Truyện Ngắn Cỏ Lau - Tôn Gia

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Solofunvn, 25 Tháng năm 2020.

  1. Solofunvn

    Bài viết:
    3
    [​IMG]

    Tên truyện: Cỏ Lau

    Tác giả: Tôn Gia

    Thể loại: Truyện ngắn

    Link thảo luận: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Tôn Gia

    * * *​

    Gió cứ rì rào rì rào thoang thoảng qua, gió làm lay động những ngọn cỏ lau như sóng nước mọc xanh um trên nấm mộ của Bình - anh trai Minh, một nấm mộ nhỏ bé, đơn sơ, lẻ loi, theo thời gian chỉ còn là một gò đất nằm lặng lẽ giữa bạt ngàn nơi đồng cỏ lau. Ba mươi năm trước, một đứa trẻ đã vĩnh viễn rời xa gia đình khi vừa mới lên năm, một cái chết không thể miễn cưỡng, nhưng đã để lại nỗi đau vô cùng lớn cho những người còn sống.

    Thuở đó, nhà của Minh lâm vào cảnh khổ sở chưa từng có, một gia đình nông dân kiệt quệ, đói khát. Cha của Minh hằng ngày vào rừng hái măng, tối đến lại ra ruộng mò cua bắt ốc. Ông là một người đàn ông khỏe mạnh, cần cù, chăm chỉ, nhưng cuộc đời ông không may mắn khi đã phải cơ cực, bươn chải với cuộc đời từ nhỏ. Cha ông, tức là ông nội của Minh, đã sớm qua đời khi ông còn chưa biết cất tiếng gọi "cha" một lần. Rồi năm ông lên mười, mẹ ông cũng qua đời sau một cơn bạo bệnh, còn lại mình ông được người dì họ đem về nuôi. Người dì họ này tuy mang tiếng tốt bụng là nhận nuôi đứa cháu mồ côi nhưng lại bắt ông làm việc như một người ở, sáng sớm mụ bắt ông dậy sớm chăn trâu, cả một đàn trâu hơn chục con một mình ông phải trông chừng hết sức cẩn thận, nếu chẳng may có con nào dở chứng chạy qua ruộng người ta dẫm lên lúa, người ta về mắng vốn lại là mụ lại lôi ông ra giữa sân, dùng roi mây đánh đến khi mụ mỏi tay mới thôi, và đêm đó chắc chắn ông bị mụ bỏ đói, cho ra ngủ ngoài chuồng trâu. Chiều, khi dẫn trâu về rồi, mụ vẫn chưa cho ông nghỉ ngơi, lại bắt ông đi xách nước tưới hết cái vườn cây trái của mụ, mãi cho đến khi trời đã tối đen mụ mới cho ông ngừng tay vào tắm rửa, ăn vội vài miếng cơm thừa canh cặn của nhà mụ. Lúc đó ông chỉ là một đứa trẻ lên mười nên không suy nghĩ được rằng mình đang bị bà dì độc ác kia bóc lột quá mức, ông chỉ thấy sợ mụ và răm rắp nghe lời để không bị đánh, không bị bỏ đói, không bị ngủ ngoài chuồng trâu. Sau này khi lớn lên, ông dần hiểu rằng bà dì họ của mình không hề coi mình là con cháu trong nhà mà chỉ là một người ở không hơn không kém, nên có lần ông đã nổi giận đốt cái chuồng trâu khiến mụ một phen hoảng hốt, may là chỉ cháy cái chuồng, còn lũ trâu may mắn bình an vô sự, sau vụ đó mụ đã đuổi ông đi, không cho ở nhà mụ nữa.

