Review sách: Cõi Người Rung Chuông Tận Thế Tên tiếng Anh: Apocalypse Hotel (Khách sạn ngày tận thế) Tác giả: Hồ Anh Thái Reviewer: Anhquaann Cõi người rung chuông tận thế là cuốn sách thuộc thể loại tiểu thuyết của nhà văn Hồ Anh Thái được xuất bản vào năm cuối năm 2002 bởi NXB Trẻ. Nội dung cuốn sách xoay quanh hành trình khám phá cõi người của nhân vật chính khi đang trên đường điều tra về ba cái chết liên tiếp và thảm khốc của ba người bạn trong nhóm. *Cảm nhận riêng: Cõi người rung chuông tận thế là cuốn tiểu thuyết tái hiện chân thực bối cảnh xã hội Viêt Nam thời hậu chiến, tái hiện một cách chân thực, sắc nét và cũng đầy cảm động. Những câu chuyện, những nội dung được đề cập đến trong cuốn tiểu thuyết thực sự rất nặng cân và nếu không phải là một cây bút tài năng, ắt hẳn nhà văn Hồ Anh Thái đã không thể phản ánh một cách gãy gọn và tinh tế những vấn đề nóng bỏng ấy một cách gần gũi với đời thường như vậy. Cõi người rung chung ngày tận thế có xen lẫn yếu tố hư cấu về một thánh nữ đồng trinh, một nhân vật không ai có thể chạm tới, càng không thể có ai có thể làm hại. Cuốn tiểu thuyết thực sự là một câu chuyện huyễn hoặc tâm trí độc giả nhưng nó mang đậm đặc trưng văn hóa phương Đông và được truyền tải những thông điệp truyền thống, vì vậy nó là một tác phẩm rất Việt Nam. Trong Cõi người rung chuông tận thế, nhà văn Hồ Anh Thái phản ánh trần gian như một quán trọ mà con người đang trú chân trong tạm bợ, nhưng những vấn đề suy thoái đạo đức và văn hóa đang rất ngổn ngang khiến cho đời sống con người ngày càng khốc liệt. Có thể, nếu như đây là lần đầu tiếp xúc với tác phẩm văn chương của Hồ Anh Thái, ắt hẳn bạn sẽ thầm đoán định đây không phải là một nhà văn Việt Nam hoặc chí ít thì Cõi người rung chuông tận thế không phải là một tác phẩm phản ánh xã hội Việt Nam. Bởi ngôn từ, hình ảnh, cách diễn đạt về xã hội, về con người và các vấn đề nhân cách, đạo đức của con người mà nhà văn đưa ra sao mà thực tế quá, sắc nhọn và trần trụi quá. Những khía cạnh nhạy cảm về đời sống được tái hiện rõ mồn một không chần chừ, không che giấu. Những mặt xấu, mặt trái, mặt suy thoái đồi trụy được phô bày không e ngại. Các yếu tố tình cảm nam nữ cũng được khắc họa mà bản thân bạn đọc phải tự trải nghiệm chứ không thể chỉ dùng lời nói mà khắc họa cảm nhận được. Nhưng phải chú ý rằng, chủ đề được nhà văn lựa chọn và phác họa không phải chỉ để khêu gợi sự hứng thú xấu xa nhất thời, mà nhà văn đề cập đến là để bản thân người đọc chúng ta hiểu và biết được rằng, những điều xấu xa, tằn tiện, đê hèn như thế đã thực sự từng tồn tại trong xã hội Việt Nam. Ngôn ngữ, hình ảnh của Hồ Anh Thái thực sự rất trần trụi và thậm chí có cả hơi hướng bạo lực, những bạn đọc nào yêu thích giọng văn của Ngô Tất Tố hay Nguyễn Trọng Phụng thì rất có thể cũng sẽ yêu thích giọng văn Hồ Anh Thái- một nhà văn nhạy cảm với các vấn đề của thời cuộc. Trước đây, Hồ Anh Thái từng là một nhà văn chỉ viết về sinh viên, viên chức, trí thức, những qua tác phẩm Cõi người rung chuông tận thế ta như tiếp cận với một giọng điệu yêu thương tột cùng nhưng cũng đầy chua xót, đắng cay. Một tác phẩm tiểu thuyết chỉ với trên 200 trang nhưng đầy đủ cả những khía cạnh tốt, xấu, yêu, hận, "rất cảm động mà cũng thật hãi hùng". Nhà văn quan niệm "tiểu thuyết như một giấc mơ dài, gấp sách lại người ta vừa mừng rơn như vừa thoát khỏi cơn ác mộng, lại tiếc nuối vì phải chia xa với điều mà hiện thực không có", đây chính là nguyên do chính khiến yếu tố huyền ảo xuất hiện trong trang viết của ông. Nhân vật chính trong Cõi người rung chuông tận thế là nhân vật tôi, không quá độc ác tha hóa nhưng cũng không phải hạng anh hào, cao thượng. "Tôi" chứng kiến tất cả những không làm gì cả. "Tôi" là người đã dẫn dắt độc giả đi tìm kiếm thánh nữ đồng trinh Mai Trừng, cùng mở lối về chiến tranh và giúp cô phá bỏ lời nguyền trong quá khứ. Cõi người rung chuông tận thế không đơn thuần là thông điệp ở hiền gặp lành, ác giả ác báo theo quan điểm thường tình, trong tác phẩm, cái ác đã nở rộ, trở thành một thế lực thao túng tâm lí con người. Điều đặc biệt là tên của các nhân vật được đặt theo dục vọng của họ, những cái tên điển hình của ba chàng trai "thời đại" : Cốc, Bóp, Phũ. Đây là những sự xấu xí nhan nhản trong cõi người hôm nay, đầy vị kỷ và lấy hưởng lạc làm trò tiêu khiển.
