Con điên Tác giả: Ly Thể loại: Truyện ngắn Cuộc thi Nét bút tuổi xanh – Tuần thứ mười lăm Chủ đề: Mẹ (nguồn ảnh minh họa: Google) Nó bị người ta chế giễu là con điên, con hoang. Nó sống ở gầm cầu với một người đàn bà bị điên. Mặc dù biết người này chính là người đã sinh ra nó, nuôi dưỡng nó những năm tháng vô tri chưa hiểu biết gì về thế giới khắc nghiệt này qua lời kể của những người chứng kiến nhưng nó chưa bao giờ mở miệng gọi người đàn bà là mẹ. Nó không chấp nhận được bản thân có một người mẹ điên. So với những con người nông cạn nơi đây – chỉ biết sống qua ngày dựa vào lòng thương hại của kẻ qua người lại, suy nghĩ của nó khác hơn nhiều. Nó muốn vươn ra cái gầm cầu này, muốn trở thành một người lắm tiền nhiều bạc, được kẻ khác cung kính, đón đưa như những vị khách hạng sang của nhà hàng, của các dãy nhà cao tầng với ánh đèn neon lóa mắt. Nhìn lại người đàn bà điên ú ớ không nói được chữ nào, cứ a a như trẻ con tập nói, đưa nó mẩu bánh mì vụn người ta vứt bỏ ở bãi rác, ra hiệu nó ăn kẻo đói. Một trận phiền chán ập lên trong đầu, nó gạt phăng tay người đàn bà, mẫu bánh mì lăn lóc trên mặt đất. Người đàn bà điên hốt hoảng chạy vội lụm lên, sợ người ta tranh đoạt mà giấu hẳn vào lồng ngực mình. Một bên phủi bụi đất lấm lem, một bên lúc lắc đầu nhìn nó ngạc nhiên. "A.. a.. ơ.. ă.. n" Người đàn bà phủi sạch bụi rồi đưa nó, miệng phát ra những âm thanh ngắt quãng. Nhưng bánh mì đã ở bãi rác, có phủi cỡ nào cũng không xóa bỏ được dấu vết bãi rác hằn trên bánh. Nó nhìn mẩu bánh mì rồi tự hỏi, phải chăng sau này nó cũng sẽ như thế, dù có cố gắng vươn ra đến đâu, có phủi sạch bụi bẩn đến đâu cũng không chối bỏ được nó đã từng sống ở gầm cầu và có một người mẹ điên? Nó không để ý đến người đàn bà đang ú ớ nữa, nó quay mặt đi, co ro trên miếng nệm cũ rích, lò xo bung ra tùm lum mà chợp mắt nghỉ ngơi. Nó quyến luyến hương thơm nức mũi phát ra từ nhà hàng, tham lam ánh sáng đẹp đẽ của đèn chùm vàng óng. Nó ôm vô vàn ý nghĩ, vô vàn mơ mộng về tương lai sau này mà chìm vào giấc ngủ. Người đàn bà điên ngơ ngác nhìn bóng lưng của người đang nằm, sau đó nhặt miếng vải thô ráp bên cạnh đắp lên người nó cho ấm áp. Một bên vỗ nhẹ tấm lưng, một bên ú ớ như ngâm nga khúc ru nào đó. Đêm ở gầm cầu, tiếng muỗi vo ve không ngừng. Mùi tanh tưởi từ rác sinh hoạt xộc vào cánh mũi khiến nó trằn trọc mãi mà không ngủ được sâu giấc. Nó tỉnh dậy, người đàn bà điên đã tựa vào một góc nệm ngủ ngon lành. Dường như bà đã quen với mùi hôi thối này, quen với vết ngứa do muỗi để lại. Nhìn bàn tay chai sần, dơ dáy và hôi hám của mình, hai hàng nước mắt chảy dọc gương mặt lúc nào không hay. Nó là con gái, nó cũng muốn làm đẹp, muốn trở nên xinh xắn như những người bạn đồng trang lứa. Họ thật hạnh phúc, nó nghĩ, vì họ có cha và mẹ, được học hành, được vui chơi mà không phải lo nghĩ điều chi. Được thoải mái ra ra vào vào những nơi sang trọng, được ăn những món ngon, được mặc những quần áo đẹp. Càng nghĩ, nó càng tủi thân, đôi mắt nhuộm một màu đen thẫm từ mặt sông ánh vào. Bên kia bờ, là dãy nhà biệt thự. Nơi đó không ẩm thấp, không hôi hám, không âm u mà rực sáng như ban ngày, tỏa ra mùi hương