Truyện ngắn: Cô Vợ Trẻ Tác giả: Triều Nguyễn Nội dung: Gã đến công ty lúc tám giờ sáng, vẫn bộ dạng nhếch nhác đó, tóc tai xuề xòa, quần áo lôi thôi. Tôi cũng chả buồn để ý gã làm gì, quen quá rồi, chỉ nhoẻn miệng cười nói: - Anh Ba đi trễ hai phút đấy nhé! Gã cười khổ sở, không đáp. Gã gần năm mươi rồi, tóc bạc hơn nửa đầu, ấy thế mà cứ bắt một thằng chỉ ngoài hai mươi như tôi gọi bằng "anh", rõ khổ, chẳng hiểu gã nghĩ thế nào, nhưng tôi cũng mặc kệ, muốn gọi "anh" thì gọi "anh" chứ cũng chẳng mất mát gì. Nếu nhìn từ đằng xa, không thấy cái gương mặc hốc hác và mái đầu hoa râm đó thì chẳng ai biết gã đã gần năm mươi tuổi, bởi gã nhỏ xí, cao chưa tới một thước rưỡi. Tôi nhận việc ở đây chưa đầy hai tháng, anh em đồng nghiệp cũng chỉ chào hỏi qua loa chứ không thân thiết với người nào. Một lần đi cà phê có nghe mấy anh tài xế bâng quơ vài câu, bảo gã làm bốc vác ở đây những bốn năm rồi. Nghe đâu gã có cô vợ xinh lắm, còn kém gã tận hai mươi mấy tuổi cơ, mấy cậu thanh niên còn độc thân trong công ty ai nấy cũng phục gã sát đất. Công việc ở cái công ty phân phối gạch men này vất vả lắm, trưa đến thì người nào người nấy mệt bở cả hơi tai, mồ hôi mồ kê ướt hết cả áo. Mọi người mua cơm về rồi ngồi ăn chung, chỉ có gã là ngồi riêng một góc. Tôi ngó gã, định mở miệng mời sang ăn cùng cho vui thì anh Thanh đã ngăn tôi lại: - Kệ lão đi, lão già tự kỷ đó cứ lủi thủi một mình cả năm nay rồi, chú mày hơi đâu mà quan tâm! Tôi đành ăn tiếp phần cơm của mình, mặc kệ gã vậy. Hết giờ làm, trời đột nhiên chuyển mưa. Nguyên cả khu đất rộng mấy héc ta này chỉ toàn là kho bãi, xe lớn xe nhỏ ra vào thường xuyên. Con đường dẫn ra đường lớn đã hỏng nặng lắm rồi, chẳng mấy chốc mà nước ngập hơn phân nửa bánh xe, tôi cố rề chiếc xe máy của mình qua khúc ngập, đi được một đoạn thì thấy gã lội bộ phía trước. Tôi lớn tiếng gọi: - Anh Ba lên đây em đèo về! Gã nghe tôi gọi thì có hơi giật mình, quay lại đáp: - Em cứ về trước đi, anh ở trọ gần đây! Tôi sực nghĩ ra, có lẽ vợ của gã cũng trạc tuổi tôi, nên gã cứ bắt tôi gọi bằng "anh". Cũng không chèo kéo gã làm gì, cảm thấy hơi buồn cười, tôi rồ xe chạy đi trong làn nước, nhìn vào gương chiếu hậu, chỉ thấy một gã đàn ông tóc mai điểm trắng, hai chân lội nước mà bước đi, quần áo đã ước sũng vì mưa... Hôm nay gã lại đi trễ. Tôi nhìn gã, thấy hai mắt gã thâm quần, gương mặt cũng hốc hác thêm mấy phần. Chẳng hiểu tại sao một người phụ nữ trẻ đẹp lại đi thương cái tên đàn ông già nua, bần hàn như gã cơ chứ? Tôi suy nghĩ lan man một lúc rồi lắc đầu xua đi, dù sao thì cũng chẳng phải chuyện của mình, quan tâm làm gì cho mệt người. Ngày hôm sau, gã lại đến trễ, lần này thì trễ tận hai mươi phút. Thấy gã vào đến cổng, tôi định nhắc nhở vài câu, chợt thấy trên đầu gã quấn một băng gạc trắng, mặt mũi thâm tím khó coi nên đành hỏi: - Anh lại quá chén rồi té bờ té bụi đấy à? Gã là cái hủ hèm, ở công ty có ma nào mà không biết. Vài ba hôm lại thấy gã vào công ty với khuôn mặt trầy trụa, lắm lúc còn u đầu mẻ tráng như vừa đi đánh nhau với người ta tối qua. Gã chỉ cười khổ, nụ cười chua chát làm tôi