Review phim: Chuyện tình cây sơn tra Đạo diễn: Trương Nghệ Mưu Quốc gia: Trung Quốc Thể loại: Phim điện ảnh Khởi chiếu: 2010 Bộ phim "Chuyện tình cây sơn tra" có tựa đề gốc tiếng Anh là "Under the hawthorn tree", được khởi chiếu vào năm 2010, dưới sự sản xuất của Trương Nghệ Mưu. Đây là một tác phẩm điện ảnh vô cùng xuất sắc, để lại trong lòng người xem không ít dư vị khó quên, kể về mối tình trong sáng, chân thành của Tĩnh Thu và Kiến Tân. Tĩnh Thu là một cô gái dịu dàng lại chăm chỉ. Cô luôn cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ và bổn phận của mình. Tĩnh Thu luôn nỗ lực để được giữ lại làm giáo viên tại trường, không làm cho mẹ phải thất vọng. Mở đầu bộ phim là hình cảnh cô gái trẻ tuổi Tĩnh Thu từ thành phố đến nông thôn để nghiên cứu, hoàn thành bài tập của mình. Trong chuyến đi đó, cô quen biết một Kiến Tân - một anh chàng thanh niên trí thức đang làm việc tại làng. Tính cách của Kiến Tân có thể nói là hoàn hoàn trái ngược với Tĩnh Thu. Nếu như cô nhút nhát, sống trong khuôn khổ thì Kiến Tân lại sống theo cách của mình, vô cùng tự do. Anh luôn lạc quan, làm việc mà mình thích và cho là đúng đắn. Chính vì vậy, trước sự rụt rè của Tĩnh Thu, anh chưa từng nản chí, từ bỏ mà luôn theo đuổi tình yêu đến cùng. Bộ phim đã rất thành công khi lột tả được nét đẹp của phong cảnh thiên nhiên dịu dàng, bình dị, và cuộc sống hồn hậu, chất phác của người dân Trung Quốc những năm 1900. Từng thước phim đều vô cùng tinh tế, lại ẩn chút nỗi buồn phảng phất đem lại cái chất rất riêng cho bộ phim. Giữa núi đồi bát ngát, dưới sự chứng kiến của tán cây sơn trà, một mối tình đẹp và trong sáng dần nảy nở. Không đẹp trai hào nhoáng, mà trẻ trung, rắn rỏi và mộc mạc, Kiến Tân chân thành, nhiệt huyết, tốt tính và có chút ngốc nghếch trong tình yêu. Tình yêu anh dành cho Tĩnh Thu không một chút toan tính, bi lụy mà luôn ân cần, săn sóc. Biết cô bị cấm đoán, chịu nhiều ràng buộc từ phía mẹ và nhà trường, anh chỉ dám đừng từ xa ngắm nhìn, âm thầm giúp đỡ. "Em còn một năm nữa mới kết thúc kì thực tập Anh đợi em một năm lẻ một tháng Mẹ em nói không được kết hôn trước hai lăm tuổi Anh đợi em đến năm em hai lăm tuổi Nhưng sau khi thực tập xong vẫn không được phạm sai lầm Vậy anh đợi em cả đời." Tĩnh Thu bị thương ở chân nhưng không chịu đi bệnh viện, Kiến Tân sẵn sàng lấy dao chém tay mình. Biết bản thân đã mắc bệnh nặng, anh vẫn vờ như không, tỏ ra khỏe mạnh để giấu cô rồi sau đó lại âm thầm ở bên cạnh bảo vệ Tĩnh Thu. Anh không đòi hỏi gì từ người yêu của mình, chỉ cần Tĩnh Thu đồng ý ở bên cạnh là đủ. Ngay cả khi nhận được sự đồng ý của Tĩnh Thu, Lão Tam vẫn không làm tới cùng mà chỉ nắm tay trấn an cô. Trong phim có rất nhiều phân đoạn hay, nhờ vào sự tương tác tốt của hai diễn viên mà khiến cho khán giả cảm động. Cảnh phim Kiến Tân cầm gậy dắt Tĩnh Thu bước qua sông vì sợ cô ngại cầm tay thực sự thể hiện rất rõ sự trong sáng của mối tình này. Cũng thể hiện được sự dịu dàng cùng trân trọng của anh đối với Tĩnh Thu. "Em sống thì anh sống. Nếu em chết đi, thì anh cũng chết thật." Một cảnh khắc rất đẹp khác nữa là khi hai người cùng ngồi trên xe đạp lúc từ bệnh viện về. Vì sợ bị người khác bắt gặp, Tĩnh Thu phải trùm áo sơ mi của Kiến Tân lên đầu. Khoảnh khắc đó, hai người thực sự đã rất vui vẻ. Nhưng cũng chính lúc này, tình yêu của hai người bị mẹ Tĩnh Thu phát hiện. Kiến Tân buộc lòng phải thực hiện lời hứa, rời xa Tĩnh Thu. Phân cảnh hai người bật khóc khi phải chia xa thực sự khiến cho chúng ta không kìm được nước mắt. Khoảnh khắc có thể nói là gây bồi hồi nhất chính là lúc hai người chụp ảnh kỉ niệm. Khi đó họ trong sáng, vô tư, cũng tràn đầy hi vọng vào tương lai. Nụ cười của hai người vào lúc ấy như đang muốn chào đón một cái kết cho mối tình hạnh phúc của họ. Thế nhưng đó cũng là bức ảnh lấy đi nước mắt của người xem ở cảnh cuối của bộ phim. Kiến Tân bệnh nặng, Tĩnh Thu gấp gáp đến thăm anh nhưng cũng chỉ có thể gặp mặt ở giây phút cuối đời. Lời hứa đi ngắm hoa sơn trà của họ. Lời hứa Tĩnh Thu sẽ gọi Kiến Tân bằng một cái tên thân mật hơn. Lời hứa cho một cái kết hạnh phúc khi Tĩnh Thu đến tuổi 25. Tất cả đều là lời hứa mãi không thực hiện được. Trước khi nhắm mắt, Kiến Tân chỉ có thể nhìn thấy Tĩnh Thu ở bức ảnh mà anh dán trên trần nhà. Nếu để ý một chút, chúng ta có thể nhận ra bộ phim này được xây dựng dưới một thời kì cực kì nhạy cảm trong lịch sử Trung Quốc, đó là thời kì cách mạng văn hóa. Vào thời kỳ đó, người ta chỉ đề cao cái chung, đề cao tinh thần cách mạng là trên hết, trên tất cả mọi tự do cá nhân, trong đó bao gồm cả tự do về tình yêu đôi lứa. Chính vì thế, tình yêu của Kiến Tân dành cho Tĩnh Thu đã gặp muôn trùng khó khăn và trở ngại, đã để lại một cái kết gây bao nhiêu là nuối tiếc và tang thương. Nếu họ gặp nhau vào một thời điểm khác, một xã hội khác, chắc chắn cái kết sẽ không làm chúng ta thổn thức đến vậy. "Chờ cây sơn tra nở hoa, em sẽ mặc chiếc áo đỏ này đi xem với anh"