Ở Trung Quốc, nơi mà Hoàng đế là một người Trung Quốc và tất cả quần thần cũng là người Trung Quốc, các bạn hẳn cũng biết điều đó, đã có một câu chuyện. Câu chuyện này xảy ra lâu lắm rồi, nhưng chính vì thế mà phải kể lại để người ta khỏi quên đi. Cung điện của Hoàng đế đẹp nhất trần gian, làm bằng một loại sứ rất quý, nhưng dễ vỡ, mỗi khi chạm đến phải thật nhẹ tay, nhẹ chân. Trong vườn Thượng uyển trồng toàn những loại hoa quý, rất kỳ lạ, những bông hoa đẹp nhất phải đeo lục lạc bằng bạc để cho du khách khi đến xem phải lưu ý. Khu vườn được chăm sóc kỳ công và trải rộng, ngay người làm vườn cũng không biết đến đâu là hết. Càng đi càng gặp nhiều điều kỳ thú, những cây cao bóng cả vươn dài, những hồ rộng mênh mông sâu thẳm. Rừng thoai thoải xuống biển, trên làn nước xanh những con thuyền lớn có thể lướt dưới bóng cây. Nơi đây có con họa mi thường cất tiếng hót mê hồn. Một anh thuyền chài nghèo khổ lòng chứa chất bao nỗi lo toan dăng lưới đi qua, nghe tiếng chim hót cũng phải dừng lại nghe. Anh reo lên: "Trời ơi, Thánh thót biết bao". Nhưng rồi mải mê với công việc, anh ta quên chim ngay. Đêm sau đi dăng lưới qua đấy, anh lại nghe tiếng chim hót: Anh lại đứng lại nghe và lại reo lên: "Trời ơi, Thánh thót biết bao". Khách tham quan từ nhiều nước trên thế giới kéo đến hoàng thành. Họ ca ngợi hoàng cung và vườn thượng uyển; nhưng khi nghe họa mi hót, họ đồng thanh reo lên: "Đấy mới là điều kỳ diệu". Trở về quê hương, họ thuật lại những điều mắt thấy tai nghe. Nhiều học giả đã viết thành sách ca tụng hoàng thành, hoàng cung và vườn thượng uyển; nhưng người ta ca tụng họa mi nhiều hơn cả, những thi sĩ nổi tiếng đã làm những bài thơ kiệt tác để ca ngợi con chim họa mi hót hay trong khu rừng bên bờ biển. Sách được truyền đi khắp nơi, có quyển lọt vào tay Hoàng đế. Người chăm chú đọc, nhiều lúc gật đầu tán thưởng những đoạn văn hay ca tụng hoàng thành, hoàng cung và vườn thượng uyển. Đọc tiếp, người thấy có đoạn viết: "Nhưng con chim họa mi mới thật là kỳ diệu!" Hoàng đế ngạc nhiên: - Gì thế này? Con chim họa mi à? Sao ta lại không biết nhỉ? Có đúng là trong giang sơn ta; hơn nữa lại ngay trong vườn của ta, lại có một con chim như thế không? Ta chưa hề nghe nói bao giờ, lạ thật! Hoàng đế truyền gọi quan thị lang là người cầm quyền cao chức trọng; mỗi khi có kẻ dưới đến trình báo hay thỉnh cầu điều gì, ngài chỉ trả lời cộc lốc: "Hớ!" Hoàng đế phán hỏi: - Ở đây chừng như có một con chim người ta gọi là họa mi. Thiên hạ cho rằng con chim này là loại chim quý hiếm. Vậy sao chưa thấy ai tâu với Trẫm?" Quan thị lang thưa: - Muôn tâu bệ hạ, chính hạ thần cũng chưa nghe thấy nói bao giờ và cũng chưa thấy ai đem đến tiến cử. - Vậy ngay tối nay phải đem nó đến hót cho Trẫm