Có một ngôi nhà ở Sài Gòn đang đợi mình về.. Tác giả: Cỏ Orient Thể loại: Tản văn Ảnh: Cỏ Orient "Bạn bè, đồng nghiệp cũng không bằng những người bà con họ hàng ở đây đâu con à..". Cô nói với mình khi nắng đã vắt vẻo trên ngọn cây bàng trước quán. Sau những tháng ngày bôn ba với học tập, thi cử, mình lại dành một buổi chiều về thăm chú. Ở Sài Gòn xa lạ này, mình có một nơi gọi là nhà để trở về. Nhà chú ở quận Bình Thạnh, chỉ cần bắt chuyến xe buýt 19, ngồi nghe khoảng 10 bài hát trong list nhạc sẽ tới. Hồi năm nhất, chú chỉ mở một quán cháo lòng ở trên đường số 25. Quán chú nằm ở vỉa hè, nhưng rất đông khách. Chủ yếu là sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải. Giờ cao điểm, phải đem bàn ra đường ngồi ăn. Dạo trước, mình học ít, nên lên phụ chú thường xuyên. Trường Giao thông nên toàn con trai. Lúc nào mình cũng đứng giữa rừng con trai cao lớn, để hỏi, "Anh ăn gì?". Mình học năm hai, chú thuê một đoạn đường ở bên cạnh phòng tập Gym. Nhưng, khách vẫn đông như thường. Mối cũ, mối mới cứ nườm nượp kéo đến. Cháo của chú cũng bình thường như bao quán khác thôi, nhưng có điều đặc biệt là, chú lúc nào cũng cười nói vui vẻ. Câu nói quen thuộc của chú là, "Con trai ăn gì nào?", "Ngồi đó, chú làm cho", "Sao lâu quá bây không ghé chú? Bận ở nhà cưới vợ hả con". Và, cười. Nụ cười của chú làm các anh cũng cười theo. Như luật hấp dẫn ấy. Niềm vui cứ thế lan tỏa. Cháo đã nóng mà nụ cười hiền của chú còn khiến người ta phải xao xuyến thấy lạ. Mình học năm ba, cô mở thêm một quán hũ tiếu, bánh canh. Cô thuê một khoảng sân trước để bán. Quán của cô đối diện quán chú, nhưng có phần hoành tráng hơn quán chú một chút. Mấy ngày đầu, chú hay nói các anh kia, "Qua bên cô ăn hũ tiếu đi con", "Qua bên cô ăn bánh canh đi con..". Cô chú cứ chạy qua chạy lại giúp đỡ nhau. Mấy đứa em trong nhà, kể từ ngày có hai cái quán, không biết ăn cơm nhà là gì. Vì cả cô chú đều bận bán quán, người chị đầu cũng phụ bán, vậy là, tụi nhỏ ăn cơm bụi hoài. Hôm mình lên thăm cô chú, chú than, "Mấy đứa nhỏ thương quá, tụi nó chẳng được ăn một bữa cơm nhà..". Mình nhìn cô, thấy ánh mắt buồn trong đó. Rồi những ngày sau, cô chú vẫn bán vậy. Gần đây nhất, khi mình học năm cuối, chỗ chú thuê, người ta đổi thành quán cà phê và chú lại phải chuyển sang bán vỉa hè như trước. Quán chú lại nằm bên cạnh quán của cô. Nhiều vị khách đến muốn ăn cháo, lại chạy qua hỏi cô và vội vã xin lỗi. "Trời ơi, cô cũng bán cháo được thôi chứ bây làm gì mà phải xin lỗi". Và cười. Cả hai cô chú, dù vất vả đến mức tóc bạc hết cả, nhưng nụ cười thì không bao giờ quên. Hôm nay, mình đến thăm cô chú, sau gần một tháng biệt tăm. Cô bảo, "Trời ơi, con đó hả Thảo. Lại đây, cô quánh cho cái, chứ nhớ quá trời quá đất hà". Và cười. Mình xin lỗi cô rồi, ngồi xuống ghế nói chuyện với cô. Cô làm cho mình một tô hũ tiếu khô giò heo gì đó. Mình hông thích ăn giò heo cho lắm, nhưng kệ, dù sao cô cũng có lòng, không nên từ chối. Cô gọi cho mình một chai sữa bắp. Trớ trêu thay, mình uống sữa cũng không được. Nhưng vì thương cô quá, mình ráng uống cho hết. May mắn, bụng không dở chứng như trước. Ngồi dưới tán cây bàng, mình nghe cô kể chuyện. Tháng sáu năm sau, cô với bé út sẽ về quê ở luôn. Nhà cô, ở Đà Nẵng, 5 năm nay, cho vợ chồng anh Cuội ở nhờ. Cũng chừng đó năm, cô chú vẫn ở Sài Gòn làm ăn, cho đến khi nào ổn định mới về nhà. Nói là nhà, nhưng chưa có