thấy rùng mình, thử hỏi một tên đàn ông đã già khú như gã lại có được vợ đẹp, hai đứa con ngoan thì còn gì là khổ hạnh, còn gì là sầu ải mà suốt ngày cứ trưng cái bộ dạng đó ra cho người khác phải nao lòng? Tôi nhếch môi nói: - Nốt lần này thôi đấy, mốt mà còn đi làm trễ thì em không bao che cho đâu! Gã chẳng thèm xin lỗi hay cảm ơn lấy một tiếng, mang cái vẻ mặt buồn bã đi vào trong. Suốt năm ngày sau đó gã đều đi trễ, có hôm thì năm mười phút, có hôm trễ đến nửa tiếng, tôi chẳng còn cách nào khác đành ghi vào bảng chấm công của gã. Hết giờ làm, tôi đợi gã trước cổng công ty, muốn nhắc nhở về thái độ làm việc của gã mấy ngày vừa qua, còn chưa kịp mở miệng thì gã đã lên tiếng trước: - Em chở anh Ba lên chợ Bà Ngựa giúp được không, anh đang có việc gấp mà trong túi không còn tiền đi xe! Có mấy khi mà gã chịu mở miệng nói chuyện với người khác, đừng nói chi tới việc nhờ vả ai đó. Trên khuôn mặt tiều tụy đó, ánh mắt gã như lóe lên một tia hy vọng. Tôi cũng chẳng phải ghét bỏ gì gã, chẳng qua là không thể chấp nhận cái thái độ làm việc của gã mà thôi, nhưng việc nào ra việc đó, liền đáp: - Được ạ, chiều nay em cũng không có việc gì, sẵn tiện ghé chợ mua ít đồ luôn! Gã lên ngồi sau xe, tôi rồ ga chạy đi, cảm giác chỉ như đang chở một đứa con nít sau lưng, gã gầy thật. Suốt cả quãng đường, gã vẫn kiệm lời như thường ngày, tôi cũng chẳng buồn bắt chuyện, mà cũng chẳng biết phải nói về chuyện gì, chỉ nghe hơi thở nặng nề của gã ngay sau lưng. Đi qua khu chợ sầm uất, gã bảo tôi dừng xe trước một con hẻm nhỏ, xuống xe nói: - Em cho anh xuống đây được rồi, cảm ơn em nhiều lắm! Tôi không biết gã định đi đâu, làm gì, mà cũng không tiện hỏi cho lắm nên chỉ nói: - Anh Ba có cần em chờ ở đây không? Gã cười gượng: - Thôi em cứ vào chợ mua đồ rồi về trước đi, lát nữa anh tự về! Nói rồi quay lưng đi thẳng vào trong con hẻm. Hai chân gã nhanh thật, mới đó đã khuất hẳn sau mấy căn nhà ở khúc quanh. Tôi quay xe trở về, nói với gã là muốn vào chợ mua ít đồ chỉ để cho gã khỏi áy náy, chứ thực ra tôi có cần mua cái gì đâu. Đi được một đoạn, chợt thấy trên xe có treo một cái bình giữ nhiệt, chẳng phải là cái bình đựng trà của lão già Phương hay sao? Tôi chợt nhớ ra, vừa nãy gã có nhờ tôi máng lên xe. Cũng chưa đi xa lắm, có lẽ nên quay lại đưa cho gã để ngày mai còn có cái mà đựng trà, nghĩ thế tôi liền quay trở lại con hẻm ban nãy. Tôi chầm chậm chạy vào trong con hẻm, chỗ này chẳng khác ở quê là mấy, đường xá thì lổm chổm, nước đọng thành từng vũng, nhà cửa xập xệ ở hai bên. Qua khúc quanh mà lúc nãy gã đi qua, thấy có một đám đông đang xôn xao, con đường nhỏ bị bịt kín bởi mấy mươi con người, chẳng cách nào đi tiếp được nữa. Tôi đá chống xe, tính tới hỏi thăm mọi người xem thử có chuyện gì, bỗng nghe ở căn nhà phía trước có tiếng một cô gái quát lên: - Ông tới đây làm gì nữa? Tôi đã bảo là chấm dứt rồi, bộ lần trước ăn đòn còn chưa đủ hay sao? Giọng điệu đay nghiến đến khó nghe. Vừa dứt đã nghe một tiếng đàn ông tiếp lời: - Em lôi thôi với lão làm gì, cứ cho lão một trận nhớ đời là lần sau hết dám mò đến đây! Mấy người