CHỨNG NHÂN THỜI GIAN Tác giả: DayJoy ".. Chúng ta đang ở khu trưng bày đồ gỗ. Khác với đồ đồng, cổ vật gỗ chủ yếu là những vật dụng với kích thước nhỏ gọn, chiếc tráp xinh xắn này là một ví dụ điển hình. Ai có thể cho cô biết nó dùng để đựng gì không? Lâm nhé? Lâm! LÂM!" Theo tiếng gọi có phần không mấy hài lòng của cô giáo, cả lớp cùng quay đầu nhìn về phía cậu bạn tên Lâm đứng ở cuối hàng. Cậu đeo tai nghe, miệng nhóp nhép miếng kẹo cao su, đang cúi đầu chăm chú vào ván game dang dở trên máy tính bảng. Rõ là từ nãy tới giờ Lâm chỉ mải mê làm việc riêng mà bỏ ngoài tai những gì cô giáo nói. Vốn có chút nổi loạn lại cực ghét các môn xã hội nên Lâm rất bài xích chuyến tham quan này. Bị cô giáo chỉ mặt gọi tên, lại đối diện với những ánh mắt lom lom của bạn cùng lớp, Lâm thấy hơi xấu hổ. Cậu vùng vằng nhét máy tính bảng vào ba lô rồi đưa mắt nhìn về chiếc tủ kính nơi trưng bày cổ vật với vẻ bực bội thấy rõ. Phiền phức thật đấy! Cổ vật thì có gì đẹp? Lịch sử thì có gì hay? Rặt những thứ cũ kỹ, xấu xí và vô giá trị! Bên trong tủ kính là vài món đồ mang đậm dấu vết xưa cũ, đa số đều loang lổ những mảng hoen gỉ, nứt vỡ. Thứ vừa được cô giáo nhắc tới là một chiếc tráp hình chữ nhật dẹt. Vân gỗ đen đỏ đã bạc phếch theo năm tháng, trên nắp chạm rỗng những hoa văn phức tạp mà Lâm không thể gọi tên. Các góc cạnh của tráp đã bị mài mòn, chiếc khóa thếp vàng ở mặt bên cũng không còn nhìn ra hào quang lấp lánh của một thời hoàng kim nữa. Biết bao thăng trầm thời gian đã phủ lên món đồ một lớp bụi phong sương, tang thương mà cổ lão. Lúc này đây, lớp bụi ấy như đang chuyển mình từ vô hình sang hữu hình. Lâm thậm chí có thể trông thấy những hạt li ti bay lên và tản ra thứ ánh sáng lấp lánh. Số lượng hạt dần dày đặc rồi lóe lên đến chói mắt, chiếm trọn không gian rộng lớn của sảnh trưng bày. Cảnh vật xung quanh bỗng chốc biến ảo khác thường. Mọi màu sắc như nhòe đi, cột nhà thẳng tắp bị một lực lượng vô hình bóp méo, uốn thành những dải sóng cong vẹo. Ánh sáng nuốt chửng mọi thứ xung quanh, trong đó có Lâm. Chuyện gì đang xảy ra thế này? Chưa kịp định thần lại, Lâm đã cảm thấy trước mắt tối sầm. Cậu choáng váng đổ vật xuống sàn. Cơn đau khi thân thể tiếp xúc với mặt đất không hề xuất hiện, thay vào đó là một cảm giác nhẹ bẫng như vô trọng lực. Lâm ngỡ ngàng mở mắt để rồi lại rơi vào hoang mang tột độ. Rường cột chạm trổ, bình phong khảm nạm, rèm lụa thêu hoa, huân hương thơm ngát.. Giữa khung cảnh cổ xưa chỉ từng thấy trên phim dã sử, có tiếng ngâm nga vang lên nhè nhẹ. "Có cưới mà chẳng có cheo, Nhân duyên trắc trở như kèo không đanh." "Mẹ.. Con hiểu mà, nhưng thế này thì làm khó cho A Lang quá." "Còn chưa gả qua đã biết giữ của cho chồng rồi đấy! Đây là tục lệ bắt buộc, nếu ngay cả tiền nạp cheo và lễ vật cho nhà gái mà nó còn không lo được thì sao có thể cho con gái của mẹ một cuộc sống nhung êm đệm gấm? Không chỉ thế, lục lễ còn lại, nhất là lễ nạp chính càng phải chu toàn, tươm tất thì mới được qua cửa làm rể nhà