Chúng ta không giống nhau

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Hoang0302, 3 Tháng ba 2020.

  1. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    Nghĩa Hán Việt của một số từ thường gặp

    ★ Thích ★

    - Kích thích: Chữ "thích" này có nghĩa là tiêm, chích, châm, đâm, chọc, chữ Hán viết là 刺. Tự hình của 刺 trong giáp cốt văn vẽ một cái cây có gai đâm tua tủa. "Kích thích" vốn có nghĩa là đâm chém (chữ "kích" nghĩa là đánh đập, chém giết), ngày nay "kích thích" có nghĩa là "tác động vào giác quan hoặc hệ thần kinh", hoặc "có tác dụng thúc đẩy làm cho hoạt động mạnh hơn" (theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên). Trong câu "thích vào tay hai chữ Sát Thát" cũng chính là chữ "thích" này. Đây chính là chữ "thích" trong thích khách, hành thích.

    - Thân thích: Chữ "thích" này có nghĩa là thân thuộc, thường dùng để chỉ họ bên ngoại, như câu "nội thân ngoại thích". Chữ Hán viết là 戚. "Thân thích" là họ nội và họ ngoại, cũng chỉ họ hàng nói chung. Đây cũng là chữ "thích" trong quốc thích (hoàng thân quốc thích).

    - Giải thích: Chữ "thích" này có nghĩa cởi ra, nới ra, buông ra, chữ Hán viết là 釋. "Giải thích" là phân tích cho rõ, nói cho rõ ra (chữ "giải" cũng có nghĩa là cởi ra, cởi các nút thắt thì gọi là giải). Đây chính là chữ "thích" trong chú thích, phóng thích. Phiên âm tên Đức Thích Ca cũng dùng chữ "thích" này.

    - Yêu thích: Chữ "thích" này có nghĩa ưa, vừa, như "thích ý" là vừa ý, chữ Hán viết là 適. "Yêu thích" là ưa, mến, có tình cảm, cảm xúc dễ chịu đối với người, vật hay việc nào đó. Đây chính là chữ "thích" trong thích hợp, sở thích, thích chí, thích đáng, thích nghi, thỏa thích.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Photo by Annie Spratt on Unsplash
     
    THG NguyenLục Thất Tiểu Muội thích bài này.
    Last edited by a moderator: 22 Tháng tám 2023
  2. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    ★ Phù ★

    Xem lại mới thấy lần cuối cùng mình làm bài "Chúng ta không giống nhau" đã là chuyện của hơn hai tháng trước. Tối qua lúc ngủ chợt nhớ ra chữ "phù" nên hôm nay làm cho mọi người đọc chơi.

    - Phù sa: Chữ "phù" này có nghĩa là nổi, nổi trên mặt nước. Thiều Chửu giảng "vật gì ở trên mặt nước không có căn cứ gọi là phù, lời nói không có căn cứ gọi là phù ngôn". Chữ Hán viết là 浮. "Phù sa" là cát nổi, tức đất cát nhỏ, mịn cuốn trôi theo dòng sông, cũng chỉ đất cát lắng đọng bồi đắp ở các bãi sông, lòng sông. Đây chính là chữ "phù" trong phù hoa, phù vân, phù phiếm, phù du (浮游 - trôi nổi, nay đây mai đó).

    - Phù hiệu: Chữ "phù" này có nghĩa là vật để làm tin. Chữ Hán viết là 符 (có bộ trúc ⺮ - chỉ các loại tre trúc). Thiều Chửu giảng chữ "phù" này là "cái thẻ, làm bằng tre viết chữ vào rồi chẻ làm đôi, mỗi người giữ một mảnh khi nào sóng vào nhau mà đúng thì phải, là một vật để làm tin". "Phù hiệu" là cái dấu để nhận biết. Học sinh đeo phù hiệu là để nhận biết tên gì, lớp nào. Đây cũng là chữ "phù" trong âm phù, phù hợp, binh phù, quân phù, hổ phù.. Ngoài ra, chữ "phù" này còn có nghĩa là bùa, lá bùa, thường gặp trong các từ phù thủy, phù chú, phù pháp (ta quen dùng phù phép).