phụ nữ trong đám đông cũng bắt đầu bàn tán: - Tội nghiệp ông già, lấy phải con hồ ly tinh! - Tội tình gì cái ngữ ấy, ai bảo đèo bồng, già hai thứ tóc mà còn ham hố gặm cỏ non, bây giờ đầu có sừng cũng đáng kiếp! Có người thương hại, có người xỉa xói, sỉ vả. Tôi nghe qua cũng đoán ra được là gã và cô vợ trẻ đang cãi nhau, liền len qua mấy người phụ nữ xem thế nào. Tình cảnh trước mắt làm tôi như chết lặng, trong mảnh sân đầy nước đọng, ông già Phương quỳ mọp dưới đất, hai tay ôm chặt lấy một cô gái tuổi chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu. Cô ta mặt mũi xinh xắn, da dẻ nõn nà, ấy vậy mà miệng lưỡi như con dao sắc nhọn, không ngừng tuôn ra những lời cay nghiệt để miệt thị ông chồng mình. Nhìn gã bây giờ chẳng khác gì một đứa bé ôm chặt lấy mẹ mình, cầu xin sự thương hại. Cô gái cứ vung chân đá gã ra, nhưng gã như cố hết sức lực để níu giữ chút tình cảm mà có lẽ đã không còn nữa. Khuôn mặt gã đỏ rần lên như con gà chọi, cặp mắt nhíu lại, hai cánh tay gân guốc ra sức ôm chặt lấy người vợ trẻ tuổi của mình. Bịch một tiếng, gã ngã chõng vó ra đất, dúi đầu xuống một vũng nước lớn. Người đàn ông đứng bên cạnh thấy gã cứ bám riết lấy tình nhân của mình, thuận chân đá cho gã một cái như trời giáng. Hắn còn muốn bồi thêm vài phát nữa nhưng bị cô gái kéo tay ngăn lại, hai người chửi rủa thêm vài câu rồi dắt nhau vào nhà. Ầm một cái, cửa nhà cũng đóng chặt lại. Gã vẫn nằm đó, bùn sình dính đầy mặt, hơi thở như đứt quãng, mà có lẽ lòng gã giờ đây cũng đã đứt thành từng đoạn. Tôi chạy tới đỡ gã dậy, vẫn gương mặt lầm lì đó, bây giờ đã thêm mấy phần thất sắc, hai bên khóe mắt nhăn nhèo trào ra những giọt lệ, cũng chẳng biết là lệ đắng hay mùi bùn đất hôi tanh khiến gã cứ phải đưa tay lên quẹt đi. Tôi chở gã về, cũng như lúc đi, chẳng ai nói với ai câu nào, cái không khí lạnh buốt đến quặn lòng như bao trùm lấy hai người, đằng sau lưng thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng thút thít nho nhỏ. Rào... Mưa trút xuống như thác đổ. Tôi cũng chẳng buồn mặt áo mưa, cứ để cho mưa gội sạch thân thể gã, gội sạch tâm trí gã, gội sạch đi khoảng kí ức đau buồn chỉ vừa mới xảy ra vài phút trước. Chẳng mấy chốc mà mưa đã tạnh hẳn, nước mưa làm tôi lạnh buốt đến phát run, nhưng tôi biết, cái lạnh trong lòng gã bây giờ còn khủng khiếp hơn nhiều. Tôi tấp vào một quán nhậu ven đường, quay lại nói: - Mình vào làm vài chén cho ấm bụng anh nhỉ? Gã do dự một lát rồi nói: - Em trả luôn phần anh, hôm sau lãnh lương anh gửi lại! Tôi cười mà môi cứ run lập bập, nói: - Chẳng đáng bao nhiêu đâu anh, em khao! Ngồi vào bàn, cũng chẳng có chuyện gì để nói. Gã thì vốn đã kiệm lời, còn tôi thì không muốn nhắc đến chuyện lúc nãy, muốn khuyên gã vài câu cũng thấy hết chín phần bất tiện, thành thử cứ uống hết ly này đến ly khác. Đến khi đã ngà ngà say, gã mới chịu mở miệng: - Ngày trước ở quê anh làm ăn cũng khấm khá lắm, cũng có nhà có cửa đàng hoàng cổ mới chịu lấy anh, hai vợ chồng tuy lệch tuổi nhưng ăn ở với nhau cũng thuận hòa, đẻ được hai đứa con, một trai một gái, tưởng đâu ở đời được vậy đã gọi là viên