Truyện Ngắn Chúng Nó - Lam Thu

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Lam Thu, 20 Tháng tư 2020.

  1. Lam Thu

    Bài viết:
    19
    CHÚNG NÓ

    TÁC GIẢ: LÂM THU

    THỂ LOẠI: TRUYÊN NGẮN

    * * *

    Chúng nó là ba nhóc tì cùng sống với tôi trong khu tập thể Số 7 Đặng tất của Ủy ban kế hoạch nhà nước (bây giờ là bộ Kế hoạch đầu tư). Khu nhà hồi đó chia làm 2 phần: Một cho các chú độc thân - các chú "cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ" để vù về sớm cùng vợ con ở quê vào mỗi chiều thứ bảy. Phần còn lại là dãy nhà ngang cho các hộ gia đình, trong đó có một căn phòng thật nhỏ, chỉ đủ kê hai cái giường, nơi chúng nó lần lượt sống. Phải nói rằng trong khu tập thể còn có hai đứa con gái trạc tuổi tôi nữa là Kim Bảng và Thanh vân, cả hai đứa cùng xinh. Kim Bảng thì quá vất vả với lũ em trai béo múp, cởi trần trùng trục, nghịch như quỷ sứ. Suốt ngày nó la hét, thét lác, cầm theo một cái chổi cùn để lùa lũ ấy vào nhà nên chả thời giờ đâu đánh bạn với ba tên kia. Còn Thanh Vân óng ả nhu một nàng công chúa nhỏ, con gái một của chú Tánh, chú cũng sạch sẽ, trau chuốt y như nó, có lẽ vì thế nó không chơi với ba tên đó hay là ba tên cũng cóc cần chơi với nó nữa không biết. Chỉ biết là một mình tôi đã lần lượt chơi với cả ba tên khi chúng ở trong căn phòng bé bằng lỗ mũi đó.

    Tên thứ nhất: Văn nghệ. Gọi nó như thế vì nó hát rất hay. Giọng nó trong vắt cao và mảnh. Trông nó cũng thế, gầy gầy, da mỏng tanh, đến giờ tôi vẫn nhớ có rất nhiêu gân xanh nhỏ li ti trên phía cằm, sát hai tai của nó. Thời đó chẳng có gì để chơi, cả nhà chỉ có một cái loa phóng thanh được gắn trên cái cột ngay trước phòng tôi. Buổi tối cơm nước xong, mọi người lại xúm lại nghe thời sự, ca nhạc, đọc chuyên đêm khuya. Lúc ấy nó thường rủ tôi về phòng nó, nơi nó đã thiết kế một sân khấu ca nhạc có dàn đèn chiếu sáng bằng những đồng xu lấp lánh, có đầy đủ phông màn bằng những chiếc khăn mùi xoa của Tiệp và một dàn ca sỹ hát đồng ca, tốp ca, đơn ca bằng duy nhất giọng hát của nó - một lủ gà trống, gà mái thỏ, heo, vịt ban ngày nằm chất đống trong các giỏ đồ chơi, tối đến xếp hàng thẳng tắp và cất cao tiếng hát. Thỉnh thoảng nó lại biểu diễn múa rối, cũng vẫn cái lũ đồ chơi ấy, còn nó điều khiển chúng bằng hai tay và liên tục đối thoại bằng nhiều giọng khác nhau. Tôi xem nó biểu diễn không thiếu một buổi, còn nó, chỉ với mỗi mình tôi làm khán giả, nó vẫn biểu diễn hết mình.

    Ít lâu sau, chị nó từ Tiệp về, mang theo không biết bao nhiêu những tờ giấy gói kẹo đủ màu sắc, thơm phưng phức, thế là một chiến dịch mới bắt đầu, vẫn nó đầu têu. Ba chúng tôi đi khắp nơi, nhặt về những hòn sỏi nhỏ, những hạt na, hạt bưởi mang về rửa thật sạch, phơi khô và lấy mấy tờ giấy kia gói lại thành những viên kẹo đẹp mê ly. Hà nội ngày ấy toàn kẹo không giấy gói, làm từ bột với đường, đen sì sì mà cũng chẳng mấy khi có mà ăn. Nó cho tôi một nắm đem về để.. ngắm. Thỉnh thoảng có các anh chị đến chơi, mắt họ sáng choang khi nhìn thấy chúng và rồi cũng chỉ thế thôi, có bao giờ thần đèn hiện lên đâu để biến chúng thành kẹo cho mình.