    - Phù hộ: Chữ "phù" này có nghĩa là nâng đỡ, giúp đỡ. Nâng cho đứng dậy được gọi là phù. Chữ Hán viết là 扶. "Phù hộ" nghĩa là che chở, giúp sức cho. Đây chính là chữ "phù" trong phù tá, phù trợ, phù tang (扶喪 - lo việc ma chay, Truyện Kiều câu 2741-2742: Từ ngày muôn dặm phù tang, Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà chỉ việc sau khi Kim Trọng lo ma chay cho chú), xin phân biệt với "phù tang" cũng dùng chữ "phù" này nhưng chữ "tang" viết khác (扶桑) chỉ cây dâu, nơi mặt trời mọc, cũng chỉ nước Nhật.

    - Phù du: Chữ "phù" này chữ Hán viết là 蜉. Theo Thiều Chửu, "phù du" - 蜉蝣 là con nhện nước, con vò sáng sinh chiều chết. Vì thế người ta mới ví cái đời người ngắn ngủi là kiếp phù du. Hùinh Tịnh Paulus của cũng giảng đó là loài trùng sớm sinh, tối chết, "cảnh phù du" là sự thể không bền. Xin phân biệt với từ "phù du" ở trên, viết là 浮游 - trôi nổi, nay đây mai đó. (Nói chung có hai từ "phù du", một nghĩa là ngắn ngủi, một nghĩa là trôi nổi, tùy theo bạn muốn dùng từ nào thì dùng cho đúng nghĩa vậy)

    Và còn một số chữ "phù" ít phổ biến nữa tụi mình không kể ra đây. Trong tiếng Việt, những chữ "phù" này dù viết (bằng chữ Quốc ngữ) và đọc giống nhau nhưng về mặt ngữ nghĩa thì hoàn toàn không giống nhau.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Photo by Matt Hoffman on Unsplash
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng tám 2023
  3. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    ★ Ngộ ★

    - Giác ngộ: Chữ "ngộ" này có nghĩa là hiểu ra, hiểu rõ, mở trí óc ra không mê muội nữa. Chữ Hán viết là 悟. "Giác ngộ" là tỉnh ra mà hiểu rõ. Đây chính là chữ "ngộ" trong cảm ngộ, chấp mê bất ngộ, đại ngộ, ngộ tính, tỉnh ngộ.

    - Hội ngộ: Chữ "ngộ" này vốn có nghĩa là gặp nhau, hợp nhau. Đối đãi với nhau. Chữ Hán viết là 遇. "Hội ngộ" là gặp nhau, thường là không hẹn mà gặp giữa những người thân thiết. Đây cũng là chữ "ngộ" trong Bích câu kì ngộ, cảnh ngộ, đãi ngộ, hạnh ngộ, kì ngộ, tao ngộ, tri ngộ, tương ngộ.

    - Ngộ nhận: Chữ "ngộ" này nghĩa là lầm, sai, lầm lỡ, làm hại. Chữ Hán viết là 誤. "Ngộ nhận" nghĩa là hiểu sai, hiểu lầm, nhận thức sai. Đây chính là chữ "ngộ" trong ngộ giải, ngộ sát, thác ngộ (lầm lẫn).

    - Ngộ mị: Chữ "ngộ" này có nghĩa là thức, không ngủ. Chữ Hán viết là 寤. Chữ này nay hiếm dùng. "Ngộ mị" là thức và ngủ. Trong "Bình Ngô đại cáo", bản dịch của Ngô Tất Tố viết "Những trằn trọc trong cơn mộng mị, Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi", thì bản chữ Hán của Nguyễn Trãi viết là 圖回之志, 寤寐不忘, tức "Đồ hồi chi chí, ngộ mị bất vong". "Ngộ mị bất vong" nghĩa là dù thức hay ngủ cũng không quên.