    Vậy là từ đó ông trở về lại căn nhà cũ của mình, nói là nhà cũ nhưng bình thường khi chăn trâu ông vẫn thường đi ngang qua đây, ghé vào quét dọn, thắp nhang cho cha mẹ, rồi nghỉ ngơi trong đó nên trông ngôi nhà vẫn sạch sẽ, gọn gàng. Hằng ngày ông đi làm thuê làm mướn cho người ta kiếm sống, vốn là một thanh niên có tính siêng năng, chịu thương chịu khó nên mọi người ở trong xóm đều rất quý mến ông, khi có công việc gì là họ lại gọi ông đi phụ giúp, cho ông cơm nước đầy đủ, trả công nhiều hơn bình thường. Một lần đi làm ông đã gặp bà, là mẹ của Minh. Khi đó bà là một người con gái có chút nhan sắc, con một lão nông nghèo khó, trong vùng không biết đã có bao nhiêu thanh niên trai tráng con nhà phú quý để ý, ngỏ lời nhưng bà đều từ chối. Vậy mà không hiểu vì lí do gì bà lại để ý rồi đem lòng thầm thương ông. Có một lần khi ông đang cấy dưới ruộng, còn bà thì đi trên bờ, do mải nhìn ông rồi nghỉ vẫn vơ nên bà không để ý đường đi, vấp phải bụi cỏ ngã nhào xuống ruộng, ông ở gần đấy thấy thế liền chạy lại đỡ, bà con được dịp cười vỡ bụng. Từ đó hai người bắt đầu cảm mến, có tình ý với nhau ngày qua ngày sâu đậm hơn. Khi ông sang nhà bà ngỏ lời xin cưới, ông cứ sợ rằng cha của bà không đồng ý nhưng thật không ngờ lão nông trông bề ngoài có vẻ khó tính ấy lại ngay lập tức gật đầu. Vậy là một đám cưới nho nhỏ, giản dị được diễn ra, một buổi tiệc cây nhà lá vườn, chỉ có đôi trẻ, người cha vợ và vài người hàng xóm thân thiết. Nhưng một điều bất hạnh là cha của bà ít tháng sau đám cưới ấy đã bị bệnh nặng rồi qua đời, vậy là cả hai ông bà chẳng còn ai thân thích, phải dựa vào nhau mà sống. Cuộc sống gia đình của hai vợ chồng càng trở nên hạnh phúc hơn khi vài năm sau đó bà lần lượt sinh ra hai người con trai là Bình và Minh.

    Nhưng cũng từ lúc đó, cuộc sống bỗng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bình thì không có chuyện gì, nhưng còn Minh thì từ lúc sinh ra đã bị bệnh nặng nhẹ liên tục, hai vợ chồng ông bà phải cố gắng thuốc thang, chăm sóc kĩ lưỡng lắm mới giữ được đứa con đó, có chút đất đai làm ruộng cũng phải bán hết. Nghĩ rằng mảnh đất này không hợp với con cái nên ông bà khăn gói cả gia đình sang xứ khác. Đến một nơi xóm làng thưa thớt, phía sau là rừng xanh thăm thẳm, phía trước là cánh đồng hoang vu có con sông nhỏ vắt ngang, ông bà quyết định ở lại. Quả thật từ lúc chuyển đến đây, Minh đã dần bớt bị bệnh, rồi trở nên hoàn toàn khỏe mạnh, lớn nhanh như thổi. Lúc này Bình đã lên năm, còn Minh thì thua Bình một tuổi. Hai anh em suốt ngày quậy phá, đùa giỡn khiến ông bà phải trông coi rất vất vả nhưng bù lại nhờ hai đứa con mà cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn, bớt đi cái không khí u ám, tẻ nhạt nơi rừng sâu, nước thẳm, cũng như xua tan sự mệt nhọc, khó khăn của nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày. Thế nhưng không hiểu sao cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám gia đình này mãi, khiến họ càng lúc càng lâm vào cảnh khốn cùng.

    Hằng ngày ông vào trong rừng để hái măng đem về cho bà mang ra chợ bán kiếm vài đồng bạc mua gạo cho các con ăn. Nhưng công việc không hề đơn giản, rừng rú âm u, hiểm họa khôn lường, khó biết trước chuyện gì sẽ xảy ra nên ông luôn nhắc nhở mình phải cẩn thận, vậy mà cũng có không ít hôm ông bị rắn rết cắn, bị dẫm gai, đau đớn, nhức nhối lắm nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng, tiếp tục công việc, không để vợ con ở nhà bị đói. Nói là nói như vậy, nhưng từ lúc đến đây, ngày nào cả nhà cũng phải chịu đói, gạo không nhiều nên bà chỉ dám nấu cháo thật loãng, độn đủ các loại rau rừng vào, muối cũng không có nên cả nhà mỗi bữa chỉ có ăn món cháo chay độn nhạt thếch, bữa nào may mắn ông bắt được vài con cá, con tôm thì bữa đó cả nhà có thêm tí đạm mà ăn. Những món đó đến người lớn như ông bà còn thấy khó nuốt nhưng hai anh em Bình và Minh lại rất thích thú, đặc biệt là Bình. Mỗi lần ăn là cậu lại ngoan ngoãn lấy chén múc cho cha mẹ, rồi múc cho em, xong xuôi mới đến lượt mình, khi ăn lại ăn rất ngon miệng, không hề chê nửa lời, có khi thấy Minh dùng dằng không muốn ăn, Bình lại dỗ em, vậy là Minh nghe lời anh ăn một mạch ngon lành. Nhìn thấy các con ăn ngon miệng bao nhiêu thì người làm cha làm mẹ lại đau lòng bấy nhiêu, ông bà không hề muốn các con chịu khổ, nhưng không có cách nào khác cả.