    Tết năm ấy, nó hẹn tôi đi chơi đêm giao thừa, tôi hứa chắc như bắp là sẽ đi và giục nó ngủ sớm để đêm còn dậy. Thế rồi ngủ luôn một mạch đến sáng. Sáng hôm sau. Mồng Một tết, bà nội tôi kể nó đã ngồi chờ tôi rất lâu, sau đó mới về nhà. Tưởng nó giận, hóa không. Nó cầm theo một gói đồ ăn thật to và một tay nải to tướng, hai tên chạy vụt ra khỏi nhà. Chúng tôi lao đến phố Phan đình Phùng, khúc từ Đặng tất lên Bách thảo, cứ đến mỗi một gốc cây nó lại bỏ xuống một nắm kẹo và phủ lên trên một lớp lá sấu khô, chẳng hiểu trong đầu nó nghĩ gì khi đó, có thế nó sẽ khấn để chúng biến thành kẹo thật, có thế nó bắt chước hai em bé bị bắt bỏ vào rừng đã rải sỏi dọc đường đi, để ban đêm dưới ánh trăng vằng vặc những viên sỏi đó sáng rực lên ánh bạc, chỉ đường cho hai em bé về nhà.. Chúng tôi đã có bốn năm tình bạn trẻ con như thế từ năm tám tuổi đến năm mười hai tuổi thì nó chuyển nhà. Trong bốn năm ấy tôi nhớ rất rõ, tôi với nó chua bao giờ cãi nhau. Nó chỉ làm cho tôi vui thôi và chỉ huy con bé cứng đầu trong tôi bằng sự hiền hậu của nó.

    Sau khi tốt nghiệp lớp Mười, chúng tôi được sang Lien xô du học. Đấy là mùa hè năm 1969, năm bão lụt hoành hành khắp các tỉnh miền Bắc. Chúng tôi lên đường bằng tàu thủy, một con tàu sang nhất Liên xô lúc bấy giờ. Bảy ngày đêm lênh đênh trên biển, lần đàu tiên được nhìn thấy đại dương xanh biếc, một đại dương rất hiền hòa trong mắt chúng tôi, được thấy sóng biển dập dềnh và từng đàn hải âu chao liệng. Tất cả đều muốn cất cao tiếng hát. Đêm đêm trên boong tàu, noi cao nhất có một sân khấu ca nhạc và đêm nhạc đầu tiên, người mở màn là một chàng trai cao, mảnh khảnh trong bộ vét chỉnh tề. Tiếng hát chàng hòa cùng tiếng sóng vỗ vào mạn tàu, cùng tiếng gió vi vu hào phóng thổi trên đại dương, vừa đệm Piano chàng vừa hát.. chẳng lý do gì để tôi không nhận ra nó - cậu bé tám tuổi ngày xưa của tôi, chiếc vé duy nhất để tôi có thể trở lai với tuổi thơ đã vĩnh viễn xa xôi. Một tuổi thơ êm đềm, hồn hậu, trong veo và ấm áp như ánh nắng ban mai khi bình minh rọi tới.


    CÒN NỮA
     
    Last edited by a moderator: 21 Tháng tư 2020
  2. Lam Thu

    Bài viết:
    19
    Phần cuối: HAI TÊN: LẦM LÌ và SINH SỰ

    Ngay trong ngày tên Văn nghệ chuyển đi, khoảng 4 - 5 giờ chiều bốn người khác chuyển đến: Một chú trung tuổi, nhìn rất hiền và một cô trông dáng khô cứng, lạnh như băng, đi cùng với hai tên nhóc khoảng 12 - 14 tuổi.. Một tên đen sì sì, mắt trô trố, gầy nhom chạy trước. Tên kia trắng hơn một tý, mập mạp, chắc như nắm cơm, đầu trọc lông lốc theo sau. Ai cũng tưởng đấy là một gia đình với một ông chồng RÂU QUẶP và bà vợ đáo để.. Ba tôi đón họ (ba tôi là trưởng nhà) và đưa về phòng: Chú hiền hiền và tên nắm cơm lên ở gian chái của khu độc thân. Cô và tên còm nhom vào đúng phòng của tên Văn nghệ. Cuộc sống mới đã bắt đầu như thế với họ.