    Và còn một số chữ "ngộ" ít phổ biến nữa tụi mình không kể ra đây. Trong tiếng Việt, những chữ "ngộ" này dù viết (bằng chữ Quốc ngữ) và đọc giống nhau nhưng về mặt ngữ nghĩa thì hoàn toàn không giống nhau.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Photo by Quentin Dang on Unsplash
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng tám 2023
  4. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    ★ Địa - Thổ - Nhưỡng ★

    - Địa: Chữ "địa" vốn có nghĩa là "đại địa", tức là khắp mặt đất, tương phản với "thiên không" là bầu trời. "Địa" chỉ mặt đất, bao gồm cả sinh vật sống trên đó, nên hành tinh này gọi là Địa Cầu.

    - Thổ: "Thổ" là chất đất, tức là thứ mà chúng ta tạm hiểu là vật chất nằm trên bề mặt hành tinh này. Vì "thổ" dùng để gọi chất đất nên khi phân loại các kiểu đất người ta thường dùng chữ "thổ", như niêm thổ là đất sét, sa thổ là đất cát, nê thổ là đất bùn..

    - Nhưỡng: Từ "nhưỡng" này ít khi đi một mình mà đi chung với "thổ" thành từ "thổ nhưỡng". "Nhưỡng" là từ chuyên gọi đất mềm, xốp, đất để trồng trọt, canh tác.

    Ngoài những nghĩa chuyên biệt trên đây thì địa, thổ, nhưỡng cũng dùng để chỉ một khu vực, một vùng, một chỗ nào đó và còn nhiều nghĩa khác nữa, nhưng mà trong khuôn khổ bài phân biệt "Chúng ta không giống nhau" này tụi mình chỉ nói nhiêu đây thôi.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Ken Treloar on Unsplash
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng tám 2023
  5. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    Tịch:

    - Cô tịch: Chữ "tịch" này có nghĩa là yên tĩnh, hoang vắng. Chữ Hán viết là 寂 (cũng có chữ khác là 僻, nhưng truy nghĩa khởi nguyên thì 寂 sát nghĩa hơn). "Cô tịch" là lẻ loi, vắng vẻ, quạnh hiu. Đây chính là chữ "tịch" trong tịch liêu, tịch mịch, viên tịch.

    - Chủ tịch: Chữ "tịch" này vốn có nghĩa là cái chiếu, sau đó có thêm nghĩa là chỗ ngồi, do xưa trải chiếu ra mà ngồi. Rồi cũng có nghĩa là bữa tiệc do người ta trải chiếu ngồi mà ăn tiệc. "Chủ tịch" vốn có nghĩa là người ngồi đầu chiếu, đầu tiệc, rồi mở rộng nghĩa chỉ người đứng đầu của một tổ chức. Xưa cũng trải chiếu để làm việc nên chức vụ cũng gọi là tịch. Chữ Hán viết là 席. Đây cũng là chữ "tịch" trong khuyết tịch (vắng mặt), yến tịch, Mãn Hán toàn tịch.

    - Hộ tịch: Chữ "tịch" này nghĩa là sách vở, tài liệu, ghi chép, liệt kê vào sổ sách. Chữ Hán viết là 籍. "Hộ tịch" nghĩa là sổ sách ghi chép lý lịch dân cư. Đây chính là chữ "tịch" bí tịch, điển tịch, nhập tịch, pháp tịch, quan tịch, quân tịch, quốc tịch, thư tịch, tịch biên, tịch ký, tịch thu.

    - Thất tịch: Chữ "tịch" này có nghĩa là buổi chiều, buổi tối, bóng tối. Chữ Hán viết là 夕. "Thất tịch" là đêm mồng 7 tháng 7 âm lịch, tương truyền là đêm Ngưu Lang 牛郎 Chức Nữ 織女 gặp nhau. Đây cũng chính là chữ "tịch" trong tịch dương (tịch dương vô hạn hảo là nắng chiều đẹp vô cùng), triêu tịch (sớm chiều, nhất triêu nhất tịch là một sớm một chiều, nghĩa bóng là khoảng thời gian ngắn ngủi), trừ tịch (đêm giao thừa).

