Chứng minh ý kiến: Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Freud_2512, 1 Tháng tư 2020.

  1. Freud_2512 Load...

    Bài viết:
    7
    Đề bài:

    "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ."

    Trích: Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi​

    Suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua tác phẩm Vội vàng của Xuân Diệu và Chí Phèo của Nam Cao.

    Đáp án:

    1. Giải thích:


    Tác phẩm nghệ thuật: Đứa con tinh thần, sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ.

    Nghệ sĩ: Người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.

    Vật liệu mượn ở thực tại: Hiện thực là chất liệu để xây dựng nên tác phẩm.

    Ghi lại cái đã có rồi: Sao chép y nguyên cuộc sống như nó vốn có.

    Muốn nói một điều gì mới mẻ: Tác phẩm thể hiện cách nhìn và cách khám phá mới mẻ, riêng biệt về hiện thực đồng thời gửi gắm những thông điệp của người nghệ sĩ.

    Kết luận:

    Ý kiến khẳng định vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học và đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Tác phẩm nghệ thuật không thể hình thành nếu thiếu đi hiện thực, nhưng người nghệ sĩ phải phản ánh hiện thực một cách mới mẻ qua một hình thức nghệ thuật độc đáo.

    2. Cơ sở lí luận:


    Vì sao tác phẩm nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại?

    Thực tại đời sống là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có sáng tác văn chương. Nhà văn tìm được ở thực tại đề tài, cảm hứng, nhân vật, nội dung phản ánh.. Không có cuộc sống sẽ không có sáng tạo nghệ thuật bởi:

    Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học - Tố Hữu



    Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó là nghệ thuật - Bi- ê- lin- xki

    Thực tại đời sống còn là cái nôi nuôi dưỡng nhà văn, là mảnh đất nhà văn sống và hình thành cảm xúc. Nói về mối quan hệ thực tại đời sống và sáng tác văn học, trong "Sổ tay thơ - Đối thoại mới" nhà thơ Chế Lan Viên viết:

    Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi,

    Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.

    Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá.

    Nó không là anh, nhưng nó là mùa.

    Và sau này, trong "Tiếng hát con tàu" ông cũng xúc động khẳng định:

    Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ.

    Thơ ca, nghệ thuật luôn vận động và phát triển trong sự ràng buộc tự nhiên với đời sống xã hội. Những giá trị nghệ thuật chân chính xưa nay đều là những sáng tác bắt rễ sâu xa trong mảnh đất thực tế của thời đại mình.

    Trích dẫn:

    Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp - Sóng Hồng

    Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời - Tô Hoài


    Nếu thơ ca không bắt nguồn từ hiện thực, xa rời cuộc đời, thoát li thực tại, thơ ca sẽ chỉ là "ánh trăng xanh lừa dối", thứ "nghệ thuật vị nghệ thuật", chứ không thể là "nghệ thuật vị nhân sinh" giàu ý nghĩa.

    +Theo quy luật của sự sáng tạo, một tác phẩm văn học không kết thúc trên trang giấy, mà nó trỗi dậy, hòa mình vào cuộc sống, tác động vào tư tưởng tình cảm của con người để góp phần cải tạo cuộc sống. Chính vì vậy, nhà văn không thể khước từ việc tìm kiếm những vật liệu mượn từ cuộc sống. Vật liệu ở đây chính là hiện thực rộng lớn ngoài kia, với những mâu thuẫn gay gắt của thời đại, với những nỗi đau, những số phận, những tâm tư nguyện vọng, những ước mơ khát khao. Trước biển lớn hiện thực ấy, mỗi nhà văn cần trải rộng tâm hồn mình để đón nhận những vang vọng của cuộc đời, để hòa điệu cùng những đau thương trong cuộc sống, để cuộc sống ùa vào trái tim, tràn ra nơi đầu ngọn bút mà thành tác phẩm.

    Vì sao nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ?

    Trước hết, người nghệ sĩ ghi lại những cái đã có trong hiện thực nhưng không phải là ghi lại theo lối sao chép, chụp ảnh nguyên si hiện thực. Nếu thế, nhà văn chỉ còn là người thợ chụp ảnh vụng về, sẽ không thỏa mãn được nhu cầu lí giải những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Người đọc sẽ chỉ thấy trong tác phẩm văn học những điều họ đã thấy được ở ngoài cuộc đời, khi đó văn chương sẽ không còn cần thiết, người đọc chỉ cần sống với cuộc đời thực là đủ. Vì thế tác phẩm văn học sẽ nhạt nhẽo, vô vị thiếu sức cuốn hút.