mãn, ai ngờ... Gã nốc thêm một ly rượu cay xè rồi nói tiếp: - Năm đó thời tiết khắc nghiệt, mấy chục héc ta trồng cây ăn trái đi tong, phải đền tiền hợp đồng cho người ta. Anh cầm cố nhà cửa mà cũng không đủ, phải đi vay mượn khắp nơi, cố gắng làm lại từ đầu. Nhưng mà phụ lòng người là việc của ông trời em ạ, hai vợ chồng không cách gì trả hết nợ, nhà cửa cũng không còn, đành phải dắt theo hai đứa con nhỏ lên thành phố. Mấy năm đầu cổ còn chịu khó làm lụng phụ anh, dần dần thì lao vào cờ bạc, đề đóm, nhà cửa con cái gì cũng bỏ hết... Gã vừa nói vừa uống, không biết phải uống hết bao nhiêu ly thì mới kể xong câu chuyện. Ngẫm lại thì cuộc đời của gã quả cũng thật đáng thương. Sống đến gần bốn mươi năm trên đời mới cưới được cô vợ, năm bốn mươi tuổi thì sinh được cô con gái đầu lòng, hai năm sau lại sinh thêm một đứa con trai. Cuộc sống tưởng chừng như êm ấm thì công việc làm ăn thất bại, phải bỏ đến xứ khác. Cô vợ của gã vốn sung sướng đã quen, chịu cực chịu khổ một hai năm thì không cam nữa, bỏ theo người đàn ông khác, để lại gã cùng hai đứa con nhỏ. Một mình gã không cách gì gồng gánh nổi, tiền lương bốc vác hàng tháng chỉ đủ cho ba cha con ăn uống, thuê trọ. Đứa con gái mới tám tuổi phải bỏ học, đi phụ bán cơm cho người ta. Đứa con trai sáu tuổi thì không có ai coi ngó, suốt ngày la cà nơi đầu đường xó chợ. Áp lực cuộc sống khiến gã già đi trông thấy, tóc cũng bạc nhanh hơn, gã bảo nếu không còn hai đứa con nhỏ thì gã cũng chẳng thiết tha gì mà sống trên đời nữa. Nhiều lần nghe hai đứa con nói nhớ mẹ, gã không kìm lòng được lại mò đến chỗ cô ta đang ăn nằm với tình nhân, nài nỉ cô ta về thăm con một vài hôm cho bọn trẻ bớt buồn, ấy vậy mà thứ gã nhận lại được chỉ là những câu từ chối phũ phàng, nhừng lời nói chói tai, hay thậm chí là những trận đòn đau điếng mà tên nhân tình của cô ta ban cho. Bao nhiêu đau khổ, áp lực dồn hết vào một ông già đã gần năm mươi tuổi, lâu dần khiến gã trở nên lầm lì, trầm mặc. Gã chẳng buồn ngó ngàng gì đến mọi người xung quanh, gã chẳng quan tâm tới ai, cứ mặc sự đời, bởi chính cuộc đời của mình gã còn lo chưa xuể thì còn tâm trí đâu mà lo nghĩ đến người khác. Tôi nghe gã kể, trong lòng biết bao nhiêu cảm xúc đan xen. Vốn tưởng những chuyện như thế chỉ có thể xuất hiện trên phim ảnh, ngờ đâu giữa đời thực vẫn còn tồn tại một bi kịch đau lòng đến vậy. Gã uống hết rượu trong chai, mặt mũi đã phờ phệch hẳn đi nhưng vẫn muốn uống thêm nữa. Bây giờ, chỉ có những cơn say mới có thể giúp đầu óc gã nguôi ngoai, nhưng đó không phải là cách mà gã dùng để đối mặt với hiện thực, gã đang cố trốn chạy. Tôi dìu gã lên xe, chở gã về nhà. Gã cố gắng tỉnh táo để chỉ cho tôi đường về nhà, nhưng đó có phải là nhà không? Tôi tự hỏi, liệu một nơi đã thiếu vắng đi những người quan trọng, nơi không thể khiến cho con người ta cảm thấy yên bình mỗi khi trở về, thì đó có phải là nhà không? Trời tối sầm lại, đèn đường vụt lên, những giọt mưa rào rơi lác đác. Gã gục trên vai tôi, cơ thể rung lên thành từng đợt. Không biết gã còn tỉnh hay đã ngủ, chỉ thấy nơi vai áo tôi ấm lên giữa làn mưa lã chã. Hết!