    Và còn một số chữ "tịch" không phổ biến nữa tụi mình không kể ra đây. Trong tiếng Việt, những chữ "tịch" này dù viết và đọc giống nhau nhưng về mặt ngữ nghĩa thì hoàn toàn không giống nhau.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Ảnh là hai ngôi sao Chức Nữ (tức sao Vega) và Ngưu Lang (tức sao Altair) bên hai bờ sông Ngân. Sao Chức Nữ sáng hơn, ở góc trên, bên trái. Sao Ngưu Lang dưới, khoảng giữa. Các bạn để ý thấy hai bên sao Ngưu Lang có hai ngôi sao nhỏ hơn, dân gian tương truyền đó là hai con của đôi phu thê mệnh khổ này. Hai "em bé" này cũng có tên, là sao Tarazed và sao Alshain.
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng tám 2023
  6. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    Khấu:

    - Khấu đầu: Chữ "khấu" này là động từ, có nghĩa là gõ, đập, dập, lạy. Chữ Hán viết là 叩. "Khấu đầu" là cúi lạy, quỳ lạy. Đây chính là chữ "khấu" trong khấu tạ, khấu môn (gõ cửa), khấu quan (gõ cửa quan, cửa công), bách khấu (trăm lạy).

    - Thảo khấu: Chữ "khấu" này có nghĩa là kẻ cướp, giặc, kẻ thù. Chữ Hán viết là 寇 (ngoài ra còn mấy cách viết nữa). "Thảo khấu" là kẻ cướp ở nơi hẻo lánh như rừng núi mà ta còn gọi là "giặc cỏ". Đây cũng là chữ "khấu" trong tặc khấu, ngoại khấu, biên khấu, địch khấu. Mấy chữ này ít dùng, đều chỉ kẻ thù, giặc cướp các kiểu.

    - Chiết khấu: Chữ "khấu" này nghĩa là bắt lại, giằng lại, trừ bớt. Chữ Hán viết là 扣. (Chữ 扣 và chữ 叩 nhiều khi dùng như nhau, thế cho nhau được) "Chiết khấu" là chia ra rồi trừ đi, bớt đi, xén đi một ít. Đây chính là chữ "khấu" trong khấu lưu (bắt giam, ta quen dùng "câu lưu"), khấu trừ.

    - Phượng khấu: Chữ "khấu" này có nghĩa là cái khuy áo, cái nút áo, ngoài ra còn có nghĩa là bịt vàng, nạm vàng lên trang sức. Chữ Hán viết là 釦. (Đôi khi cũng dùng là 扣 nhưng cá nhân tụi mình thấy dùng 釦 đúng hơn) Chữ "khấu" này tiếng Việt hiện đại ít dùng lắm. Gần đây nó xuất hiện trong tên "Phượng Khấu", nghĩa là cái cúc áo hình chim phượng, một biểu tượng quyền lực chốn cung đình.

    Tất cả những chữ "khấu" này và còn vài chữ "khấu" hiếm dùng khác nữa đều đọc là "khấu" nhưng về mặt nghĩa của từ thì hoàn toàn không giống nhau.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Ảnh từ proposal của đoàn làm phim Phượng Khấu
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng tám 2023
  7. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    ★ Giới ★

    - Giới thiệu: Chữ "giới" này có nghĩa là khoảng ở giữa, giữa hai cái, hai bên. Chữ Hán viết là 介. Xưa giao tiếp với nhau, giữa chủ và khách có một người truyền lời gọi là người "giới". Thiệu là nối liền, tiếp tục. Giới thiệu là đứng giữa mà giao tiếp giữa hai bên, để hai bên quen biết nhau, hiểu nhau. Sau này, giới thiệu không chỉ gói gọn trong giao tiếp giữa người với người mà còn mở rộng cho sự vật, sự việc. Đây chính là chữ "giới" trong giới từ, môi giới (媒介).

    - Thế giới: Chữ "giới" này có nghĩa là mốc (cột mốc), ranh (đường ranh), mức (hạn mức), cõi (bờ cõi). Chữ Hán viết là 界. Thế giới là cõi đời, cõi nhân gian, là thiên hạ. Đây cũng là chữ "giới" trong báo giới, biên giới, cảnh giới (như ranh giới hoặc trình độ), cương giới, địa giới, giới hạn, giới tuyến, hạ giới, môi giới (媒界), nhãn giới, nữ giới, pháp giới, sắc giới, tam giới, thiên giới, thượng giới, trần giới.