năm nào, gia đình cô chú ăn tết đúng nghĩa ở nơi đó. Rời quê nhà đi lập nghiệp ở phương xa, người ta mang theo khát vọng kiếm tiền, thay đổi cuộc đời. Nhưng rồi, sau những bận rộn, cái người ta cần nhất là một ngôi nhà bình yên để trở về. "Dù ở đồng bằng, miền núi hay biển cả thì cái nhà vẫn là nơi bình yên nhất mà người ta muốn trở về, con à!", cô nói với mình như thế khi đang làm tô hũ tiếu mì cho bạn kia. 4 năm vào Sài Gòn trọ học, đã bao lần mình trở về nhà rồi nhỉ? Mỗi lần có vài chuyện không vui xảy đến, mỗi lần không còn nơi nào để trút bầu tâm sự, mỗi lần cảm thấy quá mệt mỏi ở cái vùng đất xô bồ này, mình lại muốn trở về ngôi nhà ấy. Nhưng khi trở về, mình lại nhớ nhà. Mình nhớ nhà, ngay cả khi ở nhà. Thật ngộ. Mình nhớ khoảnh khắc khi mình vẫn còn là đứa trẻ được ba má, bà nội lo lắng cho từng xíu một. Mình nhớ cái khoảng khắc nhà mình chỉ là cái nhà tranh, không có cửa chính, cửa sổ gì cả. Cái nhà tranh ấy, có cái phảng to để mình có thể chơi đồ hàng với búp bê trên đó. Có mấy hòn gạch nho nhỏ, mà mình hay xếp thành nhà nhỏ bên hông. Có cái cột gỗ lâu lâu lại bị mối đục. Có cái võng trắng đu đưa mỗi chiều tà. Có cây ô ma, chiều nào mình cũng rủ bé em chơi chọi nhau.. Cô tiếp tục kể chuyện cho mình nghe.. Tay cũng vừa bỏ hũ tiếu vào nồi nước dùng. Tay kia lấy hành, hẹ, trứng cút bỏ vào tô. Cô kể rằng sang năm, cô sẽ cho bé Ngân - bé thứ hai ở lại với chú ở Sài Gòn để học cho đến khi xong Đại học rồi mới về nhà. Chú vẫn sẽ bán, còn cô về nhà ở với bé Hiền. Làm lụng bao nhiêu năm, đến bây giờ, cô chỉ muốn có một ngôi nhà để về mà lo lắng, săn sóc cho nó. Bôn ba bao nhiêu năm, cô muốn được về nhà, lo bữa cơm cho bé út đi học, rồi kiếm cái gì đó làm ở gần nhà mình. Dòng suy nghĩ của cô bỗng cắt ngang, vì chú đã ra quán sau một giấc nghỉ trưa ngắn. "Ông dậy rồi đó à?" "Ừ, bà". Cô chú nói chuyện với nhau rất tình cảm. Dù tuổi đã tứ tuần, cô chú vẫn lo lắng, săn sóc cho nhau từng tí một. Làm được một lúc, chú lại hỏi cô, "Sao bà chưa đi ngủ?". "Ừ, tui làm xíu cho xong cái này đã. Ông dọn cho tui cái giỏ kia với". "Ừ, bà làm đi.. Để tui dọn cho." Mình vẫn còn nhớ mấy ngày ở nhà cô chú. Làm mệt, tối về, ngồi nói chuyện với mình một xíu, chú nằm ngủ ngay. Nghe tiếng chú ngáy là biết. Cô ngồi nói chuyện với mình nói, "Chú bây làm mệt lắm, nên hay ngáy, con thông cảm nha". Nói xong, chú tỉnh dậy nói, "Bà nói cái gì đó?". Cô cười, đập vào vai chú, "Ông này, lo ngủ đi". Ở nhà cô chú, mình mới biết. 2h sáng là cô chú đã dậy rồi. Lo nấu cháo, rồi đi chợ mua thịt, bò, gà, lòng các loại. Lại chuẩn bị nào chanh, hẹ, hành, tương ớt, xì dầu cho đủ. 5h sáng chú lại đẩy hai xe ra. Cô chú bán đến tận 8, 9h tối mới dọn hàng. 10h tối ăn cơm, có khi 11h ăn cơm xong, cô chú nói đôi ba câu chuyện với con cái, rồi dặn dò nhau ngủ nghỉ. Nhà trọ cô chú ở chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, đồ đạc chiếm phân nửa. Vậy mà, cô chú vẫn nuôi một con chó, tên là Bu. Vì chị Bình, con gái đầu của cô chú yêu chó, nên chị mới mua con này về nuôi. Cô chú cũng không cản. Và thế là, nhà có đến 4 đứa con gái. Ấy là mình kể thêm con Bu. Mỗi bận, mình và em gái qua nhà cô chú ở. Ai nhìn vào nhà, cũng bảo, nhà này có đến 5 đứa con gái luôn à? Cô cười nói, "Ừ, nhà tui có 5 cô công chúa luôn đấy!". Và cái mâm cơm vì thế cũng nhiều người hơn hẳn. Những lúc như thế, thấy vui ghê. Cứ y như trở về nhà. Hết