Tác phẩm: Có ai giữ giùm những lãng quên Tác giả: Jun Phạm Reviewer: Ôn An Na Quá khứ là những gì đã qua, có thể là vui vẻ, hạnh phúc, cũng có thể là đau buồn, mệt mỏi. Người ta thường khuyên rằng nên buông bỏ quá khứ để hướng về tương lai và hiện tại, còn đối với nam ca sĩ Jun Phạm, quá khứ là thứ để bấu víu cho hiện tại và tương lai. Jun Phạm là ca sĩ, và ta còn bắt gặp tài văn chương của anh qua cuốn sách "Có ai giữ giùm những lãng quên". Chủ đề không lạ, chúng ta đã từng gặp qua nhiều tác phẩm của nhiều tác giả khác nhau, nhưng khi vừa nghe tựa đề, Na đã có nhiều suy ngẫm. Ai cũng đang giữ lãng quên cho chính mình. Chỉ là ta chạy theo những thứ vật chất phù phiếm mà xã hội định nghĩa đó là hạnh phúc, nên vô tình lãng quên quá khứ. Cuốn sách "Có ai giữ giùm những lãng quên" viết về cuộc sống thường nhật, là kỷ niệm của chính tác giả về gia đình, về quê hương, và cả những chiêm nghiệm về tình yêu đôi lứa nữa. Jun Phạm viết lại để nhắc cho chính mình nhớ, sợ ngày nào đó mình sẽ lãng quên. Anh cho rằng: "Quá khứ là một điều cần phải lưu giữ dù muốn dù không, bởi vì đó đều là gốc rễ, đều là nguồn cội cho những thăng hoa và ước mơ trong cuộc đời. Bạn sẽ chẳng thể sống mà không nhớ về một ai đó, bạn chẳng thể nào tồn tại nếu như quên đi từ đâu bạn ra đời, và bạn chẳng thể nào thành đạt nếu như không có những vấp ngã, thất bại của ngày hôm qua.." Anh xem đó là gốc rễ để ta vươn lên, chứ không phải chỉ đầm mình trong quá khứ. Những mẩu chuyện nhỏ đơn giản trong cuốn sách cho ta hồi tưởng về tuổi thơ. Những năm tháng ngây ngô trong vòng tay cha mẹ, ông bà, niềm vui đến từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Những năm 90 nghèo khó, nhiều gia đình còn chưa có điện, đầy tình thương nhân ái. Nhớ ngày trung thu, nhõng nhẽo đòi ba làm cho một chiếc lồng đèn cho bằng bạn bằng bè. Chiếc lồng đèn bằng giấy, bằng tre do ba chính tay làm ra. Bây giờ được thay thế bằng những lồng đèn bằng nhựa xinh đẹp hơn, tiện lợi hơn. Ngày xưa không phát triển như bây giờ, không có điện thoại thông minh, không có phố xá đô thị, chỉ có những tối cả xóm cùng nhau xem một chiếc ti vi đen trắng, tụ tập dưới gốc cây những đêm cúp điện, lũ trẻ chơi trò trốn tìm dưới ánh trăng, rồi thả diều trên triền đê xanh mướt cỏ. Cuộc sống hiện đại ở thành phố làm người ta dần quên đi cách sống chan hòa, chỉ lo sử dụng mạng xã hội, nhắn tin trò chuyện theo cách mới, không còn ấm áp như ngày trước nữa. "Trên đường đời tấp nập những bon chen, chắc hẳn rằng chúng ta đã lãng quên đi nhiều thứ lắm". Jun Phạm nói như vậy, vì cơm áo gạo tiền mà ta dần quên nhiều thứ, quên cách san sẻ với người thân, quên cách chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, quên chăm sóc bản thân, quên nắm lấy tay nhau mỗi lúc mệt mỏi, quên rằng đâu đó cha mẹ vẫn chờ chúng ta, quên rằng cha mẹ đang già đi.. Trong cuộc đời gặp biết bao người, biết bao chuyện, nên bạn không thể nhớ hết được, đó là tất yếu. Cho đến lúc bạn bất ngờ gặp một đứa bé nắm tay mẹ trên đường phố, một món đồ chơi thuở bé, một gương mặt già nua nhăn nheo, một bàn tay chai sần, thân thể gầy gò đang đứng ở cửa đợi con về, chạnh lòng biết bao! "Chúng ta cũng chẳng thể nào có thời gian quan tâm một kẻ hành khất trên đường trong khi chính mình cũng đang bận rộn với cơm áo gạo tiền đấy thôi.." Đó không phải lỗi của bạn, nhưng bạn sẽ nhận ra, mình đã bỏ qua biết bao nhiêu điều quý giá. Jun Phạm viết những câu chuyện thường nhật đơn giản, không phải cốt truyện cao trào đầy hứng khởi, càng không phải văn thơ mỹ miều, chỉ là anh kể lại những tháng năm quá khứ đẹp đẽ trong đời anh, như tiếng ca ngân vang trong tâm hồn. Anh viết cuốn sách "Có ai giữ giùm những lãng quên" không phải để thể hiện mình là một con người từng trải, anh chẳng dám nói mình hơn ai, chỉ là tự nhắc nhở chính mình, tự an ủi, xoa dịu, đem quá khứ cất vào trong tim, cuộc sống đẹp như vậy mà. Có những thứ đã mất đi chẳng thể nhặt lại, Na mong mỗi chúng ta trân trọng quá khứ và hiện tại, dù cho bạn có mệt mỏi vì quá khứ hay không, hãy đem theo cả quá khứ bước tiếp.