    - Phá giới: Chữ "giới" này nghĩa là phòng, tránh, cấm đoán, điều răn. Chữ Hán viết là 戒. Người nào không giữ các điều răn gọi là phá giới. Đây chính là chữ "giới" trong bảo giới, bát giới (8 điều răn của Phật), cảnh giới (cảnh giác, phòng bị, như tăng cường cảnh giới), giới luật, sắc giới, thụ giới, trai giới (ăn chay và giữ mọi điều răn cấm).

    - Cơ giới: Chữ "giới" này có nghĩa là vũ khí, khí cụ. Chữ Hán viết là 械. Cơ giới là máy móc khí cụ nói chung. Đây chính là chữ "giới" trong khí giới, quân giới, binh giới.

    Và còn một số chữ "giới" không phổ biến nữa tụi mình không kể ra đây. Trong tiếng Việt, những chữ "giới" này dù viết và đọc giống nhau nhưng về mặt ngữ nghĩa thì hoàn toàn không giống nhau.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Randolph Domingo on Unsplash
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng tám 2023
  8. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    ★ Tự ★

    - Văn tự: Chữ "tự" trong văn tự tụi mình từng nói rồi này. Chữ Hán viết là 字. Chữ "tự" này có nghĩa là chữ, giấy tờ, tên chữ. Ngoài ra, chữ "tự" này còn có nghĩa là người con gái đã hứa hôn. Ngày xưa, con gái nhận lời gả chồng thì cài trâm và đặt tên tự. Đây chính là chữ "tự" trong bát tự, chiết tự, danh tự, kim tự tháp, nhất tự thiên kim, số tự, thập tự, tự điển.

    - Thờ tự: Chữ "tự" này có nghĩa là cúng, tế, bái, lễ. Chữ Hán viết là 祀. Thờ tự nghĩa chung là thờ cúng tế lễ cho tổ tiên. Tự thiên là tế trời, tự tổ là cúng tổ tiên. Đây cũng là chữ "tự" trong phụng tự (ta hay nói thờ phượng), thừa tự.

    - Tự kỷ: Chữ "tự" này phổ biến này, có nghĩa là tự mình, riêng tư, tự nhiên, tất nhiên. Chữ Hán viết là 自. Cái gì do mình chủ động, chính mình, đích thân mình làm thì gọi là "tự". "Tự kỷ" là do chính mình, ta thường hiểu là một chứng bệnh phong bế, không hòa nhập được thế giới xung quanh. Ngoài ra, "tự kỷ" còn bị dùng để chỉ những người tự yêu bản thân. Cách dùng này không đúng, từ đúng phải là "ái kỷ". Đây chính là chữ "tự" trong tự ái, tự cao, tự cung tự cấp, tự chủ, tự cường, tự do, tự động, tự giác, tự hào, tự khiêm, tự lập, tự lực, tự mãn, tự nguyện, tự nhược, tự phát, tự phụ, tự quyết, tự sát, tự tại, tự thú, tự tiện, tự trị, tự trọng, tự truyện, tự túc, tự tử, tự tư tự lợi, tự ti, tự vẫn, tự vệ, tự xưng, tự ý.

    - Linh Sơn tự: Chữ "tự" này có nghĩa là ngôi chùa. Cho nên cách nói "chùa Linh Sơn tự" thì hơi bị thừa. Dù vậy, do ngôn ngữ có tính quy ước nên có nói "chùa Linh Sơn tự" thì cũng chấp nhận được, người Việt vẫn hiểu đúng (tương tự như "ngày sinh nhật", 'tiên đoán trước "vậy). Chữ Hán viết là 寺. Nghe nói đời vua Hán Minh đế (hoàng đế thứ 17 nhà Hán, Trung Hoa) có mời hai vị sư bên Thiên Trúc sang, vì chưa có chỗ ở riêng, mới đón vào ở" Hồng Lô Tự "鴻臚寺, vì thế về sau các chỗ sư ở đều gọi là" tự ".

