Tên truyện sưu tầm: Con gái Tác giả: Phan Thị Như Quỳnh Thể loại: Truyện ngắn Văn án: Có những thời điểm mà những người tốt tự hỏi: "Việc tốt có nên làm hay không?" Câu chuyện: Con gái - bố nợ con một người mẹ 00: 35, trời tối đen, mưa tầm tã, sấm chớp dội vọng.. Một sinh viên y4 như Lệ Thảo, đã từng đi trực ở các khoa Nội rồi Ngoại, ghê rợn với những cảnh lóc thịt, rửa vết thương khi bệnh nhân bị tai nạn, thậm chí từng quỳ sụp xuống mà khóc òa khi không thể cứu được bệnh nhân - bất lực, chơi vơi và hoang mang nhìn mọi thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mình. Mọi cảm giác dường như đã từng trải qua. Mọi thứ đều đang đến từ từ và đúng sự tiên lượng của các bác sĩ Khoa Sản: "Khó lòng mà giữ nổi được cả mẹ và con." Cô sợ, cô lo. Đúng là vậy, chưa bao giờ cô sợ đến vậy. Cái nỗi sợ như sợ người thân của mình sắp đi xa. Có lẽ là sự đồng cảm vì chính cô cũng là một đứa con muộn của gia đình. Bố mẹ Lệ Thảo lấy nhau được hơn 10 mà chưa có một mụn con. Mẹ Thảo vốn là bác sĩ, mải theo con đường học tập, rồi công việc cứ vô tình quấn chặt lấy mẹ cô. Bố cô là quân nhân, thường xuyên xa nhà đi công tác. Những ngày nghỉ phép về thăm gia đình chỉ vẻn vẹn đếm trên đầu ngón tay còn dư. Thuốc thang khắp nơi, cuối cùng mẹ cũng có Thảo. Vì muốn giữ được Thảo, mẹ đã chịu biết bao nhiêu mũi tiêm, bao cơn gồng cứng để nén nỗi đau, biết bao giọt mồ hôi hòa với nước mắt lăn đều lăn tràn trên má. Sinh Thảo ở tuổi 43, mẹ phải mổ. Trời ơi! Qua bao nhiêu lớp da, cơ, rồi vào tử cung, mổ ra rồi khâu lại. Lúc mổ, mẹ yếu, rất yếu, lại mất máu nhiều. Nhưng may mắn đã mỉm cười với gia đình Thảo, mẹ cô qua cơn nguy kịch. Thảo được chăm sóc trong lồng kính hơn 2 tháng. Khoẻ mạnh và tươi cười Thảo về với vòng tay ấm áp của mẹ. Cô cứ thế lớn lên trong sự đong đầy tình yêu, trong sự vỡ òa của hạnh phúc có chút muộn màng. Những giọt nước mắt đều bị cô giấu nhẹm đi sau những đêm ngủ cùng bà ngoại khi mẹ đi trực. Bà kể về mẹ, về đứa con gái dại dột của bà. Cô thương mẹ. Khi gặp chị ở khoa Sản, cô luôn thán phục và ngưỡng mộ chị Lê - một sản phụ đang nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt chờ ngày sinh. Biết mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi con được 10 tuần tuổi. Chị bật khóc. Ấy vậy mà chị mạnh mẽ đến lạ thường. Bất chấp sự khuyên nhủ của các bác sĩ, chị nhất quyết không dùng kháng sinh để giữ con. Có thể nhiều người nói chị dại dột. Không được lần này thì để lần sau mang. Còn người là còn của, còn mình thì còn con. Nhưng chị, chị yêu con, chị vì anh, chị nhất định phải giữ được con - đứa con đầu lòng sau 18 năm mòn mỏi chờ đợi của anh chị. Chị giấu anh chuyện bị bệnh, giấu đi những cơn đau hằng ngày, giấu cả những giọt nước mắt khổ đau, chị tự mình gánh chịu. Chị yêu anh. Số phận đã mang hai con người không hoàn hảo đến với nhau xây nên một tình yêu hoàn hảo đến không ngờ. Chị đã qua một lần đò, bị gia đình chồng ruồng bỏ vì "không biết đẻ." Ai biết đâu rằng, sau những trận ghen tuông vô cớ của chồng là những trận đòn liên tiếp giáng vào bụng người con