Hỏi đáp Có nên chủ động trong cuộc sống?

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Mạnh Thăng, 23 Tháng mười một 2020.

  1. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,603
    Chào mừng các bạn đã quay trở lại với gameshow Game Show - Ai là nhà tâm lý tài ba?

    Vậy là, năm 2o20 cũng đã sắp đi đến hồi kết rồi

    Năm 2020 này chứng kiến rất nhiều sự thay đổi lớn lao, và thay đổi lớn nhất có lẽ cần phải đề cập đến chính là dịch bệnh COVID-19 vừa rồi

    Chính dịch bệnh này đã làm cho nhiều người thất nghiệp, cuộc sống cũng trở nên chậm lại

    Nhìn lại một năm qua, COVID-19 ít nhiều cũng mang đến cho chúng ta một vài sự thay đổi tích cực

    Và nhân đây, mình cũng xin phép đưa ra câu hỏi tuần này

    Chúng ta có nên chủ động trong cuộc sống không? Lúc nào chúng ta cần bị động trong cuộc sống?

    Bạn biết đấy, dịch bệnh hoành hành làm mọi người rơi vào thé bị động rất nhiều, có lẽ cũng vì vậy mà nhiều người cũng đã có thời gian suy nghĩ về sự thay đổi trong cách sống. Vậy theo bạn, khi nào cần chủ động, khi nào cần bị động?

    Nào, hãy trả lời giúp mình nhé ^^
     
  2. Nguyễn Ngôn

    Bài viết:
    48
    Thân ái. Câu hỏi kì trước vì quá khó nên em xin rút lui, lần này em ra sân vì muốn được chia sẻ quan điểm của em về việc: "Có nên chủ động trong cuộc sống? Lúc nào thì nên bị động trong cuộc sống?"

    Để hiểu rõ hơn thì em sẽ đưa ra một vài khái niệm trước.

    1. Chủ động là gì?

    Chủ động tức là tự mình quyết định hành động, không bị chi phối bởi người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài.

    2. Bị động là gì?

    Trái nghĩa với chủ động, bị động là ở tình thế buộc phải hành động theo sự chi phối của người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài.

    Xét trên lí thuyết trên thì ta nên chủ động trong cuộc sống. Bởi rõ ràng là về khái niệm thì người chủ động được trong cuộc sống phải là một con người mạnh mẽ, có tính tự lập, tự giác, có quyền quyết định.. Mà một con người đầy quyền uy như vậy thì ai mà chả muốn là người như vậy.

    Cuộc sống thì có quá nhiều thứ phụ thuộc, khiến ta rất dễ rơi vào thế bị động: Từ gia đình, tình yêu, sự nghiệp, bạn bè và rất nhiều mối quan hệ khác đều có những ràng buộc khiến ta không thể đưa ra được quyết định.

    Đứa con thì muốn theo đuổi đam mê của mình: Làm họa sĩ. Nhưng người mẹ lại thấy nghề đó không có tiền, rồi nghèo kiết xác, người mẹ muốn con làm tài chính, làm bác sĩ, làm kĩ sư.. Và vì đó là mẹ mình, là người thân cận nhất, nên người con dù không muốn nhưng người con lại không thể phản kháng.

    Chuyện "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" tồn tại đã lâu, nó xảy ra từ tình yêu đến sự nghiệp.. Nhưng đều sẽ có một kết cục: Ảnh hưởng lớn đến tương lai của người con. Người con không thể phản kháng, không thể đi theo quyết định của mình nên người con đang ở thế bị động.

    Còn rất nhiều mảng khác, hai ví dụ trên chỉ gói gọn trong "gia đình", còn về "sự nghiệp", "tình yêu"..

    Một ví dụ về sự nghiệp: Ông sếp lớn muốn bạn làm cái này, bạn không muốn nhưng bạn bắt buộc phải làm vì nếu bạn không làm thì nguy cơ mất việc hơi cao :))

    Qua đó có thể thấy được yếu tố tất yếu để mình trở nên chủ động là "có quyền". Chỉ cần có quyền là rõ ràng bạn đã có thể biến bản thân trở nên chủ động và nhiều khi còn biến người khác thành thế thụ động.

    Và ta cũng thấy rõ chủ động mang lại nhiều lợi ích tốt cho ta, vậy vì cớ gì mà ta không chủ động cơ chứ?

    Ta nên chủ động để tương lai của ta tốt đẹp theo hướng mà ta muốn. Ta rơi vào thế bị động ba lần, bốn lần thì cũng bình thường, thậm chí chục lần cũng bình thường vì cuộc sống mà.

    Nhưng để lần nào cũng thế, lần nào cũng bị động thì xin lỗi, ta không còn là ta nữa rồi. Lúc đó ta là con rối phải chịu sự thao túng, ta hành động theo người khác, chẳng cần suy nghĩ gì cả. Một con người "sống hết mình vì người khác" như vậy thì cả cuộc đời sẽ không thoát khỏi sự điều khiển của người khác đâu.