    Ngoài ra còn có chữ" tự "nghĩa là bày tỏ, phân bày, thuật lại, chữ Hán viết là 敘. Đây là chữ" tự "trong thứ tự, trình tự, tự sự, tự thuật.

    Và còn một số chữ" tự "không phổ biến nữa tụi mình không kể ra đây. Trong tiếng Việt, những chữ" tự"này dù viết và đọc giống nhau nhưng về mặt ngữ nghĩa thì hoàn toàn không giống nhau.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Bundo Kim on Unsplash
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng tám 2023
  9. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    ★ Kiều ★

    - Việt kiều: Chữ "kiều" này có nghĩa là ở nhờ, đi ở nơi khác. Chữ Hán viết là 僑, giản thể viết là 侨. "Việt kiều" là người Việt nhưng không ở nước Việt mà ở nước khác, lãnh thổ khác. Những người không sinh sống ở nước mình nói chung gọi là "kiều dân". Đây chính là chữ "kiều" trong kiều cư, kiều bào, ngoại kiều, kiều hối.

    - Yêu kiều: Chữ "kiều" này có nghĩa là mềm mại đáng yêu, nũng nịu, xinh đẹp thường hay dùng để chỉ mấy cô gái, (con gái ngày xưa hay gọi là A Kiều) cũng có nghĩa là cưng chiều sủng ái. Chữ Hán viết là 嬌, giản thể viết là 娇. Đây là chữ "kiều" trong kiều diễm, kiều mị, kiều thê.

    - Cầu kiều: Ờ thật ra thì chữ "kiều" này chính là cái cầu, cây cầu đó. Chữ Hán viết là 橋, giản thể viết là 桥. Chữ "kiều" này giờ ít dùng, dân ta toàn nói là cầu luôn cho dễ hiểu. Quý vị có nhớ câu ca dao: "Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy"? Câu này có nhiều dị bản (nhất là cụm "phải yêu lấy thầy" nhưng ở đây không bàn tới), chữ "kiều" trong câu này cũng có mấy cách hiểu. Trong đó có cách hiểu "cầu kiều" là cây cầu đẹp (như chữ "kiều" thứ hai). Nhưng mà, trong các văn bản chữ Nôm (như "Nam quốc phương ngôn tục ngữ bị lục"), thì đều thấy viết là chữ "kiều" đang xét - 橋. "Cầu kiều" chẳng qua là cách nói gộp nửa Hán nửa Nôm như kiểu "binh lính", "trụ cột", "xiêm áo" vậy thôi.

    - Thúy Kiều: Vốn tưởng rằng chữ "Kiều" trong tên của nàng Kiều phải là chữ "kiều" thứ hai ở trên. Nhưng không, chữ Kiều này viết là 翹, có nghĩa là lông dài ở đuôi chim (làm liên tưởng đến các giống chim thiên đường có cái đuôi có mấy sợi dài thoòng đẹp xỉu các bạn ạ) Chữ "kiều" này cũng có nghĩa là vật trang sức của phụ nữ xưa, loại được thiết kế như đuôi chim. Rồi nó cũng có nghĩa là lẻn đi, trốn đi (làm nhớ đoạn trốn đi với Sở Khanh và bị hắn.. sở khanh). Và thêm một nghĩa nữa là vượt trội, xuất sắc. Như "kiều tú" 翹秀 nghĩa là tốt đẹp hơn cả, chỉ người đặc biệt giỏi giang. Ờ thì nói cho biết vậy thôi chứ tụi mình cũng chịu không biết khi xưa Thanh Tâm Tài Nhân hay Nguyễn Du là muốn dùng nghĩa nào của chữ "kiều" này.

