Chuyện ngoại tình của thái hậu, công chúa nhà lý

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi thanhminhthuy, 21 Tháng hai 2022.

  1. thanhminhthuy Văn học là nhân học

    Bài viết:
    18
    1. Mẫu hậu đa tình, triều thần bị hại

    Dù mới 23 tuổi nhưng vì bệnh tật, năm Mậu Ngọ (1138), vua Lý Thần Tông băng, Lý Anh Tông (1138-1175) kế vị vua cha. Cảm Thánh phu nhân vợ vua quá cố, mẹ Anh Tông lúc ấy đương xuân. Chồng mất, con thơ dại, Cảm Thánh lúc này là Lê Thái hậu một mình cô quạnh. Thế rồi dần dà, bà bén hơi Đỗ Anh Vũ, viên quan có dung mạo đẹp đẽ trong triều, vụ ngoại tình diễn ra công nhiên nơi cung đình nhà Lý.

    Đại Việt sử ký toàn thư cho biết năm Canh Thân (1140), Lê Thái hậu bổ Đỗ Anh Vũ làm Cung Điện lệnh tri nội ngoại sự quản lĩnh công việc trong và ngoài Đại Nội. Với chức ấy, họ Đỗ tiện bề tới lui nội cung, cùng Thái hậu tư thông khiến trong triều ngoài trấn ai cũng tỏ. Riêng Lê Thái hậu trong cơn say tình không giữ ý thì thôi, còn cho sửa cung Quảng Từ đẹp đẽ làm nơi gặp gỡ người tình. Thế nên ghi lại việc này, Đại Nam quốc sử diễn ca phê phán:

    Anh Tông còn thuở xung nhân,

    Đỗ Anh Vũ lấy ngoại thân lộng hành

    Ra vào trong trướng, ngoài mành,

    Cùng Lê Thái hậu có tình riêng chung.


    Có người tình trợ lực, Đỗ Anh Vũ lên tới chức Thái úy, ngày càng trở nên hống hách. Thấy nguy cơ triều đình bị nhân tình của Thái hậu lũng đoạn, năm Canh Ngọ (1150), Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái, Nguyễn Dương, Đàm Dĩ Mông.. cùng hợp nhau tiêu diệt họ Đỗ. Anh Vũ bị cấm quân bắt trói. Việc đến tai Lê Thái hậu, bà liền sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, đút lót vàng cho Vũ Đái, thế nên tên loạn thần chưa bị giết ngay.

    Sau đó vua Anh Tông xét án họ Đỗ. Ngặt nỗi vây cánh họ Đỗ khắp nơi trong triều nên án ra rất nhẹ, Anh Vũ chỉ bị biến làm Cảo điền nhi làm ruộng nhà nước. Việt sử diễn nghĩa chép: "Thái hậu lo lường lắm, khi không bày ra đại hội để mà đại xá tù đồ cho Anh Vũ được dự theo. Đại xá hoài hoài, Anh Vũ quả được tha, tha rồi bèn cho phục chức Thái úy phụ chính", hắn tha hồ lộng hành, trả thù không ghê tay. Phải đến khi Anh Vũ chết việc mới yên, nhưng tai tiếng vụ ngoại tình mãi bị sử sách nghiêm phê, như lời Việt sử mông học ghi:

    Mẹ vua là Lê Thị,

    Dâm đãng đáng chê cười.

    Thông dâm với Anh Vũ,

    Thực trái đạo làm người.


    2. Nghi án: Mạc Hiển Tích và Đỗ Thái Hậu

    Mạc Hiển Tích là tổ 5 đời của Trạng Hầu Mạc Đĩnh Chi, tổ 12 đời của Mạc Thái Tổ. Ông uyên bác, thông minh, sau làm đến Thượng thư. Giỏi giang, danh vọng, làm quan đại thần trải 4 đời vua Lý, nhưng cuối đời Mạc Hiển Tích lại vướng vào mối tư tình với Chiêu Thiên Chí Lý Thái hậu Đỗ Thụy Châu, mẹ vua Lý Cao Tông. Sách Đại Việt sử lược thời Trần chép:

