Chuyên đề chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Wall-E, 26 Tháng tám 2018.

  1. Wall-E

    Bài viết:
    589
    CHI TIẾT NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG TỰ SỰ

    PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ

    1. Lý do chọn đề tài

    Tác phẩm văn học nào cũng thuộc một thể loại nhất định. Có nhiều cách phân chia các thể loại văn học, nhưng tiêu chí quan trọng nhất chính là dựa trên phương thức tái hiện đời sống và thể thức cấu tạo tác phẩm. Theo tiêu chí này, tác phẩm văn học có ba loại chính: Tự sự, trữ tình và kịch. Như vậy, tác phẩm tự sự chính một trong ba phương thức sáng tác quan trọng nhất của văn học.

    Trong tác phẩm tự sự, chi tiết nghệ thuật chính là yếu tố không thể thiếu. Chi tiết chính là đơn vị nhỏ nhất để từ đó xây dựng lên những yếu tố lớn hơn như sự kiện, tình huống, cốt truyện, kết cấu, hình tượng, chủ đề, tư tưởng. Nếu coi tác phẩm như một ngôi nhà thì chi tiết chính là những viên gạch nhỏ để xây lên. Cốt truyện là một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó, các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Sự kiện là đơn vị cơ bản để tạo thành cốt truyện. Đó là những việc có tác động và ảnh hưởng đáng kể đến số phận và tính cách của nhân vật. Còn những yếu tố cụ thể hình thành sự kiện được gọi là các chi tiết (tình tiết). Chính vì thế, việc tìm hiểu yếu tố chi tiết trong tác phẩm văn chương tự sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nắm được chi tiết nghĩa là ta nắm được chiếc chìa khóa để mở ra các lớp nội dung của tác phẩm văn học.

    2. Mục đích của đề tài

    Đề tài nghiên cứu về chi tiết trong tác phẩm văn chương tự sự ra đời nhằm mục đích tìm hiểu về khái niệm, đặc điểm, vai trò của chi tiết trong các thể loại quan trọng của phương thức tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn. Thông qua đó, người viết mong muốn sẽ mang đến những tri thức đóng vai trò như một công cụ để khám phá tác phẩm tự sự.

    PHẦN II: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

    1. Tác phẩm văn chương tự sự

    Tự sự là dùng lời kể tái hiện lại những sự việc, biến cố nhằm dựng lại hiện thực cuộc sống như đang diễn ra một cách khách quan, qua đó người viết bày tỏ một cách hiểu và một thái độ nhất định, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tác phẩm tự sự bao gồm: Thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn, truyện thơ, tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, kí sự, bút kí, phóng sự.. Trong đó, như trên đã trình bày, chi tiết chính là đơn vị nhỏ nhất để từ đó xây dựng lên những yếu tố lớn hơn như sự kiện, cốt truyện, hình tượng.. Sau đây, ta sẽ cùng tìm hiểu đặc điểm của tác phẩm tự sự dưới góc nhìn của chi tiết nghệ thuật.

    Đặc điểm thứ nhất của tác phẩm tự sự là dùng lời kể, lời miêu tả để thông báo thời gian, địa điểm, gọi ra đặc điểm của nhân vật, sự kiện, phân tích tâm trạng, tình huống nhằm làm hiện lên bức tranh đời sống. Đọc tác phẩm tự sự ta luôn cảm thấy một ai đó là người kể chuyện đang chứng kiến, kể ra các hiện tượng, biến cố, dẫn dẵn câu chuyện theo một điểm nhìn và giọng điệu nhất định. Người kể chuyện ấy luôn luôn phải dùng đến các chi tiết để bắt đầu, phát triển và kết thúc câu chuyện của mình.

    Đặc điểm thứ hai của tác phẩm tự sự là có cốt truyện, nghĩa là có các sự kiện hoặc biến cố xảy ra liên tiếp, cái này nối tiếp hoặc nảy sinh cái kia, xô đẩy nhau tới đỉnh điểm buộc phải giải quyết, giải quyết xong thì truyện dừng lại. Qua đó, cốt truyện trình bày cho ta cái mạch quy luật của đời sống. Nhưng để có được hình thù, diện mạo đầy đủ thì cốt truyện phải là một tập hợp chi tiết nghệ thuật được sắp xếp theo hệ thống nhất định. Chi tiết chính là xương thịt của cốt truyện. Thiếu chi tiết, cốt truyện trở thành một lớp vỏ trừu tượng, trống rỗng. Như vậy, lại một lần nữa ta thấy vai trò không thể thiếu của chi tiết trong tác phẩm tự sự.