từ hoa thơm cỏ lạ hơn nữa sạch sẽ vô cùng và là nơi mà nó có mơ cũng không bao giờ đặt chân lên được. Người đàn bà điên phát ra tiếng ú ớ vì lạnh, tâm trạng bị lây nhiễm bởi vẻ đẹp từ bên bờ đối diện bị cắt ngang. Nó nhận rõ hiện thực, nhận rõ nơi nó đang ở cách biệt thật nhiều với bờ sông bên kia. Nó thở dài, cầm mảnh vải thô đã có hơi ấm từ người mình mà đắp lên cho người đàn bà. Sau đó, nó nhìn quanh một lượt gầm cầu. Đây là nơi nó đã từng sống thật nhiều năm, những con người không có nhà, không có người thân tập trung ở đây, xem đây là chỗ ngủ, chỗ tránh mưa, tránh nắng thường ngày. Nhưng nghĩ đến tương lai, nghĩ đến ánh sáng nó quyến luyến, nó quyết tuyệt đứng dậy rời đi trong đêm. Người đàn bà điên lại nổi điên, bà ôm một con búp bê đã cũ nát đi khắp nơi. Nghe người ta nói, bà tìm con mình. Đến đâu, người đàn bà cũng ú ớ chỉ vào con búp bê, miệng khó khăn phát ra tiếng: "Con.. c.. on." không trọn vẹn. Người ta sợ hãi người đàn bà, cho rằng bà điên lại quấy nhiễu mà xua đuổi không ngừng. Đôi khi có người thương hại bà nán lại hỏi han nhưng khi nghe những âm thanh không rõ ràng, liền mạch như vậy đều phiền chán bỏ đi. Người đàn bà lang thang khắp nơi, đói bụng thì bới rác hoặc tranh thức ăn cùng chó hoang. Bị nó cắn cũng không màng tới, vết thương trên chân người đàn bà ngày một nhiều hơn. Buồn ngủ thì tìm một góc đường nào đó ngủ tạm, bị người ta đuổi thì lại tìm một chỗ khác. Cứ như vậy trôi qua thật nhiều năm, không ai biết người đàn bà điên như thế nào, đã tìm được con chưa hay đã chết ở một xó nào đó. ** * Ngày nó rời khỏi gầm cầu, nó nhảy xuống sông kì cọ người ngợm mình cho sạch sẽ, buộc tóc mình lên cho gọn gàng. Vốn có chút nhan sắc được thừa hưởng từ người mẹ điên của mình, nó rất nhanh được người ta để ý và tìm đến. Họ mời chào nó để đào tạo ca hát, khiêu vũ. Vì muốn có cuộc sống tốt hơn, nó nỗ lực đến liều mạng. Kết quả như mong đợi, nó trở thành ca sĩ nhí cùng đoàn đội phiêu bạt đó đây để hát cho gánh hát, biểu diễn cho các hội chợ.. Mặc dù bị người ta bóc lột sức lao động, nó vẫn lấy đó làm vui mừng vì ít ra nó không còn sợ đói, không còn sợ lạnh như hồi đó. Ít ra, nó có nơi để ở, dù không lộng lẫy nhưng so với gầm cầu thì tốt hơn nhiều. Ít ra, bọn họ vẫn sẽ cho nó chút tiền sinh hoạt mặc dù cách tương lai nó mường tượng còn xa lắm nhưng nó tin rồi đây nó sẽ vươn cao hơn nữa. Đây không phải là chung điểm nó mong muốn. Sau đó, nó được một người giàu có để ý. Anh ta hứa hẹn sẽ cưới nó làm vợ, cho nó cuộc sống sung túc nó hằng mong muốn. Nhưng khi đã trao thân lẫn tâm cho người, nó lại bị anh ta ruồng bỏ, mắng nhiếc và giè bễu loại xướng ca vô loài như nó vẫn trông mong sẽ có được một tấm chồng như ý hay sao? Nó tìm đến anh ta, la hét, mắng nhiếc, chửi rủa nhưng những người xung quanh đều cười nhạo và cho rằng nó là con điên. Không ai để ý đến nó, mặc nó bị bảo vệ kéo ra ngoài vì quấy nhiễu khách hạng sang. Khuỷu tay cùng đầu gối cạ phải mặt đường nhựa mà tróc da, trầy xước cùng đau nhói. Thất tha thất thểu rời đi, giờ nó cũng không biết nơi mình sẽ đến. Nó đâu có nhà, gánh hát, đoàn đội lại không về được. Nó tủi nhục vô cùng, đáng ra nó