này!" "Kìa mẹ.." "Thứ này con cứ giữ lấy, để chung với của hồi môn, xem như tài sản riêng. Gở mồm, lỡ mai sau có chuyện gì thì còn có cái mà phòng thân." Đoạn đối thoại của hai người phụ nữ vang lên bên tai Lâm, một trẻ trung nũng nịu, một già dặn hiền hòa. Cậu đưa mắt nhìn, thấy ngồi trên chiếc đôn cạnh bàn trang điểm là một cô gái trẻ trong bộ cổ phục thướt tha. Đứng cạnh cô là người phụ nữ lớn tuổi ăn vận già dặn hơn. Cô gái đang cúi đầu ngắm nghía thứ gì đó trên tay. Qua hình chiếu vàng vọt từ tấm gương đồng trên bàn, Lâm có thể thấy đó là một chiếc tráp hình chữ nhật dẹt với những vân gỗ đen đỏ bóng loáng. Nắp hộp được chạm rỗng hoa văn phức tạp, bên cạnh có ổ khóa vàng lấp lánh tinh xảo. Từ những ngón tay vuốt ve đầy dịu dàng tới vẻ mặt thẹn thùng nhưng không giấu nổi hân hoan của cô gái cũng có thể thấy, chiếc tráp là món đồ mà cô vô cùng quý trọng. Quả thực, đây chính là một phần lễ vật trong lễ nạp cheo mà đức lang quân tương lai của cô đưa tới. Ở cái thời mà chuyện hôn nhân dựa theo lệnh cha mẹ, lời mai mối này, được nên duyên với người mình thương đâu chỉ đơn giản là hạnh phúc. Chiếc tráp và đồ trang sức bên trong vừa là lễ vật theo tập tục cưới gả, vừa chất chứa vô vàn mong cầu, kỳ vọng của đôi người yêu về nửa đời sau viên mãn. Nghĩ đến đây, cô gái lại không giấu nổi ý cười đong đầy đáy mắt, bàn tay lại lần nữa mơn trớn theo những góc cạnh cứng cáp của chiếc tráp. Theo chuyển động của những ngón tay ấy, một lớp bụi vàng lấp lánh lại bị khuấy động lên, rồi như được gió dẫn dắt mà tản ra xung quanh, bay về phía Lâm. Nhớ lại những gì đã xảy ra ở viện bảo tàng, Lâm liền nhắm tịt mắt lại chờ đợi. Quả nhiên, Lâm vừa khép mắt, trời đất đã xoay chuyển. Lúc này, cậu đang lơ lửng trên không trung. Gió nhẹ thoảng qua, hương cỏ xanh và mùi ngai ngái, tanh nồng của bùn đất xộc thẳng vào khoang mũi. Dưới chân cậu là một mặt sông không hề phẳng lặng. Nước sông cuộn trào, sóng dữ dâng cao. Từng dòng chảy hung mãnh đang vặn mình hình thành nên những xoáy nước dữ tợn, nuốt chửng đoàn đưa dâu đang sang sông. Giữa làn nước đục ngầu rải rác những mảnh gỗ tan tác, tấm giấy cắt thành hình chữ Hỷ đỏ tươi giờ rách bươm nhàu nhĩ, có một chiếc tráp gỗ dập dềnh theo từng đợt sóng vẩn đục. Lâm không tự chủ được mà bị động di chuyển theo sự lênh đênh của chiếc tráp, thấy nó bị đánh dạt vào một bãi lau sậy rậm rạp. Có đứa trẻ chăn trâu ăn mặc rách rưới đang nghêu ngao một câu ca dao: "Đói lòng ăn hột chà là, Để cơm nuôi mẹ mẹ già yếu răng" "Nhà mình nào có cơm? Mà thầy đồ cũng chẳng nói hột chà là trông như thế nào, mình biết kiếm thứ đó ở đâu bây giờ?" Vừa lầm bầm, đứa trẻ vừa giơ tay xoa cái bụng lép kẹp. Nhà nó nghèo xác xơ, mẹ ôm bệnh nặng, cha phải đi làm thuê cho người kiếm bữa nay, bữa mai mà vẫn không đủ ăn. Giá mà ở đâu xuất hiện cái hột chà là, hay bất cứ thứ gì có thể bỏ bụng thì tốt biết mấy! Đang nằm mơ mộng, đứa trẻ bỗng nhác thấy đồ vật trôi nổi trên sông. Nó dùng gậy trúc khều thứ kia vào bờ - là một chiếc tráp