nghe. Thiên hạ biết đến vật báu của Trẫm mà riêng Trẫm lại không biết! Quan Thị Lang tâu: - Muôn tâu bệ hạ, thực tình hạ thần chưa hề thấy con chim ấy, nhưng hạ thần xin đi tìm nhất định sẽ tìm được. Nhưng tìm đâu? Quan Thị Lang đã leo lên khắp lầu son gác tía, qua khắp các cung điện và đường lối đi lại, gặp ai cũng hỏi, nhưng chẳng ai biết gì về chim họa mi cả. Quan Thị Lang lại vào chầu hoàng đế: - Tâu thánh thượng - Ngài nói - Có lẽ sách đã đánh lừa độc giả, xin bệ hạ đừng tin, đây chỉ là chuyện hoang đường. Hoàng đế phán: - Những sách ta xem là những sách của Hoàng đế Nhật Bản gửi tặng, lẽ nào lại là chuyện bịa đặt? Trẫm muốn được nghe chim họa mi hót ngay tối nay. Trẫm sẽ ban thưởng cho chim nhiều ân huệ. Nếu không đưa được họa mi đến thì cả triều đình sẽ bị phạt giẫm lên bụng sau khi ăn cơm no. Quan Thị lang cúi chào Hoàng thượng ra về. Rồi ngài chạy tới chạy lui, leo lên leo xuống, khắp cả lầu son gác tía, vào khắp các phòng trong hoàng cung, sục sạo mọi ngõ ngách, một nửa triều thần cũng làm như thế, vì chẳng ai muốn chịu tội giẫm lên bụng. Rõ là một cuộc chạy đua loạn xạ để tìm một con chim cả thiên hạ biết tiếng chỉ trừ Hoàng đế và đình thần. Cuối cùng họ vớ được một cô bé thị tì. - Trời ơi! - Cô bé kêu lên - Con chim họa mi! Cháu biết! Nó hót hay lắm! Chiều nào mang cơm thừa cho mẹ đang ốm, lúc về mỏi chân đứng nghỉ trong rừng, cháu cũng được nghe nó hót. Những lúc ấy cháu thấy sung sướng đến chảy nước mắt như khi được mẹ cháu ôm hôn vậy. Quan Thị lang nói như reo: - Cháu bé ngoan lắm! Cháu hãy đưa ta đến chỗ họa mi đậu, ta sẽ ban cho cháu một chức vị ở trong nhà bếp và cho phép cháu được vào xem Hoàng đế ngự thiện. Cháu cần đi ngay vì tối nay đã phải đem chim đến hót cho Hoàng đế nghe. Cả một nửa triều đình theo con bé thị tì vào rừng nơi có họa mi hót. Dọc đường bỗng nghe tiếng bò rống, một thị đồng reo lên: Họa mi đấy! Chim gì mà lớn tiếng thế! Hình như tôi đã được nghe ở đâu rồi! Xem tuyển tập truyện cổ Andersen tại đây Xem tiếp bên dưới
Nữ tì nói: - Không phải đâu! Bò rống đấy! Còn phải đi lâu mới tới! Lúc sau lại có tiếng ì uôm của một con ễnh ương ở trong ao. Pháp tăng trong triều cũng đi theo đoàn reo lên: - Họa mi đấy! Nghe sao mà thánh thót thế! Chưa bao giờ bần tăng được nghe một giọng chim hót hay như thế! Nữ tì nói: - Không phải đâu! Đấy là ễnh ương! Đi thêm một quãng, thị tì bảo mọi người: - Hãy im lặng mà nghe! Nó đấy! Họa mi đấy - Thị tì nói và chỉ một con chim nhỏ lông xám đang đậu trên một cành cây. Quan Thị lang ngạc nhiên: - Họa mi đấy à? Ta cứ tưởng nó đẹp kia chứ? Bộ lông nó trông tầm thường quá! Hay là trước mặt đông đủ quần thần nó sợ, tái sắc đi? Thị tì cất tiếng gọi: - Họa mi ơi! Hoàng đế muốn nghe họa mi hót đấy. - Rất vui