Tam thất là một vị thuốc quý được lưu truyền lâu đời, được xưng là chỉ huyết thần dược. Theo y học cổ truyền, tam thất vị ngọt hơi đắng, tính ấm. Bản thảo cương mục thập di viết: "Nhân sâm là đệ nhất bổ khí, Tam thất là đệ nhất bổ huyết, cho nên mới coi Nhân sâm và Tam thất là các vị thuốc trân quý nhất". Nhờ bổ vào tâm khí mà điều hòa được các hoạt động của huyết mạch, từ đó mà vừa có khả năng bổ huyết, vừa có khả năng chỉ huyết, phá huyết. Chúng ta thường dùng tam thất theo nhiều cách khác nhau, nhưng lại hoang mang không biết với trường hợp nào thì dùng tam thất như thế nào. Tôi xin đề cập đến ba cách dùng tam thất thông dụng nhất: 1. Làm liền vết thương lỡ loét, chảy máu (dùng ngoài) : Dùng tươi, rửa sạch, giã nát, sau đó đắp lên vị trí tổn thương. Trường hợp này thường kết hợp một số vị thuốc quý khác như nhũ hương, một dược, giáng hương.. 2. Chữa các chứng như xuất huyết, tổn thương do trật đả, đại tiện ra máu tươi: Dùng sống, thái phiến hay tán thành bột. 3. Dùng để dưỡng huyết, hoạt huyết, sinh tân huyết, bồi bổ cho những trường hợp cơ thể suy nhược, khí huyết bất túc: Dùng chín. Dân gian thường hầm cách thủy với gà. Liều dùng thông thường: Sắc uống từ 5 -10g, uống bột từ 1, 5-3, 5g Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, tam thất có tác dụng cầm máu, hoạt huyết, làm chậm quá trình lão hóa, chống ngưng tập tiểu cầu và sự hình thành huyết khối, cải thiện khả năng ghi nhớ, giúp cơ thể cường tráng.