Công dung ngôn hạnh trong thời đại ngày nay

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Nhật Thiên Thanh, 5 Tháng mười 2020.

  1. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    Công - Dung - Ngôn - Hạnh Là Gì?

    1. Nghĩa chung:

    Hiểu đơn giản thì đây là bốn đức tính, phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu mà một người phụ nữ thời xưa phải nên có. Bốn đức tính này nằm trong Tứ Đức (Tiếng Trung Quốc: 四德 sì dé). Hay còn có tên gọi khác là "Phụ Hành Đệ Tứ" : Phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công (以九教禦:婦德、婦言、婦容、婦功).

    2. Nguồn gốc:

    Công - Dung - Ngôn - Hạnh (Phụ Hành Đệ Tứ) thuộc Tứ Đức, vốn là một giáo lý được giải thích bởi một chương của phần "Lễ ký" trong sách "Nữ giới". "Nữ giới" là sách của Ban Chiêu thời Đông Hán, gồm bảy chương. Ban Chiêu am hiểu kinh điển Nho gia, lại dạy dỗ hậu phi trong cung về phụ đức, kinh sử, vì thế hiểu rất rõ về những tấm gương phụ đức thời trước. Về đời tư, bà góa chồng rất sớm, nhiều năm thủ tiết. Với những kinh nghiệm và học vấn như vậy, bà đã viết "Nữ giới" để răn dạy các con gái. Bà không thể ngờ rằng "Nữ giới" lại trở thành quyển sách giáo khoa hàng đầu cho phụ nữ phong kiến hàng nghìn năm.

    3. Nghĩa của từng đức tính:

    [​IMG]

    + Công (功 gōng) : là công lao, sự nghiệp, việc lớn. Có nghĩa là người phụ nữ khéo léo trong việc làm, đảm đang, tháo vát. Sự nghiệp lớn của người phụ nữ đó là chăm sóc con cái, gìn giữ gia đình hòa thuận hạnh phúc. Như lao động giỏi trên đồng ruộng với những đường cày thẳng tắp, với cấy lúa thẳng hàng, biết nội trợ, biết lo toan sắp xếp mọi công việc trong gia đình. Từ việc lo "cái mặc" như việc trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt vải, rồi vá may, thêu thùa.. phải thông thạo. Đến việc lo "cái ăn" như việc cấy hái, trồng trọt, cơm nước, nấu nướng cho bữa ăn hàng ngày, biết lo chu tất cho mâm cỗ, bánh trái cho ngày giỗ, ngày tết. Có thế khi "ra ở riêng" mới gánh vác nổi "Giang sơn nhà chồng". Chữ công đó sau này trở thành chuyên ngành nữ công gia chánh của phụ nữ. Người phụ nữ giỏi thì có thêm cầm kỳ thi họa, tức là biết đàn hát, đánh cờ, làm thơ và vẽ tranh.

    + Dung (容 róng) : là dung mạo. Dung mạo ở đây không chỉ chỉ ngoại hình, vóc dáng mà còn chỉ cách ăn mặc, trang điểm sao cho dáng người phụ nữ phải hòa nhã, gọn gàng sạch sẽ, biết tôn trọng hình thức bản thân. Thái độ, tư thế nhẹ nhàng, đoan trang, nghiêm chỉnh

    + Ngôn (言 yán) : là lời ăn tiếng nói. Ngôn có mặt trong tứ đức là bởi xã hội xưa cho rằng người phụ nữ phải biết cách ăn nói sao cho nhẹ nhàng, khoan thai, dịu dàng, không thô tục, hỗn hào. Cũng đừng the thé, phải mềm mỏng cho ai cũng dễ nghe. Ngoài ra, đó còn là cách phát ngôn trong ứng xử hàng ngày, với mọi thứ bậc và mọi mối quan hệ gia đình, xã hội như: Ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác, chồng con, xóm giềng.. Nếu trong các mối quan hệ ấy, việc sử dụng ngôn từ tỏ ra biết phải trái, biết điều hay điều dở, để phân biệt đối xử và ứng xử, khiến ai cũng vừa lòng và nể trọng. Người như thế được xem là người có văn hóa, có giáo dục. Thật ra mối quan hệ này vô cùng phức tạp và tế nhị.