Có lẽ một bài viết về Cõi người rung chuông tận thế là chưa đủ để nói về những cảm giác cũng như giá trị nhân sinh quan trong cuốn sách này mà nhà văn Hồ Anh Thái mang lại. Bằng một ngòi bút trần trụi, lạnh lùng nhất, nhà văn mở đầu cuốn sách bằng một cái chết bất ngờ, lạ lùng và bí hiểm, với ngôn ngữ đậm chất hình sự, tạo ra cho người đọc một cảm giác hoang mang. Cuốn sách có tổng cộng tám chương, nhưng hết ba chương đầu đều nói về ba kết chết, một nhóm bạn với 4 gã trai tốt tướng, tốt tiền, chỉ có nội tâm là bất ổn. Bằng tất cả tâm huyết, nhà văn Hồ Anh Thái sẵn sàng đặt lên trang giấy một con người rất thực tế với tất cả bản nguyên tinh thần của một cái tôi sa ngã, chời bời thác loạn. Sau khi cho các nhân vật của mình chết đầy thê thảm, chết một cách không thương tiếc, tác giả đã mạnh tay hướng người đọc tới một lòng tin mãnh liệt: Không bao giờ cái ác có thể tự do tung hoành trong cõi nhân gian. Có lẽ, hiếm có một nhà văn nào khi đã cất công mổ xẻ một hiện thực đầy những man rợ mà lại thoái lui, lại không mảy may đau đáu xót thương cho một cõi người đang sắp sửa đến ngày tận diệt. Trong suốt hành trình viết nên cuốn sách, nhà văn Hồ Anh Thái đã đặt mình trong ý thức của một kẻ ác, một con người đồng lõa với những con người ác khác, nguồi trên cỗ xe tội ác để đi tìm nguồn gốc của cái ác. Nhà văn tài năng ấy đã thực sự phả một luồng gió mới vào văn học, thổi một giọng điệu tươi mới, trẻ trung, hiện đại khi mà đa phần văn chương Việt Nam thời ấy vẫn chưa đi qua khỏi sự ám ảnh của chiến tranh. Bằng cách cập nhật một vấn đề hệ trọng muôn thuở vào nội dung cuốn tiểu thuyết Cõi ngươi rung chuông tận thế: Thiện- Ác, nhà văn Hồ Anh Thái dường như đã bắt trúng mạch nỗi đau quằn quại, nỗi đau truyền kiếp của con người. Hành trình nhà văn dẫn dắt nhân vất "Tôi" đi tìm sự thật cũng đồng thời là hành trình mà "Tôi" được tìm đến giác ngộ, trở về từ giữ hai bờ thiện ác. Hồ Anh Thái kéo người đọc đi sâu vào xã hội Việt Nam thời hậu chiến, cũng đồng thời khám phá một thời chiến loạn bi thương, hãi hùng, dù đây không phải chủ đề lớn của cuốn tiểu thuyết. Một yếu tố được nhắc đến, dù nhỏ, nhưng cũng đủ sức đâm lên một khối u nhọt trong lòng độc giả. Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại, giữa thời bao cấp với kinh tế thị trường, sự khác biệt quá xa giữa tình cảm ngây thơ thuần hậu của những nữ thanh niên xung kích với sự sa đà, thác loạn của các thanh niên thời mở cửa. Không chịu phản ánh hiện thực chỉ với những yếu tố hiện thực, nhà văn còn cho vào cuốn tiểu thuyết những yêu tố hư ảo, huyền hoặc, ba cái chết liên tiếp kéo nhân vật "Tôi" lẫn người đọc dõi theo một bóng hồng hư ảo. Để từ đậy, một con người với dục vọng, thù hận, tình yêu.. được phô ra thẳng thắn Mai Trừng- một thánh nữ đồng trinh bị dính lời nguyền diệt trừ cái ác từ người mẹ quá cố trên chiến trường, bản thân cô cũng bị động lòng bởi những cái chết dù bản thân là người đem đến điều tồi tệ đó. Hễ ai dính vào cô đều sẽ làm nên cái ác, sẽ bị dính vào tội ác. Cay nghiệt hơn là ta phải thừa nhận, có lẽ bản thân cô quá đỗi xinh đẹp nhưng không ai có thể động vào đã là một cái ác Có lẽ là người sinh sống ở Ấn Độ một thời gian khá dài, đủ để có được những bài học về quan niệm Phật giáo nhất định nên trong nội dung cuốn tiểu thuyết cũng ít nhiều phảng phất giáo lý nhà Phật một cách nhẹ nhàng mà thâm thúy. Con người dẫu có được ban phép quyền năng cũng không thể tự mình nhúng tay can dự vào quy luật bất biến của tạo hóa, không thể làm chủ vòng luân hồi của vũ trụ, không thể điều khiển nhân quả theo ý của mình. Cái ác sẽ được thanh lọc và tội ác sẽ bị xóa tan đi khi con người thành tâm buông bỏ nghiệp chướng, một lòng hướng thiện. Giữa một biển văn chương đầy những sáo mòn, khuôn phép, Hồ Anh Thái đã đem đến một tác phẩm độc đáo, mới lạ nhưng vẫn tuân thủ quy luật nghệ thuật muôn đời. Đã có tiếng chuông nào vang vọng đủ để cảnh tỉnh cõi người này chăng?