    Sau đó, người nghệ sĩ còncòn muốn nói một điều gì mới mẻ trong tác phẩm, vì bản chất của nghệ thuật là sáng tạo: "Thế giới không phải được tạo lập một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện lại một lần thế giới được tạo lập" (Mác-xen Prút). Hiện thực cuộc sống khi được lọc qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ phải có một hình sắc riêng, ấn tượng riêng: "Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này nhưng thế giới trong con mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng" (Hoài Thanh). Và người nghệ sĩ không chỉ phản ánh cuộc sống mà còn gửi gắm, kí thác những suy tư, trăn trở, những ước mơ khát vọng về cuộc đời. Qua tác phẩm, người đọc thấy được thông điệp tinh thần người nghệ sĩ gửi vào đó.

    Những điều mới mẻ và thông điệp tinh thần, nhà văn muốn nói trong tác phẩm còn phải được thể hiện qua hình thức nghệ thuật đầy sáng tạo để: "Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung" - Lêônít Lêônốp. Có như thế tác phẩm nghệ thuật mới có giá trị và sức sống trường tồn.

    Người tạo nên tác phẩm là tác giả, nhưng người quyết định số phận của tác phẩm lại là độc giả - M. Gorki

    Người đọc sẽ không bao giờ tiếp nhận những gì đã quen nhàm, cũ kĩ. Độc giả tìm đến tác phẩm trước hết để tìm thấy những điều mới lạ, để làm giàu thêm cho tâm hồn, có thêm vốn sống, kinh nghiệm sống, để hiểu mình, hiểu đời nhiều hơn, để bản thân có được những phút giây rung cảm trọn vẹn giữa cái đẹp. Tác phẩm chỉ tồn tại, khi chiếm được một vị trí trong tim độc giả, và yếu tố sáng tạo, chính là điều kiện tiên quyết cho tác phẩm có thể vượt qua sự băng hoại của thời gian, để "không thừa nhận cái chết"

    3. Phân tích, chứng minh


    A. Vội vàng của Xuân Diệu

    Vài nét khái quát về tác giả, tác phẩm

    Phân tích, chứng minh:

    A1. Vội vàng là một bài thơ được xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại

    Đó là bức tranh mùa xuân nơi trần thế với những hình ảnh gần gũi, quen thuộc: : "Ong bướm" dập dìu trong "tuần tháng mật", "hoa" nở trên "đồng nội xanh rì", lá trên "cành tơ phơ phất", tiếng hót của "yến anh" rộn ràng và nắng xuân nhẹ nhàng lúc bình minh.

    Đó còn là sự trôi chảy của thời gian, xuân tới rồi xuân qua. Là sự hữu hạn của đời người "Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi", sự ngắn ngủi của tuổi trẻ: "Không cho dài thời trẻ của nhân gian", ".. tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại"

    Kết luận:

    Đây là những vật liệu ở hiện thực đời sống, người đọc đã bắt gặp ngoài đời cũng như trong thơ ca của nhiều tác giả khác. Trước đó, ta cũng bắt gặp hình ảnh "hoa xoan" nở trong mưa bụi ở thơ xuân của Nguyễn Trãi, hoa lê "trắng điểm" trong thơ Nguyễn Du. Cùng thời với Xuân Diệu, nữ sĩ Anh Thơ trong "Chiều xuân" cũng nhắc đến hình ảnh "chòm hoa xoan tím", "Mấy cánh bướm rập rờn".. Nói như thế để thấy Xuân Diệu cũng dùng những vật liệu từ thực tại đời sống để tạo nên "Vội vàng"

    A2. Quan trọng hơn, Vội vàng thể hiện được những điều mới mẻ Xuân Diệu muốn gửi gắm:

    Tình yêu cuộc sống trần thế tha thiết của nhà thơ.

    Bốn câu thơ đầu: Ước muốn kì lạ, táo bạo của thi nhân

    Bảy câu thơ tiếp: Vẻ đẹp mùa xuân- thiên đường nơi mặt đất

    Hai câu cuối: Tâm trạng của nhà thơ

    Nỗi băn khoăn, tiếc nuối của nhà thơ về sự ngắn ngủi của đời người trước sự trôi đi nhanh chóng của thời gian.

