Có phải thế giới chỉ yêu người hướng ngoại? Tác giả: Kim Chee Thể loại: Tản văn Chưa bao giờ người hướng nội lại là một chủ đề được phân tích, mổ xẻ nhiều như vài năm trở lại đây. Nhất là khi cuốn sách "Quiet – The Power of Introverts in a World That Can't Stop Talking" của Susan Cain được xuất bản và được dịch sang tiếng Việt với cái tên "Im lặng – Sức mạnh của người hướng nội, trong một thế giới không bao giờ có thể lặng im". Bạn có tin rằng người hướng nội chiếm xấp xỉ một nửa dân số thế giới? Nhưng tại sao chúng ta luôn có cảm giác thế giới này có tỉ lệ người hướng ngoại chiếm đa số và những người hướng nội bị xem là nhóm thiểu số, không hòa nhập được với xã hội? Có ai trong số chúng ta là người hướng nội ẩn mình trong cái vỏ bọc của người hướng ngoại hay không? Trước đây tôi là một người với những tính cách điển hình của người hướng nội: Luôn cảm thấy mình lạ và lạc lõng với thế giới xung quanh, thích một mình, thích suy nghĩ, quá nhạy cảm và không bao giờ tham gia các hoạt động tập thể, ngoại khóa ở trường lớp cũng như ở địa phương. Bố mẹ tôi luôn nói: "Con phải mạnh dạn lên, đi chơi nhiều vào, đừng có suốt ngày ru rú ở nhà như thế". Bạn bè cũng vậy: "Cậu là một cô gái nội tâm, quá giàu cảm xúc. Thực sự thì như thế cũng không nên cho lắm.", thậm chí khi muốn nói chuyện gì đó với tôi thì họ luôn viết thư tay, có thể là do tôi khó gần, hoặc đơn giản là chẳng biết cách nói chuyện. Tuy nhiên, xu hướng đó dần dần thay đổi khi tôi học đại học. Bước vào nhịp sống đô thị, tôi dần nhận ra một sự thật là hệ giá trị của xã hội hiện đại là luôn đánh giá cao người hướng ngoại, hầu hết các công việc đều cần dùng đến những kỹ năng thế mạnh của người hướng ngoại như bán hàng, tiếp thị, kinh doanh, truyền thông.. Điều đó buộc tôi phải thay đổi. Không phải là thay đổi tính cách hay bản chất của mình, mà là thay đổi tư duy về việc người hướng nội không thể làm được những công việc của người hướng ngoại, không thể thành công. Không có người hướng nội hay hướng ngoại tuyệt đối Nhiều người lầm tưởng rằng cứ là người hướng nội thì là người vụng về, rụt rè, ngại giao tiếp. Và cũng rất nhiều người hướng nội lấy lý do tính cách của mình để biện minh cho những kỹ năng yếu kém của bản thân. Về thực chất, hướng nội là tính cách, còn giao tiếp là kỹ năng. Kỹ năng là thứ hoàn toàn có thể học được. Có những người tôi quen biết là người hướng nội nhưng họ giao tiếp rất tốt, giỏi và khéo léo trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là những kiến thức, kỹ năng về chuyên môn thì cực tốt và rất nhiều trong số họ là người thành công (theo một cách nào đó). Chúng ta chắc hẳn ít nhiều đều biết đến những cái tên như Einstein, Obama, Issac Newton, Bill Gates, Larry Page, J. K. Rowling.. Họ đều là những người hướng nội điển hình. Nhiều người trong số họ là những bậc thầy về hùng biện. Vì vậy không thể nói rằng là người hướng nội thì không thể giao tiếp tốt. Chúng ta cũng nên biết rằng không có ai là người hướng nội hay hướng ngoại tuyệt đối. Người hướng ngoại hoàn toàn là người điên, còn người hướng nội hoàn toàn là người tự kỷ. Người hướng nội (Introvert) là người lấy năng lượng từ bên trong nhiều hơn và ngược lại, người hướng ngoại (extrovert) lấy năng lượng từ bên ngoài nhiều hơn. Cũng có những người có tính cách trung dung nằm giữa hai xu hướng này, gọi là ambivert. "Wikipedia có đưa ra 10 câu hỏi trắc nghiệm để xác định bạn là người