    Lúc này Bình đã năm tuổi, nghĩa là một năm nữa cậu sẽ đến tuổi đi học. Ông bà cũng đã nghĩ tới chuyện này nên trước đó đã làm lụng cật lực hơn, gom góp chút ít để dành cho cho Bình đi học. Và dường như Bình cũng biết điều đó nên cậu luôn tỏ ra mình đã lớn, phụ cha mẹ trông em, không đòi hỏi bất kì thứ gì, bởi vậy nên mặc dù đang là những đứa trẻ nhưng hai anh em Bình và Minh không hề giống những đứa trẻ khác, không đòi bánh kẹo, không đòi quần áo đẹp, thậm chí là cũng không đòi ăn no, ăn ngon. Cũng nhờ có hai đứa con ngoan như vậy nên hai vợ chồng ông bà cảm thấy được an ủi rất nhiều, có động lực để cố gắng nhiều hơn.

    Một hôm, bà mang một bọc măng ra chợ bán kiếm ít tiền mua gạo, nguyên đêm qua cả nhà đã phải ăn măng trừ cơm khi gạo trong nhà đã không còn một hạt, ngôi chợ cách nhà cũng một quãng khá xa đến khoảng ba bốn cây số mà bà lại phải đi bộ. Ở nhà, ông và hai con dọn dẹp nhà cửa, khi ông đang ở ngoài dọn đám cỏ thì Bình và Minh ở trong quét nhà. Tiếng chổi đang rột roạt đều đều bỗng chậm lại, nhỏ dần, nhỏ dần rồi dừng hẳn. Một tiếng "bịch" từ trong nhà phát ra, ông vứt con dao ở ngoài hốt hoảng chạy vào thì thấy Bình đang nằm dưới đất, tay chân co quắp, cả thân người cậu co ro, run lên lẩy bẩy, còn Minh thì đang hét lên gọi cha. Ông chạy đến đỡ Bình dậy, thấy toàn thân cậu lạnh ngắt, run run nên ông vội đốt một đống lửa rồi ngồi ôm con vào lòng, ngồi trước dống lửa ủ ấm cho con. Nhưng Bình vẫn không hết lạnh, cậu vẫn run rẩy trong lòng của cha, đôi mắt cậu cố gắng nhìn khuôn mặt cha, miệng run run:

    - Cha ơi.. Con.. Con lạnh lắm..

    Ông nuốt nước mắt nhìn con, ôm chặt lấy con nói:

    - Không sao đâu con, cha ôm con cho con ấm hơn nhé..

    Bình vẫn nhìn cha, cậu "Dạ" một tiếng rồi rúc mình sâu vào trong vòng tay của cha. Ông vẫn đang cố gắng giúp con ấm hơn nhưng dường như ông không thể làm được điều đó, ông hoàn toàn bất lực, Bình vẫn đang run lẩy bẩy trong lòng ông, mỗi lúc mỗi nhiều hơn, da cậu trở nên xanh xao, mặt tái mét, đôi mắt cậu lờ đờ muốn nhắm lại nhưng cậu vẫn cố mở ra nhìn cha. Minh thấy anh như vậy không biết làm sao, cậu nghĩ chắc tại anh mình bị đói nên liền cầm một cái chén nhỏ chạy sang nhà ông hàng xóm cách đó hơn trăm thước xin mượn nắm gạo. Lão hàng xóm này tuy nhà cửa khấm khá, nhưng lại có tính keo kiệt, ích kỷ, xưa này lão chưa từng cho ai cái gì, nhất là với những người nghèo khổ như gia đình Minh. Vừa tới nơi, thấy lão đang ngồi mài cuốc trước nhà, Minh liền chạy vào, chìa chén ra trước mặt nói:

    - Bác ơi, bác làm ơn cho cha con mượn ít gạo..

    Lão nhìn cậu tỏ vẻ ngạc nhiên, bỏ cái cuốc xuống nhìn cậu một hồi rồi cười mỉa mai:

    - Mượn à? Rồi cha mày lấy gì trả tao.

    - Đợi mẹ con mua gạo về rồi con sẽ đem qua trả cho bác liền mà..

    Lão vẫn không muốn cho mượn, tiếp tục làm khó dễ:

    - Mà sao cha mày không qua đây mượn tao mà sai mày? Có phải cha mày khinh tao không?

    - Dạ không có đâu bác, cha con đang coi anh con, anh con đang bị bệnh.

