Truyện Ngắn Cổ Tích Đời Thường - Chin

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Bụi, 20 Tháng một 2020.

  1. Bụi I'm the dust in the wind... ♥️

    Bài viết:
    1,717
    Tuyển tập: Cổ Tích Đời Thường

    Tác giả: Lê Anh (Chin)

    Thể loại:
    Bút ký, Hiện Thực,...

    Số chương:
    Không xác định.

    Trạng thái:
    Viết mãi không dừng. Viết đến khi không thể viết tiếp nữa thì thôi.

    Link góp ý:
    [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Sáng Tác Của LeanhChin

    Vài nét về CTDT:

    Ra đường và mang theo chiếc điện thoại, quyển sổ tay và hai cây bút nhỏ. Tôi đi và viết tiếp những câu chuyện còn dang dở. Tôi tự gọi mình là kẻ viết tiếp những giấc mơ...

    Dựa trên những câu chuyện có thật của cuộc sống. Lấy ý tưởng từ những câu chuyện hàng quán vỉa hè đến những vấn đề nổi cộm trong xã hội. Chin sẽ viết lại nó, bằng giọng văn và phong cách sáng tác của Chin... Và giữ đúng lời hứa với những người quan trọng trong cuộc đời, đây không phải là truyện SE.

    Cổ tích đời thường... Có ai tin vào điều đó không? Giá như cuộc sống này có Cổ tích... Tất cả chỉ là giá như thôi!
    Không, chẳng ai tin phép màu xảy ra trong cuộc sống này cả, tôi cũng thế. Vậy nên tôi sẽ là Ông Bụt Bà Tiên của những con chữ... để tự vẽ ra một cuộc sống mới cho nhân vật của mình. Gửi vào đây tâm tư tình cảm, gửi cả vào đây những ước mơ dang dở, và gửi vào đây, cảm xúc của tôi!

    Truyện được cập nhật liên tục và tùy hứng dựa vào cảm xúc của tác giả ^^. Vui lòng lót dép hóng vì đến tác giả còn không biết bao giờ dừng bao giờ viết nữa.
     
    Lãnh YThiên Túc thích bài này.
    Last edited by a moderator: 24 Tháng một 2020
  2. Đăng ký Binance
  3. Bụi I'm the dust in the wind... ♥️

    Bài viết:
    1,717
    Câu chuyện 1:

    [​IMG]

    Ảnh: Page Chuyện của em

    Based on a true story - Dựa trên một câu chuyện có thật

    Bấm để xem
    Đóng lại
    CÒN CHUYẾN CUỐI NÀY ANH SẼ VỀ VỚI EM..

    Câu chuyện nửa là của mình, nửa là của cuộc đời khó khăn này, nó ám ảnh trong lòng mình mãi nên muốn kể ra cho nhẹ lòng.. Mình là y tá trực cấp cứu và y tá đi kèm xem cứu thương, từ lúc thực tập đến lúc vào trực chính, mình chứng kiến biết bao ca tai nạn, bệnh nhân, người nhà vô cùng thương tâm, nhưng mình được chấn chỉnh trên lớp về tâm lý vững vàng nên mình đối mặt luôn bình tĩnh và làm hết khả năng cũng như nghĩa vụ.. Nhưng đến hôm đó, trong giây phút ngắn ngủi cuối cùng, bác trai đó đã làm mình thực sự rơi nước nước mắt và hơn bao giờ hết mình muốn chiếc xe có cánh bay về bệnh viện nhanh nhất có thể, muốn dòng xe tắc đằng trước tan biến để giành lấy sự sống cho chú ấy.. Nhưng mọi thứ quá muộn, xe cứu thương đến khi chú đã mất máu quá nhiều, chấn thương quá nặng do xe công vượt đèn đỏ đâm chú ấy.

    Trong lúc nguy kịch, xe đang cố lách qua làn đường đông nghẹt để quay lại bệnh viện. Chú thều thào níu tay mình xin một cuộc điện thoại.

    - Chị y tá làm ơn cho tôi mượn điện thoại một cuộc được không.. tôi gọi về cho bà nhà..

