Chuyện tình Cơ Tu Tác giả: Hồ Huy * * * Khi cha mẹ sinh ra anh, anh thấy mặt trời trước khi em biết tắm nước suối. Anh chờ em lớn, em biết dệt vải. Anh chờ em, thương em như con trâu đợi cỏ non mọc. Anh đi qua nhiều buôn nhiều rẫy, anh uống nước nhiều nguồn. Anh đã gặp mười cô gái trẻ, anh đã quen trăm cô gái xinh đẹp, nhưng không có thể lấy được hồn anh như em đã lấy. Anh muốn la lớn cho cả núi cả suối biết: Anh sẽ chết nếu không lấy được em! Những câu hát của người Cơ Tu ở Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang tỉnh Quảng Nam, cứ bay lên rồi dìu dặt trong tâm tưởng tôi chừng như muốn dệt thêm bao điều tốt đẹp về cuộc sống này. Với người phụ nữ Ba Na ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phải vất vả chuẩn bị lễ vật ít nhất bằng 100 bó củi để bắt chồng trong hôn nhân mẫu hệ, thì người Cơ Tu ở trung Trường Sơn lại có phong tục ngược lại. Có thể chính vì quá khó khăn mới lấy được vợ nên người Cơ Tu ít xảy ra li dị, bỏ vợ, bỏ chồng. Phần lớn các đôi vợ chồng đều sống hạnh phúc, gắn bó trọn đời bên nhau. Nhưng cũng có cách lý giải khác, rằng nhiều người Cơ Tu đã dùng bùa ngải khiến để buộc người mình thương yêu phải yêu mình đến trọn đời. Từ Đà Nẵng tôi vươn mình theo đường Hoàng Văn Thái, ngập ngừng đến quốc lộ 14G. Thêm vài cái chớp mắt Dốc Kiền, Đông Giang, tôi vội vã theo hướng thị trấn Prao, đến ngã ba giao giữa 3 huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang, rồi cứ theo biển chỉ Tây Giang mà ngỡ ngàng thẳng hướng. Trên đường đi những câu hát của người Cơ Tu, những câu chuyện cổ của người Cơ Tu lại vang vọng trong tâm tưởng như một thứ bồi âm non xa xa, nước xa xa.. Thủa xưa, khi núi rừng còn thâm u tịch mịch ở một làng nhỏ của người Cơ tu bên dòng sông Bung bốn mùa thơ mộng, một chàng trai Cơ tu tên Cơlâu Ca, sống cùng mẹ già. Một ngày, một lần, đang mải mê đuổi theo dấu chân thú rừng, Cơlâu Ca nghe tiếng kêu của một cô gái thất thanh từ dòng suối. Đến nơi, anh phát hiện một con đại bàng to đang cắp đôi cánh của tiên nữ bay lên. Anh giương ná, bắn rớt đại bàng, lấy đôi cánh trả lại cho tiên nữ. Cô cảm kích tài bắn ná và tấm lòng tốt bụng của chàng trai Cơ Tu. Từ hôm ấy, hai người quý mến nhau. Mỗi lần người đẹp xuống trần gian dạo cảnh hoặc tắm ở thác nước ấy, cả hai luôn ở bên nhau. Tình yêu giữa hai người nảy nở. Họ thề cùng thần suối, thần rừng rằng, cho dù có chết cũng chẳng rời nhau. Nhưng một ngày kia, chuyện của hai người đến tai vua cha, ông sai người xuống trần gian bắt tiên nữ về trời. Trong nuối tiếc, nước mắt hai người cứ chảy mãi không dứt như dòng sông Bung. Trước khi chia tay, nàng chỉ kịp lấy chiếc trâm cài tóc tặng lại cho Cơlâu Ca. Mỗi lần quá đỗi nhớ nàng, Cơlâu Ca lại lấy chiếc trâm ra. Nhưng lạ thay, mỗi lần như vậy, chiếc trâm bỗng chốc phát ra tiếng nhạc nghe thật êm ái, nhưng cũng buồn da diết, làm rung động cả núi rừng và dòng sông Bung đang bang bạc trôi. Chàng mày mò chế tác ra chiếc đàn Abel để tỏ lòng thương nhớ cô gái chẳng lần gặp lại.. Thật dễ hiểu cũng từ đó mà người ta gọi đàn Abel là cây đàn tình yêu của dân tộc Cơ Tu. Một cây đàn với thứ âm thanh thuần phác của núi rừng, của trái tim đã kể về chuyện tình Cơ Tu. Bám vào dãy Trường Sơn bốn mùa nắng như nắng, bốn mùa mưa như mưa những thanh âm của cây đàn Abel chẳng thể chao đảo mưa, không thể nghiêng ngả nắng nhưng nó lại làm rộn ràng tình yêu phồn thực, tình yêu lứa đôi, tình yêu bắc từ ngọn núi này đến đỉnh đồi kia. Thứ tình yêu của anh, Anh đã gặp mười cô gái trẻ, anh đã quen trăm cô gái xinh đẹp, nhưng không có thể lấy được hồn anh như em đã lấy. Anh muốn la lớn cho cả núi cả suối biết: Anh sẽ chết nếu không lấy được em! Khi mới nhìn, tôi thấy Abel giống như cây đàn cò, đàn nhị của người Kinh. Thân đàn là một ống nứa già có chiều dài khoảng 35 – 40cm, đường kính độ 3-4cm. Phần trên của đàn được khoét một lỗ để gắn vào đó một cái chốt nhỏ bằng tre để lên dây đàn, từ đây có một sợi dây đàn được cột vào chốt nhỏ chạy song song với thân đàn. Abel là vậy đó. Nó đơn giản như người Cơ Tu sinh ra thì đã biết săn bắn, sinh ra thì đã biết dệt vải và sinh ra thì đã biết yêu nhau thương nhau. Một ngày tháng Hai, trên đỉnh Trưởng Sơn thương ai nhớ ai, tôi dõi mắt nhìn những ngôi nhà Gươl của cộng đồng Cơ Tu Tây Giang Quảng Nam mà lòng lại nảy những âm thanh xao xuyến. Cây đàn Abel, cây đàn không há miệng, cây đàn tình yêu như đang dịu mùa xuân vào nơi thuần khiết nhất. Người đi về trời, bóng bay về trời nhưng tình yêu còn ở lại trần gian, lời yêu còn ở lại dương gian và tiếng đàn đang chan hòa ánh nắng. Đứng ở độ cao hơn 1300m so với mực nước biển, miền sương thấp thoáng, người đâu chập choạng, tiên nữ như ai ban mai còn hồng đôi môi? Vắt vẻo trên đỉnh Trường Sơn yêu thương của tổ quốc, xòe tay đón gió, những ngọn gió đẩy tiên nữ về trời? Trong thế giới bao la này, trong màn sương chen hoa này, trong những giọt bình minh đang nhỏ xuống biết bao sườn đồi sườn núi dưới kia, chừng như tôi thấy tiếng đàn Abel thầm thĩ rung lên: Khi cha mẹ sinh ra anh, anh thấy mặt trời trước khi em biết tắm nước suối. Anh chờ em lớn, em biết dệt vải. Anh chờ em, thương em như con trâu đợi cỏ non mọc. Anh đi qua nhiều buôn nhiều rẫy, anh uống nước nhiều nguồn. Anh đã gặp mười cô gái trẻ, anh đã quen trăm cô gái xinh đẹp, nhưng không có thể lấy được hồn anh như em đã lấy. Anh muốn la lớn cho cả núi cả suối biết: Anh sẽ chết nếu không lấy được em!