    Nghe xong lão cười ha hả, đứng dậy nói:

    - Mày cũng lanh mồm lanh miệng lắm, bệnh à, cái loại nghèo kiết xác không biết làm ăn mà chỉ biết giả bệnh giả tật đợi người ta thương hại à, mày về nói lại với thằng cha mày là tao không có dư gạo để cho đâu nhé, muốn có gạo thì đưa tiền đây.

    Nói xong, lão xách cuốc lên dọa đuổi rồi quay vào trong nhà, Minh ở ngoài quỳ xuống cầu xin nhưng dường như ông ta không thèm để ý, cũng chẳng chút động lòng nào, vậy là cậu đành thất vọng cầm chén chạy về nhà. Khi Minh vừa về đến nhà thì ngay lúc đó bà cũng vừa trở về, thấy như vậy bà liền chạy đến ôm lấy con, cuống cuồng hỏi ông chuyện gì đã xảy ra, khi ông kể lại thì bà chỉ biết vừa khóc vừa lắc đầu, bà biết Bình đang bị sốt rét, căn bệnh nguy hiểm đã giết chết không biết bao nhiêu người lớn khỏe mạnh, huống hồ Bình chỉ là một đứa trẻ ốm yếu, lại đang bụng đói mấy hôm nay.

    - Đưa nó đi bệnh viện, đi bệnh viện ngay - bà giục.

    - Nhưng bệnh viện rất xa, mình lại không có tiền, đưa nó đi như thế nào đây?

    Ông nói trong tuyệt vọng, hai vợ chồng nhìn con trong cơn nguy kịch nhưng không biết phải làm gì. Bỗng dưng bà bế lấy Bình rồi chạy ra ngoài, ông thấy vậy cũng vội bế lấy Minh chạy theo. Hai vợ chồng bế hai đứa con chạy nhanh thật nhanh không biết mệt mỏi. Ra đến đường lớn thì thấy có chiếc xe máy đang chạy ngược chiều, hai ông bà liền vẫy tay xin nhờ giúp, người thanh niên dừng xe, hỏi han vài câu rồi liền giục bà bế Bình lên xe, chiếc xe chạy thật nhanh trên con đường đầy sỏi đá. Được chừng nửa đường, bỗng "bùm" một tiếng, bánh sau của xe bị nổ, người thanh niên liền dắt xe quay lại chổ sửa xe cách đó chừng vài trăm mét, còn bà và Bình thì đứng lại đợi. Một lúc sau bà nhìn mặt Bình, mắt cậu đang mở ra tròn xoe nhìn mẹ, miệng mỉm cười, nhưng người cậu thì lạnh ngắt, chân tay bất động, bà khẽ đưa ngón tay lên mũi thì.. Bình đã tắt thở. Người đàn bà ôm chặt con vào lòng quay lại chổ sửa xe, vừa đi vừa khóc. Đến nơi, người thanh niên hốt hoảng chạy ra hỏi:

    - Có chuyện gì vậy thím?

    - Em nó.. Em nó mất rồi con à.

    - Sao thím? Thím nói em trai.. Mất rồi sao?

    Bà ôm con vào lòng mà khóc, nước mắt giàn giụa không thể nói được lời nào nữa. Những người có mặt ở đó ai cũng thấy đau lòng, có những người đàn bà không kiềm được lòng mình cũng ôm hai mẹ con mà khóc theo.

    Một đám tang sơ sài diễn ra, thi hài đứa trẻ được quấn vào trong một cái chiếu đã cũ, đặt vào một cái hòm được đóng bằng những cây gỗ nhỏ trông giống một cái cũi nhiều hơn. Chiếc hòm lại được đặt lên chiếc xe của người thanh niên, dắt bộ qua những con đường lầy lội của mùa mưa đến một nơi hoang vắng, chỉ có bạt ngàn cỏ lau. Một ngôi mộ nho nhỏ bằng đất được đắp lên. Đám tang lặng lẽ, ngắn ngủi như cuộc đời ngắn ngủi của một con người. Gia đình Minh sau đó vài tháng cũng đã tiếp tục chuyển đi nơi khác thật xa, và vậy là mọi thứ dần chìm vào kí ức, không ai nhắc, không ai kể, không ai ra thăm ngôi mộ đó nữa.

    Minh nhắm mắt lắng nghe tiếng gió, tiếng cỏ lau, và tiếng của anh trai đang nhắc nhở:

    - Em ăn đi, ăn nhiều vào, em mà không ăn là anh ăn hết đó, lúc đó em đói thì không còn gì để ăn đâu. Nè, em ăn đi, ăn cho mau lớn mai mốt đi học với anh, anh sắp được đi học rồi đó..

    Hết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng năm 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...