    "Năm Kỷ Dậu (1189) là năm Thiên Tư Gia Thụy thứ 4.. Nhà vua sai Thái phó là Ngô Lý Tín, Đô quan lang trung là Lê Năng Trường xét xử về cái vụ tranh tụng quan Thiếu sư là Mạc Hiển Tích. Bọn Lê Năng Trường sợ Mạc Hiển Tích nên không dám tìm tòi tra xét. Người trong nước cười giễu rằng: Ngô phụ quốc là Lan, Lê đô quan là Kích. Xét xử một vụ kiện tụng Mạc Hiển Tích mà chỉ bàn loanh quanh rồi thôi. Lúc bấy giờ vua thì còn nhỏ tuổi, Mạc Hiển Tích lại tư thông với bà Thái hậu. Cho nên đương thời bấy giờ người ta sợ Hiển Tích là như vậy. Lan, Kích là tên hai người cuồng.."

    Bấy giờ Cao Tông theo Việt sử lược ghi "tuổi còn non nớt, Hiển Tích tư thông với thái hậu, cho nên người đương thời sợ Hiển Tích". Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1189), vua Lý Cao Tông tuổi 16, giao cho đình thần xử tội của Thiếu sư Mạc Hiển Tích. Các quan sợ uy thế quan họ Mạc nên xử nửa vời. Thái phó Ngô Lý Tín, Đô quan lang trung Lê Năng Trường xét việc Mạc Hiển Tích nhưng không dám truy cứu tội trạng đến nơi, chỉ bàn loanh quanh sự vụ rồi ỉm đi, không đề cập nữa. Người trong nước biết việc này, bèn làm thơ chế giễu:

    Ngô phụ quốc thị Lan,

    Lê đô quan thị Kích

    Án nhất tụng Mạc Tích,

    Đản cục tích nhi dĩ


    Có nghĩa, ông phụ quốc họ Ngô và ông đô quan họ Lê là hai người điên, xét có mỗi vụ kiện Mạc Hiển Tích mà rốt cuộc chỉ có sợ hãi thôi. Ngô Phụ Quốc tức là Ngô Lý Tín làm phụ chánh nghĩa là làm việc giúp đỡ ấu chúa trông coi việc nước. Lê Đô quan tức là Lê Năng Trường.

    Các quan xét xử tội tư thông của Mạc Hiển Tích không được, vua Cao Tông lấy làm bực lắm nên tháng 3 năm Canh Tuất (1190) tự xuống chiếu đày Mạc Hiển Tích đến trại Quy Hóa mạn Đà giang.

    Tuy nhiên, ông đỗ năm 1086 theo như Đại Việt Sử ký Toàn thư đã chép. Nếu ông đỗ khi khoảng 20 tuổi thì từ 1086 tới 1189 đã trên 103 năm, nghĩa là ông phải cỡ 120 tuổi, khó có thể còn cường tráng để tư thông với Thái hậu.

    3. Thiên Cực công chúa, Phạm Du, Tô Trung Từ

    Nhà Lý để giữ yên vùng biên viễn, đã dùng chính sách "nhu viễn" thông qua hôn nhân, cho các công chúa kết duyên với tù trưởng các châu miền núi, qua đó tạo sự liên kết giữa chính quyền trung ương với các châu mục miền núi.

    Nằm trong chính sách ấy, Việt sử lược chép việc năm Đinh Hợi (1167), "công chúa Thiên Cực gả về cho châu mục Lạng Châu là Hoài Trung hầu", tức là Nội hầu Vương Thượng.

    Lúc ấy nhằm thời vua Lý Cao Tông, theo Đại Việt sử ký tiền biên do loạn Quách Bốc nên vua phải chạy loạn khỏi Thăng Long năm Kỷ Tỵ (1209). Nhà vua sai Phạm Du đến Hồng Châu liên lạc với hào trưởng Đoàn Thượng để dẹp Quách Bốc. Khi Phạm Du qua Lạng Châu của nhà Thiên Cực, vẫn Việt sử lược ghi: "Gặp khi người Hồng Lộ (chỉ Đoàn Thượng) lại đón, đúng hẹn nhưng còn cùng công chúa Thiên Cực tư thông". Sau trận mây mưa ấy, Du lỡ hẹn Đoàn Thượng rồi rơi vào tay Thái tử Sảm. Thái tử Sảm (Lý Huệ Tông sau này) không ưa Du bèn sai người giết đi.