    Rõ ràng rồi, chủ động tốt hơn bị động rất nhiều.

    Ta nên chủ động.

    Vậy khi nào cần bị động?


    Rõ ràng rằng lợi ích của việc chủ động là rất tốt nhưng chủ động cũng mang kèm những hạn chế nhất định.

    Tình yêu luôn là cái gì đó rất diệu kì, rất mới lạ nhưng cũng rất đau khổ. Ta đem lòng yêu đơn phương một người, ngày ngày ta chỉ dám nhìn người ấy từ xa. Lúc đó ta sẽ có hai lựa chọn và bốn kết cục.

    Hoặc là ta tỏ tình với người đó, hoặc là vẫn tiếp tục lặng thầm nhìn người ta.

    Nếu ta tỏ tình: Hoặc là sẽ hạnh phúc vì người ấy đồng ý, hai người nắm tay nhau đi vào ngưỡng cửa của tình yêu hoặc là mang theo con tim vỡ vụn mà lê bước, rời xa người ta.

    Nếu ta không tỏ tình thì chỉ có thể đứng đằng sau và nhìn người ta, hoặc cùng lắm là làm bạn. Sau rồi thì lại nhìn người ấy hạnh phúc bên ai khác.

    Tuy nếu mạnh dạn bày tỏ cảm xúc của mình thì vẫn có 50% là sẽ hạnh phúc, nhưng bạn sợ đau? Bạn sợ người ta chẳng đồng ý và lúc đó đến cả tư cách đứng bên làm bạn cũng chẳng còn nữa? Rồi bạn sợ rất rất nhiều thứ khác, lúc đó bạn sợ quá rồi thì sẽ ở trạng thái bị động.

    Lúc này kết cục thứ tư cũng xuất hiện: Người kia hóa ra cũng thích bạn và đã tỏ tình với bạn. Nhưng cái trường hợp này xuất hiện không nhiều đâu, nó còn chưa được 50% ấy.

    Tuy nhiên như đã nói, vì bạn sợ nên đã ở trạng thái bị động, dù bản thân rất muốn nhưng lại cứ lưỡng lự, bạn còn chưa làm chủ được bản thân đấy. Chưa làm chủ được bản thân thì đừng nghĩ đến việc sẽ chủ động được trong cuộc sống. Lúc đó thì bạn cũng không cần phải bị động đâu nhưng chịu thôi, bạn không chủ động được mà.

    Vậy khi cần bị động là khi chúng ta cảm thấy quá mệt mỏi, khi chúng ta chưa có quyền lực, khi chúng ta cần phải bị động. Nói ví dụ hơi khó nên em giải thích thế này nhé.

    Tại sao đáp án lại là khi quá mệt mỏi? Vì khi quá mệt thì ta nên nghỉ ngơi, việc chủ động đồng nghĩa với việc số lượng quyết định mà ta phải đưa ra nhiều lên. Nhưng khi đã phải quyết định quá nhiều thì ta quá mệt mỏi, quá mệt mỏi thì ta cần nghỉ ngơi. Tức là ta cho phép bản thân bị động một lần. Nhưng nghỉ ngơi có mức độ thôi, nghỉ ngơi nhiều quá lại hóa ra lười rồi lại thành con rối đó.

    Khi chúng ta chưa có quyền lực gì cả thì kể cả muốn chủ động cũng chả được nên ta phải bị động thôi. Lúc đó thì việc cấp bách chính là trở nên có quyền quyết định.

    Vậy tại sao câu trả lời của "khi nào cần bị động" lại chính là "khi ta cần bị động"?

    Đó là vì ta sẽ tự áp dụng câu trả lời vào thực tế . Có rất nhiều trường hợp, và chỉ em thôi thì chưa đủ khả năng để kéo hết các trường hợp vào đây trả lời cho mọi người. Vì thế mọi người chỉ có thể tự hỏi "Lúc này ta có nên bị động hay không?" và dùng một cái nhìn khách quan nhất để tự trả lời mà thôi.

    Bài viết đến đây là hết, chúc game show ngày một thành công tốt đẹp.
     
    Mạnh ThăngHoa sa tiểu thư thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười một 2020
  3. Tutintin

    Bài viết:
    20
    Điều này đương nhiên phải có trong mỗi người, bởi trong tình yêu ngay cả trong công việc thì rất cần sự chủ động của cá nhân chúng ta

    Đừng bao giờ nghỉ rằng cứ chờ là tình yêu sẽ đến, vì nếu như tất cả mọi người cứ ngồi chờ thế thì rồi có còn ai đâu mà đến với bạn

    Vậy nên đôi khi chúng ta cần phải cởi mở làm quen chủ động nhắn tin, gặp mặt, đi ăn đi uống, có thể chúng ta sẽ có thêm một người bạn mới, hoặc là sẽ có một mối tình đẹp tới với bạn thì sao.