trông có vẻ quý giá. Đứa trẻ chưa từng trông thấy vật gì đẹp đẽ đến vậy, bèn giấu trong gùi rau dại mang về nhà. Lâm thấy cha đứa trẻ cạy chiếc khóa vàng đã lỏng lẻo, phát hiện bên trong là cây trâm vàng hình con bướm. Cả nhà đứa trẻ ôm nhau mừng rơi nước mắt, khuôn mặt nhem nhuốc thành kính hướng về phía bờ sông, tay chắp trước ngực cảm tạ thần Phật phù hộ, cứu một nhà ba người khỏi cảnh chết đói. Ráng chiều màu vàng cam phủ xuống tựa một tấm voan mỏng, bọc lấy những con người khốn khổ trong một vòng ôm dịu dàng mà ấm áp, đồng thời cũng cuốn lên những hạt bụi lấp lánh, đưa Lâm tới thăm những khung cảnh khác. Lâm cứ thế theo chân chiếc tráp gỗ trên hành trình dãi nắng dầm mưa giữa bể đời. Bụi vàng kỳ diệu như ngọn hải đăng phát sáng trong đêm tối, dẫn cậu du hành qua các nếp gấp thời gian khác nhau. Lâm thấy tráp gỗ xuất hiện trong một tiệm cầm đồ, được đặt trang trọng trước sảnh tiếp khách, ngắm nhìn thái bình thịnh thế và cũng chứng kiến cả đao thương loạn lạc. Đêm ấy, lửa cháy ngút trời, cửa tiệm cầm đồ bị đám giặc cướp hung hăng đập phá. Ông chủ tiệm với thân hình mập mạp nhặt cây trâm vàng rơi trên mặt đất, nghiến răng ôm chặt lấy tên đạo tặc, tay giơ lên ghim sâu đuôi trâm nhọn hoắt vào cổ hắn. Máu tươi nhuộm đỏ lớp kim loại óng ánh, vài giọt còn bắn lên tráp gỗ khiến những đường vân của nó càng thêm sậm màu. "Con ơi, nhặt được bao nhiêu thì nhặt rồi mau chạy đi! Chạy đi!" Lâm thấy tráp gỗ xóc nảy trong tay nải của cô gái nọ giữa dòng người chạy loạn, giúp cô đập vỡ đầu tên lưu manh háo sắc, cùng cô định cư tại một vùng xa xôi, rồi theo cô gả vào nhà chồng. Món đồ ấy đã đi với cô trọn một đời từ lúc còn là thiếu nữ tóc xanh cho tới khi trở thành bà lão tóc mai bạc trắng. Cho đến tận những giây phút cuối đời, nó vẫn ở bên bà như một niềm an ủi sâu sắc, một sự đưa tiễn đong đầy hoài niệm. Lâm thấy tráp gỗ ở một thời không đã có chút hơi thở hiện đại với nhà cao tầng và xe cộ tấp nập trên những nẻo đường. Món đồ được đóng gói cẩn thận trong hộp kín, chuyển từ từ đường của gia đình nọ tới tủ kính trưng bày thuộc Viện bảo tàng Lịch sử Quốc gia như một sự hiến tặng vô tư. Nó lúc này đã rũ bỏ vẻ đẹp hào nhoáng ban sơ, khoác lên mình tấm áo bạc màu năm tháng. Những vân gỗ đỏ đen đan xen hãy còn đó, hoa văn chạm rỗng tỏ rõ kỹ nghệ điêu luyện của thợ thủ công xưa, lớp khóa thếp vàng khoe khoang một cách ý nhị sự xa xỉ đã từng. Nhưng giờ đây, những điều ấy có lẽ cũng chẳng còn quan trọng. Người ta mải mê chiêm ngưỡng vết nứt bên cạnh hộp hay lớp vàng bong tróc trên chiếc khóa, thỏa thích liên tưởng những câu chuyện mà chiếc tráp đã trải qua suốt những năm tháng bể dâu. Khoảnh khắc chiếc tráp được nhân viên Viện bảo tàng dùng găng tay cẩn thận đặt vào tủ kính trong suốt, Lâm lại thấy những hạt bụi vàng quen thuộc. Dưới ánh đèn rực rỡ trong sảnh trưng bày, chúng vẫn lấp lánh đến lóa mắt. Lấy chiếc tráp làm trung tâm, bụi vàng tụ lại thành những dòng chảy mềm mại bay múa khắp nơi trong không gian rộng lớn. Những