nên nghe lời khuyên của mọi người mà không phải bị lời ngọt ngào của anh ta làm cho mê mẩn, tham luyến cái tương lai anh ta vạch ra để rồi giờ đây khác nào con chó hoang, chẳng có nơi nào để đi đến. Sau đó, nó nghĩ tới gầm cầu. Không biết hiện tại, gầm cầu đã như thế nào? Cả người đàn bà điên kia đã ra sao? Bà có chịu đả kích khi không thấy nó không? Bà có tìm kiếm nó không? Đủ mọi loại câu hỏi câu bước chân nó hướng về gầm cầu. Nơi đây vẫn dơ bẩn như ngày nào. Nó bước vào góc nằm quen thuộc – nơi trú chân của hai người thuở xưa. Không chê dơ, nó ngồi bệt xuống chiếc nệm cũ rích. Cảm giác vẫn như thế, đau nhói, ê ẩm bờ mông. Hiện tại, chắc chỉ có nơi này là không chê một người dơ bẩn như nó. Thân thể của nó đã không sạch sẽ nữa rồi. Nó tủi thân, nghĩ đến những chuyện đã qua mà úp mặt vào đầu gối khóc nấc. Người đàn bà điên trở lại gầm cầu, khi thấy có bóng người ngồi trên nệm bà toan xua tay ra đuổi vì con gái bà không thích có người ngồi ở đây. Nhưng khi thấy khuôn mặt của nó, người đàn bà ngờ ngợ phát ra những tiếng ú ớ. Nó ngẩng mặt, người đàn bà điên đã ngồi thụp xuống bên cạnh. Lấy tay vỗ vỗ lên người nó tựa như an ủi. Sau đó, nghĩ đến điều gì bà dúi con búp bê nhàu nát vào tay nó. Kể cũng lạ, búp bê cùng người phụ nữ lang bạt nhiều năm như vậy nhưng lại trông sạch hơn thân thể người phụ nữ rất nhiều. Nó nhìn người đàn bà điên, tủi thân trực trào trong lồng ngực mà ra. Lần đầu tiên, nó không chê bà dơ dáy mà ôm lấy người bà rồi khóc lớn. Một bên khóc một bên kêu gào: "Mẹ.. mẹ ơi! Mẹ.. mẹ." Người đàn bà điên không hiểu ra làm sao, sợ hãi nó sinh bệnh vội vã đẩy nó ra để sờ trán xem có nóng không nhưng nó một mực ôm bà không muốn buông tay. "Mẹ ơi, con xin lỗi!" Gầm cầu lại xuất hiện thêm một kẻ điên, cùng người đàn bà điên tung tăng khắp nơi. Dựa trên gương mặt tương tự nhau, ai cũng biết đây là hai mẹ con. Người ta chỉ chỉ trỏ trỏ, đứa con sinh bởi kẻ điên thì sau cùng cũng thành con điên. Gương mặt lấm lem sình đất, người ngợm dơ bẩn, quần áo rách nát. Hai người tung ta tung tăng, cười điên dại, ngờ nghệch khắp chốn đô thành. Người tỉnh vờ điên, người điên vờ tỉnh trong xã hội chú trọng vật chất, theo đuổi tình tiền. Thật giả lẫn lộn, vậy rốt cuộc ai mới là kẻ điên? -Hết-
Đây là câu chuyện mình viết để nhắn gửi một số điều trong đó, bạn hãy tự cảm nhận ẩn ý riêng của nó và nếu được hãy chia sẻ cho mình nghe với nhé! Mình không miêu tả rõ tâm trạng của nhân vật "nó" lúc gặp lại người đàn bà điên, có thể nói là tả khá sơ sài nhưng thật ra mình muốn người đọc tự cảm nhận nhiều hơn. Mâu thuẫn, khó chịu hay vô vàn cảm xúc khác phức tạp diễn ra trong tâm trí của "nó" và dĩ nhiên mình cảm thấy mình không thể nào diễn tả cụ thể qua vài câu chữ được. Đối với câu hỏi cuối, trong suy nghĩ của mình, người đàn bà điên có khi lại rất tỉnh giữa cuộc đời vật chất này. Trong khi những người quần là áo lụa, ra ra vào vào chốn sang quý có khi lại bị điên đảo bởi tình tiền, có khi mới thật sự là người điên vờ tỉnh. Giàu thì giàu thật, nhưng nội tâm sẽ không khi nào thả lỏng, yên bình và vui vẻ được. Hì, còn bạn thì sao? Đừng ngần ngại mà chia sẻ ở đây cùng mình nhé!
Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã đạt giải trong tuần thi 15. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau: Giám khảo 1: Một tác phẩm rất hiện thực! Tôi chỉ muốn nói như thế! Và với một sự tiến bộ hơn cả mong đợi, bạn đã có bước trở mình trong tác phẩm này. Về ý nghĩa nhân sinh, bạn thể hiện rất tốt. Có thể nói, bạn lựa chọn bối cảnh và nhân vật đặc biệt đã góp phần làm nổi bật câu chuyện. Dù mẹ tâm thần không ổn định nhưng mẹ vẫn rất yêu con. Tác phẩm này sẽ có hai hướng đi: Một là theo hướng hiện thực. Hai là theo hướng cảm động. Với hướng thứ nhất, bạn thể hiện tác phẩm như thế này là khá ổn. Chỉ là bạn kể nhiều quá. Mặc dù bạn dẫn ở ngôi thứ ba nhưng dẫn như vầy lượng thông tin nhiều quá. Tâm lý nhân vật là dạng bạn kể lại thôi, hơi khó thuyết phục. Nếu muốn chân thật hơn, bạn phải biết cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa kể và tả. Như vậy mới thuyết phục và mang dấu ấn đậm nét. Hướng thứ hai: Muốn câu chuyện cảm động hơn thì dĩ nhiên bạn phải thay đổi cốt truyện rồi. Nhưng tôi sẽ mách bạn xây dựng lại tình huống quan trọng trong bài. Khúc cô bé bỏ đi, đây xem như là bước ngoặc nhé! Thì người mẹ điên cần được bạn đầu tư vào khâu diễn tả. Hiển nhiên, bạn không thể miêu tả đánh giá tâm lý người điên lúc này. Bạn cần đánh mạnh vào hành động của người mẹ để độc giả phải rơi lệ. Chi tiết này rất quan trọng. Cái trường đoạn hai người gặp nhau cần lấy làm chi tiết khiến độc giả vỡ òa. Vì bạn chưa theo hướng hai nên tôi nói sơ vậy thôi. Nếu có thời gian, tôi sẽ chia sẻ thêm cho bạn. Tên truyện tôi thấy chưa ổn bạn ạ. " "Con điên" "=> Nghe như mắng ai vậy đó bạn. Bạn nên để như: Người mẹ điên Đứa trẻ lạc loài Chờ con.. Cái tên truyện cần phải có ý nghĩa và sự trân trọng ngay trong đó. Tôi ví dụ nha: Truyện Vợ nhặt:" "Nhặt" "đi với những thứ không ra gì. Thân phận con người bị rẻ rúng như cái rơm, cái rác, có thể" "nhặt" "ở bất kì đâu, bất kì lúc nào. Nhưng" "vợ" "lại là sự trân trọng. Người vợ có vị trí trung tâm xây dựng tổ ấm. Người ta hỏi vợ, cưới vợ, còn ở đây Tràng" "nhặt" "vợ. Đó thực chất là sự khốn cùng của hoàn cảnh. Dĩ nhiên tác giả đâu thể đặt là: Nhặt ả đàn bà, Nhặt gái.. Thì trong truyện của bạn cũng vậy. Người phụ nữ bị điên vẫn là một người mẹ => Người mẹ điên. Thậm chí" "Con điên" "là ám chỉ cô bé đó thì hãy dùng từ khác cho ra cái tựa. Ví dụ: Con người điên, Mẹ ơi.. Vân vân, nói chung là tôi ví dụ vậy. Bạn tự nghiên cứu thêm nha^^ Giám khảo 3: - Cỡ chữ tiêu chuẩn; dùng từ đúng chuẩn quy tắc tiếng Việt hiện hành; kiến tạo câu văn hợp lí, dễ hiểu; tách đoạn phù hợp; có hình ảnh minh họa. - Truyện thể hiện rõ chủ đề Mẹ: Tình yêu thương vô điều kiện của người mẹ điên dành cho con mình. Mô tip truyện khá quen thuộc (dễ đoán biết tình tiết tiếp theo). Độc giả mong chờ ở bạn một câu chuyện tạo ấn tượng bất ngờ hơn trong kì tiếp theo!
Em xin cảm ơn những lời nhận xét của ban giám khảo, em sẽ xem lại và rút kinh nghiệm cho các tác phẩm sau này của mình ạ.