    Mình thấy chú yếu quá định bảo về đến viện cấp cứu đã rồi báo người nhà cũng được, nhưng thấy chú khẩn hoản nước mắt giàn hai bên đành lấy điện thoại bảo chú đọc số, chú đọc thều thào nhưng chắc chắn, cảm giác chú nhớ số điện thoại ấy như nhớ tên của mình vậy. Rồi chú nghe điện, mình cứ tưởng chú báo tin chú bị tai nạn, nhưng chú lại nói:

    - Mẹ nó à.. Còn chuyến cuối này là tôi về với bà nha, mấy mẹ con ăn cơm trước đừng đợi tôi nhé..

    Rồi chú run run rắt máy trả lại điện thoại, còn cố móc chiếc ví cũ sờn trong túi đưa mình, khóc mếu:

    - Chị gửi giúp tôi chỗ tiền này cho mẹ con bà ấy, tôi cám ơn y sĩ đã đến cứu giúp.. nhưng tôi sợ chạy chữa tốn kém, chỗ tiền này tôi để dành cả nhà ăn tết, tôi không muốn tiêu phí.. Nhìn chị tốt bụng tôi nhờ cậy chị..

    Từng lời chú ấy nói như muôn vàn mũi kim đâm vào tim mình, đau đớn thương cảm mà không biết phải làm sao. Rồi chú chút hơi thở cuối cùng. Mình cố mọi sức bóp bình oxy, bác sĩ trực cũng phải dùng mọi biện pháp trợ cứu khẩn cấp nhưng không được, máu chảy quá nhiều.. Cả chiếc xe trở nên lặng thinh tang thương, chỉ nghe tiếng vọng còi xe cứu thương u oắt vô vọng..

    "Vậy là chuyến cuối của chú vĩnh viễn chẳng có ngày trở về rồi.."

    -----------------o0o---------------​

    Chiều 28 Tết.

    Vậy là đã Tết rồi đó nhỉ. Tôi lười biếng thở dài thườn thượt nhìn ra khung cửa sổ ngoài kia. Tết đến nhanh lắm, nhưng mà người lớn thì không mong đợi điều đó. Ngay cả tôi cũng vậy, có lẽ đã trưởng thành, thế nên tôi không còn thấy tết vui như trước nữa. Cũng phải thôi nhỉ, vì lớn lên, còn nhiều thứ phải lo toan hơn là cầm cái phong bao đỏ chót chạy tung tăng, vô lo vô nghĩ như những đứa trẻ con. Trẻ con cũng vui mà, vì nó sẽ không phải bận tâm đến những câu chuyện vụn vặt ngoài đời sống xô bồ ồ ã.

    - Lệ, mau ra xe, có ca tai nạn!

    Tôi giật mình, choàng tỉnh trong những suy nghĩ viển vông mơ mộng của bản thân. Đúng thế, tôi là y tá trực của bệnh viện thành phố. Càng gần tết, số vụ tai nạn ngày càng nhiều.. Làm ơn, chạy xe chậm thôi!

    * * *

    Cái xe cứu thương hú còi inh ỏi.. Tôi đã quá quen với tiếng xe, cả không khí trong xe nữa. Ba năm làm thực tập sinh, cho đến khi làm chính ở viện này, đã ngàn lần tôi ngồi trong này, chứng kiến không biết bao nhiêu là vụ cấp cứu. Ban đầu, cảm xúc của tôi vẫn còn, vẫn biết run rẩy, biết khóc cho số phận của họ.. Nhưng sau này, cảm xúc cứ thế mà chai sạn đi, dần dần tôi chỉ biết nhìn người tai nạn với một ánh mắt vô cảm. Không phải là không có tình thương, mà là không thể bộc lộ tình thương ra được nữa.. Tôi quá quen với điều đó rồi mà.

    Ngồi trên xe cứu thương, như thường lệ, tôi quay ra hỏi tiền bối Khoa:

    - Hôm nay có vụ gì thế hở anh?

    - À, tai nạn ngay chỗ ngã tư. Ông này làm xe ôm, chẳng biết chạy xe kiểu gì mà bị cái ô tô kia tông trực diện.. đang nằm ngoài đường kia kìa. Còn cái xe ô tô ấy à, nghe bảo phóng nhanh, mất lái gì đó, thế là đâm vào người ta. Tội thật, gần tết rồi.

