Bình Luận Con Cò - Một Bài Thơ Đã Làm Xúc Động Hàng Triệu Con Tim

Thảo luận trong 'Văn Thơ' bắt đầu bởi dollarupload39, 14 Tháng tám 2021.

  1. dollarupload39

    Bài viết:
    382
    Mục "Sổ tay người yêu thơ"

    "Con cò" - một bài thơ đã làm xúc động hàng triệu con tim.

    Thành Đô

    Nhà sáng tác nhạc, nhà bình thơ

    Trong mỗi chúng ta, bất kỳ ai được sinh ra, được trưởng thành, được thành đạt trong cuộc đời này đều do công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mà có. Câu ca dao từ ngàn xưa của tổ tiên ta đã ca ngợi công ơn trời biển ấy, của các bậc sinh thành đến hôm nay vẫn khắc sâu trong tim mỗi người Việt Nam:

    Công cha như núi Thái Sơn

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

    Một lòng thờ mẹ kính cha

    Cho tròn chữ HIẾU mới là đạo con​

    Bốn câu ca dao đã gợi cho chúng ta biết bao suy nghĩ về công ơn của cha mẹ, về đạo làm con. Câu ca dao ngàn đời nay đã in đậm trong trái tim mỗi người Việt Nam.

    Thế nhưng, trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn xuất hiện những đứa con bất hiếu. Một trong những bài thơ viết về đề tài này là bài thơ về "Con cò" của một bà lão 93 tuổi ở Ninh Thuận. Những câu thơ của bà đã làm rung động hàng triệu trái tim người đọc:

    Con cò lặn lội bờ sông.

    Cò ơi sao lại quên công mẹ già?

    Hỏi rằng ai đẻ cò ra,

    Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi?

    Nhớ khi đi ngược về xuôi,

    Mẹ đi bắt tép, mẹ nuôi được cò.

    Những ngày mưa lũ gió to,

    Mẹ đi bắt tép nuôi cò, cò quên.

    Vợ con cò để hai bên,

    Công cha nghĩa mẹ cò quên mất rồi.

    Cò ơi cò bạc như vôi,

    Công cha nghĩa mẹ bằng đồi núi cao.

    Cò ơi cò nghĩ thế nào?

    Mẹ đi bắt tép lọt vào hố sâu.

    Nuôi cò, cò lớn bằng đầu.

    Nhớ khi còn bé bú bầu sữa non.

    Nhớ khi còn bé cỏn con,

    Bây giờ cò lớn, cò còn nhớ không?

    Vì đâu có cánh có lông?

    Mà cò đã vội quên công mẹ già.

    Hỏi rằng ai đẻ cò ra,

    Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi?​

    Bốn câu mở đầu bài thơ là lời người mẹ già trách móc đứa con bất hiếu:

    Con cò lặn lội bờ sông.

    Cò ơi sao lại quên công mẹ già?

    Hỏi rằng ai đẻ cò ra,

    Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi?​

    Ở đây, các đại từ nghi vấn: "Sao lại", "ai" cùng với từ: "Mà" đã góp phần nhấn mạnh lời trách móc của tác giả. Công cha nghĩa mẹ là vô cùng to lớn. Không có cha mẹ thì sẽ không có những người con trong gia đình. Người mẹ đã phải trải qua chín tháng mười ngày mang thai với bao gian nan, vất vả, phải chịu nhiều cơ cực để sinh ra con. Để sinh được một người con, người mẹ phải vượt cạn một mình, bất chấp sự nguy hiểm của tính mạng. Khi sinh ra một hài nhi đỏ hỏn, mẹ đã phải chắt chiu từng dòng sữa để nuôi con. Khi tác giả viết: "Hỏi rằng ai đẻ cò ra?", câu thơ đã làm lay động trái tim người đọc. Ta hình dung ra hình ảnh người mẹ thức trắng đêm để chăm con "chỗ khô nhường con, chỗ ướt mẹ nằm". Rồi khi con ốm, con đau, mẹ quên ăn, quên uống, lo lắng từng giây từng phút. Rồi khi con lớn lên từng ngày, khi con trưởng thành, cha mẹ vui mừng, hạnh phúc. Thế mà khi đã trưởng thành, con lại quên công ơn bố mẹ. Hai câu thơ là hai câu hỏi như lời cảnh báo nghiêm khắc:

    Con cò lặn lội bờ sông.