    Với công việc chẳng hạn như bán đồ, khách đến nhưng không biết nên ăn mặc thế nào thì bạn nên chủ động lại tư vấn cho khách bộ nào mặc sẽ hợp hơn, đẹp hơn, đừng nên im im ngồi lì một chỗ, điều đó sẽ chẳng tốt chút nào đâu, bạn có thể sẽ mất khách và sẽ cứ mãi nhát đấy

    Đôi lúc chủ động trò chuyện với người khác sẽ giúp bạn mạnh dạn hơn, quen được nhiều người hơn, và có thể giúp ích nhiều trong công việc của mình hơn nữa đó, nếu bạn ngại thì nên ra đường nhiều hơn để hiểu rõ và nên tập giao tiếp nhiều, bước đầu tiên giao tiếp có lẽ sẽ hơi khó khăn với bạn nhưng cứ lặp đi lặp lại như vậy thì bạn sẽ quen thôi, nó cũng chẳng khó lắm đâu
     
    Mạnh ThăngHoa sa tiểu thư thích bài này.
  4. Hạ Như

    Bài viết:
    8
    "Chúng ta có nên chủ động trong cuộc sống không? Lúc nào chúng ta cần bị động trong cuộc sống?"

    Trong cuộc sống, chúng ta nhiều lúc chủ động, nhưng cũng nhiều lúc phải ở trong thế bị động.

    Về chủ động:

    - Chúng ta phải chủ động trong sinh hoạt cá nhân, hay còn gọi là tự lập: Tự biết chăm sóc bản thân, tự biết bảo vệ mình khỏi các mối nguy hại, có thể gây tổn thương về mặt thể xác và tinh thần.

    Có thể nói rằng, chính bản thân mình không biết tự chủ động chăm sóc bản thân thì đừng mong ai chăm sóc cho mình, chỉ có cha mẹ chăm sóc được như vậy, nhưng chẳng lẽ để cha mẹ chăm cả đời. Ngoài đời cũng có người quan tâm, chăm sóc cho mình, nhưng thường vô sách đỏ hết rồi, cũng sẽ hao mòn theo thời gian, và có lẽ chỉ có trong ngôn tình, phim mà thôi.

    - Chủ động nắm lấy cơ hội: Cơ hội tới, bạn không chủ động nắm lấy mà cứ "lẹt đẹt", cơ hội sẽ không chờ bạn, sẽ bị người khác nắm lấy và bay cái "vèo" luôn rồi. Ở đây không phải nói bạn tóm lấy cơ hội bằng bất cứ giá nào, mà là có cơ hội đến, hãy suy xét 1 cách nhanh nhất, và nếu thấy tốt cho mình, hãy chủ động nắm lấy và phát triển nó, cũng như bạn hãy chủ động đối mặt với các nguy cơ có thể xảy ra khi ta chọn sai. Chúng ta có quyền sai, nhưng đừng sai quá nhiều, và đừng dừng lại ở chỗ sai đó quá lâu.

    - Trong tình yêu: Khi bạn yêu 1 ai đó, bạn hãy chủ động kết giao. Dù được hay không, bạn cũng biết được câu trả lời, có thể sẽ đau khổ vì bị từ chối, nhưng sau bạn sẽ không hối hận vì đã chủ động, ít nhất mình biết được đáp án. Không được, ta bỏ qua, không dây dưa lãng phí. Không làm người yêu thì làm bạn, không làm bạn được thì là người dưng, vậy thôi, chứ dây dưa dây cà làm chi cho mệt. Được, ta chủ động xây dựng mối quan hệ. Đời người ai biết gặp được người cùng tần số của mình khi nào, chẳng lẽ chờ đợi trong mỏi mòn. Cứ chủ động, biết đáp án rồi sau mình có thời gian làm việc khác, đời không chỉ có tình yêu, còn nhiều thứ khác, đừng quá tốn thời gian ở 1 thứ, vì quay đi quay lại bạn lại thấy tết đến rồi, ta lại già thêm 1 tuổi rồi đấy.

    - Chủ động kết giao xã hội, giao tiếp: Nhìn các nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng bạn sẽ thấy, chủ động hỏi, kết giao với khách hàng để nắm bắt thông tin. Chủ động kết giao các mối quan hệ bạn bè, khách hàng, xã giao, chứ im im thì chẳng ai biết bạn là ai, bạn muốn gì, bạn cần gì. Có câu "Muốn biết phải hỏi" luôn rồi đó.

    - Chủ động để nắm bắt và làm chủ thời gian của mình: Chủ động trong việc học, công việc, nghỉ ngơi, sắp xếp thời gian hợp lý, tạo cho mình 1 thói quen chuyên nghiệp, khi đó bạn sẽ có dư thời gian để cho những kế hoạch du lịch, học tập, kết giao bạn bè khác..

    Về bị động:

    Đôi lúc chúng ta bắt buộc phải rơi vào thế bị động.