gái đẹp nhất nhì thôn ấy đã khiến chị khó mang thai đến nhường nào? Thậm chí khi có tin vui rồi thì luôn trong tình trạng "dọa sảy," rồi sảy thật. Còn anh, một người nông dân chân chất, thật thà chẳng may mất một cánh tay vì máy thái chuối. Anh thương chị bằng tất cả những gì anh có. Cơm, rau mang vào viện chăm vợ tuy có phần giản đơn nhưng lúc nào bữa cơm của anh chị cũng đượm đầy nụ cười, hi vọng. Đôi tay gầy gò chịu nhiều sương gió, bón chị từng thìa cơm tròn đầy, anh luôn mồm hối vợ: "Ăn đi mình, cố mà ăn cho khoẻ mẹ, con khoẻ. Không ăn lấy đâu sức mà dặn, mà đẻ." Chị bật cười, cố gắng ăn vài hạt cơm cứng ngắc, nghẹn cổ cho anh đỡ lo. Bao nhiêu tiền tích cóp, tiết kiệm bấy lâu nay, chị giành trọn cho con. Chị biết, anh chịu nhiều lời ra tiếng vào của thiên hạ khi lấy chị - gái một đời chồng, còn son cái đỗi gì mà lấy. Anh là người kéo chị ra khỏi người chồng tệ bạc ấy, kéo chị về bên anh, kéo lại cả những niềm vui mà chị xứng đáng có được khi chị vội vàng định kết thúc mọi chuyện tại sông Hồng - con sông đỏ nặng phù sa, bồi đắp hay cuốn lấp đi bao đau khổ? Không chỉ vì tình mà còn vì nghĩa, chị nợ anh quá nhiều thứ. Chị dùng cả mạng sống để trả cho anh. Chị nợ anh một mạng, chị nợ anh một ân tình. Anh còn là con độc đinh trong gia đình. Chị chỉ nghĩ được rằng sinh con cho anh là điều chị nhất định phải làm được. Hẳn là anh sẽ vui lắm! Anh cứ trêu chị: "Em này, đặt tên con nó là Mơ đi, Nguyễn Thị Mơ. Con gái, bố mẹ mơ mãi mới được!" Đôi mắt anh ánh lên đầy hi vọng, sáng lên. Đẹp thật! Chị ngắm anh rồi phá lên cười, đáp lại tinh nghịch: "Thật còn chả ăn ai còn mơ! Ảo quá!" Giá mà những giây phút này cứ kéo dài mãi thì tốt biết mấy. Thật vui vẻ, hạnh phúc biết bao! Không hiểu sao, ngay từ những phút đầu cầm bệnh án của chị Lê, Lệ Thảo có cảm giác rất gần gũi với chị từ khi chị mới nhập viện. Chị vừa điều trị, vừa giữ bé từ tháng thứ nhất đến cận kề ngày sinh. Anh vẫn như ngày đầu tiên chị nhập viện. Ân cần và tỉ mỉ, lo cho vợ từng cái áo, cái chăn, từng cái màn, bữa ăn. Có hôm, ngày mùa bận đồng áng, dù muộn anh vẫn mang cơm tới ăn cùng chị. Đi vội, mồ hôi vẫn còn vương trên trán. Quần áo anh đơn giản, vài bộ công nhân nâu sờn, nhuộm bụi sương gió. Làn da nâu bóng, rám đỏ. Bàn tay chai sạn vì công việc nặng nhọc vẫn nhẹ nhàng chăm vợ khéo đến vậy. Nhưng dường như không phải lúc nào ông trời cũng trông tỏ mọi chuyện, càng ngày sức khoẻ chị càng yếu. Bệnh chị ngày càng nặng, suy phổi biến chứng thành suy tim. Chị khó nhọc cố gắng gượng từng hơi thở, đợi con đủ ngày đủ tháng hãy ra bên ngoài. Cuộc sống không có nghĩa là dễ dàng. Chị đã cố đến tháng thứ 8 rồi. Chị phải gắng gượng thêm, một chút nữa thôi. Nhưng chị lo cho con nhiều lắm. Lệ Thảo thông báo rằng, do vừa bị bệnh, vừa bị di chứng từ những trận đánh, cơ địa chị rất yếu, dễ sinh non. Con càng non tháng thì càng khó nuôi. Mỗi ngày qua đi, chị thêm phần nhẹ nhõm khi con vẫn chịu ở trong lòng mẹ. Chị biết con khó chịu lắm rồi, những cơn co cứng tử cung như muốn đùn con ra bất cứ lúc nào. Con giật mình, con đạp, con