Chuyện ở Chợ Hữu Thắng Tin chủ tiệm vàng Vạn Thành sắp sửa làm đám cưới truyền đi khắp chợ, không phải đơn giản chỉ là một tin vui mà kèm theo ít nhiều châm biếm và an ủi. Mấy ông mấy bà bán trong chợ cao giọng "Trời cao có mắt, thế là hợp luật bù trừ." Mấy cái miệng choai choai thì nhóp nhép theo kiểu anh hùng phải lụy mỹ nhân, ngớ ngẩn mà đẹp đem cân vàng mười. Còn má tôi thì phán gọn "Con nhỏ bán sinh tố biết bỏ bùa." Riêng tôi thì nghĩ dù đầu óc chai sạn do va chạm cuộc sống nhưng trái tim con người cơ bản vẫn đòi hỏi yêu và được yêu. Chú rể sấp xỉ bốn mươi, là chủ của hai tiệm vàng lớn bên hông chợ, ăn nói sởi lởi ngọt nhạt khôn lanh nhưng phải tính keo kiệt bủn xỉn. Chú rể không nổi tiếng vì cái sự giàu, không nổi tiếng vì keo kiệt mà nổi tiếng vì cái tính thích chưng diện, đầu tóc lúc nào cũng láng mượt người thì không thơm mùi sữa tắm thì cũng nức mùi nước hoa. Còn cô dâu thì cỡ hai mươi bốn hai mươi lăm tuổi, chủ của cái xe bán sinh tố cuối chợ, nhà nghèo nhưng đẹp người. Chị em bạn hàng thường kháo nhau người đẹp như đóa hướng dương, chút hương chút phấn ra đường người theo. Người theo thì chỉ theo khi ở trên con đường nào đấy xa chợ, chứ bước gần tới chợ thì phải hãi vì những từ "đẹp mà manman", "con nhỏ tửng tửng" hay "tâm thần nhẹ". Còn chính cô dâu thì bảo "hồi nhỏ em học toán dở lắm nên giờ tính rợ không được, lộn hoài nên phải có cây viết với tờ giấy để ghi ra cho dễ." Người ghét thì vui vì nhà giàu cưới phải nhà nghèo, khôn xảo đi cưới cù lần, còn người bàng quan thì cười cho cái sự đời ngộ nghĩnh. Nhưng có một người không vui, đó là anh Tư bán khô bán mắm nằm xéo xéo với tiệm vàng. Anh Tư là người buôn bán mau lẹ, bắt chuyện với khách rất có duyên, má thường bảo tôi trước mặt anh "con mà muốn nối nghiệp bán khô của má thì phải học hỏi anh Tư nói chuyện, hơn con có sáu tuổi mà chững chạc ghê chưa." Tôi lắc đầu ra chiều không thích buôn bán ở chợ còn anh Tư thì cười cười để lộ cái lún đồng tiền trên má. Nhưng dạo gần đây anh thường hay nhìn xa xăm mà thở dài, ít nói hẳn. Một buổi chiều, tôi ra phụ má dọn hàng về thì có một bà khách đến. Vừa lựa khô vừa đem chuyện đám cưới ra bàn tán, má tôi bảo rằng con người ai cũng có số, còn bà khách trề môi dài ra "con vợ chăm nhà bằng ba con ở." Tức thì anh Tư gắt lên. - Con ở gì mà con ở, mấy bà không rõ nỗi khổ của người ta thì chớ nhiều chuyện. Bà khách và má tôi chưng hửng nhìn nhau, má tôi không còn thích anh từ lúc đó cho dù anh đã nhiều lần xin lỗi má tôi. Tin báo tôi thi đậu đại học không những làm cho tôi vui, má tôi vui, mà mấy người bán hàng gần đó đều khen tôi giỏi. Tôi liền nhắc má về phần thưởng một chiếc nhẫn vàng mà má hứa trước khi tôi đi thi. Tôi hí hửng dẫn má đến tiệm Vạn Thành đặt một chiếc nhẫn. Ngày tôi đến lấy, ông chủ tiệm vàng nhìn tôi mãi rồi lịch sự cầm tay tôi đeo chiếc nhẫn vào. - Tay của em búp măng, đeo nhẫn này đẹp lắm, mà hình như da tay em đen hơn da cổ. - Dạ. Tại đạp xe đi học ngoài nắng nên da tay bị đen. - Con trai mà, da