lòng! - Họa mi trả lời. Và cất tiếng hót thánh thót mê hồn. Quan thị lang khen: - Nghe trong như những tiếng nhạc bằng pha lê. Cái cổ họng nó xinh xắn cứ phập phồng. Thế mà chưa bao giờ được nghe họa mi hót cũng tiếc thật. Vào hoàng cung chắc nó sẽ được triều đình và hoàng gia nhiệt liệt hoan nghênh. Tưởng hoàng đế có mặt ở đấy, họa mi hỏi: - Tôi có phải hót lần nữa cho thánh thượng nghe không? Quan thị lang nói: - Họa mi ơi! Người hãy theo chúng ta về cung hót cho Hoàng đế mê say. - Giọng hót của tôi ở chốn rừng này, dưới vòm cây này, mới là hay nhất. Họa mi nói thế, nhưng khi biết Hoàng đế muốn nó đến hót tại hoàng cung, nó cũng vui lòng đi theo. Ở hoàng cung người ta đã chuẩn bị tiếp thật long trọng. Hàng ngàn cây đèn bằng vàng sáng chói trên sân rồng và trên các bệ bằng sứ. Hàng hiên rực rỡ những chậu hoa hiếm thấy, chuông bạc ngân vang mỗi khi gió thoảng nhẹ. Chính giữa đại diện, nơi Hoàng đế ngự có để sẵn một cành cây bằng vàng cho chim đến đậu. Văn võ bá quan tề tựu đông đủ; cả cô thị tì mới được phong chức đầu bếp, cũng được phép đến nấp nghe sau cánh cửa. Các quan đều mặc phẩm phục, chăm chú chiêm ngưỡng con chim màu xám đang líu lo trên cành vàng. Họa mi hót hay đến nỗi Hoàng đế xúc động, sụt sùi, nước mắt giàn giụa. Người rất hài lòng, truyền đeo chiếc thẻ bà bằng vàng vào cổ chim để thưởng công. Nhưng họa mi khước từ nói: - Như thế này là vinh dự cho tôi lắm rồi! Được thấy những giọt nước mắt của Hoàng đế nhỏ khi nghe tôi hót là một ân huệ lớn đối với tôi. Họa mi lại cất tiếng hót êm đềm thấm thía như để tạ ơn. Các bà phu nhân thì thào với nhau: - Không còn gì tuyệt bằng. Có bà còn ngậm tí nước vào miệng, khẽ lấy giọng ro ro trong cổ bắt chước tiếng chim. Trong bụng nghĩ cứ làm như thế giọng các bà sẽ biến thành giọng họa mi. Ngay cả các nữ tì, thị vị, những người khách khó tính nhất cũng nhiệt liệt ca ngợi giọng hót của họa mi. Như vậy họa mi được cả triều đình và hoàng gia ca ngợi. Hoàng đế truyền ban cho họa mi một chiếc lồng sơn son treo trong cung, chim được phép ra ngoài mỗi ngày hai lần mỗi đêm một lần. Mỗi khi ra ngoài chim được mười hai quan hầu đi theo, mỗi người nâng một sợi tơ buộc vào chân chim. Kiểu du ngoạn như vậy, họa mi chẳng thích thú gì. Cả kinh thành náo nức về con chim. Ai đẻ con cũng muốn đặt tên là họa mi, kể cả những đứa có giọng khàn khàn. Một hôm Hoàng đế nhận được một gói gửi đến bên ngài đề hai chữ "Họa mi". Hoàng đế mở gói, bụng nghĩ chắc lại là một quyển sách nói về chim Họa mi. Nhưng không phải. Trong gói lại là một con họa mi nhân tạo, giống hệt con họa mi thật, mình, dát đầy kim cương, ngọc xanh ngọc đỏ. Hễ vặn máy chim lại hót lên như họa mi thật, cái đuôi vẫy vẫy óng ánh sợi vàng sợi bạc. Cổ chim họa mi đeo một cái vòng, trên khắc dòng chữ: "Tôi là họa mi của Hoàng đế Nhật Bản, tôi chưa sánh được với Họa mi của hoàng đế Trung Hoa". * * *