    Lời giục giã sống vội vàng, cuống quýt của nhà thơ

    A3. Những điều mới mẻ đó được Xuân Diệu diễn tả qua một hình thức nghệ thuật độc đáo:

    Thể thơ: Tự do, có những câu thơ năm chữ, câu thơ mười chữ, thậm chí chỉ có ba chữ nhưng chủ yếu là những câu thơ tám chữ với nhịp ngắt rất linh hoạt:

    Nhịp 2/3 ở những câu thơ ngũ ngôn đã tạo nên một giọng bộc bạch rất nồng nàn, tha thiết.

    Những câu thơ tám chữ được ngắt nhịp phổ biến 3/3/2 (Này đây lá/của cành tơ/phơ phất) rồi đảo nhanh sang 3/2/3 (Của yến anh/này đây/khúc tình si). Có lúc câu thơ tám tiếng bỗng chuyển thành mười tiếng với nhịp giãn rộng 5/5 (Cho chếnh choáng mùi thơm/cho đã đày ánh sáng) tựa như những cú đảo phách trong âm nhạc.

    Tất cả khiến cho nhịp điệu của bài thơ cứ sôi nổi, bồng bột, chuyển tải được một điệu tâm hồn sôi nổi, say mê.

    Sự kết hợp nhuần nhị giữa mạch cảm xúc và mạch triết luận:

    Mạch triết luận biểu hiện ở cách Xuân Diệu sắp xếp các ý thơ để lí giải vì sao phải sống "Vội vàng". Nhà thơ đã lập luận thật chặt chẽ: Vì cuộc sống thật đẹp, thật đáng sống (đoạn một) trong khi đó thời gian của đời người, nhất là tuổi trẻ lại quá ngắn ngủi, hữu hạn (đoạn hai) cho nên chỉ còn một cách là phải sống vội vàng, gấp gáp để tận hưởng được cuộc sống này (đoạn ba). Cách lập luận ở đây đi từ việc soi chiếu các mặt khác nhau của vấn đề, khám phá những nghịch lý của đời sống để biến những lí lẽ ấy thành cơ sở lí luận, là nền tảng cho tính thuyết phục của lời kêu gọi ở cuối bài thơ, cũng là kết luận đầy tích cực, giàu tính nhân văn của tác giả.

    Mạch triết luận đã dẫn tới cách sử dụng ngôn ngữ thơ có tính chất triết luận. Đó là một loạt các từ ngữ có tính chất lập luận: "Nghĩa là", "nhưng", "nói làm chi.. nếu", "nhưng.. nên". Trong thơ cổ, những từ ngữ này khá kị, vì chúng vốn là những từ ngữ biểu thị ý nghĩa quan hệ logic, khô khan, không phù hợp với nhạc tính uyển chuyển giàu sức gợi của thơ ca. Ở đây Xuân Diệu đã rất khéo léo sắp đặt những từ ngữ này phối thanh hài hòa trong từng câu thơ, và rất hợp lý trong các phép điệp, nên tuy chúng là từ ngữ lập luận nhưng không hề phá vỡ chỉnh thể của bài thơ, nhạc tính của bài thơ vẫn hài hòa, uyển chuyển, có sức lay động lòng người.

    Sự biến đổi đại từ xưng hô từ điệp cấu trúc "Tôi muốn.." ở lời đề từ đến điệp cấu trúc "Ta muốn.." ở khổ thơ cuối cũng có dụng ý làm tăng tính thuyết phục của mạch triết luận. Nếu ở bốn câu đầu, cảm xúc vẫn còn là của một cá nhân, mang đậm dấu ấn cái tôi, thì đến cuối ở lời kêu gọi, cái "tôi" đã chuyển thành cái "ta", hướng về số đông, hướng về người tiếp nhận. Người đọc cảm thấy có một phần của mình trong lời kêu gọi của tác giả, chính vì vậy lời kêu gọi ở cuối tác phẩm càng trở nên thuyết phục, dễ tiếp nhận hơn.

    Nhưng mạch chính của tác phẩm vẫn là mạch trữ tình, bởi nguồn cội của thơ chính là cảm xúc. Xuyên suốt từng bước lập luận, Xuân Diệu đã bày tỏ những cảm xúc từ tận trái tim mình: Niềm say mê vẻ đẹp đầy xuân thì, xuân sắc của cuộc sống trần gian (đoạn một) ;nỗi băn khoăn tiếc nuối trước sự trôi chảy của thời gian và sự ngắn ngủi của đời người (đoạn hai) để rồi đến đoạn ba bùng lên thành lời giục giã sống vội vàng đầy ham hố, cuồng si.