khua tay, từng cử động chị cảm nhận được hết. Nhưng cái gì đến rồi cũng sẽ đến như quy luật bất biến của tự nhiên, chị Lê lên cơn đau đẻ dữ dội, rau cài răng lược, vỡ ối, mổ cấp cứu. Tiên lượng dè dặt: "Khó lòng mà giữ nổi cả mẹ lẫn con." Anh thẫn thờ, miệng lắp bắp không nên lời. Có chăng tất cả là ánh mắt cầu cứu tới các bác sĩ, cứu cả hai mẹ con. Trong giây phút định mệnh, khi trong tiềm thức chị còn suy nghĩ, còn tỉnh táo, mắt chị mờ đi vì đau, vì nước mắt, chị cố gắng dùng hết những hơi sức bình sinh, níu tay bác sĩ mà nói: "Cứu con tôi, bác sĩ ơi!" Chị dần dần đi vào cơn mê man, có lẽ chị đang mơ về con, mơ thấy con cất tiếng khóc chào đời. Giọt nước mắt lăn, trôi tuột, chị mỉm cười mãn nguyện. Cánh cửa phòng phãu thuật đóng lại, số phận chị cũng khép lại. "Chuyện đến giờ mà cô vẫn còn giấu tôi, cô còn giấu tôi những chuyện gì nữa? Cô nói đi?" - anh tức giận, mắt đục ngầu, đỏ quạch, gằn lên với Lệ Thảo. Chưa bao giờ cô thấy một người đàn ông hiền lành trở nên tức giận lại đáng sợ đến vậy. Anh giận chính bản thân mình, cứ say sưa trong hạnh phúc mới chớm nở mà không biết vợ mình đang như thế nào? Anh hận bản thân người đàn ông không thể làm chỗ tựa cho vợ để vợ một mình gánh gồng, cáng đáng mọi chuyện. Bất lực, anh thấy mình kém cỏi, không xứng đáng làm chồng. Lệ Thảo - cô cũng dũng cảm đấy chứ, dám giấu chuyện chị bị ung thư không để anh hay biết. Chị Lê - người đã xin phép cả bác sĩ và cô giữ kín bí mật này. Việc đau đớn chỉ mình chị đau là đủ rồi. Một tiếng đồng hồ trôi qua, rồi hai rồi ba.. Phòng phẫu thuật vẫn im lặng, mưa bắt đầu ngớt, chỉ còn tiếng giọt gianh lâu lâu "tạch" một cái, phá vỡ không gian quá tĩnh mịch ấy. Lệ Thảo cũng lặng im, chờ đợi. Học y năm thứ 4, đang thực tập Sản, những kiến thức học hằng giờ đủ để cô hiểu, rau cài răng lược - hiếm gặp nhưng nguy hiểm biết chừng nào. Mẹ không phải là dường như mà hầu như đều tử vong khi sinh con do rau thai bám, xâm lấn vào các nội tạng của mẹ. Hay nói cách khác, con càng lớn, nội tạng mẹ càng bị phá hủy, xung huyết, mất máu cấp tính mà tử vong. Cả nước chỉ có 3 bác sĩ chuyên khoa Sản, 2 ở Hà Nội, 1 ở TP. HCM có tỉ lệ mổ thành công cao. Cô lo, cứ đi lòng vòng mà hai tay cuộn chặt lấy nhau cho đỡ run. Tháng mười một, cái rét đến thấu xương kèm theo mưa giá làm cho con người ta run hay vì điều gì đó đáng sợ hơn cả sự lạnh lẽo, trống trải. Cái kết dường như đã thấy trước, nhưng cô hiểu vì sao chị Lê lại chọn con đường ấy. Con đường chẳng hề dễ đi mà trái lại đầy gai góc, thử thách, mất đi cả mạng sống, chị vẫn tiếp tục bước. Lệ Thảo như nhớ lại câu chuyện cuối cùng của buổi chiều nay với chị, người dựa tường, đầu hơi cúi, cô nhớ như in khoảnh khắc chị ngắm con, chị nói thầm: "Nếu mẹ cứ tiếp tục bước tiếp, con sẽ được bước đi. Thà để mẹ ra đi còn hơn để con không được bước." Cánh cửa phòng phẫu thuật vẫn im ắng. Lệ Thảo thả những suy nghĩ miên man đi lang thang. 