hạt bụi ấm áp xoay quanh người Lâm với tốc độ ngày một nhanh. Cậu dần cảm nhận được lực hút Trái Đất quen thuộc, cảm giác nhẹ bẫng và mất khống chế cũng biến mất từng chút một. Chợt, đám bụi vàng đồng loạt phát ra thứ ánh sáng chói lòa khiến Lâm phải nhắm tịt mắt lại. "LÂM! Làm việc riêng trong tiết ngoại khóa, lớp phó kỷ luật ghi sổ lại cho cô!" Tiếng quát nghiêm khắc của cô giáo khiến Lâm như bừng tỉnh khỏi một giấc mộng dài. Cậu giật mình ngước lên, ngơ ngác. Hàng chục đôi mắt của bạn cùng lớp đang đổ dồn về phía cậu, xa hơn nữa là ánh nhìn mang ý trách cứ của cô giáo. Lâm vẫn luôn là một trong những học trò khiến cô phải đau đầu nhất trong lớp. Cậu không hỗn hào cũng chẳng dốt nát nhưng lại rất ghét các môn phải học thuộc lòng như Văn, Sử, Địa.. Giáo viên các bộ môn này thường xuyên phàn nàn với cô về thái độ chểnh mảng của Lâm trong giờ. Năm nay đã là năm cuối cấp, tuy thi tốt nghiệp chỉ cần chú trọng vào ba môn chính nhưng điểm trung bình của các môn phụ cũng ảnh hưởng rất lớn tới thành tích và hồ sơ của các em. Chính vì vậy, cô đã dành thời gian sinh hoạt lớp để tổ chức một buổi tham quan tại Viện bảo tàng Lịch sử nhằm biến những mốc thời gian và tư liệu khô khan trở nên sống động, hấp dẫn hơn đối với đám học trò. Vậy mà biểu hiện của Lâm vẫn cứ thiếu hợp tác khiến cô không khỏi buồn lòng. Thở dài một hơi, cô tiếp tục giảng giải về nguồn gốc của món cổ vật: "Theo tư liệu lịch sử được ghi chép lại, chiếc tráp này được dùng để đựng trang sức của phụ nữ thời xưa. Đánh giá từ chất liệu gỗ và trình độ thủ công tinh vi, có thể thấy vào thời ấy, món đồ này cũng là một loại vật dụng xa xỉ, thuộc về tiểu thư khuê các nhà quyền quý.." "Thưa cô.." Một giọng nói ngập ngừng vang lên cắt ngang lời giới thiệu của cô giáo. Đó là giọng nói thuộc về Lâm. Cô giáo có chút bất ngờ quay sang nhìn cậu, chỉ thấy trong đôi mắt ấy không còn vẻ hờ hững, coi nhẹ mà chứa chan sự thành kính, trân trọng. "Thưa cô, theo em, món đồ ấy không chỉ là một tráp trang sức thôi đâu ạ. Nó có thể là của hồi môn của tiểu thư nhà quan, là một năm lương thực của gia đình nông dân nghèo, là vũ khí cứu mạng của con người thời loạn lạc, là kỷ vật được truyền lại từ đời này qua đời khác. Nó có thể là tất cả hoặc không là gì cả, nhưng chắc chắn trong suốt những năm tháng chìm nổi, món đồ ấy đã chứng kiến, thậm chí góp mặt trong rất nhiều câu chuyện nhân sinh muôn màu. Em thấy, ta nên gọi nó là chứng nhân thời gian thì đúng hơn ạ." Lịch sử được bảo tồn qua những lời truyền miệng, qua tư liệu sách vở và cả những cổ vật đã trải qua biết bao thế sự xoay vần. Trăm năm lướt qua trong chớp mắt, chỉ có dấu xưa tích cũ vẫn in hằn trên những món đồ đã nhuốm màu sương gió. Cổ vật là một di sản văn hóa đáng trân quý. Chúng có lẽ xấu xí, hỏng hóc, không phù hợp với thẩm mỹ hiện đại nhưng lại ẩn chứa sức cuốn hút bí ẩn của sự từng trải. Chúng không chỉ mang trong mình giá trị tiền tệ, mà còn là biểu tượng cho lịch sử của cả một dân tộc, đẹp và vô giá. ___END___