đen mới đẹp, em chơi thể thao nhiều lắm phải không? * * * -o0o- Đám cưới đãi ở một nhà hàng khá lớn trong thành phố vào buổi chiều tối, nên tôi ra phụ má dọn hàng sớm bình thường. Má tôi vừa bỏ mấy chai nước mắm vào thùng lớn vừa quay sang sạp của anh Tư rủ đi ăn đám cưới. - Dọn hàng đi Tư! Dọn sớm về tắm rửa cho hết mùi khô mùi mắm rồi đi ăn đám cưới nhà hàng mậy. Mày có thiệp mời mà. - Đi gì chị ơi, người ta vui thôi, mình có vui đâu mà đi. - Gì vậy trời? Ai giựt tiền của mày hả? Sao mặt mày buồn quá vậy, nói tao nghe đi. - Trái tim.. thôi, không có gì đâu! Chị về sửa soạn đi ăn đám cưới đi, tôi gởi chị cái bao thư chị bỏ giúp tôi. Tôi không có đi đám cưới của người ta đâu. Ngày hôm sau tôi không thấy anh Tư ra dọn hàng bán, ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa cũng thế. Mọi người lại có dịp bàn tán, có kẻ bảo anh bị bệnh nên nghỉ bán vài hôm, có kẻ bảo anh bị giựt tiền vì thấy dạo gần đây anh hay ngồi như mất hồn, có người bảo anh thất tình. Mẹ tôi và mấy bạn hàng nói rằng có thấy anh cặp bồ với ai đâu. Mọi người đã nhầm. Buổi sáng, em gái của anh đã thấy anh cứng người trên chiếc giường ngủ với đống vỏ thuốc rơi vãi dưới đất. Anh tự tử. Anh chết đi mà bàn tay phải của anh vẫn nắm chặt. Má anh nước mắt giàn giụa mở tay con. Một miếng vàng hình trái tim nhưng chỉ có nửa phần bên phải rơi ra. Người ta đồn rằng anh Tư bán khô tự tử vì tình. Thế là cả chợ kéo nhau dự đám tang của anh. Người ta đến chia buồn là một lẽ nhưng cái chính là để bàn tán và đoán xem ai là người đã làm cho anh phải hủy cả tính mạng của mình. Nhưng không thấy một cô gái nào nhỏ nước mắt trước linh cữu của anh mà chỉ có bà má già nua, cô em gái đang học lớp mười hai và ông chủ tiệm vàng là nước mắt ngắn dài. Tin chủ tiệm vàng Vạn Thành giúp cho má của anh Tư sửa lại ngôi nhà lụp xụp và giúp tiền cho cô em gái anh Tư đi học làm cho không ít người ngạc nhiên. Người ta bảo kẻ giàu có bủn xỉn đột nhiên giúp người thì chắc là làm chuyện cắn rứt lương tâm, lúc trước hay thấy anh Tư uống sinh tố của vợ ông tiệm vàng Vạn Thành. Má tôi gật đầu rằng cũng từng thấy anh Tư đi mua sinh tố. Ông quản lý chợ gật gù "có vợ làm người ta thay đổi ít nhiều". -o0o- Một buổi tối sau khi nhận thấy đứa con trai lớn cùng vợ quản lý thành thạo hai tiệm vàng và cô con gái út cũng yên bề gia thất với người chồng là một viên chức nhà nước thì ông chủ tiệm vàng VạnThành nắm tay vợ mình chân thành nói. - Tôi có lỗi với bà nhiều lắm. Tôi đã cố gắng để có một gia đình hạnh phúc như người ta, giờ mọi việc đã xong, tôi xin phép bà cho tôi được sống cho riêng tôi. Sáng hôm sau, cả chợ lại nhốn nháo vì cái tin ông chủ tiệm vàng Vạn Thành tự tử bằng thuốc an thần. Mọi người xúm quanh nhà riêng của ông để chứng kiến một cái chết kỳ lạ. Ông chủ tiệm vàng ra đi mà bàn tay trái vẫn nắm chặt, người vợ bán sinh tố dạo nào run rẩy mở tay chồng. Một miếng vàng hình trái tim nhưng chỉ có nửa phần bên phải rơi ra. Xung quanh nhà, một mùi khô mùi mắm rất nồng lẩn quẩn.