Chúng ta hiểu về người nhật như thế nào qua các tác phẩm văn học

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi mimii188, 10 Tháng năm 2022.

  1. mimii188

    Bài viết:
    1
    Lịch sử văn chương một đất nước không phải là lịch sử khách quan đơn thuần của quốc gia ấy mà là lịch sử tâm hồn của một dân tộc, của muôn thế hộ đã sống và chết trên mảnh đất ấy. Nó lắng sâu dưới lớp bụi thời gian và sự tầm thường của hiện thực, kết tinh thành một lõi trong suốt, tinh khiết dường như chỉ có kẻ tri âm, si tìm mới có thể chạm tới được. Tôi yêu tâm hồn Nhật qua thơ ca dẫu biết rằng trong thực tại sự lạnh lùng, tầm thường và xấu xa hiện diện nhưng tôi vẫn si mê cái lõi tâm thức trong trẻo đằng sau lớp bụi ấy.

    Người Nhật tinh tế, nhẹ nhàng, mọi hành động, cảm xúc đều nhẹ tựa hư không mà lại sâu sắc đến lạ thường. Những cánh thơ Haiku êm đềm tựa làn gió thoảng qua mà như mang tới hương thơm của ngàn hoa, cả thế gian bộng dừng lại trong một chén trà, cả vụ trụ tựa như đọng lại trong một giọt sương. Chỉ trong hơn mười mấy chữ Những nghi lễ trà đạo trong Ngàn cánh hạc nhẹ nhàng tỉ mỉ tưởng như lướt qua mà lại lắng sâu trong cảm xúc. Dẫu đã được dịch ra một ngôn ngữ khác nhưng sự tinh tế trong từng câu văn, từng cảm xúc tế vi nhất vẫn ám ảnh tựa như một linh hồn bất diệt từ những bài waka trong Bách nhân nhất thủ, Con đường hẹp đi vào tâm thức của Basho đến những truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata thậm chí ngay cả trong những áng văn trào phúng, phóng khoáng của Akutagawa, ta vẫn thấy sự khéo léo trong từng chi tiết.

    Người Trung Quốc gắn liền với tư duy thực tiễn, người Ấn Độ ưa sự suy tư huyền bí, người Nhật lại thiên về tình cảm, cảm xúc. Đừng bao giờ mang lí trí, lập luận logic máy móc để hiểu những áng thi ca Nhật Bản bởi điều nhận lại chỉ có thể là sự vô nghĩa và phi lí. Nhưng chữ vô ấy trong tâm hồn kẻ lữ nhân si mê thi ca nước Nhật thì không phải là vô nghĩa mà là vô trong vô tận, vô cùng. Những hình ảnh, những chi tiết tưởng như hoàn toàn phi lí trong thực tại lại trở nên rực rỡ và vi bởi cảm xúc, cảm giác ngập tràn của một thế giới siêu thực vượt qua sự tầm thường của hiện thực khách quan. Đó là hình ảnh những người đẹp ngủ say vừa đánh thức sự say mê nồng cháy trong tâm hồn ông lão già nua vừa như một sự chế nhạo, mỉa mai vào nỗi cay đắng, bất lực của tuổi già. Đó là hình ảnh gương mặt cô gái hiện lên trong chuyến tàu về xứ tuyết đầy diễm lệ và ám ảnh. Những chi tiết tưởng như vụn vặt qua tâm hồn nhạy cảm và dạt dào của Nhật Bản chợt ánh lên màu sắc tuyệt diệu..

    Bên cạnh những tác phẩm văn học, phim Anime còn chứa đựng rất nhiều triết lý và câu chuyện trong đó, từng chi tiết nhân vật, chi tiết sự việc đều nổi bật lên sự tỉ mỉ cũng như cách hành văn đầy thấu cảm như nhập tâm vào nhân vật. Còn nhớ Mộ đom đóm, bộ phim lấy nước mắt biết bao nhiêu ngườii coi, nhưng dù bao lâu chúng ta cũng đều ngạc nhiên vì quá nhiều chi tiết đạo diễn lồng ghép vào mà đôi khi chúng ta đã bỏ sót, từ porter khi dùng màu sắc để che đi màu của bom đạn, từng chi tiết nhỏ nhỏ trong phim cũng để thấy một đạo diễn tài tình ra sao đau lòng cho những số phận bị chiến tranh ảnh hưởng dẫn đến mất mát gia đình người thân..

    Đến với Nhật Bản là hành trình phiêu lưu trong cái đẹp và nỗi buồn. Người Nhật yêu cái đẹp, coi cái đẹp như một lí tưởng cao cả, một khát vọng tuyệt đích nhưng ở một đất nước mà vạn vật đều có thể bị hủy diệt tàn phá bởi bàn tay của thiên nhiên bất kì lúc nào thì cái đẹp ấy cũng mong manh và đi liền với nó là bi cảm. Khát vọng bất tử hóa cái đẹp luôn ẩn hiện trong từng trang văn, từng bức họa, từng nghi lễ trong trà đạo. Dáng nàng nàng geisha bước đi trong tuyết trắng được Kawabata cực tả tựa như khung cảnh ấy có một linh hồn vút lên nhập thể trở thành những ám ảnh trong hồn người lữ khách. Từng áng văn, áng thơ của xứ sở Phù Tang nói chung đều có nhịp điệu nhẹ nhàng chậm rãi tựa như từng cánh hoa anh đào khẽ rơi có lẽ là bởi họ muốn vĩnh viễn hóa những khoảnh khắc mong manh tuyệt đẹp ấy Cảm xúc dâng trào khi chạm tới cái đẹp lại đi liền với cảm thức mong manh và bi cảm mất mát nhưng khác với văn học Tây phương nơi nỗi đau trước sự tàn phai được diễn tả tới tột cùng, người Nhật nhẹ nhàng chấp nhận nỗi buồn như một xúc cảm lắng sâu, thường trực trong tâm hồn họ. Đó là nỗi buồn man mác, trong sáng lan tỏa trong những cánh hoa anh đào bay và tiếng chuông thành Edo:

    Anh đào trắng như mây

    Xa xa tiếng chuông vọng

    Từ Asakusa hay từ Ueno

    (Basho)

    Hay sự ám ảnh tội lỗi hiện lên cùng cái đẹp diễm lệ nơi Ngàn cành hạc. Trong tâm hồn con người xứ sở phù tang, cuộc đời mong manh này không gì khác ngoài một chuyến phiêu lưu đi kiếm tìm cái đẹp, mỗi con người là một vĩnh viễn lữ nhân bởi vậy họ nguyện ra đi vào khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của cuộc đời để bất tử hóa cùng cái đẹp. Người Sumurai nguyện dùng cái chết bằng hình thức đau đớn nhất chứ không chịu đầu hàng nhục nhã..

    Chẳng có dân tộc nào là hoàn mỹ và thượng đẳng nhưng mỗi dân tộc đều có những nét đẹp, nét nhân văn trong trái tim để đồng cảm, thấu hiểu và yêu thương. Hãy nhìn nhận học hỏi những giá trị tốt đẹp thông qua văn chương, những giá trị mà tác phẩm đem lại.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...