    Cò ơi sao lại quên công mẹ già?

    Hỏi rằng ai đẻ cò ra,

    Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi?​

    Rồi tác giả nhắc đến những ngày mẹ lặn lội trong gian khổ để nuôi con. Các hình ảnh: "Đi ngược về xuôi", "mẹ đi bắt tép", "những ngày mưa lũ gió to", "bắt tép nuôi cò", "bằng đồi núi cao", "mẹ đi bắt tép lọt vào hố sâu", "bú bầu sữa non", "bé cỏn con", "quên công mẹ già" đã góp phần ca ngợi công ơn trời biển của người mẹ đối với người con. Khi con dần dần lớn lên, mẹ lo cho con tất cả: Từ bữa tép, bát cơm mỗi ngày.. mẹ đều lo cho con tất cả, vượt mọi nhọc nhằn gian khổ, hy sinh:

    Nhớ khi đi ngược về xuôi,

    Mẹ đi bắt tép, mẹ nuôi được cò.

    Những ngày mưa lũ gió to,

    Mẹ đi bắt tép nuôi cò, cò quên.​

    Và đặc biệt là hình ảnh:

    Cò ơi cò nghĩ thế nào?

    Mẹ đi bắt tép lọt vào hố sâu.​

    Đã gây cho người đọc ấn tượng về sự hy sinh cao cả của người mẹ, hy sinh tất cả vì tương lai của con. Biết bao người đọc đã khóc khi đọc hai câu thơ đó, nước mắt đã chảy trên gò má những người đọc, đây là những giọt nước mắt cảm động trước sự hy sinh vô bờ bến của người mẹ, càng thương người mẹ bao nhiêu thì càng trách móc, lên án người con bất hiếu bấy nhiêu. Đây cũng là những giọt nước mắt đầy xúc động khi được câu thơ của bà mẹ già động tới chỗ cao sâu của tâm hồn người đọc. Các cụm từ: "Lọt vào hố sâu", "bắt tép nuôi cò", "mưa lũ gió to", "đi ngược về xuôi" đã khắc sâu thêm chủ đề của bài thơ. Đó là những hình ảnh tiêu biểu nhất được tác giả chọn lọc để miêu tả sự gian khổ của một người mẹ đã sống vì con tất cả, đó cũng là nét vẽ của một bức tranh giàu sức sống, sinh động và chân thực. Đó cũng là những hình tượng tiêu biểu của hiện thực, là cái tinh chất được chọn lựa, chắt lọc ra từ đời sống trực tiếp thể hiện tình cảm của bà 93 tuổi ở Ninh Thuận. Nhịp điệu chậm rãi, giọng thơ từ tốn, hơi thở nhẹ nhàng quyến rũ. Và như chúng ta đã biết theo đạo lý làm con của tổ tiên ta, chữ "hiếu" hay (đạo làm con) ngay từ thời xa xưa đã rất được coi trọng. Chữ "hiếu" là một nền tảng về đạo đức, là một trong những tiêu chuẩn để rèn luyện và đánh giá nhân cách của một con người. Nói một cách khác, chữ "hiếu" là đạo làm con, là việc người con luôn tôn trọng, trân quý. Người đã sinh thành dưỡng dục ra mình, đó là sự tự giác, tự nguyện khi người con suy nghĩ và hành động về trách nhiệm đối với những đấng sinh thành, đây cũng là quyền lợi cao đẹp mà người con có được trong đời. Nhưng trong bài thơ "Con cò" thì người con lại là người con bất hiếu, không hề nghĩ đến công lao của bố mẹ mình. Tác giả đã dùng một cặp lục bát mà câu lục có ý đối lập với bát:

    Vì đâu có cánh có lông?

    Mà cò đã vội quên công mẹ già.​

    Hình ảnh "có cánh có lông" là hình ảnh ẩn dụ nói về việc người con đã trưởng thành. Rồi lại sự đối lập giữa câu lục với câu bát ở cặp thơ lục bát khác:

    Những ngày mưa lũ gió to,

    Mẹ đi bắt tép nuôi cò, cò quên.​

    Đây là những câu thơ đẹp, có hình ảnh điển hình cho tâm trạng tác giả. Cảm xúc của tác giả đã trực tiếp kích thích trí tưởng tượng và đến lượt nó, thì trí tưởng tượng lại làm cho cảm xúc thêm phong phú. Và còn đây nữa:

    Nuôi cò, cò lớn bằng đầu.