    Từ đó nhà tôi mất đi sự yên ắng cố hữu. Hai tên kia suốt ngày cởi trần trùng trục, la hét inh ỏi với các trò quái của bọn con trai: Đá bóng, đánh khăng, choi bi, đánh đáo.. toàn những cái trò chẳng "văn minh nhân loại" tí nào. Thế mà tưởng hay, trong khi các chú trong khu tập thể buổi tối mắc ngon đèn 500 wh lên, đánh bóng bàn, Chơi cờ tướng, bóng chuyền.. thì chúng nó chỉ biết há hốc mồm đúng xem, cắm cúi đi nhặt bóng hay lăng xăng rót nước. Một hôm chúng nó lại ầm ĩ trước sân, tôi chạy ra dẹp loạn thì tên nắm cơm (tôi gọi nó là tên Lầm Lì) bỗng tỏ ra thân thiện:

    - Mày ra chơi với chúng tao, mày biết chơi gì không?

    - Tao biết chơi.. chuyền

    - Sì.. ì.. ì.. mấy trò của bọn con gái - tên còm nhom bĩu môi, trông thật đáng ghét (cũng từ đấy tôi gọi nó là tên SINH SỰ) Tôi bỗng nhớ bộ đố cá ngựa vứt lăn lóc trong nhà và một bộ bài Tu lơ khơ thế là bê ra, hai thằng trông thấy, mắt sáng choang, tranh nhau chia bài. Cũng nhờ có phút giây "định mệnh" đó mà giữa chúng tôi mới có một "tình thân mến thân" kéo dài tới năm năm trời.

    Tôi chơi với chúng nó, ngang ngửa, chẳng kém cạnh gì. Tôi tham gia vào tất cả các trò mà chẳng buồn nghĩ, nó có "văn minh nhân loại hay không". Cùng trèo me, sấu, cùng đi bắt ve sấu, đổ dế. Cùng đi ăn trộm su hào, bắp cải của các cô chú khác khu tập thể trồng ven hồ Trúc bạch và cùng chạy trốn chí chết khi bị phát hiện.

    Hai tên dạy tôi đánh xèng, chẳng bao lâu, tôi chấp cả hai mà chúng vẫn thua. Tên Sinh Sự cáu lắm, tên Lầm Lì chẳng chẳng rằng rằng mời bằng được một tên chơi giỏi nhất khối 8 về (tôi học khối 6) và trong sự ngỡ ngàng của cả hai tên, Tôi thắng sư phụ của chúng.

    Kể từ đó bọn chúng nể tôi nhiều hơn. Mỗi đứa đã bí mật "hối lô" tôi theo kiểu của mình. Tên lầm Lì theo bố về quê, chở lên một bao tải khoai lang to tướng. Hai bố con hì huc luộc, thái mỏng, phơi khô rồi treo lên xà nhà. Cứ vài hôm nó lại kéo tôi sang phòng, chất bàn ghế lên. Tôi giữ, còn nó leo lên moi ruột bị khoai đó. Công nghệ moi khoai của nó tuyệt vời đến nổi hai tên chén tì tì không biết đến bao nhiêu lần mà bị khoai vẫn căng phồng, chắc chắn như mới. Mãi đến một hôm, tôi nghe tiếng quát rất to từ bên nhà nó, rồi thấy nó chạy vụt ra khỏi phòng, nó biến đi đâu mất ba ngày, chú tất tả đi tìm không thấy. Rồi nó lù lù vác xác về, mắt đỏ ngầu, mặt mũi lem nhem, bụng đói mốc meo. Tôi xới cho nó một tô cơm ú ụ, nó chén một mạch hết sạch rồi bỏ đi. Tôi chạy theo, rình xem nó trốn ở đâu, rồi méc chú. Thế là hai cha con lại đoàn tụ.