    Ví dụ:

    - Khi cha mẹ yêu cầu mình làm 1 việc gì đó, mình không muốn, nhưng trong khả năng của mình, hãy làm điều đó. Ở đây là bạn không chủ động làm, do cha mẹ yêu cầu bạn mới làm, đó là đã vào thế bị động rồi.

    - Khi người lớn nói chuyện, hỏi chuyện, bạn phải chờ khi người ta nói xong, cho phép mới được nói, không thì bạn đã thành đứa thất lễ rồi.

    - Khi muốn lấy 1 cái gì đó không phải của mình, bạn phải hỏi, xin phép, được cho phép thì mới có quyền lấy. Trong trường hợp này, nếu bạn chủ động lấy, không hỏi.. thì sẽ thành trộm..

    - Trong cuộc sống, khi bạn không đủ quyền lực và địa vị, bạn bắt buộc phải nghe người có quyền - địa vị cao hơn mình nói. Giống như nhân viên cấp dưới phải nghe lệnh cấp trên. Bạn có chuyên môn giỏi, bằng cấp 1 tá, 1 valy, nhưng bạn phải nghe trưởng phòng, giám đốc điều lệnh, nghe mắng trong khi nhiều lúc không phải lỗi của bạn.. Bạn không thích, không muốn, nhưng chừng nào bạn còn nhận lương từ công ty, còn làm ở môi trường đó thì phải chịu ở thế bị động như vậy. Khi bạn rời đi, bạn mới có quyền ngang hàng và chủ động.

    Kết luận:

    Bạn có quyền chủ động với bản thân; chủ động khi bạn có đủ khả năng, quyền năng làm chủ, ngang hàng với người khác trong các tình huống. Và hãy phát huy quyền chủ động của mình để tạo các phương tiện tốt nhất cho chính bản thân.

    Và phải ở thế bị động khi bạn không ngang hàng, không có đủ quyền - địa vị. Khi rơi vào trường hợp này, hãy học hỏi, nâng cao kỹ năng bản thân để tiến tới nắm quyền chủ động trong tay, đừng để bản thân mãi rơi vào thế bị động, dễ thiệt thân lắm.
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  5. Giotsau

    Bài viết:
    3
    Nói thực, với mình câu hỏi của bạn khó lắm. Bởi đó là những điều mình trăn trở nhiều năm nay. Đặc biệt là từ khi bước chân ra khỏi nhà trường và bắt đầu bươn chải với cuộc sống bộn bề lo toan.

    Nhưng từ những vết thương lòng và hối tiếc sâu sắc của bản thân mình trong công việc cũng như tình cảm, thì mình đã, đang và sẽ khẳng định: Nếu có thể, lúc nào chúng ta cũng nên chủ động trong cuộc sống.

    Nhưng đời không là mơ, các bạn đồng ý không? Khi mới sinh ra, chúng ta đã không thể chủ động lựa chọn thế giới xung quanh, bố mẹ, giới tính, tính cách bản thân. Lớn lên người mà ta có tình cảm lại không có tình cảm với ta, người mà ta không có tình cảm lại có tình cảm với ta. Trong công việc ta muốn làm công việc này, nhưng sếp lại chỉ định mình làm công việc khác. Đến lúc này thì chúng ta đã lạc mất phương hướng rồi, các bạn đồng ý không?

    Thế mới thấy biết là cần sống chủ động rồi, nhưng chủ động như thế nào, lúc nào là bài toán thực sự nan giải phải không các bạn?

    Đầu tiên, chúng ta phải học chấp nhận, chấp nhận những thứ mà như chúng ta vẫn nói là "tất, lẽ, dĩ, ngẫu" ấy. Bởi có vô vàn thứ mà chúng ta cần phải chủ động. Chủ động nghiên cứu, tìm tòi; nếu không có khả năng đó thì chủ động học hỏi những điều mà người khác đã nghiên cứu được. Hãy quên đi những lời ngụy biện rằng: "Điều này tôi chưa được học", "ở trường có dạy tôi những thứ này đâu?". Phần lớn chúng ta cứ hay phàn nàn về môi trường xã hội Việt Nam chưa tốt và không cho chúng ta không gian để phát triển. Đúng vậy, đất nước chúng ta hẳn là còn lạc hậu, và thực tế mà nói thì chậm hơn bạn bè quốc tế khá nhiều. Nhưng tại sao chúng ta cứ phải cho rằng đất nước chậm thì mình phải chậm theo nhỉ? Tại sao không nghĩ rằng mình phải chạy nhanh hơn, mỗi người trong chúng ta cứ phải chủ động như vậy, sẽ kéo Việt Nam của chúng ta kịp với năm châu.

    Sống chủ động mới thấy được cuộc đời này là của mình. Hãy đứng dậy, học hỏi nhiều hơn, giảm dần từ "bị", "được" trong từ điển sống của mình, vì tuổi trẻ không có lần thứ hai. Hãy học những thứ thực sự cần thiết cho mỗi giai đoạn trong cuộc đời. Đứng có miên man thứ gì cũng học. Hãy tập trung vào vấn đề cốt lõi tại mỗi thời điểm khác nhau của cuộc đời.
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  6. Sắc Hương Hoa

    Bài viết:
    90
    Tất cả mọi người đều phải chủ động trong cuộc sống.

