Chữ Nhẫn 忍 này thường được phân tích theo lối chiết tự ra chữ "đao" 刀 và chữ "tâm" 心, hình dung thành con dao chém vào tim, và được giải thích là sự chịu đựng, cố mà nhường nhịn, dù bị dao cứa trong lòng cũng phải chịu đau để được an lành (một câu nhịn chín câu lành). Hiểu theo nghĩa đó thì Nhẫn là một chữ hội ý: Hợp ý của con dao và trái tim lại để hình thành minh họa cho sự nhẫn nhịn. Nhưng nhìn kỹ thì chữ "đao" kia còn có thêm một chấm, nên đã thành chữ Nhận 刃, là mũi nhọn của con dao (chứ không phải nguyên con dao) ; vì vậy, trong Thuyết văn Giải tự, Hứa Thận đã xếp Nhẫn vào loại chữ hài thanh: Mượn thanh của "Nhận" để thành "Nhẫn". Là hội ý hay hài thanh gì đi nữa, người ta đều cho rằng Nhẫn nghĩa là phải nhịn, cho dù có chịu nhục cách mấy (Nhẫn nhục). Tiếc là chữ Nhẫn có đến hai nghĩa, ngoài nghĩa gắng mà chịu đựng ra, Nhẫn còn có nghĩa là: Nỡ đành/ đang tâm làm sự dữ mà vẫn thấy yên lòng (bị mũi nhọn của con dao đâm vào tim mà không hề thấy đau), vd: Tàn nhẫn, nhẫn tâm. Chữ Nhẫn trong Nhẫn giả 忍者 (Ninja) cũng là theo nghĩa này. Nên phải hiểu "Nhẫn" là chữ vừa hội ý vừa hài thanh. Nho gia lấy điều hiếu thuận làm đầu, lâu nay chỉ giảng chữ Nhẫn theo nghĩa là cam chịu nhường nhịn để được an lành, bảo toàn lấy thân. Tiêu biểu nhất là chuyện về chữ Nhẫn trong Khai Nguyên Đại Bảo di sự: Đời Đường Huyền tôn, có Quang lộc khanh Vương Thủ Hòa được tiếng là người hiền lành, suốt đời không hề tranh cạnh với ai. Trong thư phòng, y treo bức đại tự đề một chữ "Nhẫn", nơi buồng riêng cũng buông bức rèm thêu chữ "Nhẫn" thật lớn để tự răn mình. Huyền tôn khen: "Ái khanh đã có tên là Thủ Hòa, bản thân lại kiên trì giữ đức Nhẫn, quả là tên xứng với đức". Sau đó, vua ban thưởng lễ hậu, biểu dương tính Nhẫn của Hòa. Từ đó, mặt kia của chữ Nhẫn, là dẹp bỏ lòng nhân để thẳng tay đối phó, đã bị người ta lờ đi. Một khi đã nhịn đến cùng cực mà đối phương cứ được thể càng lấn tới thì ta đành phải dằn sự nhân từ ủy mị, để xuống tay thật lực thanh toán một lần cho xong mới là hợp lẽ chứ? Cho nên Nhẫn là nhịn, mà cũng có nghĩa là quyết không thể nhịn. Còn khi nào nên nhịn, khi nào không thể nhịn lại tùy căn cơ và trải nghiệm của mỗi người.