    Tôi với nhỏ Vân ngồi cạnh đó gật lấy gật để, biết sao được, vì chuyện này đối với chúng tôi là quá bình thường. Gần tết rồi, số vụ tai nạn ngày càng nhiều. Lắm lúc, bệnh viện phải hoạt động hết công suất mà còn chưa xuể. Những người như tôi, nhỏ Vân, anh Khoa.. tất cả đều cố gắng từng phút từng giây để giành giật lại sự sống cho người bệnh. Mỗi một giây trôi qua, cơ hội sống của họ mỏng đi một phần.. chúng tôi, ngoài nỗ lực hết mình, thì cũng chỉ biết cầu nguyện cho duyên số.

    Ca cấp cứu lần này cũng không đơn giản. Ông chú bị tai nạn do xe ô tô con tông trực diện, người bê bết máu. Lúc đưa lên xe cấp cứu, chú còn tỉnh táo, nhưng mà tôi nhận thấy rõ điều bất ổn. Đúng thế, mắt chú hoa cả lên rồi, một bên tay liệt hẳn, không còn cử động được. Chú thở hắt ra từng hơi, nhìn tôi rồi hỏi:

    - Còn lâu không bác sĩ?

    - Sắp đến rồi chú ạ. Chú cứ bình tĩnh, thả lỏng cơ thể..

    Rồi tôi nắm chặt tay chú, như để trấn an. Nhỏ Vân đưa bình oxy lên. Chú mệt quá rồi. Vụ va chạm mạnh, lại khiến chú bị thương nghiêm trọng ở phần cổ và vai.. Chú mất nhiều máu lắm, máu đỏ cả một vùng băng ca. Anh Khoa với tôi liên tục cầm máu, còn nhỏ Vân không ngừng bóp bình oxy. Chiếc xe cứu thương nhích từ từ, từ từ từng chút một.

    - Tắc đường mất rồi! Bật còi không được!

    Bác Tài lái xe kêu lên một tiếng. Cả kíp trực im lặng. Từng giây từng phút lại trôi, chiếc xe nhích dần, nhích dần.. Anh Khoa lúc này căng thẳng tột độ, mồ hôi trên trán anh vã ra không ngừng, hai bên thái dương nổi đỏ ửng cả lên. Nhỏ Vân cũng hốt không kém gì anh, nó bấu lấy tay tôi chặt cứng.

    "Bí.. bo.. Bí.. bo.. Bíppp"

    * * *

    Cuối cùng cũng đến được viện, nhưng trông chú yếu quá rồi. Đẩy được băng ca lên trên sảnh, chú nhìn tôi rưng rưng:

    - Đừng, bác sĩ.. đừng..

    - Chú bình tĩnh. Không sao cả, không sao hết, có bọn cháu đây rồi.

    - Không, bác sĩ. Đừng cứu tôi, tôi.. Cho tôi một cuộc điện.. tôi gọi.. cho bà nhà..

    - Bác bình tĩnh đi..

    Tôi định bụng để bác vào phòng phẫu thuật, nhưng trông thấy ánh mắt rưng rưng của bác, tôi không đành lòng. Ngước nhìn anh Khoa, anh khẽ gật đầu. Tôi rút vội điện thoại. Bác đọc số cho tôi, tuy nhỏ nhưng rất rành mạch..

    - Bà nó à.. Tôi chạy hết chuyến này là tôi về với bà rồi. Ăn cơm trước đi.. chuyến này tôi đi xa quá, không về kịp..

    Rồi chú buông điện thoại xuống, tay phải run run chỉ vào cái túi ngực. Tôi sờ lần, rồi lấy ra được một cái ví cũ.

    - Nhờ cô.. đưa cho bà nhà dùm tôi. Đây là tiền ngày hôm nay, tôi chạy xe. Cô đưa cho bà ấy.. Nhắn với bà ấy rằng.. Hãy để cho các con có một cái tết thật vui..

    Tôi bần thần nhìn chú, rồi nhìn cái ví cũ trong tay mình. Chú mỉm cười, nụ cười yếu ớt, nhưng chan chứa hạnh phúc. Chú buông thõng tay, mắt nhắm dần..

    - Kíp mổ sẵn sàng! Chuẩn bị truyền máu!

    Anh Khoa hét lên thật lớn, còn tôi thì gục xuống đó từ lúc nào. Lần đầu tiên tôi khóc, khóc thật to vì một bệnh nhân xa lạ.

    Chuyến xe cuối cùng.. Chú chạy xa quá rồi chú ơi!

    * * *

    Tám tiếng sau, cánh cửa phòng cấp cứu bật mở. Tôi ngước lên nhìn, anh Khoa đi ra, bộ mặt thất thểu, nhưng trên khóe môi của anh, tôi thấy một nụ cười nhẹ.