    Cuộc sống này là của mình, do mình và ở mình. Mọi chuyện xảy ra dù theo hướng tích cực hay tiêu cực, phần lớn là do hành động của bản thân.

    Ngoại cảnh cũng đóng vai trò này kia, nhưng thực tế nó chỉ là những thử thách làm nổi bật sự mạnh mẽ của con người tới đâu mà thôi.

    Có rất nhiều người có tuổi thơ nghèo đến mạt đất mà vẫn giỏi giang, thành công. Tôi đã nghe những người nổi tiếng kể về những thăng trầm, khó khăn mà họ phải cố gắng hết mình để trải qua. Trấn Thành, Sơn Tùng Mtp, Mai Phương Thúy hay Thủy Tiên, Công Vinh là một trong những ví dụ rõ nét. Nhiều trong số họ gặp cảnh đời hay điều tiếng kinh hoàng đến lụi bại mọi thứ nhưng cuối cùng họ vẫn nổi tiếng và thành công trở lại. Điều này chứng minh rõ nét sự chủ động trong cuộc sống là vô cùng quan trọng.

    Nhiều người cứ hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho số phận, đổ lỗi cho ông A bà B, đổ lỗi cho mọi thứ trên đời mà chẳng bao giờ xét lại bản thân: Liệu rằng bản thân có đúng hoàn toàn hay không!

    Mỗi người chúng ta có sự tự do lựa chọn mọi thứ, thật sự là như vậy. Vậy khi chúng ta có cái sự tự do đó, chúng ta sẽ làm gì với nó?

    Tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm cho hành vi và suy nghĩ của chính mình, không phải là một ai khác!

    Nếu vậy, đã là con người, không ngoại trừ một ai, đều phải chủ động mọi thứ cho hành trang cuộc đời mình!

    Chủ động sống tốt lành, thánh thiện thì điều tốt đẹp sẽ đến với mình thôi.

    Chủ động sống ác độc, tà ác thì những hậu họa lũ lượt kéo tới đừng ngồi đó mà đổ lỗi cho số phận!

    Nếu bạn không cầm dao giết người, công an bắt bạn xử bắn để làm gì? Họ đâu có rảnh?

    Nếu bạn giúp đỡ người gặp nạn, cứu giúp kẻ bần cùng thì đến một ngày bạn rơi vào thế đường cùng nếu có ai đó giúp bạn nhiệt tình như anh em ruột thịt thì đừng thấy đó là lạ! Điều đó là tất nhiên thôi!

    Bạn cho đi cái gì, bạn sẽ được nhận lại cái đó. Bạn đong cho người khác đấu nào, thì người khác sẽ đong lại cho bạn y nguyên cái đấu đó. Luật công bằng chẳng chừa một ai.

    Hãy cố gắng sống chủ động và chủ động trong mọi thứ mình suy nghĩ và hành động.

    Mọi thứ trong cuộc sống này có xảy ra theo hướng nào đi chăng nữa, phần lớn là do chính suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân gây nên. Gieo gió thì ắt gặt bão, ở hiền đương nhiên gặp lành.

    Cuộc sống này nếu chịu tìm tòi, khám phá từng phút, từng giờ, từng giây mỗi người chúng ta đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời này sẽ nhận ra điều đó thôi.

    Chỉ là sớm hay muộn hoặc là không bao giờ!
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  7. Sai Nguyen

    Bài viết:
    177
    Có nên chủ động trong cuộc sống không?

    Trong cuộc sống, trước mỗi biến cố hoặc sự kiện xảy ra con người thường đón nhận nó theo hai cách.

    Chủ động đón nhận tức là người đó hoàn toàn có ý thức về những việc đang xảy ra, tác động của nó lên cuộc sống của mình và có phương pháp khắc phục.

    Thụ động đón nhận hay bị động đón nhận, có nghĩa là người đó hoàn toàn không để ý tới những điều đang xảy ra xung quanh, chịu ảnh hưởng một cách tự nhiên từ sự kiện xảy ra và không có sẵn ý thức chuẩn bị cho những hậu quả có thể xảy ra cho bản thân mình.

    Điều đầu tiên cần phải làm rõ chính là chủ động và bị động là hai phần tính cách đối lập của mỗi con người, có mặt này sẽ phải có mặt kia, có bị động thì mới có chủ động và ngược lại. Chính vì thế có thể nói giống như đồng hồ sinh học trong cơ thể con người đã định sẵn mỗi ngày cần ngủ 8 tiếng, chúng ta nên điều hòa trạng thái bị động và chủ động của bản thân để đạt được trạng thái tâm lý hoàn hảo nhất cho chính mình.