    Nhớ khi còn bé bú bầu sữa non.​

    Chung quy lại, đây là thằng con ích kỷ, vô ơn, chỉ nghĩ đến bản thân mình và vợ con mình mà quên ơn những người đã sinh thành, dưỡng dục mình:

    Vợ con cò để hai bên,

    Công cha nghĩa mẹ cò quên mất rồi.​

    Và tác giả đã cảnh cáo nghiêm khắc:

    Cò ơi cò bạc như vôi,

    Công cha nghĩa mẹ bằng đồi núi cao.​

    Cách so sánh: "Bạc như vôi", "bằng đồi núi cao" thật là những hình ảnh đầy ám ảnh, khắc khoải, giàu chất suy ngẫm. Cần nhắc lại rằng trong bài thơ "Con cò". Tác giả đã hai lần dùng cặp thơ lục bát:

    Hỏi rằng ai đẻ cò ra,

    Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi?​

    Trong cả bài thơ, tình cảm của tác giả rất chân thành, nghiêm túc, thủ thỉ, tự nhiên như một lời tâm sự, không hề đao to búa lớn, mặc dù nói về đứa con bất hiếu. Nhưng lại gây được ấn tượng mạnh, làm rơi nước mắt hàng triệu người. Cảm ơn bà cụ 93 tuổi đã làm cho người đọc một bài thơ có giá trị. Tin rằng bài thơ sẽ sống mãi, bất chấp sự tàn phá của thời gian.
     
    Last edited by a moderator: 23 Tháng hai 2023
  2. dollarupload39

    Bài viết:
    382
    Một vài cảm nhận về bài thơ "Bắt nạt"

    Sáng tác thơ ca là tiếng hát của trái tim của nhà thi sỹ, một tiếng hát khi thì đầy yêu thương, khi thì căm giận. Khi cầm bút viết, nhà thơ bao giờ cũng hướng tới ba chức năng cơ bản của thơ ca, của văn học, đó là chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ. Với chức năng nhận thức, nhà thơ muốn đem đến cho người đọc hình ảnh của cái quá khứ đã đi qua nhưng vẫn còn vang vọng, cái hiện tại tốt đẹp mà hàng ngày bị cuốn đi trong những cái bình thường và cái tương lai huy hoàng đang vẫy gọi ở phía trước. Với chức năng giáo dục, tác giả muốn truyền đến người đọc những bài học về cuộc sống, về con người, về đối nhân xử thế. Và với chức năng thẩm mỹ, những vần thơ sẽ làm cho người đọc xúc động mãnh liệt về cái lý tưởng và về cái đẹp hoàn mỹ.

    Trong thời gian gần đây, có một bài thơ không những thể hiện tốt ba chức năng nói trên mà còn để lại ấn tượng sâu đậm cho người đọc bởi cách viết độc đáo. Đó là bài thơ: "Bắt nạt" của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Bài thơ có 8 khổ, gồm 32 câu thơ được viết theo thể thơ 5 chữ. Toàn văn bài thơ như sau:

    Bắt nạt

    =☼=

    Bắt nạt là xấu lắm

    Đừng bắt nạt, bạn ơi

    Bất cứ ai trên đời

    Đều không cần bắt nạt

    * * *

    Tại sao không học hát

    Nhảy híp-hóp cho hay?

    Thời gian trong một ngày

    Đâu để dành bắt nạt

    * * *

    Sao không ăn mù tạt

    Đối diện thử thách đi?

    Thử kẻ yếu làm gì

    Sao không trêu mù tạt?

    * * *

    Những bạn nào nhút nhát

    Thì là giống thỏ non

    Trông đáng yêu đấy chứ

    Sao không yêu, lại còn?