    Đặc điểm thứ ba, nhân vật trong tác phẩm tự sự thường được khắc họa một cách khá đầy đủ, cụ thể, chi tiết và toàn diện từ ngoại hình tới ngôn ngữ, hành động, tính cách, số phận và biểu hiện thường nhật. Đương nhiên, trong nhiều trường hợp nhân vật chính chỉ hiện lên ở một hay vài phương diện nào đó do dụng ý của nhà văn. Như vậy, chi tiết không chỉ xây dựng cốt truyện mà còn tạo dựng lên nhân vật, hình tượng. Có nhiều khi, ấn tượng về nhân vật đọng lại trong tâm trí người đọc thông qua một vài chi tiết không thể lẫn: Tiếng chửi của Chí Phèo, tiếng cười Tào Tháo của bá Kiến, câu nói "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" lặp lại 1872 lần của cụ cố Hồng, đôi bàn tay mỗi ngón bị cụt một đốt của Tnu..

    Chính nhờ các đặc điểm trên mà chi tiết trong tác phẩm tự sự có nhiều khả năng phản ánh đời sống, không bị gò bó về không gian, thời gian, có thể tái hiện trong những bức tranh đời sống toàn cảnh rộng lớn.

    2. Chi tiết trong các tác phẩm văn chương tự sự

    a. Chi tiết trong tiểu thuyết

    Tiểu thuyết có khả năng rộng lớn trong vấn đề phản ánh cuộc sống, đi sâu vào những diễn biến phức tạp trong tâm hồn con người. Tiểu thuyết là thể loại cho phép nhà văn bộc lộ một cách tự do, thoải mái tài năng của mình. Về đặc điểm kết cấu, cốt truyện, tiểu thuyết chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, vì thế cốt truyện tiểu thuyết thường có nhiều sự kiện, nhiều cảnh ngộ, nhiều thử thách khác nhau. Nhà tiểu thuyết thường chú ý miêu tả các chi tiết phong phú trong đời sống con người, trong đó có nhiều chi tiết như thể không cần thiết. Về đặc điểm thể hiện tính cách nhân vật, tiểu thuyết xây dựng một cá nhân hoặc một nhóm người hay một thế giới trong cả quá trình. Mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới. Phương thức tự sự của tiểu thuyết có thể dựng lên một bức tranh xã hội có quy mô rộng lớn.

    "Số đỏ" (1936) là cuốn tiểu thuyết hiện thực trào phúng xuất sắc của Vũ Trọng Phụng, là "cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học" (Nguyễn Khải). Trong tác phẩm này, khối căm hờn của nhà văn với xã hội thực dân phong kiến không bật ra thành tiếng chửi rủa tuyệt vọng mà biến thành những trận cười sảng khoái. Với ngòi bút trào phúng bậc thầy, tác giả "Số đỏ" đã phơi trần bản chất bịp bợm, rởm đời của xã hội tư sản thuộc địa, thực dân thành thị đương thời: Bản chất thì nhố nhăng, "khốn nạn", "chó đểu" nhưng bề ngoài có vẻ sang trọng, "Âu hóa", "văn minh", "tiến bộ". Nếu "Số đỏ" là một vở đại hài kịch thì mỗi chương là một màn kịch vô cùng sống động. Đoạn trích "Hạnh phúc của một tang gia" nằm ở chương XV đã thể hiện rõ tài năng trào phúng bậc thầy và sức phê phán mãnh liệt của ngòi bút Vũ Trọng Phụng. Đoạn trích miêu tả đám tang của cụ cố tổ. Qua đó bộc lộ thái độ mỉa mai châm biếm của Vũ Trọng Phụng đối với thói đạo đức giả, hợm hĩnh, rởm đời của cả xã hội thượng lưu thời bấy giờ chứ không phải chỉ đơn thuần là gia đình cụ cố Hồng.

