Review Phim Cô Ba Sài Gòn - Trần Bửu Lộc Ft. Kay Nguyễn

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Diệu Thúy 2000, 10 Tháng mười hai 2020.

  1. Diệu Thúy 2000

    Bài viết:
    35
    Bạn có yêu quốc phục nước mình không?

    Bạn có tự hào khi mặc áo dài không?

    Mỗi đất nước trên thế giới này có những bộ trang phục đặc trưng của riêng họ. Đối với Việt Nam đó là áo dài. Không ai có thể đánh giá quốc phục nước nào là đẹp nhất một cách khách quan nhưng đối với tôi, tôi yêu áo dài nhất. Tình yêu ấy lớn hơn, rõ ràng hơn khi tôi được mặc áo dài và càng sâu đậm hơn khi tôi được xem bộ phim "Cô ba Sài Gòn". Cảnh báo nguy hiểm: Có thể bạn sẽ yêu áo dài như tôi sau khi xem xong, cân nhắc trước khi bấm nút bắt đầu nhé.


    [​IMG]

    "Cô Ba Sài Gòn" do Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn đồng đạo diễn, do Ngô Thanh Vân và Thủy Nguyễn sản xuất. Dàn diễn viên của phim quy tụ nhiều gương mặt sáng giá như Ninh Dương Lan Ngọc, ST Sơn Thạch, Oanh Kiều, NSND Hồng Vân, Diễm My 9X.. Phim công chiếu lần đầu tiên trên toàn thế giới vào ngày 14 tháng 10 năm 2017 tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 22 ở Hàn Quốc trước khi ra mắt công chúng Việt Nam vào ngày 10 tháng 11 cùng năm.

    Phim "Cô Ba Sài Gòn" kể về một cô gái trẻ (Như Ý) sinh ra trong một gia đình có truyền thống may áo dài, nhưng bản thân cô lại thích thiết kế u phục. Cô cho rằng áo dài đã lỗi thời, cổ hủ không còn phù hợp với thời đại như u phục. Thậm chí cô còn muốn đổi tiệm may áo dài gia truyền của nhà mình thành tiệm may u phục.

    Một ngày tình cờ mặc chiếc áo dài mẹ may cho, cô xuyên không đến tương lai (từ năm 1969 đến 2017). Ở thời hiện đại, cô bàng hoàng khi thấy bản thân sau gần năm mươi năm: Một người phụ nữ tối ngày say xỉn, không có sức sống, buông thả bản thân, nợ nần đến mức sắp mất nhà.. Trái ngược lại với hình ảnh cô em gái nuôi của Như Ý - Thanh Loan người trước kia Như Ý luôn không vừa mắt, giờ đã là một bà chủ cửa hiệu áo dài nổi tiếng, có sự nghiệp riêng, có những đứa con tài giỏi.

    Không muốn để mất căn nhà thân yêu, cô đã đi xin việc quyết tâm lấy lại căn nhà. Cô vào làm việc trong công ty của con gái Thanh Loan, Helen - một nhà thiết kế thời trang có tiếng lúc này. Lại một lần nữa sống trong môi trường thiết kế, dần dần thể hiện được khả năng của mình, Như Ý tưởng như mọi chuyện đều thuận lợi, cho đến khi cô nhận ra bản thân không thể may một chiếc áo dài dù xuất thân từ một gia đình truyền thống may áo dài.

    Hành trình tìm lại tình yêu đối với áo dài của Như Ý cũng là hành trình đem áo dài tới gần hơn với mỗi người xem, đặc biệt là những người Việt Nam. Trong bộ phim ta sẽ được biết người ta làm ra áo dài tỉ mỉ và kỳ công như thế nào, các bước yêu cầu sự khéo léo và tinh tế ra sao. Chiếc áo dài đẹp là bởi người làm ra chiếc áo đó yêu bộ quốc phục từ trong tim, chiếc áo dài còn đẹp vì người mặc chiếc áo đó cảm thấy tự hào khi mặc lên người bộ đồ đặc trưng cho dân tộc mình.

    Thế giới phát triển đòi hỏi sự hội nhập của các nước ngày càng nhiều, toàn cầu hóa đem đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế mỗi nước. Nhưng văn hóa mỗi nước lại có thể bị thay đổi, pha trộn khi văn hóa các nước khác vượt biên giới vào lãnh thổ và tâm trí mỗi người dân. Cuộc sống hiện đại của mỗi người Việt Nam không còn đơn thuần văn hóa Việt ăn cơm bằng đũa mà thay vào đó là nhiều món ăn từ khắp nơi trên thế giới. Trang phục cũng vậy, giờ đây người ta không còn thấy áo dài hiện diện khắp nơi như trước, mà là những bộ đồ gọn gàng của người phương Tây.

    Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài, càng không thể phủ nhận tác động to lớn của toàn cầu hóa đối với văn hóa Việt Nam. Nhưng là một người Việt Nam, để không bị nhầm lẫn với người Trung Quốc, người Hàn Quốc, người Thái Lan.. thì chúng ta cũng cần giữ cho mình nét đặc trưng riêng. Nét đặc trưng ấy là điều mà dù đi đến đâu trên thế giới người Việt Nam cũng có thể tự hào mà khoe rằng đây là đặc trưng nước tôi, rất vinh hạnh được giới thiệu với bạn niềm tự hào của chúng tôi.

    Với cá nhân tôi, văn hóa của một đất nước không chỉ thể hiện bằng trang phục hay đồ ăn, đó còn là cách cư xử và tấm lòng của mỗi người. Nhưng ở đâu trên thế giới bạn cũng có thể tìm thấy những người thân thiện, mến khách như người Việt. Cũng không phải lúc nào ta cũng có thể phô ra ngay truyền thống ẩm thực nước nhà để người ta nhận diện Việt Nam. Vậy thì chỉ có tà áo dài thướt tha là dễ dàng cho người nước ngoài thấy điểm riêng biệt của Việt Nam.


    [​IMG]

    Gần đây có nhiều tranh cãi liên quan đến áo dài dành cho nam sinh. Tạm gác lại những định kiến, những quan điểm liên quan đến áo dài xung quanh chuyện đó, hãy dành một buổi tối yên tĩnh xem bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" này. Hãy dành một chút thời gian đó để thấy trong tim mình vẫn hiện hữu tình yêu dành cho đất nước, dành cho áo dài. Chỉ vậy thôi, chỉ riêng điều đó cũng làm bộ phim trở nên ý nghĩa đối với mỗi người Việt rồi.

    P/s: Ảnh trong bài người viết sưu tầm trên google hình ảnh.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...