    * * *

    Đừng bắt nạt người lớn

    Đừng bắt nạt trẻ con

    Đừng bắt nạt nước khác

    Trên khắp trái đất tròn

    * * *

    Đừng bắt nạt mèo, chó

    Đừng bắt nạt cái cây

    Đừng bắt nạt ai cả

    Vì bắt nạt dễ lây

    * * *

    Bạn nào bắt nạt bạn

    Cứ đưa bài thơ này

    Bảo nếu cần bắt nạt

    Thì đến gặp tớ ngay

    * * *

    Cứ đến bắt nạt tớ

    Bị bắt nạt quen rồi

    Vẫn không thích bắt nạt

    Vì bắt nạt rất hôi!​

    (Tác giả: Nguyễn Thế Hoàng Linh, trích Ra vườn nhặt nắng, Nhà xuất bản Thế giới, 2017).

    Vài nét về tác giả:

    Nguyễn Thế Hoàng Linh năm nay 41 tuổi. Tác giả sinh năm 1982 ở Hà Nội. Từ khi mới 12 tuổi (năm 1994), Nguyễn Thế Hoàng Linh đã bắt đầu làm thơ, cho đến nay sau gần 30 năm, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã viết được vài ngàn bài thơ. Tác giả không chỉ làm thơ cho người lớn đọc mà còn viết cho trẻ em đọc. Những bài thơ viết cho trẻ em của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh có phong cách độc đáo, hấp dẫn nên được nhiều bạn nhỏ yêu thích.

    Về bài thơ: "Bắt nạt"

    Bài thơ này nằm trong tập thơ: "Ra vườn nhặt nắng". Tập thơ này được nhà xuất bản Thế giới (Hà Nội) và in phát hành năm 2017.

    Ngay trong bốn câu thơ mở đầu bằng cách nói mộc mạc, giản dị, chân thật. Tác giả đã thể hiện rõ ràng, dứt khoát thái độ của mình đối với thói bắt nạt. Khổ thơ này chỉ có bốn câu thơ mà đã có ba câu dung từ "bắt nạt" :

    Bắt nạt là xấu lắm

    Đừng bắt nạt, bạn ơi

    Bất cứ ai trên đời

    Đều không cần bắt nạt​

    Trong những câu thơ này, yếu tố cảm xúc trực tiếp của tác giả, là một trong những nhân tố cơ bản để tao nên chất thơ. Nếu xem việc giàu cảm xúc là năng lực tinh thần của thi sỹ, thì điều đó thể hiện rất rõ trong các ý thơ. Các từ: "Xấu lắm", "không cần" đã khẳng định một cách chắc chắn rằng bắt nạt là một thói xấu, rất xấu trong quan hệ giữa người với người trong xã hội. Ở đây giọng thơ rất đa dạng, khi thì nhã nhặn, nhẹ nhàng thủ thỉ như lời tâm sự, chia sẻ với bạn bè "Đừng bắt nạt, bạn ơi". Khi thì dõng dạc, thẳng thắn, mạnh mẽ, giọng thơ kiên quyết mang sắc thái khẳng định, thể hiện một cách nói hùng hồn. Qua đó toát lên bản lĩnh, quan điểm, lập trường của tác giả đối với vấn đề bắt nạt.

    "Bất cứ ai trên đời

    Đều không cần bắt nạt"​

    Như vậy có thể nói ngay trong khổ thơ đầu tiên với thể thơ 20 chữ, tác giả đã gửi tới người đọc bản thông điệp về cách cư xử cần có đối với hiện tượng bắt nạt trong xã hội hiện nay. Khổ thơ mở đầu đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với người đọc, tạo ra nhiều hứng thú để người đọc thưởng thức những câu thơ tiếp theo. Có thể nói khổ thơ đầu tiên đã hội tụ những ý nghĩ, tư tưởng của nhà thơ, dứt khoát yêu cầu phải loại trừ hiện tượng bắt nạt ra khỏi cuộc sống, ra khỏi xã hội loài người, ra khỏi cuộc đời này. Tác giả đã có lời cảnh báo những người hay bắt nạt người khác:

    "Bắt nạt là xấu lắm

    Đừng bắt nạt, bạn ơi"​

    Và có lời khuyên nhủ những người khác:

    "Bất cứ ai trên đời

    Đều không cần bắt nạt"​

    Từ câu thứ năm trở đi, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh bắt đầu đặt ra liên tiếp các câu hỏi, tạo ra thế tấn công những kẻ hay bắt nạt người khác. Trong cuộc sống hiện tại, có rất nhiều thú vui, sao không dành thời gian để tận hưởng những thú vui ấy mà lại đi tìm cách bắt nạt người khác? Như điệu híp-hóp chẳng hạn, một điệu nhảy tân kỳ, mới mẻ, hiện đại, sinh động, linh hoạt và tự do đang được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng, yêu thích. Sao không tìm đến đó mà nhảy, mà chơi, mà tận hưởng mà lại dành thời gian để bắt nạt người khác, bắt nạt bạn bè. Câu hỏi có giọng nhẹ nhàng dễ chấp nhận:

    "Tại sao không học hát

    Nhảy híp-hóp cho hay?

    Thời gian trong một ngày

    Đâu để dành bắt nạt"​

    Đừng để lãng phí thời gian. Thời gian của một ngày có nhiều đâu mà lại dung thời gian ấy để bắt nạt, để làm phiền bạn bè? Từ "tại sao" có tính chất chất vấn rất rõ, chấp vấn một cách công khai, hùng hồn, mạnh mẽ và thẳng thắn.

    Điều cần chú ý ở đây là tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã biết dung cách nói: Nghi vấn để khẳng định, đặt ra câu hỏi để khẳng định rằng hãy dung thời gian ít ỏi, ngắn ngủi của một ngày để tận hưởng những niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống, để tạo cho mình một cuộc sống thanh thản, thoải mái. Tác giả đã có ý thức cao về cách sống, về lối sống, mọi người hãy tự tạo niềm vui cho bản thân mình. Rõ ràng thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh đã biết lấy điểm tựa trong hiện thực, trong cuộc đời. Đã có biết bao điệu nhảy (điệu nhảy Cha cha cha, điệu nhảy Rumba, điệu nhảy Disco.) nhưng tác giả đã chọn lọc rất tinh tế, chọn ra điệu híp-hóp, điệu nhảy tiêu biểu nhất, tân kỳ nhất của tuổi trẻ hiện nay.

    Tác giả đã đưa ra câu hỏi để khẳng định, để đưa ra lời khuyên bảo. Những lời khuyên bảo sáng suốt chân thật, thẳng thắn, dứt khoát, đầy tình cảm, chan chứa tình người của tác giả chính là ánh sáng chỉ đường cho bạn bè: Hãy từ bỏ thói bắt nạt và hãy dành thời gian để hưởng những niềm vui.

    Khổ thơ thứ ba tiếp tục là lời chất vấn nhưng được diễn tả dưới góc độ khác. Chỉ bốn câu thơ thôi mà có đến hai câu hỏi liên tiếp, dồn dập:

    "Sao không ăn mù tạt

    Đối diện thử thách đi?

    Thử kẻ yếu làm gì

    Sao không trêu mù tạt?"​

    Tại sao anh không tìm đến kẻ mạnh mà thử thách bản thân mình? Sao không xông pha vào khó khăn gian khổ để mình được thử thách, được trau dồi bản lĩnh được trưởng thành. Chẳng hạn anh hãy ăn mù tạt đi, một gia vị cay nồng khó ăn, khó thưởng thức, khó tiếp nhận nhưng phải xem đó là thử thách cần có cho bản thân mình. Và ở đây người đọc thấy nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh đã chọn cách nói ngộ nghĩnh, hài hước, dí dỏm rất đáng chú ý:

    "Thử kẻ yếu làm gì

    Sao không trêu mù tạt?"​

    Đó là cách hỏi gây được ấn tượng. Câu hỏi đã không hề chung chung, trừu tượng, mà trái lại rất cụ thể, chi tiết và dễ hiểu. Tại sao không đến với kẻ mạnh để đương đầu với thử thách, sao không trêu kẻ mạnh mà lại bắt nạt kẻ yếu. Tác giả đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc, người đọc cảm nhận rằng giọng hỏi ở đây có thay đổi: Nếu trong khổ thơ thứ hai, gọng hỏi có tính chất tâm sự, nhẹ nhàng, từ tốn, ân cần thì trong khổ thứ ba, giọng hỏi có tính chất mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, có mang tính chất lý trí hơn.