    Thành công của tác phẩm nói chung và đoạn trích nói riêng nằm trong việc xây dựng những chi tiết hết sức đặc sắc, sinh động, phong phú để khắc họa từng chân dung trào phúng. Ở đây, mỗi nhân vật được xây dựng bởi không chỉ một mà rất nhiều chi tiết có gái trị. Nhắc đến cụ cố Hồng, người đọc không thể quên hình ảnh một người tuy mới 50 tuổi nhưng lâu nay chỉ mơ được thiên hạ coi là già. Cụ nhắm nghiền mắt, nghĩ đến lúc mặc áo xô gai, chống gậy lụ khụ, diễn trò vừa mếu máo vừa ho khạc để cho thiên hạ trầm trồ khen ngợi sự già nua của mình, đồng thời khen ngợi đám ma to. Dù chẳng biết lo việc gì nhưng câu cửa miệng của cụ là "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi", câu nói ấy đã lặp lại đến 1872 lần như để tố cáo kẻ vừa ngu dốt, vừa háo danh. Bà Văn Minh và cô Tuyết thì vui sướng vì đám ma là dịp để trình diễn những bộ quần áo xô gai theo kiểu tân thời. Đặc biệt, Tuyết mặc bộ đồ "Ngây thơ" – một sản phẩm của lối trang phục Âu hóa nhố nhăng, hở hang, đồi bại - để chứng tỏ mình không hư hỏng như lời đồn của thiên hạ. Chi tiết đó vạch trần bộ mặt của những kẻ a du, đua đòi theo thời thượng đến mức vô tình phô bày tất cả sự hư hỏng, đồi bại của mình cho thiên hạ xem. Ông Phán mọc sừng thì vui vì được chia thêm số tiền vài nghìn đồng nhờ cái sừng vô hình trên đầu ông – thứ đã có giúp ông có "công lớn" trong việc giết chết của cụ tổ. Đó là kẻ vì tiền mà bán rẻ danh dự, lương tâm. Cậu tú Tân thì sướng vui đến điên người vì được đem mấy cái máy ảnh đi chụp cảnh đám ma. Đây là cơ hội hiếm có để cậu ta giải trí và khoe tài. Đó đúng là một kẻ ấu trĩ thực sự, góp công đắc lực trong việc biến đám ma thành đám hội.

    Nhưng trong niềm hạnh phúc của tang gia vẫn có người buồn. Nhưng chẳng có nỗi buồn nào dành cho người chết. Cô Tuyết với khuôn mặt có vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt của nhà có đám vì không thấy bạn giai Xuân Tóc Đỏ đâu. Đặc biệt, ông Văn Minh mang vẻ "đăm đăm chiêu chiêu" rất "hợp thời trang" của nhà có đám vì đang khó xử với Xuân: Hắn quyến rũ một cô em gái ông và tố cáo tội ngoại tình của một cô em gái khác, nhưng lại gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết, hai cái tội thì nhỏ và nhưng một cái ơn lại to. Chính nỗi phân vân không biết làm gì với Xuân của ông Văn Minh đã cho ta thấy đó là kẻ tha hóa, bất lương.

    Như vậy, không chỉ tang gia hạnh phúc mà cả xã hội tư sản thực dân ấy sung sướng trước cái chết của ông cụ già. Đám ma là dịp để chúng kiếm lợi hoặc khoe mẽ. Từ người nhà đến người ngoài, từ trẻ đến già, đều lộ rõ mặt thật đểu giả, vô luân. Vũ Trọng Phụng có thể vạch trần bộ mặt xấu xa của cả một xã hội rộng lớn như vậy chính là nhờ một hệ thống các chi tiết vô cùng phong phú, độc đáo, đa dạng, để xây dựng lên từng chân dung trào phúng riêng biệt, không ai giống ai, không ai lẫn vào ai. Từ những nhân vật chính (cụ cố Hồng, ông Văn Minh, Xuân Tóc Đỏ) đến những nhân vật phụ chỉ xuất hiện thoáng qua (hai viên cảnh sát Min Đơ, Min Toa) đều được định hình trong tâm trí người đọc thông qua chi tiết.