    - Chú ấy.. cùng nhóm máu với anh.

    Anh nói, rồi từ từ gục xuống..

    * * *

    Tám tháng sau, tôi có dịp quay trở lại thăm gia đình chú. Chú trông thấy tôi, mỉm cười thật tươi, rồi vẫy vẫy tay kêu tôi vào nhà. Chú kể, sau ca phẫu thuật đó, chú ổn hơn nhiều. Sau đấy chú không chạy xe ôm nữa, mà ở nhà phụ hàng quán thức ăn cho cô đi bán ngoài chợ. Chú nói, gặp được chúng tôi lúc ấy quả là may mắn của chú. Chú còn kể, con dâu chú sinh đôi, chú nhất quyết bắt đặt tên hai cháu là Khoa và Lệ, để lúc nào cũng nhớ đến chúng tôi, những người ân nhân của chú. Tôi khóc, khóc vì mừng cho chú, khóc vì chú đã được hưởng hạnh phúc sau khi trải qua một thời giông bão..

    Ngoài hiên nhà, ánh nắng sáng bừng lên một góc sân. Chú cười bảo với tôi, sau ca phẫu thuật, chú như khỏe ra thêm mấy phần, ngày nào chú cũng dậy tập thể dục, rồi sưởi nắng, sau đó mới đi chuẩn bị hàng quán cho cô đem đi bán buổi trưa. Chú nói tuy hơi mệt, nhưng lại vui, vui vì được ở gần gia đình, con cháu. Chú vui, vì chú thoát được một cái nạn lớn đời mình.

    Tôi nhìn chú nói mà lòng hân hoan vô cùng. Gạt đi những giọt nước mắt, tôi thầm nghĩ: Hóa ra, trên đời này vẫn có thứ gì đó gọi là phép màu. Vẫn có một nơi nào đó mang tên là cổ tích. Hóa ra, cổ tích đời thường là đây, là chú ấy. Chú đã qua cơn thập tử nhất sinh, qua đi đau thương để đón chào một hạnh phúc to lớn..

    Và tôi cũng nhận ra rằng, Ông Bụt Bà Tiên hóa ra lại chính là những con người bình dị nhất, là tôi, là anh Khoa, là tất cả mọi người. Chỉ cần có nỗ lực và lòng tin, tất cả rồi cũng sẽ trở thành phép màu.. Tất cả rồi cũng sẽ hóa thành động lực để con người ta tiến bước.

    Cổ tích ư? Chính con người ta tạo ra cổ tích. Và cũng chính họ sẽ tự viết lên những câu chuyện cổ tích riêng của đời mình.. Bạn sẽ tin vào cổ tích chứ?
     
    Sua87264 thích bài này.
  4. Bụi I'm the dust in the wind... ♥️

    Bài viết:
    1,717
    Câu chuyện 2: Lời nói dối

    Based on a true story - Dựa trên một câu chuyện có thật

    Bấm để xem
    Đóng lại
    * * *

    - Mẹ à, mai trời trở lạnh, mẹ nhớ mặc áo ấm vào nha, con sẽ sớm về thăm mẹ.. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe nha mẹ!

    Bà Phù thở dài, bà cúp máy rồi lẳng lặng ngó lên tờ lịch.. Đã sang tháng Mười, nghĩa là trời có thể trở rét bất cứ lúc nào. Đã hơn 10 năm kể từ ngày đầu tiên bà bắt đầu "công việc" này. Bà không bao giờ gọi nó là công việc, nhưng bạn bè và gia đình bà thì luôn luôn coi đó là một công việc, một cái nghề "tay trái".

    Chính xác thì vào 13 năm trước, bà Phù tình cờ đọc được mẩu tin tìm người giúp việc trên một trang báo địa phương. Nói đúng ra công việc là đóng giả người thân của một cụ bà, và tiếp tục "sống" và "quan tâm" tới cụ thay cho người con gái đã mất của cụ. Người đăng tin là cháu gái của cụ bà kia. Vì tò mò nên Huyễn Phù quyết định thử sức với công việc này. Bà đã bấm điện và gọi cho người đăng tin - cô Trịnh.