Cả triều đình reo lên: - Tuyệt quá! Hoàng đế phong cho người mang họa mi giả một chức vị cao và ban thưởng. Triều thần có người bàn cho hai con chim cùng hót, để được nghe một bản song ca của hai con chim họa mi tuyệt diệu. Người ta đã thử nhưng không được, vì con chim họa mi thật hót một kiểu riêng của nó, còn họa mi giả cứ hót theo nhịp ba. Quan chưởng nhạc đã biện hộ cho họa mi máy nói rằng nó hót không sai đâu, rất đúng nhịp, tôi cũng thường dạy trên lớp như thế. Nghe quan chưởng nhạc nói vậy, người ta bèn cho chim giả hót một mình. Nó hót rất hay, chẳng kém gì chim thật, lại đẹp nữa, lúc nó hót cứ lóng lánh như nạm kim cương. Nó có thể hót thông luôn một lúc ba mươi lần mà vẫn hay, người nghe không thấy chán, vẫn cứ muốn nghe nữa. Nhưng Hoàng đế truyền để chim thật hót một lúc. Nhưng nhìn trước nhìn sau chẳng thấy chim thật. Thì ra trong lúc mọi người mải mê nghe chim giả hót thì chim thật đã bay về chốn rừng xanh. Hoàng đế sửng sốt: - Thế là thế nào? Quần thần tỏ vẻ tức giận, kết tội chim vong ân bội nghĩa. Cũng có người an ủi như vậy còn là may vì còn giữ được con hay nhất. Thế là chim giả lại phải hót, có một bài mà nó cứ hót đi hót lại đến mấy chục lần. Quan chưởng nhạc hết lời ca tụng chim máy, quan quả quyết nó hơn hẳn chim thật, không chỉ vì nó có bộ lông đẹp mà chính vì tài nghệ của nó. - Muôn tâu bệ hạ - quan chưởng nhạc trình lên Hoàng đế - với con chim thật, chẳng ai biết được nó sẽ hót bài gì; nhưng với con chim máy thì các bài hót được sắp xếp theo một trật tự nhất định, cứ mở máy các bài sẽ lần lượt hót lên. Cứ việc tháo máy ra, xem các bánh xe sắp đặt thế nào thì hiểu được cách chuyển động của máy và cách phát ra tiếng hót. Mọi người tán thành ý kiến của quan chưởng nhạc. Hoàng đế phán rằng phải để dân chúng được nghe chim máy hót, nên chủ nhật quan Chưởng nhạc đem chim máy cho dân chúng nghe. Dân chúng được nghe họa mi hót, ai cũng tấm tắc khen, sau mỗi bài mọi người lại chỉ tay lên trời, lắc đầu kêu "ồ"! Nhưng có một anh thuyền chài nghèo, đã nhiều lần được nghe họa mi hót, lại nói như thế này: - Khá hay đấy! Khá giống họa mi thật đấy! Nhưng nghe như còn thiếu một cái gì ấy. Vậy là chim thật đã ra khỏi hoàng cung; chim máy được đưa lên địa vị độc tôn. Người ta đặt nó trên một đệm gấm, bên cạnh giường ngự, xung quanh xếp đầy những bội tinh, châu báu, vàng ngọc là những thứ chim được ban thưởng. Nó được hoàng đế phong cho chức tước cao quý. Về ngôi thứ lâm triều, chim được xếp hàng đầu, bên trái, là thứ bậc cao nhất triều đình. Quang chưởng nhạc viết một pho sách mười lăm chương ca tụng chim họa mi máy, lời lẽ uyên