Chuyện chức phán sự đền tản viên - Nguyễn dữ - Phân tích nghệ thuật

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Yuiki.tan, 29 Tháng mười 2020.

  1. Yuiki.tan

    Bài viết:
    25
    Phân tích nghệ thuật bài "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" của Nguyễn Dữ​

    Nguyễn Dữ là một danh sĩ thời Lê sơ, thời nhà Mạc, là nhà văn nổi tiếng thế kỉ XVI và là tác giả của "Truyền kì mạn lục". "Truyền kì mạn lục", ghi chép lại những giai thoại, huyền thoại được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Đằng sau những yếu tố hoang đường kì ảo đó là những hiện thực đáng phê phán của xã hội phong kiến xưa. Tác phẩm được viết bằng chữ Hán, gồm hai mươi chuyện. "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" là một trong hai mươi câu chuyện đó. Sự thành công của tác phẩm này không chỉ đến từ nội dung kì lạ, hấp dẫn mà còn ở những yếu tố nghệ thuật đặc sắc.

    Nét nghệ thuật đầu tiên của chuyện chính là cách kể chuyện lôi cuốn, tình tiết và diễn biến truyện giàu kịch tính, được chia làm bốn phần rõ rệt. Ở phần đầu tiên, tác giả đã giới thiệu trực tiếp tích cách của nhân vật Tử Văn để từ đó dẫn câu chuyện qua từng hành động của nhân vật. Phần thắt nút kể về hành động đốt đền tà của Tử Văn, tạo nên một tình huống làm hấp dẫn người đọc. Tình tiết dần dần phát triển, Tử Văn lên cơn sốt, gặp tướng giặc và thổ thần rồi bị bắt xuống âm phủ để trị tội. Câu chuyện được đẩy lên cao trào khi Diêm Vương chấp nhận yêu cầu của Tử Văn. Tình huống mở nút khi tên tướng giặc bị trị tội, nhân vật chính được trở thành quan phán sự. Đây là một cốt truyện giàu kịch tính, có kết cấu chặt chẽ, hợp lí. Tác giả đã dẫn dắt câu chuyện vô cùng khéo léo, được mở ra từ một tình tiết bất ngờ rồi dẫn dắt người đọc tới đỉnh điểm của cậu chuyện rồi giải quyết một cách hợp lí.

    Nét nghệ thuật thứ hai phải kể đến đó là cách kết hợp hài hòa những yếu tố kì ảo và yếu tố hiện thực. Để tạo ra tính chân thực cho câu chuyện, tác giả đã giới thiệu nhân vật một cách chi tiết, cụ thể, cả thời gian và địa điểm cũng đưa ra một cách chính xác. Để tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện, tác giả đã đan xen vào đó những yếu tố kì ảo. Đầu tiên là hồn ma của tên tướng giặc. Ta thấy được những hành động đầy trơ tráo của tên này. Hắn cướp đền thổ công, quấy nhiễu dân lành, đút lót tham quan. Còn đến khi xuống dưới Minh ti gặp diêm vương thì hắn tỏ vẻ như mình là kẻ bị hại, nhún nhường, đáng thương. Hai hình ảnh đối lập này cho ta thấy sự xảo trá, bịa đặt, gian dối, giả nhân giả nghĩa của hắn. Không chỉ có thế, ta còn có thể tìm thấy yếu tố kì ảo qua nhân vật thổ công. Đây là một nhân vật theo lời của Diêm Vương là "một người cư sĩ, trung thuần lẫm liệt, có công với tiên triều". Còn qua lời miêu tả trong câu chuyện thì ông là người khoác áo vải mũ đen, phong độ nhàn nhã, thủng thỉnh. Ông còn là người đã dẫn đường chỉ lối cho Tử Văn để thắng kiện dưới Minh ti. Kế đến là nhân vật Diêm Vương-người đứng đầu Minh ti, có quyền lực tối cao. Đây là những nhân vật từ cõi âm, mang đến cho người đọc cảm giác lôi cuốn, thú vị, mới lạ. Ngay cả giấc mơ của Tử Văn cũng là ở một khoảng không gian nối liền giữa cõi âm và nơi trần thế. Rồi đến Minh ti, ở nơi này có một con sông với gió lạnh thấu xương gợi nên cảm giác rừng rợn, đáng sợ. Nhưng chính vì thế lại càng làm nổi bật thêm sự can đảm, bình tĩnh, kiên định của Ngô Tử Văn.

    Nét nghệ thuật thứ ba chính là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nhân vật chính Ngô Tử Văn được tác giả giới thiệu trực tiếp ngay từ đầu. Ngô Tử Văn là người chính trực, không toan tính, vụ lợi, là hình tượng nhân vật chính diện điển hình. Hồn ma bách hộ họ Thôi-nhân vật phản diện được xây dựng hình tượng qua từng hành động, việc làm và lời nói, nổi bật lên sự xảo trá, gian tà của hắn. Cách xây dựng thể hiện sự đối lập rõ rệt giữ phe thiện và phe ác.

    Cách kể chuyện của tác giả rất tự nhiên, mang đầy kịch tính, tạo ra sự thu hút đối với người đọc. Tác giả còn sử dụng những lời bình để nêu quan điểm của mình, định hướng cho người đọc.

    Các yêu tố nghệ thuật đó đã được Nguyễn Dữ kết hợp một cách hài hòa, nhuần nhuyễn, từ đó làm nổi bật giá trị nội dung của tác phẩm. Qua tác phẩm này, cũng có thể thấy được tài năng của Nguyễn Dữ "dài hơn cả sông, cao hơn cả núi".
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng tám 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...