĩnh biệt" với khách hàng, hay nghe lời Alan, thêm một ít sốt cam lên món cừu nướng mà bà cho rằng nó đáng ra phải dở tệ. Vincent, chàng trai mắc chứng bệnh biếng ăn và đau đầu cũng dần bị cậu em "cảm hóa", khi cậu cảm thấy món "Cừu té núi" được chế biến một cách tạm bợ của mẹ cậu thật ngon, bệnh biếng ăn của cậu cũng đã không còn nữa, khi cậu trở thành tên "cuồng bánh tráng" đúng nghĩa. Cậu cũng rất thích thú hỏi Alan về câu hát "Plum plum" trong bữa, thay vì bực bội như lúc trước.

    Họ tuy không ghét bỏ Alan bởi vì cậu khác biệt, nhưng họ cũng không thể chịu đựng nổi sự ngược đời của Alan. Nhất là người cha của cậu, Mashima Tuvache. Là một người đàn ông, người cha, người chồng, dĩ nhiên ông phải vô cùng cứng rắn và nghiêm khắc. Ông là người kế thừa "Cửa hiệu tự sát" của gia đình, vì thế, ông vô cùng khó chịu với Alan. Mashima đã từng tuyên bố Alan không phải là con trai ông và bảo cậu chỉ là một nỗi nhục được sinh ra nhờ một cái bao cao su rách – loại dành cho những kẻ muốn chết bằng con đường tình dục. Nhưng khi Alan đến Monaco để thực tập làm "lính biệt động tự sát", ông thật sự rất nhớ con trai mình, đến mức một con người rắn rỏi như ông phải khóc vùi trong bộ quần áo của con trai mình để lại. Những thành viên khác trong gia đình cũng thế, dù cho Alan có thực sự phiền phức và khó chịu đối với họ, nhưng cậu vẫn là một người con, người em trong gia đình. Và sự biến mất của Alan trong hai tuần thực sự khiến họ phải cảm thấy thiếu thốn và trống vắng. Mọi sinh hoạt hằng ngày của họ đều có gi đó gợi nhớ đến Alan. Khi đó, họ không hề biết rằng, sâu trong họ, Alan đã âm thầm gieo vào đó những hạt giống đầy sắc màu và sẽ nở thành những bông hoa rực sáng vào ngày cậu trở về.

    The Suicide Shop - Nơi xã hội giải quyết mọi rắc rối bằng việc tự sát

    "Cửa Hiệu Tự Sát" là một câu chuyện về một gia đình làm nghề "trợ tử" trong một xã hội mà người ta luôn cho rằng cái chết là phương án tối ưu nhất để giải quyết mọi rắc rối. Kể cả những lý do xàm-xí-và-nhảm-nhí nhất. Dù là trẻ con hay người lớn, họ luôn muốn tự sát, và "Cửa Hàng Dành Cho Những Kẻ Ngán Sống" có đủ dụng cụ cho họ, dù là người lớn hay trẻ con. Cuốn sách phản ánh lên một góc tối tăm, một tình trạng đáng báo động của xã hội hiện tại. Khi con người phải đối diện với những góc tối trong bản thân mình. Họ phải chịu đựng nhiều nỗi đau, sự dày vò, phán xét, dằn vặt của lương tâm. Chịu đựng những áp lực bên ngoài xã hội, bên trong gia đình. Chịu đựng những nỗi niềm mà không thể giải thoát.

    "Cửa hiệu tự sát" xây dựng một thế giới giả tưởng trong tương lai, nơi mà mọi người có thể lựa chọn tự sát như một cái quyền được công nhận để giải tỏa hết những thứ trĩu nặng trong lòng. Tất nhiên, có vô vàn cách để giải quyết những sự ấy. Nhưng phàm thứ gì dễ dàng, nhanh chóng và nhiều người dùng, thì người ta lại ưa thích hơn. Mà cũng có lẽ, trong xã hội khi ấy, người ta cũng không có gì nuối tiếc, không có gì đủ sức níu giữ họ ở lại thế giới này. Vì vậy, họ dễ dàng lựa chọn cái chết để kết thúc những nỗi niềm trong họ.

