Công dung ngôn hạnh là gì? Các bạn trẻ bây giờ, đặc biệt là nữ chắc hẳn rất quan tâm và tò mò về những thuật ngữ từng xuất hiện trong thời phong kiến như "tam tòng tứ đức" hoặc là "công dung ngôn hạnh".. Chúng có mối quan hệ gì với nhau, tách rời hay gắn liền bền vững? Ý nghĩa của nó là gì? Có quan trọng với cuộc sống này hay không.. Vậy bây giờ chúng ta cùng nhau gỡ rối từ từ đống tơ nhện khó hiểu và phiền toái này nhé. Tam tòng là chỉ về cuộc đời của một người phụ nữ phong kiến sống theo một quy luật nhất định, không có một lựa chọn nào khác. Sinh ra và khôn lớn theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng mất theo con (con trai). Điều đó cũng chính là minh chứng cho một xã hội phong kiến với lễ giáo khắc nghiệt, xem nhẹ người phụ nữ, đề cao người đàn ông, luôn buộc người phụ nữ phải sống theo khuôn phép, gánh chịu những cay đắng mặn chát của số phận. Theo Wikipedia: Công: Nữ công, làm việc chăm chỉ, chu đáo; Dung: Nét mặt, trang phục gọn gàng, chỉn chu; Ngôn: Nói năng, ứng xử cẩn trọng, lịch sự; Hạnh: Tính nết, đạo đức tốt đẹp. Đây là bốn đức tính tốt đẹp mà người phụ nữ cần phấn đấu vươn tới và đạt được, theo quan niệm truyền thống. Hình ảnh mà các bạn được chiêm ngưỡng vẽ về bốn người phụ nữ với bốn đặc điểm sắc thái khác nhau. Tuy nhiên ở họ vẫn tôn lên vẻ kiêu sa quyền quý, một phần gì đó lại rất đoan trang, dịu dàng, uyển chuyển. Chắc hẳn đa số các bạn đều đoán ra được bức tranh ấy muốn nói lên điều gì rồi đúng không ạ? Chính xác là vậy, đó chính là "tứ đức", bốn cô gái trong bức tranh tượng trưng cho bốn đức tính mà một cô gái tồn tại trong xã hội phong kiến bắt buộc phải có, "công, dung, ngôn, hạnh". Có thể một số bạn xem phim truyện này nọ và sẽ nghĩ rằng thấy trong phim nam nữ cũng rất bình đẳng mà? Thế nhưng phim thực tế đã bị biến hóa và che mờ đi những góc khuất của xã hội ấy rồi các bạn nhé. Nếu cô gái phong kiến thiếu đi một đức tính trong bộ tứ đức thì có thể sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng và ám ảnh đến suốt đời đấy ạ. Vậy với xã hội ngày nay thì "công dung ngôn hạnh" có còn cần thiết và tồn tại nữa không? Chắc một số bạn trẻ lại tặc lưỡi mà lắc đầu bảo không, bảo là cái đó chỉ thuộc về xã hội cũ, giờ khác rồi, ai còn thế nữa. Nhưng không phải như vậy đâu các bạn nhé, tùy vào từng điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau mà "công dung ngôn hạnh" được hiểu theo một nghĩa khác nhau và được đổi mới, biến hóa thành một hình ảnh đặc biệt, nhiều màu sắc cũng như được tô điểm thêm để nó trở nên lung linh và lộng lẫy hơn. Chữ "công" theo quan niệm ngày xưa được hiểu là nữ công gia chánh, may vá thêu thùa, tề gia nội trợ, nuôi dạy con cái khôn ngoan, hiếu thảo. Họ đã phải học làm một phụ nữ từ khi mới 5, 6 tuổi hoặc nhỏ hơn thế với những giáo huấn khắt khe. Hic, khi ấy thì mình vẫn còn bi ba bi bô chưa biết làm việc gì ngoài ăn với ngủ. Có nghĩa khi ấy một người phụ nữ phải giỏi việc nhà, bất kể một công việc gì liên quan đến nhà cửa, con cái đều liên quan và đến tay phụ nữ, và đó cũng chính là lý do tại sao lúc con hư hỏng, khó bảo lại bị nói "tại mẹ", nhưng cớ sao lúc con ngoan, đỗ đạt thì vai trò của người mẹ lại bị phai mờ đi? Chữ "dung" nói đến dung nhan, vẻ đẹp bề ngoài xinh đẹp hiền dịu cùng với vẻ đẹp tâm hồn thùy mị nết na, duyên dáng. Với xã hội cũ thì phụ nữ càng vâng lời, ít nói, e lệ, cấm cung quả là thục nữ đạt chuẩn với yêu cầu của họ. Bên cạnh đó cách ăn mặc phải hòa nhã, gọn gàng, chỉnh chu, không quá ngắn cũng không quá dài.. Chữ "ngôn" hiểu nôm na là ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói phải nhỏ nhẹ, kín đáo, bảo dạ gọi vâng, nói không với việc cãi lời nam nhân, cư xử đúng phép tắc, lễ nghi. Một giọng nói nhẹ nhàng, thiết tha sẽ dễ động lòng người và thuyết phục và lấy lòng người khác hơn dù đó có là người khó tính hay hung dữ đến mức nào. Chữ "hạnh" được ví như đạo đức của một con người, phải giàu lòng nhân hậu, biết yêu thương mọi người, biết phải trái đúng sai. Và hơn tất cả họ phải chung thủy trước sau như một. Nếu nam nhân có