    Khi một đứa trẻ sinh ra, thời gian chủ yếu trong ngày của nó là ngủ và quan sát xung quanh. Quãng thời gian này, đứa trẻ hoàn toàn bị động để cho môi trường xung quanh bao gồm thời tiết, âm thanh, ánh sáng, động vật, con người tác động lên nó một cách tự nhiển nhất. Nhờ những tác động tự nhiên này đứa trẻ sẽ hình thành nên tính cách riêng và khả năng thích nghi với môi trường sống.

    Khi đứa trẻ lớn lên, sau khi nhiều lần bị động chịu ảnh hưởng từ sự vật, sự việc xung quanh, nó sẽ dần học được cách chủ động đối diện với các sự vật, sự việc đó. Ví dụ chúng ta sẽ biết cách đi ngủ đúng giờ, ăn uống đúng giờ, tránh chạm vào lửa vì sẽ bị bỏng, trời lạnh thì phải mặc áo ấm.

    Có thể nói sự chủ động chính là kết quả của quá trình bị động lâu dài.

    Tuy nhiên một đứa trẻ có quyền được bị động là bởi nó vẫn còn phụ thuộc, dựa dẫm vào cha mẹ. Cùng với quá trình trưởng thành và va chạm, đứa trẻ đó sẽ dần học được các kỹ năng chủ động để có thể tự lập sau này. Quá trình từ một đứa trẻ bị động thành một con người chủ động phụ thuộc rất nhiều vào môi trường giáo dục, chính vì thế trong xã hội có những người rất trẻ đã độc lập nhưng ngược lại có những người đã bốn mươi tuổi vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Nói một cách khác, để có thể trở thành một con người tự lập, chúng ta phải có một khả năng chủ động nhất định: Chủ động về tài chính, chủ động về tình cảm và chủ động quyết định hành động của bản thân.

    Tuy nhiên khi đã đạt được mức độ chủ động ở mức tự lập thì không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không nên bị động trước bất kỳ một sự vật hay sự việc nào. Trong nhiều trường hợp, những người thông minh sẽ chọn cách bị động một cách chủ động.

    Hãy nhớ người ta chỉ có thể chủ động đón nhận một sự kiện khi đã biết tường tận về sự kiện ấy. Ví dụ khi thấy một đám cháy trước mặt thì nên chủ động dập lửa hoặc tránh đi. Không ai sẽ chọn đi thẳng qua đám cháy bởi vì bạn sẽ bị bỏng.

    Tuy nhiên nhược điểm của sự chủ động chính là nó chịu ảnh hưởng rất lớn từ suy nghĩ của cá nhân. Điều đó cũng có nghĩa là khi chúng ta có hành vi tác động lên sự vật hoặc người khác mà không hoàn toàn hiểu rõ hậu quả của quyết định đó thì chúng ta sẽ rất dễ gặp hậu quả không mong muốn. Ví dụ như chúng ta chủ động dập một ngọn lửa trên đường nhưng không biết là có người nhóm ngọn lừa ấy để nướng thịt, tuy ta có ý tốt nhưng đổi lại sẽ bị mắng là vô ý, bộp chộp. Nếu hành vi đó là việc bộc lộ ý kiến về sự việc mà mình không có kiến thức thì còn có thể bị đánh giá là con người bảo thủ, phiến diện. Chính vì thế chủ động là tốt, nhưng hãy chủ động khi hiểu rõ khả năng của bản thân và những hậu quả có thể xảy ra.

    Vậy thì khi đối mặt với một sự việc thì chúng ta không nên làm gì hay sao?

    Không, câu trả lời chính là trước những sự việc xảy ra không theo kế hoạch hoặc hoàn toàn bất ngờ, hãy bị động đón nhận nó một cách chủ động. Hãy chủ động giữ bản thân ở một vị trí an toàn và bị động quan sát sự việc diễn ra, cho tới khi hoàn toàn hiểu rõ nguyên nhân và kết quả thì mới chủ động quyết định.

    Lại nói về ví dụ đống lửa trên đường, điều tốt nhất nên làm chính là tìm một vị trí an toàn và quan sát nó. Hãy nhớ rằng nếu đống lửa đã ở đó và đang cháy thì dù bạn có mặt hay không thì nó vẫn cứ cháy, ngay cả khi đó là một người đang bốn cháy chạy về phía bạn, điều đầu tiên bạn nên làm là bảo vệ bản thân, quan sát và tìm hướng giải quyết. Trong nhiều trường hợp thay vì chủ động một mình đối mặt, giải pháp lại là chạy đi tìm người giúp, ví dụ, nếu đó là một đám cháy rừng, một người và một xô nước sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì cả.

    Câu hỏi tiếp theo, làm thế nào để bị động tiếp nhận một cách hiệu quả nhất. Quay trở lại tình huống của một đứa trẻ, đôi khi, bạn sẽ nhận thấy trẻ con có thể đặt ra những câu hỏi vô cùng hóc búa. Ví dụ,

    Tại sao con chim lại bay?