hướng nội, hướng ngoại hay trung tính: Tôi là trái tim của buổi tiệc Tôi thích là trung tâm của sự chú ý Tôi có kỹ năng tốt trong việc xử lý các tình huống xã hội Tôi thích ở nơi có nhiều hoạt động diễn ra Tôi có thể kết bạn mới dễ dàng Tôi im lặng xung quanh người lạ Tôi không muốn gây sự chú ý đến bản thân mình. Tôi không thích tiệc tùng vào cuối tuần Tôi thích làm việc độc lập Tôi thường thích được tận hưởng thời gian một mình Câu 1 đến câu 5 là đại diện cho tính cách hướng ngoại, câu 6 đến câu 10 là đại diện cho tính cách hướng nội. Sau khi làm trắc nghiệm này, bạn có thể xác định tính cách cũng như xu hướng của bản thân. Lưu ý, trắc nghiệm này chỉ mang tính tương đối." Hướng ngoại thực sự là một tính cách hấp dẫn Susan Cain có viết: "Chúng ta đang sống trong một hệ giá trị mà tôi gọi là Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng (the Extrovert Ideal) – một niềm tin có vẻ có mặt ở khắp mọi nơi rằng một con người lý tưởng với xã hội phải là một kẻ hoạt bát, xông xáo, năng nổ, hăng hái giao du rộng rãi, và có thể hoàn toàn thoải mái khi là trung tâm của mọi sự chú ý". Rõ ràng hướng ngoại là một tính cách hấp dẫn và nó mang lại rất nhiều lợi thế, đặc biệt là trong công việc. Ngay cả hướng nội cũng bị tính cách này hấp dẫn, đôi lúc họ thích kết bạn với những người hướng ngoại, có vẻ khéo léo và dễ mến. Muốn sống và tồn tại ở đâu thì chúng ta phải hòa nhập với môi trường ở đó. Sẽ không có vấn đề gì nếu một người hướng nội sống và làm việc ở những vùng ngoại ô, nông thôn hay những nơi yên bình như chính tính cách của họ, với những công việc không khiến họ bị lộ điểm yếu của bản thân. Nhưng như bạn thấy, ở những đô thị lớn, những vùng, quốc gia phát triển luôn mang tính cách hướng ngoại với sự sôi động, náo nhiệt, thay đổi không ngừng, kết nối chằng chịt, để thành công buộc chúng ta phải biết cách thích nghi với nó. Thậm chí Đại học Harvard – một trong những ngôi trường đại học thống trị bảng xếp hạng thế giới, được coi là ngôi trường dành riêng cho những người hướng ngoại, vì tất cả sinh viên trong ngôi trường này đều là những người mạnh dạn, thoải mái giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ. Tôi chắc chắn rằng có rất nhiều người hướng nội thường xuyên cảm thấy mặc cảm vì tính cách của mình, ít nhiều họ muốn thay đổi một vài nét tính cách đó để có nhiều cơ hội hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Nhưng họ không làm được. Điểm yếu lớn nhất của hầu hết những người hướng nội đó là quá nhạy cảm, dễ bị tác động bởi người khác và không thể chịu được những lời chỉ trích, đánh giá. Tôi có đọc rất nhiều tâm sự (confession) của các bạn trẻ trên mạng xã hội, nói về việc họ không thể tìm được một công việc tốt, không biết phải định hướng cho bản thân mình thế nào vì họ là một người hướng nội, họ không giao tiếp giỏi và không có nhiều mối quan hệ, ít bạn bè và chẳng bao giờ tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khóa. Thậm chí còn có nhiều bài viết cực đoan về việc tại sao sinh viên cứ phải năng nổ nhiệt tình, tham gia các hoạt động này nọ thì mới được cộng điểm, mới giành được học bổng, còn những bạn ngày đêm cày cuốc với bút sách thì lại không được ưu tiên hơn. Tại sao muốn đi làm cứ phải phỏng vấn, chuyên môn mới là thứ quan trọng nhất, tại sao các nhà tuyển dụng chỉ đánh giá năng lực người ta bằng một cuộc phỏng vấn. Các bạn có tới hàng vạn câu hỏi vì sao để đòi