    Như vậy, xuyên suốt bài thơ, mạch triết luận và mạch trữ tình luôn giao hòa cùng nhau, sóng đôi bên nhau. Mạch triết luận nổi lên trên bề mặt văn bản, gắn với bố cục bài thơ. Mạch trữ tình chìm xuống dưới, trở thành bề sâu của nội dung tư tưởng. Sự kết hợp này tạo một hiệu quả tích cực trong việc truyền tải tư tưởng chủ đề của tác phẩm: Vừa tác động vào lý trí, vừa tác động vào tình cảm, vừa trực tiếp tác động vào trí óc, nhưng lại cũng vừa thông qua con đường từ trí óc đến trái tim. Xuân Diệu đã dùng chính trái tim mình, dùng chính khối cảm xúc rạo rực tha thiết với cuộc đời của mình để làm minh chứng rõ nhất cho lẽ sống "Vội vàng". Và cũng chính lẽ sống đó đã làm cho cảm xúc của Xuân Diệu trở thành những cảm xúc có tính chất khái quát, là tâm sự riêng tư nồng nàn của cá nhân, nhưng cũng là cảm xúc của bao người.

    Kết cấu triết luận – trữ tình có thể được xem là một yếu tố lạ thể hiện đậm tính sáng tạo của Xuân Diệu. Quan niệm thơ truyền thống xem thơ đơn thuần là trữ tình. Thơ cũ cho dù "thi dĩ ngôn chí" thì vì tính chất quy phạm của thi pháp trung đại, cũng không thể sử dụng các từ ngữ có tính chất lập luận, mang tính duy lý, logic như Xuân Diệu sử dụng. Trong Thơ mới, phong trào thơ coi trọng cái tôi và cảm xúc cá nhân, thì tất nhiên yếu tố trữ tình, cảm xúc cũng được đưa lên hàng đầu. Chính vì vậy "Vội vàng" của Xuân Diệu là một tác phẩm đầy mới mẻ, là sự kết hợp hài hòa của lý trí tỉnh táo và cảm xúc mãnh liệt, của lập luận và biểu cảm, của trái tim và khối óc, mà tất cả có điểm chung là đều hướng về cuộc sống với tất cả những gì yêu thương nhất, đắm say nhất, tha thiết nhất của thi sĩ.

    Hình ảnh thơ: Gần gũi quen thuộc mà vẫn mới mẻ, độc đáo, tràn đầy cảm xúc, cảm giác

    Quen thuộc vì đấy là hình ảnh ta vẫn thấy trong cuộc sống xung quanh: Ong bướm, hoa lá, tiếng chim..

    Mới mẻ, độc đáo, hấp dẫn vì những hình ảnh đó được nhìn qua cặp mắt xanh non, qua cái nhìn tình tứ cùng tâm hồn trẻ trung đầy cảm xúc của Xuân Diệu: "Tháng giêng.. môi gần", "Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

    Giọng điệu linh hoạt theo dòng tâm trạng và cảm xúc:

    Đoạn 1: Giọng nồng nàn, sôi nổi, say mê

    Đoạn 2: Giọng tranh luận biện bác và ngậm ngùi, tiếc nuối.

    Đoạn 3: Giọng hối hả, vội vàng, gấp gáp, cuồng nhiệt, đắm say.

    Ngôn ngữ thơ: Gần với lời nói thường ngày nhưng đã được nâng lên thành nghệ thuật. Cách dùng từ của XD rất táo bạo. Đặc biệt ở đoạn cuối, cảm xúc dạt dào, mãnh liệt đã tạo nên những làn sóng ngôn từ vừa đan vào nhau vừa cộng hưởng với nhau theo chiều tăng tiến càng lúc càng dâng lên cao trào. Tác giả dùng dồn dập những động từ mạnh theo chiều tăng tiến: Ôm- riết-say-thâu-cắn ; Hệ thống những tính từ chỉ xuân sắc, động từ chỉ trạng thái đắm say, danh từ chỉ vẻ đẹp thanh tân, tình tứ, quyến rũ: Bắt đầu mơn mởn, chếnh choáng mùi thơm, đã đầy ánh sáng, no nê thanh sắc, xuân hồng..

    Tất cả những phương diện ngôn từ ấy đều được dùng thuần thục, tinh vi, chuyển tải được nhuần nhuyễn những tình ý mãnh liệt và táo bạo của cái tôi thi sĩ, chứng tỏ Xuân Diệu ngay từ khi còn trẻ đã thực sự là một bậc thầy về tiếng Việt.