    Ngoài ra, còn một số chữ "kiều" không phổ biến nữa tụi mình không kể ra đây. Trong tiếng Việt, những chữ "kiều" này dù viết và đọc giống nhau nhưng về mặt ngữ nghĩa thì hoàn toàn không giống nhau.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Andraz Lzic on Unsplash
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng tám 2023
  10. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    ★ Thư ★

    - Thư viện: Ô may quá chữ "thư" này dễ, hầu như ai cũng biết. Chữ "thư" này có nghĩa là sách, giấy tờ, văn kiện hay thư tín, cũng có nghĩa là chữ (thư pháp là phép viết chữ, biết tinh tường các lối chữ gọi là thư gia). Chữ Hán viết là 書, giản thể viết là 书. Đây chính là chữ "thư" trong án thư, bách khoa toàn thư, bí thư (vốn có nghĩa là quan coi giữ các giấy tờ bí mật), binh thư, chiến thư, chứng thư, dâm thư, Đại Việt sử kí toàn thư, gia thư, hưu thư (tờ giấy thôi vợ), khải thư, lệ thư, lục thư, mật thư, sắc thư, thi thư, thư cục, thư đồng, thư hàm, thư hương, thư hương thế gia, thư kí, thư lại, thư phòng, thư quán, thư sinh, thư tịch, thư xã, thượng thư (tương đương Bộ trưởng ngày nay), tình thư, tứ thư, văn thư.

    - Thư thả: Chữ "thư" này có nghĩa là giãn ra, duỗi ra, từ từ, chậm rãi, thong thả, chữ Hán viết 舒. Mượn nợ mà chủ nợ đòi gắt quá nên nói "Xin ông thư thư cho tôi ít hôm" thì có nghĩa là xin chủ nợ từ từ thôi, giãn ra cho mình ít ngày nữa (rồi mình có trả hay không thì chưa biết). Chữ "thư" này còn có nghĩa là thoải mái, thích ý, như "thư phục" là dễ chịu, "thư sướng" là thoải mái. Nguyễn Du viết trong bài "Ngọa bệnh kỳ 1" rằng: "Đa bệnh đa sầu khí bất thư" tức là nhiều bệnh nhiều sầu, tâm thần không thư thái.

    - Thư hùng: Chữ "thư" này có nghĩa là con chim mái, giống cái của các loài muông thú rồi từ đó chuyển nghĩa thành mềm mỏng, yếu đuối, chữ Hán viết 雌. Đối lại với "thư" chính là "hùng" - nghĩa là con trống, con đực của các loài muông thú. Trong từ "anh hùng" thì "anh" là hoa của cây, "hùng" là con đực khỏe mạnh, nên "anh hùng" là từ để chỉ nam nhân tài hoa khỏe mạnh hơn người. Ngược lại, nữ nhân tài hoa can đảm khí chất đầy mình thì gọi là "anh thư". Còn "thư hùng" là trống mái, đực cái, trai gái nói chung, rồi suy rộng ra là sự phiếm chỉ sự vật ngang bậc, rồi thành những cuộc hơn thua phân cao thấp. (Ngày nay chữ "anh thư" thường được viết là 英姐 với "thư" nghĩa là cô gái nói chung. Tuy nhiên, dường như trước đây, "anh thư" phải là chữ "thư" đang xét mới đúng. Trong "Tầm nguyên từ điển" của Lê Văn Hòe, 1942, chữ "anh thư" viết là 英雌). Chữ "thư" này ngày nay ít dùng, có một từ là "phục thư" nghĩa là.. gà mái, chim mái ấp trứng.

    - Ung thư: Đây là chữ "thư" người người đều sợ hãi. Chữ "thư" này vốn có nghĩa là cái nhọt nhưng không sưng đỏ, chữ Hán viết 疽. Sẵn nói luôn chữ "ung", "ung" là cái nhọt sưng đỏ. "Ung thư" là từ chỉ các loại nhọt sưng và không sưng nói chung, và giờ thì nó được dùng để chỉ một loại bệnh mà ai cũng biết là bệnh gì đấy. Ngoài "ung thư" thì chữ "thư" này cũng không phổ biến cho lắm, tiếng Việt ít dùng.

    Ngoài ra, còn một số chữ "thư" không phổ biến nữa tụi mình không kể ra đây. Trong tiếng Việt, những chữ "thư" này dù viết và đọc giống nhau nhưng về mặt ngữ nghĩa thì hoàn toàn không giống nhau.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Heather Mount on Unsplash
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...