05: 15, trời tang tảng sáng Cuối cùng cũng có tiếng động phát ra từ phòng phẫu thuật. Cánh cửa mở, bệnh nhi bị suy hô hấp do sặc nước ối, sinh non 1 tháng, được chuyển ngay tới khoa Nhi nuôi dưỡng trong lồng kính. Sản phụ, sản phụ mất máu quá nhiều, trụy mạch, ngừng tim ngay trong phút giây bé con cất tiếng khóc chào đời. Cái chết cho một mầm sống, bắt đầu từ một kết thúc. Sau gần 5 tiếng đồng hồ phẫu thuật, anh như bình tâm lại. Anh điềm tĩnh lại bên bác sĩ, hỏi về vợ, về con mình. Anh hiểu các bác sĩ đã cố gắng hết mình. Nhưng ở bệnh viện tuyến huyện, nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu nhiều y bác sĩ giỏi, cứu được bệnh nhi cũng đã là một sự cố gắng đầy nỗ lực của họ. Anh cảm ơn bác sĩ, quay gương mặt thãn thờ ra sau, bước đi vô định. Anh ngắm chị lần cuối, anh không khóc, nước mắt chảy ngược vào tim, đau đến ngộp thở. Anh mỉm cười như muốn chị lưu giữ khoảnh khắc đẹp nhất về anh. Anh tiễn chị đi tới con đường cuối cùng để chị có một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn khi bên anh. Anh để chị đi. Chị đi. Trời sáng, Một mớ các giấy tờ thủ tục làm cho con nhập viện, anh đều đã nhanh chóng làm xong. Anh đứng hồi lâu, ngắm con từ bên ngoài phòng chăm sóc đặc biệt ở khoa Nhi. Con gái, con đến với bố thật rồi! Gọi con ở nhà là Mơ nhé. Con và mẹ mãi mãi là một giấc mơ đẹp với bố. Cũng vẫn đôi bàn tay gầy gò sương gió ấy, chạm lên cánh cửa kính như muốn gần con hơn chút nữa, chút nữa thôi. Con đang say giấc ngon lành kể cả khi không có mẹ kề bên. Kiên cường lên con gái của bố. Nhưng nhất định sau này có chuyện gì, không được giống mẹ con, tự mình quyết định. Phải nói cho bố nghe, phải chia sẻ với bố để cũng nhau vượt qua mọi giông bão cuộc đời. Bố con mình là một. Bố, bố nợ con một người mẹ! Bố xin lỗi, con gái! Cả ca trực đêm qua, Lệ Thảo không chợp mắt được lúc nào. Cô bâng quơ, suy nghĩ về đời, về mình, về gia đình. Thấy mình con may mắn hơn rất nhiều người. Có gia đình, có người thương yêu, vậy mà cô còn đòi hỏi. Thuê nhà trọ phải có điều hòa, quần áo phải đẹp, đồ ăn phải ngon, trong mớ bòng hong, hỗn tạp những thứ thú vị đó, cô nhận ra cái lẽ được sống, được già đi với thời gian còn quí giá hơn mọi thứ trên đời. Cuộc sống vốn không công bằng. Người có tất cả, người chịu nhiều khổ đau từ khi sinh ra đến lúc lìa đời. Có thể ta không thay đổi được vận mệnh, cũng chẳng có cách nào ngăn chuyện buồn không tìm đến ta, nhưng ta có quyền nhìn nhận mọi thứ theo cách của mình. Buồn hay vui là do mình lựa chọn cách sống. Dẫu sao, anh cũng có con gái - niềm an ủi, niềm vui duy nhất của anh hiện tại. Hằng ngày, anh vẫn thường xuyên mang sữa, đồ đạc đến cho con. "Trộm vía, con bé ăn được nhiều sữa, bụ bẫm, khua tay, múa chân trong lồng suốt. Tuần tới, là đón con gái ra khỏi lồng rồi." - anh vui vẻ, cười nói, khoe với mọi người. Lệ Thảo từ xa đi lại, cũng nghe được câu chuyện của anh. Cô vui. Cô cũng thường lui tới thăm Hoài An - con gái chị Lê. Tên con như ước vọng của mẹ con vậy - cuộc sống của con mãi mãi bình an con nhé! Cô ngắm Hoài An từ xa, con bé kháu khỉnh, đạp chân, cựa quậy. Hẳn sẽ tinh nghịch lắm đây. Hóa ra hạnh phúc nó đơn giản đến vậy - trông thấy một mầm non đang lớn. Như Quỳnh Phan