Tản Văn Con Cả Con Út - Nguyệt Lam

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Quán Lười, 6 Tháng một 2022.

  1. Quán Lười

    Bài viết:
    331
    Con cả con út

    Tác giả: Nguyệt Lam (Swaka)

    Thể loại: Tản văn

    [​IMG]

    Tôi là con cả trong gia đình.

    Bố mẹ tôi sinh tôi ra khi họ còn rất trẻ. Có lẽ ở cái độ tuổi của ông bà chúng ta, mười bảy mười tám tuổi có con là chuyện thường, thế nhưng thế hệ của ba mẹ tôi, như thế là quá sớm, ít nhất là trong tiềm thức của hai đấng sinh thành ấy, họ vẫn chưa thật sự chuẩn bị tốt để chào đón một sinh mệnh mới.

    Thế nhưng họ vẫn sinh tôi ra, thay vì từ bỏ.

    Nhưng mà nuôi lớn một đứa trẻ khi bản thân vẫn là một đứa trẻ thật sự quá khó. Huống hồ gì họ lại còn gánh nặng gia đình trên vai, cơm áo gạo tiền nuôi thân đã khó, nay lại thêm tã sữa cho con, thật sự rất vất vả.

    Thế nên từ rất nhỏ, tôi đã quen cảnh bơ vơ.

    Bố mẹ hay đi làm xa, có năm đi biền biệt chẳng mấy khi về. Tôi ở lại sống với ông bà. Thế nhưng ông bà hai bên ai cũng con cháu đầy đàn, thật sự chẳng thể nào chăm mãi cho một đứa cháu như thế.

    Tôi lại phải trưởng thành rất sớm.

    Từ khi còn rất bé, tôi đã phải học nấu cơm, khi mà chiếc nồi cơm còn to hơn tôi, đã phải vo gạo rồi bê nó lên bếp, chờ bà tôi thổi lửa rồi ngồi đó canh ánh lửa bập bùng.

    À thì, tôi chẳng phải Lọ Lem hay nàng Tấm gì đâu.

    Thật ra đứa trẻ sinh ra trong một gia đình khó khăn nào mà chẳng trải qua cảnh ấy.

    Những năm tháng ban đầu, tôi học không tốt, thành tích cứ bình bình.

    Đến một năm lớp hai lớp ba gì đấy, bố tôi bảo với tôi, chỉ cần con học thật giỏi, bố mẹ sẽ không đi xa nữa, sẽ về nhà.

    Năm đó tôi xếp hạng ba trong lớp, hạng năm toàn khối, đạt học sinh giỏi cấp huyện, lại thêm mấy giải linh ta linh tinh như văn hay chữ tốt. Từ một đứa nhỏ nằm trong top cuối của lớp, trở thành một trong những học sinh ưu tú của trường, khiến cho mọi người vô cùng bỡ ngỡ.

    Năm đó ba mẹ tôi về, không đi nữa.

    Sau này, thành tích của tôi ngày càng tốt hơn, tôi trở thành một cô con gái ngoan ngoãn đầy tự hào của ba mẹ, năm nào cũng là học sinh giỏi, mỗi năm thành tích mỗi lên, trở thành gương mặt tiêu biểu của trường.

    Thi thoảng khi tôi đạt giải, ba mẹ sẽ chở tôi đến công viên chơi. Công viên cách nhà tôi rất xa, đi phải gần một tiếng mới đến, giá lúc ấy cũng đắt, thường thì tôi chỉ đến đó dạo một vòng, chơi một hai trò rồi lại đến quầy câu cá nhựa ngồi suốt mấy tiếng. Vì ở đó giá vé không quy định thời gian.

    Lúc còn bé tôi rất thích tô tượng, thích cả bóng bay. Nhưng tôi không dám mở miệng xin. Ba tôi rất khó, tôi sợ nhất là những lúc ba giận lên, thế nên được đi chơi đối với tôi đã rất tốt rồi. Mặc dù tôi rất thích những món đồ đó, nhưng chỉ có thể dùng ánh mắt tiếc nuối nhìn chúng. Thật ra nếu bậc phụ huynh nào nhìn thấy ánh mắt ấy của con cái mình, cũng sẽ nhận ra niềm khao khát của chúng, chỉ là ba mẹ tôi chẳng để ý tới mà thôi.

    Ánh mắt đó theo tôi rất nhiều năm, thật sự rất lâu, mãi cho đến khi tôi có đủ khả năng, có thể tự kiếm tiền, tự mua những món đồ mà mình yêu thích.

    Nhưng đến lúc tôi nhìn lại những bức tượng màu trắng, nhìn lại những quả bóng bay sặc sỡ.

    Tôi lại chẳng yêu thích như xưa nữa.

    Vì chẳng có niềm vui như tôi thường hay ngẫm nghĩ.

    Năm tôi mười tuổi, mẹ tôi mang thai.

    Mười năm đã đủ cho đôi vợ chồng trẻ ngày xưa học được nhiều thứ, tích góp của cải, thế nên đứa trẻ ấy trong một niềm yêu thương đầy hạnh phúc.

    Lúc mẹ mang thai, bố hỏi tôi, tôi thích em trai hay em gái.

    Tôi nói là em gái.

    Bố lại hỏi tôi tại sao.

    Tôi nói có em gái tôi có thể chơi với nó, có thể thắt tóc cho nó.

    Ba tôi nói, em trai cũng có thể chơi cùng con mà. Tôi lúc ấy, đứa nhỏ mới mười tuổi trả lời đầy ngang ngược: "Con chỉ thích em gái thôi."