    b. Chi tiết trong truyện ngắn

    Truyện ngắn là tác phẩm tự sự có quy mô, dung lượng nhỏ, vì thế, mỗi truyện ngắn có thể ví như "một lát cắt của hiện thực cuộc sống" . Truyện ngắn là thể loại gần gũi với đời sống hàng ngày, súc tích, dễ đọc, lại thường gắn liền với hoạt động báo chí, do đó có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời trong đời sống. Nhiều nhà văn lớn trên thế giới và nước ta đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chủ yếu bằng những truyện ngắn xuất sắc của mình.

    Về đặc điểm kết cấu, cốt truyện, truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Nếu ví tiểu thuyết như một dòng sông thì truyện ngắn là một khúc sông, nhưng qua khúc sông ấy phải cho người đọc thấy cả dòng sông. Cho nên sự kiện phải được dồn nén, chọn lọc. Bút pháp trần thuật của truyện ngắn thường là chấm phá. "Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết" (Từ điển thuật ngữ văn họcLê Bá Hãn ). Vì thế, cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế, thường ít có nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Trong truyện ngắn thường có một hoặc một số sự kiện quan trọng (đoàn tàu đi qua, cảnh cho chữ, Mị cắt dây trói cứu A Phủ, người đàn ông hàng chái đánh vợ ngay trên bức tranh thiên nhiên tuyệt bích). Chức năng của nó là nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời và tình người, một quy luật của cuộc sống. Đến lượt mình, các sự kiện đó lại được hình thành từ nhiều chi tiết nghệ thuật. Không có chi tiết nghệ thuật thì các sự kiện trong tác phẩm tự sự cũng trở thành vô hồn.

    Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, sự kiện Mị bị bắt về nhà thống lí Pá Tra để làm con dâu gạt nợ đã được hình thành từ nhiều chi tiết, đặc biệt là việc Mị nghĩ mình chỉ là con trâu con ngựa. Con trâu con ngựa phải đeo cái ách trên cổ. Có lẽ cái ách của Mị chính là thân phận con dâu gạt nợ. Hóa ra con dâu gạt nợ không còn là con người mà chỉ là con vật trong nhà Pá Tra. Lúc này, Mị chỉ biết đến làm việc mà hoàn toàn không có đời sống tinh thần, không niềm vui, không hi vọng, không chờ đợi, chỉ có một cảm xúc duy nhất là nỗi buồn. Những người dân phố huyện lam lũ trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam ít nhất vẫn còn biết mong đợi một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc đời mình, mong đợi một chuyến tàu đi qua mỗi đêm. Chí Phèo trong bi kịch còn mơ đến một mái ấm gia đình và con đường quay về với cuộc sống của người lương thiện. Còn Mị thì hoàn toàn không có một chút tia sáng nào dù là yếu ớt nhất về niềm tin và sự sống. Chính vì thế, mỗi ngày Mị càng không nói lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Nếu cách so sánh với con trâu, con ngựa cho thấy cuộc sống lao động vất vả, thì cách so sánh với con rùa cho thấy sự câm lặng, cô độc, biệt lập của mình. Dường như cô không còn sống trong mắt mọi người mà chỉ tồn tại như một thứ đồ bị bỏ quên, không ai buồn để tâm, ngó ngàng tới. Đó là một sự cam chịu nhưng là thái độ cam chịu đã đến mức tê liệt về tinh thần, nên người ta không còn nhận ra dấu vết của sự cam chịu mà chỉ còn thấy dường như đây là cách sống sẵn có của ngươi con gái này. Vì thế, ở Mị dường như không còn nhận thấy thái độ nhẫn nhục chịu đựng cái khổ, coi cái khổ như một gánh nặng, một bi kịch của cuộc đời mà cô đã quá quen với cái khổ thấy nó cũng như cuộc sống bình thường. Đến đây, ta thấy khâm phục sức chịu đựng của Mị nhưng cũng kinh hãi thay cho sự đày đọa của cường quyền và thần quyền trong gia đình Pá Tra lên con người.