    Ngay từ câu chào đầu tiên, phía bên kia đã bật khóc nức nở. Bà Phù khá là ngạc nhiên, sau cùng cũng biết được nguyên nhân. Giọng của bà Phù giống hệt như giọng của người mà cô Trịnh đang tìm kiếm, một phần vì bà Phù cũng là người Tứ Xuyên. Cô Trịnh đã từng nói rằng cô rất bất ngờ vì giọng của bà Phù, một phần chất giọng hơi cao và hơi nhấn giọng ở giữa câu. Cô còn cho biết thêm, kể từ khi đăng tin tìm người, cô nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ mọi miền trên đất nước.

    Cô Trịnh đại diện cho gia đình của bà cụ, đã gửi cho bà Phù gần 10 trang tài liệu về gia đình và một vài bản thu âm đã cũ về giọng nói của người đã khuất. May mắn hơn nữa, bà Phù đã dần quen với cách phát âm của người mình đóng thế và dần dần đã nhập vai rất "ngọt".

    Ban đầu, cô Trịnh có đề cập đến chuyện tiền nong, nhưng sau khi biết được câu chuyện đằng sau đó, bà Phù đã từ chối. Bà không nhận bất cứ một xu nào, kể cả phí điện thoại trong suốt 13 năm trời. Cảm động trước tình người ấm áp ở cô Trịnh và con cháu của bà cụ nọ, bà Phù quyết định nhận lời giúp đỡ và dùng giọng nói của mình để thủ thỉ, tâm sự và bầu bạn với "người mẹ" bất đắc dĩ này. Từ hai người xa lạ, bà đã trở thành "con gái" của bà cụ trong suốt 13 năm trời. Và có lẽ, cũng nhờ vào hành động tốt bụng của bà Phù, mà cụ bà kia đã sống thêm được 13 năm và tin rằng người con gái đi làm ăn xa sẽ trở về trong một ngày nào đó.

    Ngày lại qua ngày, những cuộc điện thoại dần nhiều hơn, những lời động viên, tâm sự cũng theo đó mà nhiều hơn. Bà cụ ngày một già yếu hơn, nhiều khi còn ho lên sằng sặc trong điện thoại. Nhưng vì không thể ra mặt, bà Phù và người nhà đành phải diễn vở kịch cho đến tận khi nó có thể kết thúc.

    Sinh lão bệnh tử là điều không thể tránh khỏi. Cụ bà qua đời vào cuối năm ấy. Ngày đưa tang, người dân trong vùng thấy một người đàn bà chạc ngũ tuần, áo quần đen kín gót, mặc đồ tang lễ và đứng phụ việc với gia đình. Ai hỏi, người trong nhà đều đáp đó là một người con xa xôi nào đó của cụ bà. Có người xì xầm, bàn tán, nhưng sau dần họ đều cho qua vì hiện giờ đang là lúc tang gia bối rối, không nên phiền hà gia chủ. Cụ bà mất, theo di chúc thì bà Phù được hưởng một phần gia tài. Luật sư lấy làm ngạc nhiên vì trong di chúc bà cụ dành tặng một phần tài sản cho "người con gái xa" - mà theo lời gia đình thì đó chính là bà Phù chứ không phải người con gái đã mất của cụ. Bà Phù biết chuyện, nhưng không nhận bất cứ một đồng nào trong số tài sản được thừa kế. Bà Phù cho rằng điều đó là không xứng đáng, vì vốn dĩ bà chỉ là một người xa lạ vô tình được chọn trong số hàng trăm người gọi điện đến.

    Mọi người trong gia đình lúc ấy mới nhận ra, hóa ra rằng cụ bà đã sớm biết được thân phân thật sự của bà Phù, nhưng có lẽ bà không nói ra. Đúng hơn, cụ không muốn nói ra điều ấy, vì nếu nói ra cụ sẽ càng thêm đau lòng và có lẽ đó cũng là cách để bà cụ gắng gượng vượt qua nỗi mất mát này.

    Những lời nói dối vốn dĩ sẽ bị lên án, thậm chí là điều phải tránh xa trong cuộc sống này. Tuy nhiên, đôi khi con người cần dùng đến chúng để thay lời an ủi động viên thường ngày. Lời nói dối, nhiêu lúc vô hại, nhiều lúc lại ẩn chứa niềm an ủi, xoa dịu hay trấn an trong vài tình huống nào đó. Phải chăng những lời nói dối của bà Phù đã trở thành một câu truyện cổ tích..

    Hoặc là câu truyện không đầu không đuôi này mới chính là cổ tích có thật ngoài đời?

    * * *
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...