Thiền sư Vạn Hạnh (? -1018) Ngỡ ai đã đến giao hòa cùng ai Ngài là một trong những thiền sư lừng lẫy nhất ở thế kỷ XI, tên thật là Lý Vạn Hạnh, người làng Cổ Pháp tức làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh không rõ năm sinh, chỉ biết mất năm 1018. Thuở nhỏ thông minh khác thường, coi khinh công danh phú quý. Năm 21 tuổi, ngài cùng với sự Đinh Huệ học đạo với Lục Tổ Thiền Ông. Mỗi lời ngài nói ra thiên hạ đều coi như sấm ngữ, từng bày mưu giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống và Chiêm Thành, sau vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi - lập ra nhà Lý - được phong Lý Quốc Sư. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XI có người nông dân họ Lý, nhà nghèo, phải đi cày ruộng thuê ở Tiêu Sơn, An Phòng (Bắc Ninh). Ông ta phải lòng cô thôn nữ. Nàng có thai và cả hai bị đuổi đi nơi khác. Hai vợ chồng đến khu rừng Báng, chẳng may chồng chết lúc đến giếng uống nước. Lạ thay! Chẳng mấy chốc, mối đùn lên lấp cả giếng. Người vợ nhìn bầu thai trong bụng và khóc thương chồng không nguôi. Lúc ấy, tại chùa Ông Tâm, vị sư trụ trì đêm nằm ngủ thấy thần báo mộng: "Quét dọn chùa sạch sẽ để ngày mai đón hoàng đế". Nhà sự vâng lời làm theo. Sáng mai. Tiếng gà gáy ran trong núi. Hương rừng thơm ngát. Nhà sự ngạc nhiên chỉ thấy có người đàn bà bụng mang dạ chưa đến xin nghỉ chân. It lâu sau, nàng sinh ra cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Mọi người đều ngạc nhiên. Thấy trong lòng bàn tay hài nhi có bốn chữ "sơn hà xã tắc" đỏ thắm như son. Cậu bé ấy ngày sau sẽ là vị vua anh minh Lý Công Uẩn - niên hiệu Lý Thái Tổ, người có nhiều cải cách quan trọng trong lịch sử nước nhà. Một trong những sự kiện đáng chú ý là Lý Công Uẩn đã dời kinh đi từ Hoa Lư về thành Đại La (Thăng Long) vào năm 1010 Gần đây, các nhà nghiên cứu lịch sử đã phát hiện thêm nhiều tư liệu - nhất là từ tấm bia "Lý gia linh thạch" ở chùa Tiêu (Hà Bắc cũ) - chứng minh Lý Công Uẩn là nhân chứng của một mối tình tuyệt đẹp. Các sách sử trước đây chỉ ghi: "Vua họ Lý là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang. Mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu, cùng thân nhân giao cầu rồi có chửa, sinh ra vua ngày 12 tháng Hai năm Giáp Tuất (974) niên hiệu Thái Bình năm thứ năm thời Đinh" hoặc trong Thiên Nam ngữ lục cũng ghi rằng: Tự nhiên thấy giấc hồn hoa Ngỡ ai đã đến giao hòa cùng ai Âm dương tháng giáng một hồi Thủy liêm động mở, ngọc lợi dề dề Người đàn bà họ Phạm mà chính sử còn ghi, tên thật là Phạm Thị Ngà. Tiến sĩ sử học Quỳnh Cư cho biết bà làm thủ hộ với nhiệm vụ quét sân, nhang khói, tưới rau trong chùa Minh Châu - "một chùa lớn nằm trong quần thể của trung tâm Phật giáo nối liền Phật Tích, Đạm, Tiêu Sơn, Tràng Liên v.. Tại chùa này thiền sư Vạn Hạnh thấy bà là người xinh đẹp, phúc hậu đã dẫn mạch cho bà đặt mộ cha mẹ để sau này được vượng". Đó là khu mộ ở rừng Miễu. Khi mang thai, bà Phạm Thị Ngà không được làm thủ hộ trong chùa nữa, phải ra sau làng nương náu. Khu vực xóm Đường sau này vẫn còn các dấu tích: Ao tắm, bàn đẻ, dao cắt rốn bằng đá và lưu truyền nhiều câu chuyện về thời gian sinh hạ, nuôi con của bà Phạm Thị Ngà và khẳng định Lý Công Uẩn là con thiền sư Vạn Hạnh ". Khi con được ba tuổi, bà đem con gửi cho nhà sư Lý Khánh Vân em ruột của thiền sư Vạn Hạnh. Mãi đến năm bảy tuổi, Lý Công Uẩn mới thật sự về ở với cha. Thời gian này, ông được cha giáo dục, dạy dỗ chu đáo. Hàng loạt truyền thuyết siêu phàm, những bài sấm ký lạ lùng về Lý Công Uẩn chính là do thiền sư Vạn Hạnh tạo nên - một bước chuẩn bị cần thiết để sau này đưa con mình lên ngôi báu. Thật vậy, vốn được vua Lê Đại Hành cực kỳ kính trọng, thường triệu đến bàn việc nước nên thiền sư đã tiến cử con trai mình vào bộ máy quyền lực triều Lê - làm đến chức Điện tiền chỉ huy sứ. Sau khi Lê Ngọa Triều băng hà, triều thần đã đồng lòng tôn ông lên ngôi Hoàng đế. Do vị trí của thiền sư Vạn Hạnh và chuyện" tế nhị "với bà Phạm Thị Ngà nên sử sách trước đây không tiết lộ ngài chính là cha ruột của Lý Công Uẩn. Khi nghiên cứu về Văn hóa quê hương nhà Lý, có người đã trình bày xác đáng:" Khi ông Lý Công Uẩn đã lên làm vua, thì ông có thừa quyền hành để nêu rõ tên thật cha, mẹ, chú, anh, bà nội, khi phong tước, nhưng tại sao phải giấu tất cả các tên thật. Điều đó nói lên Lý Công Uẩn vướng vào một cái lý, cái lý đó vì ông là con ruột một vị sự - vị sư Lý Vạn Hạnh – mà đã là một vị sư, đi tu thì không thể có con ". Ngày 15 tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), thiền sư Vạn Hạnh không bệnh, ngài gọi tăng chúng đến đọc bài kệ (Ngô Tất Tố dịch) : Thân như ánh chớp có rồi không Cây cối xuân tươi thu não nùng Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi Kìa kia ngọn cỏ giọt sương đông Và bảo đệ tử: Các ngươi muốn đi đâu? Ta không lấy chổ trụ mà trụ, cũng chẳng dựa vũ trụ mà trụ. Nói xong, giây lát sau ngài mất. Lý Công Uẩn đã truy phong cha mình là Hiển Khánh Đại Vương. Còn mẹ được phong là Minh Đức Thái Hậu - mà nhân dân kính trọng gọi là Thánh Mẫu. Nếu được về xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh) thì ta sẽ được chiêm ngưỡng những bức tượng thờ và đọc những câu đối nêu cao công đức của thiền sư Vạn Hạnh và bà Phạm Thị Ngà. Tiến sĩ sử học Quỳnh Cư nhận định chính xác:" Mối tình của họ được ngưỡng vọng, sùng kính vì đã cống hiến cho đất nước người anh hùng kiệt xuất, sáng lập triều Lý, sáng lập kinh đô Thăng Long ngàn năm văn vật".