    Bởi truyện ngắn có nhiều chi tiết cô đúc nên người đọc phải phát huy khả năng liên tưởng, tưởng tượng để cảm nhận và thấu hiểu hết những ý nghĩa hàm ẩn. Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, tác giả đã xây dựng các chi tiết về bóng tối một cách đậm đặc khác thường: Bóng tối ngập đầy dần trong đôi mắt Liên, cụ Thi đi lần vào bóng tối.. Tiếng trống cầm canh chìm vào bóng tối.. Tất cả như nói lên rằng dường như bóng tối đã trở thành một thứ vật thể hữu hình, tràn ngập khắp nơi, lấp đầy phố huyện. Miêu tả bóng tối bằng các cụm từ như tràn đầy, ngập tràn để người đọc thấy rõ hơn sự trống rỗng trong không gian phố huyện. Nếu ngọn đèn là biểu tượng cho kiếp người nhỏ bé, lay lắt thì bóng tối là biểu tượng cho hiện thực cuộc sống tù túng nơi phố huyện. Bóng tối cô đặc đến độ, ánh sáng ngọn đèn thành leo lét, le lói. Đoàn tàu mang theo ánh sáng lộng lẫy không lao qua lòng phố huyện mà lao qua, xé rách lòng đêm tối để rồi ngay sau màn đêm lại từ từ khép lại.

    Về đặc điểm thể hiện tính cách nhân vật, nhân vật của truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới. Nhân vật của truyện ngắn thường là hiện thân cho một quan hệ xã hội, một ý thức xã hội hoặc một trạng thái tồn tại của con người, chỉ thể hiện một hoặc một vài tính các trong một khía cạnh, một thời điểm mà ở đấy nhân vật bộc lộ một cách rõ rệt và sắc nét nhất nói cách khác truyện ngắn chỉ xây dựng nhân vật qua"một cảnh ngộ, một tình huống chọn lọc" (Hà Minh Đức – Cơ sở lí luận văn học, tập II) . Hành động trong truyện ngắn thường diễn ra mau lẹ. Trong truyện ngắn Chí Phèo, hành động cuối cùng của con quỷ dữ làng Vũ Đại diễn ra thật bất ngờ. Hành động đó nằm ngoài dự liệu của bá Kiến, khiến hắn phải trả giá một cách thích đáng. Dù có lọc lõi đến đâu trong nghệ thuật cai trị và dùng người, hắn cũng không thể lường trước được hành động của Chí Phèo. Hắn nghĩ đã hoàn toàn điều khiển được Chí Phèo như một tên tai sai mù quáng, như một quân cờ trong tay, như một công cụ giết người vô tri, vô giác mà không ngờ rằng bản chất lương thiện của Chí chưa bao giờ bị hủy hoại hoàn toàn. Nhân hình không còn nhưng nhân tính thì vẫn còn. Nhân hình lộ ra bên ngoài có thể bị mảnh chai, lưỡi dao vằm nát nhưng nhân tính thì ẩn rất sâu bên trong, không một lưỡi dao, mảnh chai nào có thể chạm đến. Chí có thể bán linh hồn cho quỷ dữ nhưng không bao giờ biến thành quỷ dữ. Hắn chỉ khoác cái lốt quỷ dữ ở bên ngoài mà thôi. Có lẽ chỉ đến khi lĩnh trọn mũi dao của Chí Phèo, bá Kiến mới hiểu rằng hắn đã đánh giá quá thấp người nông dân. Chí Phèo chấp nhận chết để được sống lương thiện dù chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi của một cuộc đối thoại mà thực ra ở đó chỉ có một người nói: Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất đi những vết sẹo trên mặt này. Tao không thể làm người lương thiện được nữa rồi. Chỉ còn một cách này..

    3. Một số đề thực hành

    3.1 "Giá trị nghệ thuật của một tác phẩm truyện, trước hết được tạo nên bởi những chi tiết mới lạ có sức hấp dẫn người đọc" (Lep Tônxtôi – Dẫn theo truyện ngắn chọn lọc). Anh chị hãy phân tích một truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn 11 hoặc 12 Nâng cao để làm sáng tỏ vấn đề trên.

    a. Giải thích

    - Tác phẩm truyện là các tác phẩm thuộc thể loại tự sự, trong văn học dân gian có thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn.. Văn học trung đại và hiện đại có truyện thơ, tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, kí sự, bút kí, phóng sự..

    - Giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện là toàn bộ các phương thức, cách thức, thủ pháp để chuyển tải nội dung như dùng từ, đặt câu, viết đoạn, lựa chọn chi tiết, xây dựng nhân vật, kết cấu, giọng điệu, cách kể chuyện..

    - Các chi tiết, còn gọi là các tình tiết là yếu tố cụ thể hình thành sự kiện trong mỗi tác phẩm truyện. Chi tiết mới lạ có sức hấp dẫn người đọc là những chi tiết độc đáo, bất ngờ, khắc họa nhân vật một cách sâu sắc, tạo nên ấn tượng và sự say mê thích thú đối với người đọc.

    => Tóm lại, ý kiến của L. Tôn-xtoi khẳng định trong tác phẩm truyện, những chi tiết mới lạ như vậy giữ vai trò quan trọng hàng đầu.

    B. Chứng minh:

    - Ý kiến trên là đúng đắn và phù hợp với đặc trưng của thể loại truyện và quy luật sáng tạo.

    - Tự sự là dùng lời kể tái hiện lại những sự việc, biến cố, con người nhằm khắc họa hiện thực cuộc sống như đang diễn ra một cách khách quan, qua đó người viết bày tỏ một cách hiểu và một thái độ nhất định. Để làm được điều đó, tác phẩm tự sự lại phải có cốt truyện. Bởi thông qua cốt truyện nhà văn trình bày cho người đọc cái mạch quy luật của đời sống. Trong khi đó, cốt truyện lại được xây dựng từ các sự kiện hoặc biến cố xảy ra liên tiếp, cái này nối tiếp hoặc nảy sinh cái kia, xô đẩy nhau tới đỉnh điểm buộc phải giải quyết, giải quyết xong thì truyện kết thúc. Đến lượt mình, mỗi sự kiện lại được tạo bởi các chi tiết nghệ thuật. Chi tiết càng có giá trị thì sự kiện càng đặc sắc. Như vậy, có thể nói, nghệ thuật viết truyện chính là nghệ thuật sáng tạo, tổ chức, sắp xếp các chi tiết, để hình thành nên các sự kiện và cốt truyện. Chính vì thế, sức hấp dẫn, sức sống của truyện xét cho cùng phải nằm ở những chi tiết mới lạ, có sức hấp dẫn người đọc. Thậm chí, ngay cả khi cốt truyện bị lược bỏ, đơn giản hóa thì truyện vẫn có sức sống nếu chứa đựng được các chi tiết đặc sắc (Hai đứa trẻ - Thạch Lam)

    - Tác phẩm tự sự còn có khả năng thể hiện nhân vật một cách đầy đủ, toàn diện trong một phần hoặc toàn bộ cuộc đời với hành động, tính cách, số phận và biểu hiện thường nhật. Muốn làm được điều đó, nhà văn bắt buộc phải biết xây dựng được nhiều chi tiết nghệ thuật. Chi tiết càng mới lạ, độc đáo, ý nghĩa thì nhân vật càng được khắc họa một cách sinh động, ấn tượng.

    - Tóm lại, một nhân vật không thể được coi là giá trị nếu không được khắc họa bằng những chi tiết đặc sắc, một tác phẩm truyện không thể coi là đích thực nếu không được xây dựng từ những chi tiết điển hình. Nói cách khác: "Giá trị nghệ thuật của một tác phẩm truyện, trước hết được tạo nên bởi những chi tiết mới lạ có sức hấp dẫn người đọc".

    - Lấy tác phẩm cụ thể để chứng minh.

    3.2 Bàn về truyện ngắn, Từ điển Thuật ngữ Văn học (Nhà xuất bản Văn học, 1992) có viết: "Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn đầy ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết". Anh/chị hãy giải thích và chứng minh ý kiến trên. (Qua tác phẩm đã học trong giai đoạn 1930 – 1945)

    A. Giải thích:

    - Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, có quy mô và dung lượng phản ánh hiện thực không lớn, vì thế, mỗi truyện ngắn có thể ví như "một lát cắt của hiện thức cuộc sống" . Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế, chức năng của nó nói chung là nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời và tình người. Kết cấu của truyện ngắn không chia thành nhiều tầng, nhiều tuyến.