    Đến khổ thứ tư, tác giả vẫn tiếp tục tấn công kẻ bắt nạt bằng câu hỏi nhưng giọng hỏi nghe nhã nhặn hơn, êm dịu hơn khổ thứ ba. Đọc khổ thứ tư, ta nghe như một lời trách nhẹ, một lời trách yêu:

    "Những bạn nào nhút nhát

    Thì là giống thỏ non

    Trông đáng yêu đấy chứ

    Sao không yêu, lại còn?"​

    Tác giả đã rất chú ý khi dung từ ngữ, các từ "nhút nhát", "thỏ non", "đáng yêu" được dùng chính xác, tinh tế khi nói về kẻ yếu. Cái nhìn ở đây rất trong trẻo, tươi trẻ, hồ hởi, vô tư. Câu thơ:

    "Trông đáng yêu đấy chứ

    Sao không yêu, lại còn?"​

    Nghe dễ thương, làm cho kẻ bắt nạt không những không giận nhà thơ mà lại thấy có thể chấp nhận được lời trách. Đối với kẻ yếu, không những không nên bắt nạt mà còn phải thông cảm, nâng đỡ, giúp họ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, đó là lời nhắn nhủ chân thành, độ lượng, có tình có nghĩa, đó là lời khuyên về đạo làm người. Ở đây, thái độ và tình cảm của tác giả được bộc lộ qua những lời thơ tự nhiên, chân thật, sáng suốt, vì chân thật nên đọc lên càng xúc động. Lương tâm và trách nhiệm của con người đã trở thành sự thôi thúc mạnh mẽ để tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh viết ra những câu thơ xúc động, đầy ấn tượng.

    Như vậy, cả ba khổ thơ trên (khổ thứ hai, khổ thứ ba, khổ thứ tư) đều là những câu hỏi, những lời chất vấn kẻ bắt nạt. Những chi tiết hiện thực được tác giả lựa chọn không theo diện mà theo điểm. Những chi tiết tiêu biểu ấy (híp-hóp, mù tạt, thỏ non.) được nhà thơ chọn lọc để diễn tả sẽ được liên kết trong nhận thức của người đọc, tạo ra những cảm nhận sâu sắc.

    Trong hai khổ thơ tiếp theo (khổ thứ năm và khổ thứ sáu), tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã chuyển sang giọng triết lý:

    "Đừng bắt nạt người lớn

    Đừng bắt nạt trẻ con

    Đừng bắt nạt nước khác

    Trên khắp trái đất tròn

    * * *

    Đừng bắt nạt mèo, chó

    Đừng bắt nạt cái cây

    Đừng bắt nạt ai cả

    Vì bắt nạt dễ lây"​

    Nếu trong bốn khổ thơ đầu, thơ nặng về cảm xúc thì khổ thơ thứ năm trở đi, thơ nặng về suy tưởng. Cảm xúc và suy tưởng trong thơ của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh luôn luôn có khả năng chuyển hóa qua lại như một dòng của tư duy, một nguồn mạch đi về không có sự cách ngăn. Điều đáng chú ý là chất suy tưởng, chất triết lý trong thơ anh không hề khô khan, anh không triết lý một cách trần trụi mà triết lý bằng hình ảnh (người lớn, trẻ con, nước khác, trái đất, mèo, chó, cái cây.). Tác giả nghĩ đến thái độ sống trước hiện tại trong quan hệ giữa người với người, tác giả muốn bình tĩnh để nghiền ngẫm những vấn đề thuộc về cách đối xử giữa con người với nhau. Chỉ trong tám câu thơ mà có đến bảy câu thơ dung đến từ "bắt nạt". Các từ "bắt nạt" được lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm khẳng định vấn đề, nhấn mạnh vấn đề.

