Chuyện về con voi Vào trước cuối kỷ Đệ Tam, hầu hết các dạng thú khổng lồ trên thế giới đều bị tiêu diệt. Có thể là chúng bị những bệnh do các vi sinh vật bám theo chúng gây nên, chứ không phải do những loại thú lớn ăn thịt tấn công. Voi là con vật chịu đựng bền dai nhất trong các loại thú khổng lồ. Chính nhờ bởi sinh lực và óc tinh khôn của nó, chứ không phải do cặp ngà. Thời kỳ cuối kỷ Đệ Tam và bắt đầu bước sang kỷ Đệ Tứ, voi có mặt khắp nơi trên quả đất, trừ châu Úc mà nó không thể đi đến đó bằng đường bộ. Con vật gắn liền với chiến tích của các vị anh hùng dân tộc ta Phong dao cổ có câu: "Muốn coi lên núi mà coi Coi bà Quan tướng cưỡi voi đánh Cồng" Bà Quan tướng nói trên là Hai Bà Trưng. Tranh dân gian, làng Hồ đã vẽ hai Bà "cưỡi đầu voi dữ" mộc mạc thô sơ nhưng rất sinh động và đầy khí thế tiến công (có người nói "Coi bà quản tượng cưỡi voi đánh cồng" là không đúng). Năm 40, khi phất cờ khởi nghĩa chống xâm lược, cả bốn quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố nhất tề hưởng ứng. Hai Bà đã dùng voi trận đánh chiếm 65 thành, giải phóng toàn bộ lãnh thổ trong thời gian ngắn. "Vú dài ba thước thắt lưng Cưỡi con bạch tượng trong rừng bước ra Kề vai gánh vác sơn hà".. Triệu Trinh Nương năm 240, lại nổi lên cưỡi đầu voi dữ, lãnh đạo nghĩa quân giết chết hai tên thái thú bạo tàn, quét sạch quân đô hộ ở các huyện làm chấn động đất Giao Châu. Một lần nữa, voi lại xuất hiện dưới cờ một nữ anh hùng dân tộc làm kinh tâm táng đởm bọn bành trướng phương Bắc. "Kìa Trưng Triệu, giáp vàng môi má thắm Thúc voi rồng, gió thổi tóc mây bay.." Con voi đã được thuần phục trên đất Việt Nam từ lâu đời, ít ra là ở thời kì lịch sử vua Hùng. Khối lượng voi bằng đồng thau có kích thước không lớn lắm - cặp ngà buông thõng xuống chấm đất, lưng voi đặt chiếc bánh rộng trên có hai người ngồi quay mặt vào nhau, đẹp và rất sinh động - có niên đại cách đây khoảng ba nghìn năm; cùng với một số tài liệu khác sau này, chứng minh rằng tổ tiên ta đã biết đưa con voi rừng về dạy tập thành voi nhà, voi trận, biến nó thành con vật có ích, phục vụ cho người và quân đội. Năm 1076, Lý Thường Kiệt chuẩn bị sáu vạn quân, đem binh sang đánh Tống, lấy Châu Khâm, Châu Liêm, phá Ung Châu.. đã dùng nhiều voi để xung phong. Voi tiến đến đâu, quân Tống khiếp đảm chạy tan đến đấy. Đó là nỗi lo sợ lớn nhất đối với chúng. Vì thế, khi ấy ta vây Ung Châu, tướng giữ thành là Tô Giám mộ được hơn hai trăm quân cảm tử, giắt đại đao chèo thuyền trên sông Ung Giang đón đánh quân ta, chủ yếu là nhằm tiêu diệt lũ "tượng binh", trước khi chúng đặt chân lên bờ. Bấy giờ, về khí giới thì ngoài cung nỏ, trượng thương cả hai bên đều sử dụng, ta còn có máy bắn đá, tên tẩm thuốc độc và voi trận vô cùng lợi hại. Bọn chúng liều chết xông thuyền vào, chém