    - Mỗi truyện ngắn đều được xây dựng bằng một hệ thống các chi tiết nghệ thuật. Chi tiết nghệ thuật là một bộ phận nhỏ nhất có ý nghĩa của mỗi tác phẩm mà nhờ đó thế giới nghệ thuật được hiện ra một cách cụ thể, sinh động. Do truyện ngắn là "một lát cắt của hiện thức cuộc sống" nên chi tiết thường phải "cô đúc, có dung lượng lớn", nghĩa là chi tiết phải có tính chất cô đọng, hàm súc, đa nghĩa, nói ít nhưng lại chứa đựng được những ý nghĩa lớn. Qua chi tiết, người đọc có thể nhận ra được thế giới nghệ thuật riêng của từng tác phẩm (thời đại, thể loại).

    - Lối hành văn đầy ẩn ý: Là tiếng nói, giọng điệu, ngôn ngữ, cách kể chuyện, rộng hơn là hình thức nghệ thuật vừa hàm súc, đa nghĩa, ẩn chứa nhiều điều sâu sắc, tinh tế vừa độc đáo, riêng biệt, in đậm dấu ấn sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà văn.

    - Chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn đầy ẩn ý chính là những yếu tố có vai trò quan trọng bậc nhất, không thể thiếu trong truyện ngắn. Truyện ngắn có thể không có cốt truyện, nhưng không thể không có các chi tiết đặc sắc trong hình thức nghệ thuật độc đáo. Nhờ những điều này mà tác phẩm có những chiều sâu không cùng (chưa nói hết) để cuốn hút độc giả và đòi hỏi họ phải nghiền ngẫm, tìm tòi khám phá, đồng sáng tạo với nhà văn để thấy những cái hay, cái đẹp còn ẩn giấu.

    B. Chứng minh: Phân tích từng chi tiết đặc sắc trong mỗi tác phẩm ở hai phương diện nội dung ý nghĩa và đặc sắc nghệ thuật.

    PHẦN III: KẾT LUẬN

    Như vậy, chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự chính là một yếu tố không thể thiếu. Một nhà văn tài năng phải biết xây dựng được các nhân vật đặc sắc, một nhân vật đặc sắc phải được "nuôi sống" bằng những chi tiết giá trị. Không có chi tiết giá trị thì không thể có nhân vật, sự kiện, cốt truyện đích thực trong tác phẩm tự sự. Sức sáng tạo của nhà văn xét cho cùng dồn lại ở trong việc xây dựng các chi tiết nghệ thuật. Vì thế, sự phong phú, đang dạng của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự dường như là không có giới hạn. Chi tiết nghệ thuật chính là kết quả của óc quan sát tinh tế, khả năng tưởng tượng phong phú, khả năng nắm bắt "cái thần" của nhân vật. Đôi khi, hàng trăm trang văn miêu tả nhân vật cũng không bằng một chi tiết đắt giá. Chi tiết không chỉ nói được chiều sâu bên trong số phận, tính cách của nhân vật mà còn gợi nhiều liên tưởng sáng tạo trong người đọc. Vì thế, xét cho cùng, nắm được chi tiết chính là nắm được tác phẩm tự sự.

    Tuy nhiên, chuyên đề này vẫn chưa giải quyết được những vấn đề quan trọng liên quan tới chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự. Đó là chưa đi sâu vào các thủ pháp nghệ thuật xây dựng chi tiết, chưa chỉ được phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn thể hiện qua hệ thống chi tiết của tác phẩm, chưa có sự phân loại các chi tiết nghệ thuật. Chúng tôi hi vọng sẽ nhận được sự đóng góp, trao đổi ý kiến của đồng nghiệp để chuyên đề được hoàn thiện hơn.
     
    Hany thích bài này.
    Last edited by a moderator: 15 Tháng sáu 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...