1. Tác giả - Xuân Quỳnh (1942 - 1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. - Quê quán: La Khê, thành phố Hà Đông - Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). - Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành. - Tháng 2 năm 1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. - Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Vienna (Áo). - Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khóa I) của Hội Nhà văn Việt Nam. - Sau khi học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt nam. - Xuân Quỳnh là hội viên từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. - Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ, trước đó, Xuân Quỳnh kết hôn lần đầu tiên với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã ly hôn. - Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương, cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi. 2. Sự nghiệp sáng tác a. Tác phẩm chính - Hoa dọc chiến hào (1968) ; Gió Lào cát trắng (1974) ; Tự hát (1984) ; Hoa cỏ may (1989).. b. Phong cách sáng tác - Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. - Thơ bà là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường. Bài thơ: "Cỏ Dại" Bài thơ Cỏ Dại (Xuân Quỳnh), tác giả viết về những cây cỏ dại hình ảnh quê hương. Bài thơ viết về nổi nhớ quê hương của chàng lính, hành trình về với làng quê xưa bỗng anh nghĩ đến một vùng cỏ dại, anh nhận thấy trước tiên là cỏ, sự sống đầu anh gặp ở quê hương. Cỏ Dại "Cỏ dại quen nắng mưa Làm sao mà giết được Tới mùa nước dâng Cỏ thường ngập trước Sau ngày nước rút Cỏ mọc đầu tiên" Câu thơ nào trong ý nghĩ vụt lên Khi tôi bước giữa một rừng cỏ dại Không nhà cửa. Không bóng cây. Tim lối Cứ cường hào rẽ cỏ mà đi. Người dân quân tì súng lắng nghe Bài hát nói về khu vườn đầy trái Anh bỗng nghĩ đến một vùng cỏ dại Nỗi nhớ đầu anh nhớ quê anh Mảnh đạn bom và chất lân tinh Đã phá sạch không còn chi nữa Chỉ có sắt chỉ còn có lửa Và cuối cùng còn có đất mà thôi Thù trong lòng và cây súng trên vai Cùng đồng đội anh trở về làng cũ Anh nhận thấy trước tiên là cỏ Sự sống đầu anh gặp ở quê hương Có một lần anh tìm đến bà con Khi xúm xít quanh anh thăm hỏi Giữa câu chuyện có điều này đau nhói: - Đất quê mình cỏ đã mọc lên chưa? Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưa Gần gũi nhất vẫn là cây lúa Trưa nắng khát ước về vườn quả Lúc xa nhà nhớ một dáng mây Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây Một làn khói, một mùi hương trong gió.. Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ Mọc vô tình trên lối ta đi Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có. Vĩnh Linh, 1969 Nguồn: Vân Long, Xuân Quỳnh - thơ và đời, NXB Văn hóa thông tin, 2004 Cảm nhận về bài thơ: "Cỏ Dại" : Bài thơ nói về nỗi nhớ quê hương của người lính. Hình ảnh: Cỏ dại, lúa, dòng sông, ngọn núi, rừng cây.. Tất cả hình ảnh trên gợi nhớ quê hương đậm tình. Dù mang trọng trách trên vai nhưng người lính vẫn luôn nhớ về quê hương, nơi đã dưỡng dục sinh thành. Sau chiến tranh người ta mất mọi thứ ngoại trừ đất và cỏ. Cỏ mang sức sống mãnh liệt, không ai có thể hủy diệt được. Tác giả mượn hình ảnh cỏ để nói lên tâm tư, tình cảm dành cho những con người tuy bề ngoài nhỏ bé nhưng ý chí, nghị lực phi thường. Chỉ có sức mạnh nội tại mới vượt qua tất cả. Những khó khăn, gian nan, vất vả hôm nay sẽ không là gì nếu như ta không ngừng cố gắng, nỗ lực vì một tương lai tốt đẹp hơn. Cỏ có mặt khắp mọi nơi, ý chí sinh tồn hơn bất kì loài cây gì. Hình ảnh cỏ trở nên đẹp hơn khi tác giả mượn hình ảnh để nói về người lính. Xem thêm: Đọc Hiểu Cỏ Dại - Xuân Quỳnh
"Cỏ dại" là một trong số ít bài thơ thể hiện chất triết lí của ngòi bút Xuân Quỳnh. Bởi thơ Xuân Quỳnh thường giản dị, dễ hiểu, cảm xúc bộc lộ tự nhiên. Xuân Quỳnh ít khi triết lí. Đó không phải là cách để bà tạo nên thế giới nghệ thuật riêng cho mình. "Cỏ dại" là hiện tượng đặc biệt. Qua cảm nhận của nhân vật trữ tình, cỏ dại mang trong nó sức sống vừa khiêm nhường vừa vô cùng mạnh mẽ. Sức sống mà không ai có thể giết được. Thậm chí khi nước dâng, cỏ là loài thường bị ngập trước tiên, nhưng khi nước rút, chúng lại là loài mọc lên đầu tiên. Nhận thức về sức sống của cỏ, nhân vật trữ tình đồng thời nhận ra giá trị của những điều tưởng chừng bé nhỏ trong cuộc sống. Có những sự vật dù nhỏ bé nhưng góp phần làm nên sự sống trường tồn. Bài thơ còn thể hiện đầy cảm động tình cảm của nhân vật với quê hương. Đó cũng chính là tình yêu đất nước thiết tha, mãnh liệt. Bài thơ gửi gắm nhiều bức thông điệp ý nghĩa: Dù nhỏ bé nhưng hãy luôn kiên cường; trước khó khăn không bao giờ được gục ngã; cần phải biết trân trọng những điều bình dị.. Chất trữ tình quyện hòa cùng chất triết lí đã tạo nên sự sâu sắc và xúc cảm lắng đọng cho bài thơ.