    Tại sao quả trứng lại hình tròn?

    Tại sao chúng ta nói chuyện bằng tiếng Việt nhưng người khác lại sử dụng ngôn ngữ riêng?

    Trước những câu hỏi này, chúng ta mới nhận ra rằng bản thân đã áp đặt một cái quy luật cho những sự việc xung quanh, nó như thế vì nó phải thế. Nhưng với một đứa trẻ đang bị động tiếp nhận tác động từ môi trường nó lại có một cái nhìn vô cùng khách quan, bắt được điểm mấu chốt của sự việc và đặt câu hỏi cho nó.

    Bài học ở đây chính là hãy tiếp nhận cái mới như một đứa trẻ, tạm quên đi những định kiến cá nhân mà đánh giá nó một cách khách quan nhất. Ví dụ khi các bạn du học sinh phải đến một vùng đất xa lạ với những ngôn ngữ xa lạ sẽ có hai thái độ tiếp nhận khác nhau. Một nhóm người sẽ chọn cách co cụm lại chỉ giao tiếp với người Việt, nói tiếng Việt, ăn món Việt, làm việc cho người Việt và mong rằng nhờ vậy mà họ có thể học được cách thích nghi. Có thể nói đây là sự lựa chọn chủ động bởi họ biết rõ đây là sự lựa chọn dễ dàng và an toàn nhất, với lựa chọn này, họ có quyền quyết định mình sẽ tiếp cận ngôn mới và môi trường mới như thế nào, cách thức ra sao, trong bao lâu?

    Một nhóm người khác sẽ chọn cách vẫn giữ liên lạc với người Việt xung quanh nhưng lại sống hòa nhập với người bản xứ, người ta ăn gì thì mình ăn nấy, học cách nói chuyện, học ngữ âm, cách ăn mặc của người bản xứ. Đây lại là ví dụ điển hình của việc chủ động đặt mình vào thế bị động tiếp nhận môi trường mới và ngôn ngữ mới.

    Tuy mục đích cuối cùng của cả hai nhóm người đều là sinh tồn, nhưng trong thời gian ngắn ban đầu nhóm người thứ nhất sẽ có thành tựu nhanh hơn, ổn định cuộc sống, chủ động tài chính nhanh hơn. Xét về thời gian dài thì nhóm người thứ hai mới là những người đạt được thành công triệt để khi họ có thể hòa nhập hoàn toàn, đi lại, giao tiếp như người bản xứ, chủ động tài chính và có vị thế vững chắc trong xã hội. Ngược lại, nhóm người thứ nhất sau một thời gian dài sẽ lại bị tác dụng ngược của chính quyết định ban đầu khi họ khó có thể hòa nhập và giao tiếp như người bản xứ, điều này không có nghĩa là họ không thể thành công, chỉ có nghĩa là họ mãi mãi sẽ là một người lạ trên vùng đất họ đang sinh sống.

    Một ví dụ khác về việc thành công lựa chọn bị động tiếp nhận chính là cách chính phủ các nước đối diện với đại dịch Covid-19. Trong thời điểm thông tin về dịch bệnh còn mới, các quốc gia Châu Á đã sáng suốt bị động tiếp nhận thông tin một cách khách quan, áp dụng theo cách làm của Trung Quốc khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, giãn cách xã hội theo dõi sát sao từng trường hợp phơi nhiễm. Tại sao lại nói những quyết sách này là bị động? Chúng ta hãy nhớ rằng Việt Nam không tạo ra covid, covid ở đây chính là đốm lửa trên đường. Nếu không biết mình đang đối mặt với cái gì thì cứ xem người có kinh nghiệm hơn làm cái gì thì bât chước theo. Bắt chước chính là một sự bị động mang tính chủ động.

    Ngược lại, các quốc gia phương Tây khi đối diện với tin tức về chủng virus này lại chủ động áp đặt quan điểm phiến diện của họ. Dựa trên biểu hiện lâm sàng, họ nghĩ đây chỉ là một virus cúm thông thường nên không hề áp đặt các biệt pháp phòng ngừa cần thiết. Thậm chí người phương tây còn cười nhạo khi nhìn thấy người Châu á đeo mặt nạ.

    Kết quả của hai cách tiếp cận đối lập này ra sao, toàn thế giới hiện nay đều đã nhìn rõ khi các quốc gia phương đông đã dần thích ứng với trạng thái bình thường mới - the new normal, trong khi đó con số người nhiễm bệnh ở phương tây vẫn ngày càng tăng, một số nước còn thừa nhận họ đã mất kiểm soát hoàn toàn.

    Chính vì thế chúng ta không nên hoàn toàn bị động cũng không nên hoàn toàn chủ động trong cuộc sống. Một con người thành công chính là một con người biết cách bị động trước cái mới và chủ động có quyết định dựa trên hiểu biết và khả năng của bản thân mình.
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2020
  8. Sương sớmmùa Thu

    Bài viết:
    185
    Câu hỏi: "Có nên chủ động trong cuộc sống?" là một câu hỏi rất đáng quan tâm.