    Còn tên Sinh Sự thì bí mật cắt cắt, xén xén rồi dúi vào tay tôi mấy cuốn truyện nó cắt ra từ trong báo: Rừng thẳm tuyết dày, đầu giáo sư Do Oen, Nam tước Phôn gôn Rinh.. toàn là những truyện mê ly, bách thủ, đu đủ, thịt bò kho thời đó

    Phá phách suốt ngày nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn.. học bài. Lúc đó tôi trèo lên cây sấu trước sân, tên Lầm Lì ngồi vắt vẻo trên cây bàng, còn tên Sinh Sự nó chọn một cái cột ở hiên nhà, gần hai cây nhất và gào lên như Cuốc kêu "Tổ quốc ta, tổ quốc ta, biển rộng bao la, sông dài bất tận, từ Mục nam Quan đến mũi Ca mau.." nghe mà điên hết cả người.. Chả thế mà tên kia lâu lâu lại cho nó một cái tát cho bõ ghét. Rồi một hôm tôi chứng kiến tận mắt hai tên đánh nhau. Thật kinh khủng, chúng xông vào nhau, hung hăng, dữ tợn, chẳng biết trời đất là gì. Cứ mỗi lần tên Sinh Sự bật dậy lại bị tên kia đánh ngả lăn ra đất, nó mím chặt môi, nhịn đau, lao vào đánh tiếp. Tôi vớ được một cành cây khô, tức tốc lao đến, tay vung loạn xạ. Trông lúc đó tôi chắc giống Bạch cốt tinh lắm hay sao đó mà hai tên buông nhau ra. Tôi kéo thằng Sinh Sự chạy, lúc ngoái lại, tôi thấy thằng Lầm Lì mặt hầm hầm, ném rất mạnh về phìa chúng tôi một cái gậy thật to. Chỉ nghe thấy "Ự" một tiếng, đau điếng người, tôi thấy trời đất quay cuồng, hình nhu xương sống tôi đang gãy đôi, hình như tôi sắp chết. Tôi nhắm tịt mắt, chết đứng mấy giây, rồi hình như chúng nó lôi tôi vào tường, cho dựa vào đó, tôi nghe tiếng lao xao. Hốt hoảng của ai đó cho đến lúc mở đươc mắt ra, nhín trừng trừng vào hai khuôn mặt đáng ghét, tên Sinh Sự mặt tái mét, rối rít hỏi thăm, tên kia mắt đỏ ngầu, mồm méo xệch. Chẳng nói chẳng rằng tôi đẩy mạnh hai tên ra bước nhanh về phòng, mặc kệ cho chúng nó lẽo đẽo theo sau, mặc kệ cho tên Lầm Lì thề sống thề chết không ném vào tôi, mặc kệ cho chúng vặc nhau "tại mày).

    Chỉ có mỗi hai trò được coi là" văn minh nhân loại"nhất lúc đó của ba tên là đọc truyên và xem phim. Tôi rất nhiều truyên, ba tôi đã phải đóng cho mấy hộp bìa cac ton mới đưng hết. Tên Sinh Sự cũng chả kém và nó gầm gừ so bì với tôi từng chút khi tôi có cuốn sách nào mới. Ba tên cùng mê phim, chúng tôi thường đến rạp Đống Đa, Đại Đồng xem không sót phim nào. Hồi ấy có một bộ phim vui: Đại Lý, Tiểu Lý, lão Lý chiếu đúng lúc tên Lầm Lì vừa mới mổ ruột thừa, trong khi tên Sinh Sự ngoắc miệng cười thì nó phải quay lưng về phía màn ảnh, cười như mếu.