    The Suicide Shop - Một cửa hàng "ban phát" tử thần lại là nơi chứa đựng ánh sáng hy vọng cho xã hội đang ngập tràn trong những sắc xám.

    Alan đến thế giới này như tia sáng le lói rọi xuống sau những tầng mây xám xịt, cậu cố gắng mang những điều tích cực đến với thế giới, cho những người tiếp xúc với cậu nhận ra được những bài học quý giá và thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống. Cậu khiến Marilyn nhận ra rằng cô vốn dĩ rất xinh đẹp, chỉ là cô (hay những người xung quanh cô) chưa nhận ra thôi. Cậu nhắc Lucrèce nhớ về mình lúc nhỏ, khi bà vẫn còn chờ đợi thật lâu để chứng tỏ cho mẹ rằng mình rất ngoan, để được đi một vòng đu quay và.. để được mẹ để tâm đến. Điều đó khiến bà quyết định và cho rằng quyết định nghe theo lời của Alan là đúng, và nên làm thế. Vì bà thấu hiểu được cảm giác khát khao một điều gì đó, khi trông thấy Alan và nhớ về mình khi còn nhỏ. Và Alan, khiến Vincent nhận ra rằng, thứ khiến anh ta biếng ăn và đau đầu đó chính là do những suy nghĩ trầm cảm và bộ dạng ủ rũ của anh. Khiến Vincent phải hứng thú với những trò nghịch ngợm của cậu. Và khiến Vincent thoát ra khỏi sự bó buộc của những dài khăn ru-băng, như chính chúng bó buộc tâm trí cậu.

    Và điều tuyệt vời nhất, là cha cậu, Mishima, cũng đã thay đổi vào đoạn kết truyện. Người những tưởng sẽ vô cùng khó khăn nhất, lại bất ngờ thay đổi vì chứng kiến Alan rơi xuống từ tầng ba của tòa nhà. Giây phút ấy, Mishima nhận ra rằng, ông đã bán biết bao dụng cụ tự sát cho bao nhiêu người. Cả mười đời nhà ông đều làm việc đó. Nhưng khi chứng kiến đứa con trai mình đối diện với tử thần, ông không đủ can đảm. Ông không muốn con trai mình phải chết, nhưng ông lại gián tiếp giết chết những người khác. Những người thân của họ sẽ suy nghĩ và chịu đựng như thế nào? Họ sẽ phải trải qua những gì? Ông đã bán cho một chàng trai một viên đạn 22li, và rồi mẹ của cậu ta cũng tìm đến cửa hàng nhà ông để tìm một thứ gì đó giúp bà ấy vượt qua được nỗi đau mất con. Trong giây phút ấy, ông hiểu được cảm giác mất đi người thân như thế nào. Mishima quyết định thay đổi.

    Và điều đó giúp Alan hoàn thành sứ mệnh của cậu nhanh chóng.

    Tôi đọc Kinh Thánh từ nhỏ. Trong những buổi Chủ Nhật (có khi cả ngày thường nữa), mỗi năm, lặp đi lặp lại, chúng tôi thường được nghe Cha xứ giảng Kinh Thánh. Và lần nào cũng thế, đoạn kết của Kinh Thánh bao giờ cũng là Chúa Jesus bị tử hình trên cây thập giá, sống lại sau 3 ngày và quay trở về thiên đàng, bởi ngài đã hoàn thành công cuộc cứu nạn của mình.