bác, cao siêu. Ai đọc bộ sách ấy cũng gật gù tỏ ra thông hiểu, để khỏi mang tiếng dốt nát. Sau một năm, Hoàng đế, triều thần, và cả nước đều thuộc lòng những bài do chim máy hót. Người ta có thể đồng ca với chim. Từ Hoàng đế đến chú bé ngoài phố cũng biết hót. Rõ thật là hay! Nhưng một hôm, chim máy đang hót cho Hoàng đế nghe thì bỗng có tiêng kêu đánh sạch trong bụng chim. Dường như có cái gì bị gẫy, các bánh xe quay loạn xạ nghe xoàn xoạt, rồi chim ngừng hót. Hoàng đế truyền gọi quan ngự y đến bắt mạch chữa cho chim. Nhưng quan ngự y từ chối vì không thuộc chuyên môn của người. Triều đình phải cho gọi một thợ chữa đồng hồ đến. Anh thợ đồng hồ tháo tung cỗ máy xem xét nói rằng các bánh xe mòn nhiều, không có đồ thay; chỉ có thể lắp lại dùng tạm, mỗi năm chỉ được cho chim hót một lần. Nghe tin thần dân cả nước bàng hoàng. Tiếng chim máy hót bây giờ nghe rèn rẹt, nhưng quan chưởng nhạc vẫn khăng khăng rằng tiếng chim máy hót vẫn du dương như trước..
Năm năm sau, nhân dân trong nước nghe một tin dữ. Hoàng đế muôn vàn kính yêu của họ lâm bệnh nặng, không cứu chữa được. Đình thần đã chọn người kế vị. Dân chúng nhớn nhác đến dinh quan thị lang hỏi thăm tin tức. Hoàng đế tái ngắt, giá lạnh trong long sàng. Văn võ bá quan tưởng người đã băng hà rối rít, xun xoe quanh vị vua mới. Tróng khi đó thị vị và nữ tì vui chơi, thỏa thích chuyện gẫu và uống nước chè. Hoàng đế đáng thương đang hấp hối, người chỉ còn thoi thóp thở. Cảm thấy có vật gì đè lên ngực, người mở mắt và nhìn thấy thần chết đang cười với người. Thần chết đã lột mũ miện của người, một tay cầm xạ kích một tay cầm hoàng kỳ. Từ các nếp màn che quanh long sàng ló ra những cái đầu lâu kỳ quái; có những cái trông gớm ghiếc, lại có những cái trông nhân từ. Đó là công đức và tội lỗi của Hoàng đế hiện về trong khi thần chết đè nặng lên trái tim người. - Còn nhớ không? Nhà vua còn nhớ không? Cái đầu lâu lần lượt hỏi tội nhà vua. Chúng kể ra không biết bao nhiêu là tội, khiến nhà vua toát hết cả mồ hôi và kêu lên: - Nhưng ta đâu có biết những chuyện ấy? Rồi ngài hô: - Cử nhạc lên! Khua trống cái lên! Ta không muốn nghe những lời ma quái nữa! Mặt ma vẫn cứ trơ trơ, còn thần chết thì vẫn lắc lư cái đầu. Hoàng đế lại thét lên: - Cử nhạc! Cử nhạc mau! Chim vàng thân yêu! Hãy hót đi! Hót lên! Ta sẽ ban thưởng cho người vàng bạc, châu báu và chiếc bài vàng. Hót lên! Hót lên đi! Nhưng chẳng có ai vặn máy, nên chim cứ im lìm. Còn thần chết thì vẫn giương đôi mắt thao láo, trống hốc, nhìn chằm chằm Hoàng đế. Giữa lúc đó, từ ngoài cửa sổ nổi lên tiếng hót tuyệt vời. Chim họa mi bé nhỏ đã từ rừng xanh bay về đậu trên cành cây ngoài vườn. Nghe tin Hoàng đế ốm nặng, chim đã bay về mang lại cho người nguồn sinh lực bằng tiếng hót của