được hơn mười voi lớn và hai tướng của ta, lại dùng cung thần tí bắn một phát được nhiều tên, giết được nhiều lính và voi;bên quân ta voi chết mất nhiều. Dù vậy, chúng vẫn rất sợ hãi, rút quân vào đóng chặt các cổng thành. Voi không xung phong lên được, ta phải dắp bao cát cho quân sĩ trèo lên mới phá được Ung Châu. Thế kỷ thứ XIII, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, Trần Hưng Đạo trên đường tiến quân về hướng sông Bạch Đằng, đến sông Hóa Giang - một nhánh thuộc sông Thái Bình thuộc huyện Hưng Nhân tỉnh Thái Bình - lúc thủy triều chưa lên, voi của ông đã bị sa lầy. Trần Hưng Đạo và quân sĩ cùng nhân dân trong vùng đã tìm đủ mọi cách để cứu voi nhưng vô hiệu quả. Bùn lầy nhão, voi to nặng mà mỗi lúc một lún thêm mà thủy triều lại lên rất nhanh. Vì việc quân cấp bách, Trần Hưng Đạo đành bỏ voi ở lại để ra đi kịp chuẩn bị cho trận tiêu diệt lớn tại Bạch Đằng giang. Voi chảy nước mắt nhìn chủ tướng của mình ra đi. Có lẽ vì thương tiếc con vật khôn ngoan, có nghĩa với người, có công lớn với nước ấy mà khi hô hào quân sĩ, Trần Hưng Đạo đã chỉ xuống dòng sông Hóa thề rằng: "Chuyến này không phá xong giặc Nguyên, thề không về đến bến sông này nữa!" Lời thề bất hủ đó của Trần Hưng Đạo cùng với con voi có nghĩa của ông đã được ghi chép đầy đủ trong sử sách. Nhân dân địa phương đã đắp mộ cho voi bằng gạch rồi sau đó bằng tượng đá và lập đền thờ con voi trung hiếu này. Ngày nay, sát bên bờ sông Hóa có một gò đất nổi lên rất lớn, tương truyền đấy là mộ voi ấy ngày xưa. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ biết rõ sức mạnh lợi hại ấy của voi khi xung phong đánh giáp lá cà nên đã xây dựng một đội tượng binh rất lớn, đến năm trăm con. Khi tiến đánh thành Gia Định lần thứ ba, Nguyễn Huệ đã noi gương Lý Thường Kiệt dùng thuyền trở voi từ Quy Nhơn bất ngờ vào tham chiến ở vùng lầy lội này, và đã đánh tan quân Nguyễn Ánh. Đội tượng binh lừng danh của Nguyễn Huệ làm cho kẻ thù trong và ngoài nước phải khiếp sợ. Trong triều lệnh tiến quân của Tôn Sĩ Nghị vào đất Việt Nam có dặn rành rõ cách phòng chống đội quân voi này! Khi tiến ra Bắc đánh Thanh, trong năm cánh quân, Nguyễn Huệ đã sử dụng tượng binh trong ba cánh, và riêng cánh do chính mình trực tiếp chỉ huy, đội tượng binh lên đến trăm con. Bàn về thiên tài chỉ huy quân sự của Quang Trung, cuốn Lê Kỷ dã sử viết: "Sáng ngày năm tháng giêng, Nguyễn Huệ hạ lệnh xung phong đánh đồn Ngọc Hồi, tự mình buộc khăn vàng vào cổ, tỏ ý quyết chiến và cưỡi voi ra đốc chiến". Như những chiếc chiến xa hùng dũng của quân đội ngày nay, những đội tượng binh của Nguyễn Huệ đã xông lên xéo nát kẻ thù, góp công lớn trong trận đánh tan 20 vạn quân Thanh, tạo nên một chiến công huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc lúc bấy giờ. (còn nữa)