    Sau lần tư tình với Phạm Du, Thiên Cực công chúa lại tiếp một vụ "mèo mả gà đồng" khác với Thái úy Tô Trung Từ. Một lần Thiên Cực cùng chồng về kinh trú tại đất Gia Lâm, nàng hay vào trong cung vấn an vua và thái hậu. Gặp Tô Trung Từ, hai kẻ liếc mắt đưa tình phải lòng nhau. Để rồi tháng 6 năm Tân Mùi (1211), nghe theo tiếng gọi ái tình, Tô Trung Từ ban đêm sang Gia Lâm tư thông cùng Thiên Cực. Khi cặp tình nhân đang say đắm thì Vương Thượng phát hiện. Tức giận bị cắm sừng, Vương Thượng rút gươm đâm, Tô Trung Từ chết tại chỗ. Vậy là mình nàng Thiên Cực khiến hai viên quan chết bởi lưới tình.

    4. "Ấy ai khôn khéo tài dan díu"

    Linh Từ quốc mẫu Trần thị là hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý, vợ của vua Lý Huệ Tông. Không lâu sau khi Lý Huệ Tông mất, bà tái giá với Trần Thủ Độ.

    Việc Trần thị tái giá với Trần Thủ Độ không chỉ bị đánh giá là "thất tiết" mà còn bị xem là hành động phản bội nặng nề đối với triều Lý. Chuyện tình của hai người được truyền tụng với nhiều giai thoại khác nhau.

    Nhiều ý kiến cho rằng, Trần Thủ Độ say mê Trần thị ngay từ khi bà còn ở quê nhà, lúc đó bà và Phùng Tá Chu còn say mê nhau, bà không có cảm tình gì với Trần Thủ Độ.

    Nhưng kể từ khi Trần Thủ Độ được vua Lý Huệ Tông phong là Điện tiền chỉ huy sứ, ra vào chốn thâm cung thường xuyên, Trần Thủ Độ có nhiều cơ hội gần gũi bà hoàng, người mà ông khao khát bấy lâu.

    Trần thị đang trong cảnh.. lạnh lẽo, khó cưỡng lại trước sức hút mạnh mẽ của Điện tiền chỉ huy sứ. Từ đó hai người "qua lại" với nhau, sống "già nhân ngãi, non vợ chồng".

    Ngày 11.12 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho "chồng" là Trần Cảnh và phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, coi việc thiên hạ. Nhà Trần đã hoàn toàn điều hành đất nước, Trần thị cũng làm vợ chính thức của Trần Thủ Độ & được phong là Linh Từ quốc mẫu vì từng làm hoàng hậu. Trần thị tái giá ngay sau khi sư Huệ Quang bị bức tử. Huy Ninh còn qua 100 ngày tang chồng mới lại kết hôn, Linh Từ thì tái giá ngay trong tháng.

    Sử gia Ngô Thì Sĩ lên án vô cùng gay gắt: ".. Trong ý của Ngự nữ, há lại nghĩ đến việc ngăn chén thuốc độc, chia cơm cho nó ăn là ân huệ ở đâu? Cho nên khuyên vua đi ở chùa, khiến cho kế nhường ngôi ở bên trong được thành; lại bắt thắt cổ khiến lấy lẫn nhau được ổn định.. Sự quỷ quyệt của mụ đàn bà dâm loạn này, từ trước đến nay chưa có người nào phát hiện ra.. Người bàn (chỉ Ngô Sĩ Liên - ND) chỉ đổ lỗi cho Huệ Tông & các bề tôi, còn mụ ấy là kẻ lọt lưới được không?" (ĐVSK Tiền biên).

    Cụ Ngô Thì Sĩ gắt nhưng đúng, Linh Từ xứng đáng là quốc mẫu của nhà Trần nhưng không đủ tư cách làm hoàng hậu nhà Lý, làm vợ, làm mẹ.

    TH Nguồn:

    - Đại Việt Sử ký Tiền biên, Ngô Thì Sĩ, Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB Hồng Đức, 2011

    - Việt sử Những bất ngờ lý thú, Lê Thái Dũng, NXB VH TT, 2013

    - Thoại sử đàm lâu
     
    lbk418Bún Chả Truyện thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...