thể ba thê bảy thiếp thì họ từ lúc kết hôn đến khi rời biệt cuộc đời cũng chỉ duy nhất một đời chồng mà thôi, ngay cả đến trong tư tưởng họ cũng không được nghĩ đến. Nếu không sẽ chịu những hình phạt như cạo đầu bôi vôi hay chôn sống, thiêu sống.. "Tứ đức" ảnh hưởng rất lớn đến xã hội xưa, nó nhằm để định hướng, giáo dục ý thức phụ nữ với mục đích ổn định xã hội, bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị và vai trò của nam giới, giữ gìn tiết hạnh của một người phụ nữ. Tôn trọng kỉ cương, nề nếp gia đình và giáo dục phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Phải nói rằng dù những lý thuyết mà xã hội phong kiến cũ đặt ra đôi chỗ rất vô lý và khó có thể chấp nhận được, có phần hơi thiệt thòi cho chị em phụ nữ nhưng đằng sau đó lại hình thành, giáo dục và đáp ứng với yêu cầu phát triển của xã hội đặt ra. Thời nay thì sao? Nếu như bạn thấy một cô gái thời cũ với đầy đủ đức tính công dung ngôn hạnh xuất hiện tại đây bạn sẽ giật mình hoảng sợ phải không? Bởi giờ đây xã hội đã khác, văn hóa lịch sử cũng đã tiến bộ hơn xưa, chúng ta không thể mãi mãi tồn tại những suy nghĩ và quan niệm lạc hậu cổ hủ ấy được nữa. Phụ nữ thời nay không chỉ biết mỗi việc ở nhà chăm lo cho gia đình nhỏ của mình nữa mà còn phải đi ra ngoài giao tiếp, học hỏi và làm việc. Trách nhiệm cũng như sứ mệnh của họ bây giờ không khác gì một người đàn ông con trai. Không ai có thể so sánh hay khinh thường họ mà có khi còn phải ngưỡng mộ, khâm phục vì họ quá giỏi, những việc mà trước giờ chỉ nghĩ dành cho đàn ông thì họ hiện tại làm rất tốt và còn ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Chính vì vậy càng phải khẳng định rằng xã hội càng phát triển thì cụm từ "tứ đức" không còn giữ nguyên nghĩa mà nó vốn có mà được mở rộng ra, bay cao bay xa hơn. Con gái bây giờ có thể ăn to nói lớn, cá tính thỏa sức thể hiện. Không nhất thiết phải khép nép e lệ xấu hổ này nọ. Họ thực sự trở nên mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn, có tiếng nói riêng của mình, xứng đáng là một người phụ nữ hiện đại. Nhưng không phải vì thế mà họ quên đi mình là ai, bản thân mình cần làm những gì để bảo vệ nước nhà và quê hương. Phải đối xử với người lớn ra sao, cha mẹ như thế nào. Một người phụ nữ hoàn hảo đầy đủ tứ đức ở thời hiện đại chính là giỏi việc nước, đảm việc nhà, luôn luôn cố gắng nỗ lực hết bản thân mình để hoàn thiện hơn, thành công hơn. Bởi vậy không chỉ có vẻ đẹp về nhan sắc tuyệt trần, về đức hạnh mà họ còn phải có thêm trí tuệ, sự thông minh, khôn khéo, có thể ứng phó mọi việc, dù là ở trong bất cứ tình huống, thử thách nào họ đều bình tĩnh vượt qua. Nhắc đến người con gái tứ đức thì các bạn có thể nghĩ đến những cuộc thi hoa hậu trên đất nước mình hay rộng hơn là trên toàn thế giới. Những cô gái ấy chắc hẳn phải công dung ngôn hạnh rồi, vì chỉ có thế họ mới xứng đáng để chiếc vương miện ấy ngồi vững trên đỉnh đầu của mình rồi. Họ thật tuyệt vời phải không nào? Tóm lại, công dung ngôn hạnh là những yếu tố không thể thiếu được của một người con gái trong bất kì thời đại nào và tất nhiên sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với lịch sử văn hóa ở thời đại đó. Và đối với phụ nữ thì việc trau dồi phẩm chất của bản thân và việc chăm sóc sắc đẹp của chính mình là một việc luôn luôn cần thiết, nhất là sắc đẹp về tâm hồn, trái tim. Nó luôn được đề cao và trân trọng dù xã hội có đổi thay như thế nào. Như vậy, nếu tứ đức ngày xưa là thước đo để người phụ nữ suốt đời rèn luyện phấn đấu thì ngày nay, nó là một chuẩn mực và đã được bổ sung thêm nhiều nét mới hợp với xu hướng thời đại của thế kỉ 21 hơn, văn minh và tươi sáng hơn. Suy cho cùng thì tuyệt vời nhất chính là sự kết hợp giữa người phụ nữ truyền thống và những tính cách của phụ nữ hiện đại. Bởi sự bao dung, dịu dàng, đức hi sinh là thiên tính của người phụ nữ (ở bất kì thời đại nào), mà chúng ta không thể chối bỏ. Và phẩm chất ấy càng được thể hiện rõ nét qua bốn chữ: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Đây là chút chia sẻ của mình đến các bạn. Thân gửi.