lại sự công bằng cho bản thân mình. Hãy suy nghĩ một cách đơn giản. Cả người hướng nội và hướng ngoại đều có những vẻ đẹp riêng, có người giỏi và người chưa giỏi. Xã hội ngày càng phát triển và thế giới gần như được làm phẳng, thế nên việc người hướng ngoại dành được nhiều sự ưu tiên hơn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dù có hơi thiên vị, nhưng khi người hướng nội hành động theo kiểu hướng ngoại hơn một chút sẽ khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Để thành công, người hướng nội có cần cố gắng để trở thành người hướng ngoại? Có phải vì thế giới yêu người hướng ngoại như thế, nên những người hướng nội phải cố gắng che giấu tính cách của mình? Hay tự tách mình ra khỏi xã hội để khỏi chịu những lời chỉ trích, chê bài? Cả hai đều không phải. Như đã nói từ đầu, không có ai là người hướng nội hay hướng ngoại hoàn toàn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết chúng ta đều sở hữu những tính cách của cả người hướng nội và người hướng ngoại. Dù bạn là người hướng nội đến đâu đi chăng nữa, chắc chắn bạn cũng sẽ có một vài đặc điểm tính cách của người hướng ngoại. Người hướng nội và người hướng ngoại đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, nếu biết cách khai thác điểm mạnh và tiết chế, khắc phục điểm yếu để hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày, đó mới là điều tuyệt vời nhất. Có nhiều bài viết nói về vẻ đẹp của người hướng nội và rất nhiều người lấy đó làm niềm an ủi. Đó là một điều tốt. Người hướng nội thay vì cảm thấy tự ti, mặc cảm với tính cách của mình thì họ có thể chọn cách yêu lấy nó, coi nó như một món quà mà Thượng Đế ban tặng. Tuy nhiên, chỉ như vậy thì chưa đủ. Một trong những nguyên nhân khiến người hướng nội khó thành công trong công việc đó là do họ khó hòa nhập với xã hội. Vậy thì không có cách nào khác là họ phải biết cách tìm cho mình một nhóm phù hợp. Chúng ta đều mong muốn cảm giác được thuộc về một nhóm nào đó. Trở nên hướng ngoại không phải là bạn học cách nói thật nhiều, chơi với nhiều bạn, đi bar hay tham gia thật nhiều các hội nhóm, đoàn thể. Đó có thể là bất cứ nhóm nào mà bạn cảm thấy phù hợp ví dụ như một nhóm tình nguyện, một câu lạc bộ của những người cùng chung sở thích (như hội họa, âm nhạc, du lịch). Điều đó cũng giúp người hướng nội kết nối được với nhiều người hơn, và chính bản thân họ cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Ở đây, chúng ta nên thừa nhận một điều rằng, việc trở nên hướng ngoại hơn một chút sẽ khiến cuộc sống của những người hướng nội dễ thở hơn rất nhiều. Điều quan trọng ở đây không phải là nên làm một người hướng nội hay hướng ngoại, mà là bạn muốn một cuộc sống như thế nào. Người hướng nội bị các điểm yếu trong tính cách của mình chi phối sẽ thường xuyên cảm thấy chán nản, mệt mỏi, ngột ngạt với cuộc sống. Đó là những cảm xúc tiêu cực không đáng có. Chúng ta ai cũng muốn trở nên tốt hơn, đó là quy luật bình thường của cuộc sống. Vì vậy, hãy làm bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy vui vẻ, thoải mái, thậm chí nếu có điều gì đó không ổn trong tính cách làm cản trở cuộc sống của bạn thì hãy mạnh dạn thay đổi nó nếu điều đó giúp bạn có thêm nhiều cơ hội và trưởng thành hơn. Nhưng cũng đừng cố gắng quá mức ép mình trở nên hướng ngoại, vì điều đó sẽ càng chỉ khiến bạn trở nên mệt mỏi hơn. Hãy làm một cách từ từ, thế giới sẽ yêu lại bạn như chính bạn đã yêu nó vậy.