    Alan, có lẽ cũng như thế. Cậu được sinh ra trong một gia đình, là nơi "trung gian" cho cái chết trong một xã hội đầy rẫy những kẻ muốn đâm đầu vào cái chết, ngay cả chính phủ cũng lựa chọn cái chết để tạ lỗi cho sự bất tài của họ. Giữa một xã hội đầy những kẻ tối tăm trong nhân sinh quan ấy, Alan vẫn nở nụ cười và đã luôn giữ nụ cười ấy từ lúc sinh ra cho đến lúc hoàn thành sứ mệnh của bản thân mình. Cậu được đem đến thế giới này như để đánh thức xã hội khỏi sự u uất, sầu não, bi thảm. Là bông hoa giữa sa mạc cằn cỗi, là nụ cười giữa bóng đêm u tối. Cậu đã thực sự hạnh phúc và vui sướng, khi nhìn thấy lần lượt từng thành viên trong gia đình của mình thay đổi, chị gái cậu Marilyn, anh trai cậu Vincent, mẹ cậu - bà Lucrèce và cha cậu, ông Mishima. Họ nói liên tục đầy khát khao về những dự định tương lai, về đứa con của Marilyn, về cửa hàng bánh tráng của Vincent, về ngày mai của gia đình họ. Những vị khách trước kia tìm đến cửa hiệu vì muốn đưa mình vào vòng tay sự chết, nay lại hoan hỉ ghé thăm vô số lần bởi sự hấp dẫn nơi đây (có lẽ cũng bởi vì họ đã không chết), nơi duy nhất có tiếng cười và những điều tươi tắn.

    11 tuổi, Alan Tuvache buông tay để ngã từ tầng ba xuống đất, hoàn thành sứ mệnh mà cậu được giao phó khi đến với thế giới này.

    Bạn có tự hỏi tại sao trong một xã hội tối tăm, ủ rũ này, vẫn tồn tại những bài ca lạc quan, vui vẻ, tươi sáng? Có lẽ ngoài Alan, vẫn còn những con người lạc quan vui vẻ ngoài kia, nhưng họ không thể hay không biết cách thay đổi thế giới.

    Đôi khi người có thể thay đổi cả thế giới, chỉ cần là một đứa trẻ.

    Về tác giả "Jean Taulé" và cuốn sách "Cửa hiệu tự sát"

    Tác giả Jean Teulé sinh năm 1953, là nhà văn, tác giả truyện tranh, biên kịch phim điện ảnh và truyền hình người Pháp.

    "Cửa Hiệu Tự Sát" là một cuốn sách thuộc thể loại "Phản địa đàng" (Dystopia) – thể loại sách viết về một thế giới được xây dựng từ nền tảng là thế giới mà con người hiện nay đang sống. Tuy nhiên "Cửa Hiệu Tự Sát" lại là một thế giới đen tối hơn rất nhiều, đó có thể là một thế giới được gây dựng nên sau khi thế giới bị hủy diệt, hậu tận thế, hoặc một chính phủ bị lật đổ. Tuy nhiên, đây cũng là một thể loại sách rất nhân văn. Viết về cái chết để ca ngợi hạnh phúc được sống, là một cách thức để châm biếm và đả kích vào những mặt trái đang tồn tại trong xã hội loài người mà vô tình bị lãng quên hoặc buộc phải chấp nhận.
     
    Last edited by a moderator: 7 Tháng mười một 2022
  2. trangduong0932

    Bài viết:
    137
    Có những vấn đề mà chỉ sắp chết mới có thể nói ra, thế giới của Jean xây dựng là như vậy đó, nơi cái chết trở thành sự cứu rỗi. Alan chính là điểm sáng trong cả câu chuyện, đến khi đọc đến cái kết mới thấy như có gì nghẹn ngay cổ họng. Nói chung là một cuốn sách hay, nhiều điều đáng suy ngẫm. Thích câu "Quý khách thất bại trong cuộc sống? Đến với chúng tôi, quý khách sẽ thành công trong cái chết". Cảm ơn bài review của bạn nhiềuuu
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...