    Nhưng thật ra, tôi sợ có em trai rồi, sẽ chẳng ai yêu thương tôi nữa. Đối với tôi, chút tình yêu thương mà bố mẹ trao cho đã quá mỏng manh rồi, một đứa em trai thật sự sẽ lấy đi tất cả của tôi.

    Sau này, tôi thật sự có một cô em gái.

    Có lẽ do ba mẹ tôi đã có một cô con gái thật sự tốt, học giỏi lại ngoan, đã có người để hãnh diện với người ngoài.

    Thế nên cô con gái út, lại trưởng thành trong sự yêu thương nuông chiều.

    Em gái tôi cũng từng dùng ánh mắt khao khát nhìn về một món đồ chơi, nhưng nó lại chẳng có tiếc nuối. Bởi vì ba mẹ tôi sẽ mua những món đồ mà nó thích cho nó.

    Bởi vì mười năm rồi, họ đã từng có một đứa trẻ, họ cuối cùng cũng hiểu ánh mắt ấy.

    Thế nhưng đứa con cả kia lớn rồi, nó chẳng dùng ánh mắt ấy nữa, bởi vì nó đã có thể tự mua rồi.

    Em gái tôi lớn lên cũng rất giỏi, bởi vì nó có nhiều người bên cạnh.

    Lúc tôi đi học, chỗ nào không biết, tôi chỉ có thể cố gắng làm lại, cố gắng tìm tòi, chẳng có ai bên cạnh cả.

    Còn khi em tôi đi học, ba mẹ sẽ ngồi bên cạnh, dạy cho nó. Chỗ nào không hiểu, tôi sẽ là người dạy cho nó.

    Em gái tôi sống thật sự hạnh phúc, hạnh phúc hơn tôi rất nhiều. Thật ra cái câu chuyện thiên vị con út hơn con lớn đã là chuyện thường, chỉ là đôi lúc tôi thật sự rất ghen tỵ.

    Bởi vì thà rằng chỉ có một đứa, dẫu rằng thiếu tình yêu thương, nhưng thật sự sẽ ít buồn tủi.

    Nhưng khi thêm một đứa nữa, có sự so sánh rồi, lại càng đau thương.

    Thế nhưng ba tôi rất hay nói: "Cha mẹ thương hai đứa như nhau."

    Thật ra tình cảm không phải là một sợi dây, không thể nào cầm thước đo từng mi li mét một, rồi chia cho thật công bằng. Tình cảm không sờ được, không nắm được, chỉ có thể cảm nhận mà thôi.

    Khi chẳng có ai để so sánh, mình có thể bao biện rằng do ba mẹ không muốn thể hiện ra, không muốn treo mấy lời sáo rỗng trên môi.

    Thế nhưng có người để so sánh rồi, mới biết không phải bản thân không cảm nhận được gì, mà là chút ít tình cảm ấy thật sự quá nhỏ bé, ít ỏi đến mức chỉ cần một cơn sóng tình cảm, nó sẽ biến mất.

    Tôi cuối cùng cũng hiểu, cái gì gọi là không có so sánh sẽ không có đau thương.

    Sau này lớn hơn nữa, tôi nhìn thấy bóng dáng của mình trên người em tôi. Những ánh mắt yêu thích ấy, những nụ cười khi nghe lời âu yếm của ba mẹ.

    Thì ra, chỉ là vì năm ấy ba mẹ tôi còn quá trẻ, còn quá bỡ ngỡ, chẳng biết cách nuôi dạy một đứa trẻ.

    Sinh một đứa rất dễ, nhưng để nó trưởng thành rất khó.

    Mãi đến mười năm sau, khi họ đã có một đứa con, họ mới có thể sẵn sàng để thật sự nuôi dưỡng một đứa trẻ.

    Họ đem những gì nợ tôi, trả lại cho em tôi.

    Thật ra thế giới này cũng có rất nhiều bậc phụ huynh như vậy. Họ đem những gì mình nợ đứa con lớn, dành hết cho những đứa trẻ sau. Họ luôn cảm thấy như vậy rất tốt, mình làm thật sự rất tốt. Nhưng mà họ lại quên mất, người họ nợ là đứa con cả buộc phải trưởng thành sớm kia.

    Thật ra nói chuyện ba mẹ nợ con cũng chẳng phải lắm. Trên đời này chỉ có con nợ cha mẹ, chứ có cha mẹ nào nợ con cái chứ?

    Có chứ.

    Ngay từ giây phút bạn quyết định để sinh linh nhỏ bé ấy chào đời, thì bạn phải có trách nhiệm cho nó một cuộc đời hạnh phúc, ít nhất là phải cho nó vui vẻ mãi cho đến khi nó có thể tự gồng gánh đời mình.

    Nó nợ bạn xương máu da thịt, nợ bạn mười tám năm nhọc nhằn.

    Nhưng cũng có thể, bạn nợ nó tình thương gia đình, nợ nó một tuổi thơ vui vẻ.

    Thà rằng bạn đừng bù đắp, đừng làm gì cả. Nó sẽ tốt hơn chuyện bạn đem những nỗi niềm ăn năn ấy, dành cho một đứa trẻ khác.

    Con cả, con út, không chỉ là khoảng cách giữa cách giữa các anh chị em.

    Mà còn là khoảng cách yêu thương.

    Có một người, cả vùng trời là nuông chiều sủng ái.

    Có một người, bi thương mà trưởng thành.


    Hết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng một 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...