Chuyện con mực nướng Chiều oi oi cọt kẹt như cánh cửa khô dầu, đang ngồi xem clip mô phỏng kích thước vũ trụ thì tự dưng nghe mùi mực nướng. Cảm giác mình như Kip Thorne ngồi ở LIGO và dò ra sóng hấp dẫn. Và thấy muốn biên một cái gì đó. Từ Big Bang đến mực nướng là một cuộc hành trình dài. 13.8 tỉ năm, từ một điểm kỳ dị, không gian và thời gian chưa được sinh ra, bỗng bùm phát và vũ trụ mà chúng ta đang thấy không ngừng giãn nở. Nói cho chính xác là những gì thuộc vũ trụ này đang văng tứ tung (nổ mà), chúng ngày càng xa nhau, và xa điểm khởi đầu. Nhưng hóa ra không xa đên mức vô hạn. Trăm tỉ năm ánh sáng là đường kính đo được của vũ trụ. Tức nó vẫn có biên. Để dễ hình dung, nếu bây giờ chúng ta bắt đầu xuất phát từ biên này và di chuyển với tốc độ ánh sáng, 300k km/s, thì một trăm tỉ năm sau sẽ đến được biên bên kia. Đó là không tính đến việc khi đi qua những siêu hành tinh, và lực hấp dẫn tạo bởi khối lượng cực lớn của chúng sẽ làm không gian, thời gian có thể bị uốn cong. Tất nhiên cũng bỏ qua khả năng bạn chui tọt vào một lỗ đen nào đó. Bạn cũng hoàn toàn loại trừ khả năng bạn không thể sống đủ 100 tỉ năm để hoàn thành chặng đường của mình. Lúc này việc di chuyển của bạn tuy là chuyển động thẳng đều, nhưng thời gian không phải tính bằng quãng đường chia cho vận tốc. Nghịch lý trẻ sinh đôi là một ví dụ rất thú vị về tính tương đối của thời gian. Trong đó, người ta giả định rằng nếu cho một trong hai đứa trẻ sinh đôi lên một con tàu vũ trụ và phóng đi với vận tốc cực lớn. Sau một thời gian quay lại, đứa trẻ trên tàu gần như không có gì thay đổi, nhưng người anh em song sinh thì gần như đã trở thành một ông già lụ khụ. Điều đó có nghĩa vận tốc càng nhanh, thời gian (trên vật thể chuyển động) càng chậm. Và nếu đạt được vận tốc ánh sáng, thời gian gần như không đổi. Bạn có thể hoàn toàn yên tâm rằng nếu bạn xuất phát ngay bây giờ thì một trăm tỉ năm nữa (tính theo năm trái đất), bạn vẫn sẽ là một thanh niên mãi mãi tuổi U20. Nhưng chia buồn với bạn. Bạn sẽ không bao giờ làm được điều mình muốn, dù tất cả những điều kiện nêu trên là hoàn hảo. Sở dĩ như vậy vì vũ trụ này không đứng yên. Nó đã giãn nở và tiếp tục giãn nở. 13.8 tỉ năm kể từ vụ nổ lớn nó nở đã được 100 tỉ năm ánh sáng, thì theo đó, một trăm tỉ năm nữa không biết nó sẽ giãn đến mức nào. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn không thể biết bên ngoài vũ trụ có gì. Nghe nói là có thể có những vũ trụ khác, cả những vụ trụ đang hình thành. Nếu đúng thì vũ trụ chúng ta không cô đơn. Trong vũ trụ, chúng ta lại càng không cô đơn. Nó chứa hàng tỉ thiên hà với kích thước vô cùng lớn. Trong hàng tỉ thiên hà đó may mắn sao có dải ngân hà này với hàng tỉ ngôi sao, và trong hàng tỉ ngôi sao đó có quả mặt trời với hơn chục cục đất bé tí teo quay xung quanh. Trên một cục đất mà ta hay gọi là Trái Đất này chiều nay bỗng dưng có con mực nướng, và đôi khi ta thấy cuộc đời thật hạnh phúc. Tác giả: Thất Lạc Tâm