    Trong dân gian người ta vẫn định chuẩn rằng: Cô gái biết nói năng mạch lạc, biết thưa gửi rành rẽ. Lời nói điềm đạm, lễ độ, ngọt ngào, biết trên biết dưới với bố mẹ, với anh em nhà chồng bà con họ mạc và bè bạn.

    Đối với chồng thì: Chồng giận, vợ nên làm lành. Rồi đợi lúc nào chồng nguôi giận, vợ chồng bên nhau, người vợ mới tỉ tê nhỏ to "góp ý". Chỉ có thế mới giữ được tổ ấm gia đình.

    + Hạnh (德 dé) : chính là đức hạnh, đạo làm người của người phụ nữ. Vì trong sự đánh giá toàn diện về con người, xã hội ta thường coi trọng đạo đức hơn cả. Có lẽ vì thế mà chữ Hạnh được xếp cuối cùng trong Tứ Đức, vì nó là điều quan trọng nhất, và cũng là điều khó khăn nhất. Hạnh ở đây, người xưa muốn đề cập đến vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Một người phụ nữ đức hạnh sẽ biết cách giáo dục con cái. Bởi họ có ảnh hưởng rất lớn trong việc nuôi dạy con cái. Nếu con hư, trách nhiệm đầu tiên xã hội quy về người mẹ: "Con hư tại mẹ". Nếu nhà có nề nếp kỷ cương, xã hội cũng quy công cho người mẹ: "Phúc đức nhờ mẹ".

    Ngoài ra, Hạnh còn nói đến người phụ nữ nên biết cách dung hòa mối quan hệ trong gia đình, làm tròn bổn phận và nghĩa vụ với ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu, họ hàng, xóm giềng và các mối quan hệ xã hội khác. Cụ thể là phải nết na trên kính, dưới nhường, ở trong nhà chiều chồng thương con, và hiền hậu mà ở với anh em họ hàng nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh mà cũng không cay nghiệt với ai.

    Thực ra, Tứ Đức thời xưa phần lớn là dành cho các gia đình quyền quý, vì các cô con gái mới có được sự giáo dục đầy đủ và có điều kiện để thực hành những khuôn mẫu văn hóa ấy. Còn ở tầng lớp trung lưu và dân thường, đặc biệt là nông dân thì Tứ Đức lại được hiểu một cách cụ thể hơn (thậm chí thô thiển hơn, ví dụ: Chữ Ngôn chẳng hạn, người ta hiểu rằng: Phụ nữ mà giọng khàn hoặc chua thì ngôn coi như hỏng; hoặc như chữ Dung thì thường được hiểu nghiêng về khía cạnh sắc đẹp của người phụ nữ như: Khuôn mặt trái xoan, thắt đáy lưng ong, răng đen hạt huyền)

    Công - Dung - Ngôn - Hạnh Trong Thời Hiện Đại

    Lưu ý: Dưới đây chỉ là quan điểm cá nhân của mình.

    [​IMG]

    Nếu ngày xưa, Công - Dung - Ngôn Hạnh là "thước đo chuẩn mực" cho phẩm chất của một người phụ nữ, thì ngày nay thước đo ấy lại ngày càng được đặt mức cao hơn nữa. Vì xã hội phát triển, con người ngày càng hiện đại hóa, thì vai trò của người phụ nữ cũng ngày càng được coi trọng và nâng cao. Ngoài những ý nghĩa cơ bản bên trên, ta có thể thấy:

    Với chữ Công: người phụ nữ hiện đại không chỉ ở nhà mà còn phải gia nhập vào xã hội, phải có công việc làm, tạo dựng được sự nghiệp, góp phần hỗ trợ kinh tế gia đình, và còn phải chăm sóc được cho gia đình êm ấm nữa.

    Với chữ Dung: khi xu hướng thẩm mỹ ngày càng đi lên của thời hiện đại, thì người phụ nữ phải chịu khó trang bị cho mình khối lượng kiến thức về thời trang, về cách làm đẹp cho bản thân mình, thì mới giữ được thanh xuân, giữ được hạnh phúc gia đình, và tạo được ấn tượng cho người đối diện trong mọi trường hợp.