    Rồi năm tháng qua rất mau, chúng tôi đã trở thành những chàng trai và cô gái. Tên Sinh Sự chuyển đi nơi khác, tên Lầm Lì lại chuyển đến căn phòng nhỏ xíu của tên Sinh Sự, đã xuất hiện bên nó những cô nàng thật xinh, đặc biệt là hai cô Thanh Huyền và Minh Huyền - một cô cao lớn, tóc dài quá thắt lưng, xinh như văn công quân đôi, Cô kia nhỏ nhắn, má lúm đồng tiền xinh xinh. Nò cười tươi khi đón hai nàng đến và đưa hai nàng về, hất đầu rất nhanh và cười toe toét với tôi, nó chẳng kể gì về hai nàng ấy, lẳng lặng lầm lì nhặt rau muống và múc nước cho tôi nấu cơm khi các nàng đã ra về.

    Rồi một ngày kia nó khoe với tôi chiếc xe đạp láng coong bố nó vừa mua, nó bắt đầu diện những chiếc áo sơ mi chải chuốt sáng màu, buổi tối nó vác xe đến trước phòng tôi, kinh coong, kinh coong mời gọi và tôi bắt đầu thấy ghét, không thích cái vẻ bóng lộn của nó Thế rồi nó biến đi đâu ba tháng, khi quay về nó đen xạm, trông nó rắn rỏi hẳn lên, nói cười ra điều phấn chấn lắm. Tối lại kinh coong, kinh coong và lần này thì tôi gật đầu cái rụp. Nó chở tôi đi lòng vòng khắp Phan dình Phùng, Nguyễn cảnh Chân, rồi đường Thanh niên, Bách thảo, nó đãi tôi bao thứ ngon lành mà ngày nào ba đứa nuốt nước bọt ừng ực ngó lơ. Nó khoe, vừa mói đi lao động ở một nông trường xa xôi nào đó..

    Tên Sinh Sự thỉnh thoảng vẫn ghé qua thăm, tất nhiên là nó được đón tiếp vô cùng long trọng, chúng tôi lại đến bên những cây sấu, cây bàng năm xua, đi đến cây khế cây na, cây mít, nơi xảy ra chiến trận ngày nào.. Lúc này chúng nó đã là những cháng trai cao tren 1m70, Sinh Sự da ngăm đen, dáng thanh chắc, đẹp như một chàng Arhentina, đôi mắt của nó đen, sâu thẳm và phủ hàng mi dài mượt, đến đàn bà cũng phải ghen. Tên kia thì trắng, mắt nâu sáng, trong vắt, có không biết bao nhiêu tia nắng lấp lánh trong đôi mắt ấy.. Khi cả hai tên cùng cười thì chao ôi, đến trời đất cũng ngả nghiêng..

    Cây sấu ra hoa, rồi sấu rụng trái, cây bàng khoe sắc đỏ rồi lại trơ ra cũng cành khô đen. Chẳng có bản tình ca mùa đông nào ngân nga trong trái tim làm việc lệch thời khóa biểu của tôi, chẳng có khúc hát say sưa một thời thiếu nữ * nào vướng vất trong khu vườn xưa, trong ngôi nhà cũ ấy.

    Tên Lầm Lì sang Nga trước tôi một năm, nó học tự động hóa ở Rostov na Donu, một trong những thành phố đẹp nhất của Nga, noi có dòng sông Đông huyền thoại. Nó viết thư về, bảo rằng Sông Đông vẫn như trong câu chuyện chúng tôi đọc ngày nào, qua bao chiến tranh, bao nhiêu cuộc cách mạng gào thét mà sông vẫn êm đềm như chưa bao giờ cuộn sóng, nó hay lang thang dọc bờ sông, ngắm nhìn những người đàn bà ra sông gánh nước. Sau lung họ là những cháng Cô dắc cưỡi ngựa chầm chậm bước theo. Nó vẫn lần theo những còn đường mòn phủ bụi quanh co, nở đầy hoa cúc trăng.

    Năm sau tôi sang Nga, tên Sinh Sự đi Rumani hoc nganh Dầu khí. Tôi đi bằng đường thủy, nó đi đường bộ. Tôi bặt tin nó từ đấy.

    HẾT,


    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]
     
    Phan Kim Tiên, TRANG SACHImRuyi thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...