    "Đừng bắt nạt. /..", "Đừng bắt nạt.." cách dung nhiều lần thể hiện sự quyết tâm, sự nung nấu, sự bức xúc trong suy nghĩ, trong ý tưởng của tác giả. Tác giả đi từ cách nói khái quát (Đừng bắt nạt người lớn, trẻ con, nước khác.) đến cách nói cụ thể như: Mèo, chó, cái cây. Đừng bắt nạt con người đã đành, càng không nên bắt nạt động vật như: Mèo, cho.. Và không nên bắt nạt cả những vật vô tri vô giác như cái cây. Thái độ của tác giả ở đây đã được thể hiện rất rõ ràng: Kiên quyết không chấp nhận thói bắt nạt trong cuộc đời này. Có thể nói tám câu thơ của khổ thơ thứ năm và khổ thơ thứ sáu là lời tuyên bố dõng dạc, hùng hồn, kiên quyết, rõ ràng của nhà thơ đối với thói bắt nạt, đối với kẻ bắt nạt. Khác với khổ thơ thứ hai, thứ ba, thứ tư, đến khổ thơ thứ năm và thứ sáu thì giọng thơ nghe đanh thép, mạnh mẽ hẳn lên. Đó cũng chính là tấm lòng yêu thương con người và yêu cuộc đời của nhà thơ.

    Đến khổ thơ thứ bảy và thứ tám thì có sự chuyển giọng thơ, không còn lời lẽ đanh thép nữa mà người đọc nghe giọng thơ trở lại nhẹ nhàng như một lời tâm sự với bạn bè:

    Bạn nào bắt nạt bạn

    Cứ đưa bài thơ này

    Bảo nếu cần bắt nạt

    Thì đến gặp tớ ngay

    * * *

    Cứ đến bắt nạt tớ

    Bị bắt nạt quen rồi

    Vẫn không thích bắt nạt

    Vì bắt nạt rất hôi!​

    Có cái mới ở đây là bắt đầu xuất hiện nhân vật "TỚ" trong thơ. Nhân vật TỚ xuất hiện hai lần trong tám câu thơ. Nhân vật TỚ đại diện cho những người đã bị bắt nạt nhiều lần ( "Bị bắt nạt quen rồi"). Nhân vật TỚ đề xuất hai yêu cầu, thứ nhất là nếu có bạn nào đến bắt nạt bạn thì đưa bài thơ này cho họ đọc, để họ hiểu rằng đừng có bắt nạt bất cứ ai, đừng bắt nạt con người trên đất này, đừng bắt nạt các động vật và các thực vật. Bắt nạt là hành động rất xấu. Tại sao không tìm thú vui trong cuộc đời này mà chỉ dành thời gian để bắt nạt người khác? Thứ hai là nếu ai cần bắt nạt, thì nói họ đến gặp tớ ngay. Điều đáng chú ý là dù nhân vật TỚ đã bị bắt nạt nhiều lần mà "vẫn không thích bắt nạt". Bởi vì bắt nạt là xấu lắm. Câu kết của bài thơ đã lên án nghiêm khắc thói bắt nạt: "Vì bắt nạt rất hôi!"

    Tính từ: "RẤT HÔI" được dùng chính xác, nói lên sự hôi hám, bẩn thỉu, xấu xa, đáng ghê tởm của thói bắt nạt, mọi người hãy tránh xa. Ta cần chú ý thêm từ "RẤT" (tính từ chỉ mức độ), thói bắt nạt không những "HÔI" mà còn "RẤT HÔI", xấu xa lắm. Dấu chấm than được đặt sau hai chữ: "RẤT HÔI" đã biểu lộ cảm xúc của tác giả. Hãy tránh xa kẻ bắt nạt, kẻ hôi hám bẩn thỉu trong cuộc đời này. Điểm sáng của tám câu thơ cuối cùng này chính là tấm lòng nhân đạo của nhà thơ, không muốn ai trên trái đất này bị bắt nạt, tác giả đã nhìn đúng bản chất xấu xa của thói bắt nạt và cảnh báo để mọi người hãy tránh xa. Đó là tiếng nói đầy tinh thần trách nhiệm của một tấm lòng trong sáng.

    Trên đây, chúng tôi đã trình bày một vài cảm nhận về bài thơ: "Bắt nạt". Bài thơ là tiếng nói hùng hồn, đanh thép, lên án nghiêm khắc thói bắt nạt. Lời thơ mộc mạc, giản dị, chân thực, dễ hiểu. Giọng thơ đa dạng, hình ảnh thơ quen thuộc và gần gũi. Chắc chắn bài thơ này sẽ được người đọc đón nhận và yêu thích. /.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...