    Với chữ Ngôn: người ta hay nói "Học ăn, học nói, học gói, học mở", thế nên lời nói, ngôn từ luôn là một con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng không khéo thì có thể hại người và hại luôn cả bản thân. Ngày xưa, lời ăn tiếng nói của người phụ nữ chỉ có ảnh hưởng ở mức "không đối chất" trong gia đình, hoặc xa hơn chút là xóm làng, nên áp lực với họ cũng không quá nặng nề. Nhưng ngày nay, phát ngôn của phụ nữ có ảnh hưởng cả đến chỗ đứng của họ trong công việc, ảnh hưởng đến xã hội, đến dư luận. Chỉ cần một phút bốc đồng, thiếu suy nghĩ, không khống chế được cảm xúc thì có thể gây họa bất cứ lúc nào. Họ dễ dàng mất đi thanh danh, sự nghiệp, gia đình, mất tự do, thậm chí là mất cả mạng, bởi những công nghệ lưu giữ bằng chứng tiến tiến. Thế nên, sự tinh tế trong giao tiếp là một bài học mà người phụ nữ phải học cả đời. Vì xã hội càng phát triển, con người lại càng khắt khe với nhau hơn trong từng lời nói.

    Với chữ Hạnh: khi xã hội phát triển, thì nhu cầu và ước muốn của con người cũng ngày càng cao hơn. Và người phụ nữ cũng không ngoại lệ. Thế nên, một người phụ nữ hiện đại, chữ Hạnh chính là sự dung hòa của họ giữa gia đình và sự nghiệp. Họ phải biết kiềm chế đam mê riêng của bản thân, gạt bỏ sự ích kỷ, tự tôn của cá nhân, để giữ được trọn vẹn tình cảm với những người họ yêu thương. Chữ Hạnh còn được đánh giá qua cách họ đối mặt, và cách họ giữ mình giữa muôn vàn cám dỗ, và cạm bẫy trong xã hội. Điều mà phụ nữ xưa ít phải đối mặt vì không có cơ hội tiếp xúc nhiều với xã hội như phụ nữ bây giờ. Tư tưởng và suy nghĩ thoáng của xã hội hiện nay vừa giúp nhưng cũng vừa hại đối với chữ Hạnh của người phụ nữ. Giúp ở đây là làm cho người phụ nữ có cuộc sống thoải mái, tự chủ, dễ dàng hơn, có quyền được chăm sóc bản thân mình nhiều hơn. Cũng như người phụ nữ được tôn trọng và được yêu thương nhiều hơn. Còn hại ở đây là sẽ khiến người phụ nữ dễ sa ngã, trở nên phóng khoáng, không trân trọng giá trị của bản thân mình, sai lầm trong lối sống, không còn giữ được phép tắc, lề lối như xưa. Nhất là những người phụ nữ trẻ tuổi. Một vài ví dụ điển hình: Ngày xưa, "trai tam thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng", phụ nữ không chung thủy bị lên án không thương tiếc. Còn ngày nay, một cô gái có thể cặp kè một lúc với nhiều người đàn ông cũng được xem là chuyện "thường tình ở huyện" vì xã hội hiện đại, nam nữ bình đẳng mà. Hoặc ngày xưa chỉ đàn ông mới có thể hút thuốc, nhưng ngày nay khi bạn thấy một cô gái cầm điếu thuốc trên tay, chắc không ít anh chàng sẽ bị hút hồn và ra sức theo đuổi vì nét ngầu cool đó của cô ta. Nhưng, nhưng, nhưng, thành thật với bản thân chút đi, thâm tâm tất cả chúng ta đâu có ai chấp nhận được những người phụ nữ như thế đâu, đúng không nè? Đó là lý do chữ Hạnh của người phụ nữ hiện đại không dễ giữ chút nào là vậy.

    Có vẻ như Công - Dung - Ngôn - Hạnh trong thời hiện đại còn khó hơn gấp đôi so với thời xưa nhỉ? Tuy nhiên, dù có khó đi nữa, thì riêng với mình, mình vẫn mong muốn sẽ giữ được và học theo bốn phẩm chất tốt đẹp này. Nhưng mình sẽ học theo trong sự chọn lọc, và làm theo trong chính kiến. Hy vọng các bạn cũng có thể tự suy ngẫm theo cách riêng của các bạn, để dung hòa được "Công - Dung - Ngôn - Hạnh" hợp lý nhất trong cuộc sống của chính bạn nha.
     
    Last edited by a moderator: 30 Tháng tư 2020
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...