    Và câu trả lời của mình là: Rất nên chủ động trong cuộc sống.

    Sau đây sẽ là 1 vài lý giải cho điều đó.

    Thứ nhất, Trong cuộc sống thường ngày.

    Mỗi ngày, chúng ta đều cần ăn uống, vệ sinh thân thể, tập luyện thể dục, nghiên cứu, học tập..

    Khi bạn ăn cơm, đương nhiên sẽ có bát đũa, xoong nồi. Và khi bạn đã sử dụng nó, thì hiển nhiên nó sẽ bị bẩn. Và công việc là phải rửa sạch đống bát đũa, nồi niêu, xoong chảo đó. Nếu không chủ động dành thời gian làm sạch nó, thì không có bát đũa sạch để dùng.

    Thứ hai, trong học tập.

    Giả sử môn Tiếng Anh là môn học yêu thích của bạn. Ở trên lớp, các thầy cô thường giao bài tập cho học sinh làm. Có bạn sẽ tìm mọi cách để hoàn thành bài tập nhanh nhất. Như vậy, đó đã là chủ động làm, mà không cần thầy cô nhắc nhở, thúc giục, hay thậm chí la mắng vì học sinh không tự giác làm bài.

    Khi bạn làm xong bài tập được giao, bạn sẽ có thêm thời gian để làm những việc khác mà bạn thích.

    Ví dụ: Tìm thêm truyện để đọc, hướng dẫn các bạn khác làm bài.

    Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu nói: Có qua có lại, mới toại lòng nhau. Thì trong trường hợp này cũng đúng nhé.

    Vì lúc trước cậu đã hướng dẫn tớ làm bài, giải đáp thắc mắc những chỗ tớ không hiểu. Nên bây giờ, khi cậu không làm được bài, thì tớ sẽ vui vẻ giúp cậu thôi.

    Thứ ba, trong công việc.

    Đức tính "chủ động" lại rất quan trọng, và được đánh giá cao.

    Không phải ai từ lúc sinh ra: Đã thông minh, lanh lợi, sắc sảo. Chính vì vậy, đối mặt với một công việc được giao, thì mỗi người sẽ phải mất một lượng thời gian để hoàn thành. Nếu bạn chủ động tìm tòi kiến thức trên sách báo, hỏi đồng nghiệp đi trước hoặc thậm chí bạn có thể xin lời khuyên trực tiếp từ Sếp.. thì khả năng bạn hoàn thành nhiệm vụ tốt là rất cao, và được Sếp đánh giá cao.

    Như vậy, Chủ động để ta đạt được cái mình muốn. Còn đôi khi, bạn phải trở nên "bị động" thì sẽ tốt hơn.

    Khi bạn yếu đuối, kiệt sức, thì bạn nên bị động và cần tới sự giúp đỡ từ người khác.

    Bạn sẽ nhanh chóng hồi phục được tinh thần và thể lực. Bên cạnh đó, bạn còn tăng thêm tình bạn hữu.

    Kết luận lại: Muốn tồn tại, bạn phải biết chủ động và bị động đúng lúc nhé.
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  9. Đậu Anh Tử

    Bài viết:
    134
    Quan điểm cá nhân của mình thì: Chủ động mà thành công là bản lĩnh. Bị động vẫn thành công là may mắn. Nhưng không phải ai cũng có được may mắn và may mắn cũng chẳng bao giờ xuất hiện trong suốt cuộc đời.

    Cuộc đời của mình nên do chính mình quyết định, đó là giữ thế chủ động. Nếu như vì một nguyên nhân khách quan nào đó ép mình vào thế bị động thì có hai cách giải quyết. Một là xoay chuyển tình thế, đưa bản thân trở về thế chủ động. Hai là chủ động tiếp nhận nếu như đó là điều có thể chấp nhận được.

    Tóm lại dù là chủ động hay bị động, Giữ cho tâm thế của chính mình luôn lạc quan mới là điều quan trọng nhất.
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  10. tatsuno jin

    Bài viết:
    127
    Chủ đông trong cuộc sống rất hữu ích cho bản thân

    Chủ động học hỏi để giúp cải thiện bản thân, chủ động giúp đỡ những người xung quanh để mình rèn luyện phẩm chất, chủ động thổ lộ những điều mình muốn nói để không phải hối tiếc, chủ động làm để giúp cho bản thân trở nên kiên định hơn

    Chủ động là 1 thứ rất cần thiết, nó giúp cho mình rất nhiều trong đời sống, giúp bản thân hoàn thiện hơn, giúp bản thân tự tin hơn, giúp bản thân kiên định hơn với những thứ mình đã quyết tâm đã muốn làm muốn nói..

    Hãy cố gắng chủ động để có thể làm cho bản thân ta tốt hơn
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...