mình. Tiếng hót của họa mi vang lên, bóng ma tan dần, máu lại lưu thông trong huyết quản của nhà vua. Thần chết cũng phải lặng đi trước tiếng hót của họa mi, rồi lại khuyến khích: - Cứ hót đi! Họa mi! Cứ hót đi! - Được! Nhưng phải trao lại kiếm vàng và mũ miện cho Hoàng đế! Sau mỗi bài hót của chim, thần chết lại trao trả một bảo vật. Chim tiếp tục hót, ca ngợi cảnh thanh bình nơi nghĩa trang đầy hoa thơm, cỏ lạ. Thần chết không cầm nỗi lòng mong muốn trở lại khu vườn của mình, đã hóa thành một đám mấy trắng bay qua cửa sổ và biến mất. Hoàng đế reo lên: - Cảm ơn chim! Cảm ơn chim yêu quí! Ta đã nhận ra họa mi rồi. Ta đã vô tình để chim ra khỏi hoàng cung, vậy mà chim vẫn quay về, lại giúp ta xua đuổi tà ma, cứu ta ra khỏi tay thần chết. Ơn ấy không bao giờ ta quên. Họa mi đáp: - Nhà vua ban thưởng cho chim nhiều rồi. Những giọt nước mắt, nhà vua nhỏ lần đầu tiên nghe chim hót, chim không bao giờ quên cảnh tượng ấy. Đối với một ca sĩ, không có vàng bạc châu báu nào quý giá bằng. Bây giờ xin Hoàng đế yên nghỉ để họa mi hót cho người nghe cho mau bình phục. Rồi họa mi lại hót, hoàng đế lại thiếp đi trong giấc ngủ hồi sinh êm đềm. Lúc ánh bình minh chiếu qua cửa sổ rọi tới long sàng, nhà vua tỉnh giấc trong người sảng khoái vô cùng. Chung quanh chẳng có ai đến hầu, vì họ yên trí vô nhà vua đã băng hà. Duy chỉ có họa mi vẫn một mình líu lo bên cạnh Hoàng đế. Hoàng đế bảo chim: - Từ nay hoa mi luôn ở bên ta để hót cho ta nghe, còn con chi giả ta sẽ đập tan thành trăm mảnh. Họa mi vội can: - Xin nhà vua đừng làm như vậy. Chim máy đã làm hết sức của nó, nên giữ nó lại. Còn tôi, tôi không quen sống trong hoàng cung. Xin nhà vua cho phép tôi về rừng, chiều chiều tôi sẽ bay lại đây, đậu trên cành cây, trước cửa sổ này để hót cho nhà vua nghe. Chim sẽ hót lên cuộc đời của những kẻ sung sướng nhưng cuộc đời cũng như cuộc đời của những người đau khổ. Chim sẽ hót lên những điều tốt cũng như những điều xấu người ta chung quanh nhà vua. Tiếng hót của họa mi bé nhỏ này sẽ lọt tới những người dân chài nghèo khổ, của những nông dân bần hàn, đến tận những nơi xa hoàng đế và triều đình. Họa mi kính trọng tấm lòng nhà vua hơn cả ngai vàng, mặc dầu ngai vàng là biểu hiện thiêng liêng. Chim sẽ đến, sẽ hót, nhưng chỉ xin nhà vua một điều. - Chim muốn xin gì trẫm cũng ban - nhà vua nói và đứng dậy ghi chặt thanh kiếm nạm ngọc quí vào ngực. - Chim chỉ xin bệ hạ một điều là đừng nói cho bất cứ ai biết rằng bệ hạ có một con chim nhỏ đã tâu lên cho bệ hạ biết tất cả mọi điều. Như thế mọi việc sẽ êm đẹp. Nói rồi chim cất cánh bay đi. Lúc ấy triều thần bước vào. Họ yên trí hoàng đế đã băng hà. Nhưng mọi người sửng sốt thấy nhà vua đứng dậy quay về phía họ mà phán rằng: - Chào các ngươi! Hết