    Biện pháp tu từ: Được sử dụng rất đa dạng và hiệu quả:

    Phép điệp được sử dụng triệt để gồm cả điệp từ, điệp ngữ, điệp cú (Lặp cấu trúc cú pháp). Thủ pháp này lại được dùng rất linh hoạt, biến hóa khiến cho mạch thơ tuôn chảy rất tự nhiên. Có khi là điệp lại kiểu câu bộc bạch ước muốn: Tôi muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất; vàTôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi.

    Có khi là điệp từ: Tôi, Ta, muốn, của, cho, và.. Lúc lại là điệp ngữ: Tôi muốn, Ta muốn, này đây..

    Phép điệp thường kết hợp, hòa điệu với phép liệt kê, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, nhân hóa.. một cách rất ăn ý, nhuần nhuyễn khiến cho bài thơ rất giàu nhạc tính. Tất cả nhằm làm toát lên được giọng điệu cuống quýt, vội vàng rất điển hình của Xuân Diệu.

    B. Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.

    Vài nét khái quát về tác giả, tác phẩm

    Phân tích, chứng minh:

    B1. "Chí Phèo" được xây dựng bằng từ chất liệu mượn từ thực tại đời sống.

    Truyện Chí Phèo lấy bối cảnh của làng Vũ Đại, một làng xa phủ, xa tỉnh, ở vào thế "quần ngư tranh thực". Vì thế, bọn cường hào ở làng chia làm năm bè, bảy bối: Cánh Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng.. Bề ngoài chúng cấu kết với nhau để bóp nặn những người dân nghèo, nhưng bên trong chúng ngấm ngầm tìm cách trị nhau, mong cho nhau lụn bại..

    Làng Vũ Đại đã trở thành hình ảnh thu nhỏ của xã hội thực dân, nửa phong kiến. Ở đó luôn có mối mâu thuẫn âm ỉ giữa nội bộ bọn cường hào thống trị và giữa chúng với những người nông dân nghèo.

    Nam Cao đã phản ánh mối mâu thuẫn trong nội bộ bọn cường hào thông qua mối quan hệ giữa Bá Kiến với các phe cánh khác trong làng. Đội Tảo vay tiền Bá Kiến nhưng không chịu trả, còn ngang ngược nói trừ vào tiền chè nước khi lý Cường lên lý trưởng. Sau này, Chí Phèo đã đòi được nợ cho Bá Kiến nhờ may mắn. Khi Ba Kiến chết, Đội Tảo mừng ra mặt, nói toang toang ngoài chợ: "Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn".

    Mối mâu thuẫn giữa bọn cường thống trị với những người nông dân nghèo được thể hiện qua mâu thuẫn giữa Chí Phèo và Bá Kiến. Mối mâu thuẫn này âm ỉ, không thể điều hòa được và bùng lên bằng hành động quyết liệt giết Bá kiến khi Chí Phèo thức tỉnh nhận ra kẻ thù đẩy mình vào bi kịch.

    Trong tác phẩm, Nam Cao còn phản ánh chân thực số phận những người nông dân nghèo mà ông gắn bó máu thịt. Họ vốn là những con người hiền lành, lương thiện nhưng bị dồn đẩy vào con đường lưu manh hóa, gặp những bi kịch đau đớn buộc phải chọn một kết cục bi thảm.

    Một điều khác cũng cần nói, theo những tư liệu về nhà văn Nam Cao, nhiều nhân vật trong tác phẩm, ông lấy nguyên mẫu từ đời thực.

    Nhân vật Chí Phèo được xây dựng từ ba nguyên mẫu. Một người tên Chí làm nghề mổ lợn giúp người ta, không đòi tiền mà chỉ xin phèo và rượu nhấm nháp. Một người tên Trinh, vốn là đứa trẻ được nhặt từ cái lò gạch trong làng. Người này "uống rượu nhiều như người ta uống nước, mỗi khi say thường chửi trời, chửi mọi người và ăn vạ". Người thứ ba tên Đào, chính là lực điền đi ở cho ông chánh Bính ở làng. Đào từ thanh niên hiền lành, sau khi bị tù, trở về làng sa vào rượu chè và tính tình ngỗ ngược.

    Còn nhân vật thị Nở cũng được xây dựng từ hai nguyên mẫu. Người thứ nhất đúng tên Trần Thị Nở, bề ngoài xấu xí, tính tình dở hơi, vô tâm và dễ ngủ, nhà văn gọi là mợ. Người thứ hai là Trần Thị Thìn. Cô Thìn mặt ngắn, mũi to, da sần sùi, vừa xấu vừa dở tính nên không lấy được chồng, bị bệnh mất năm 1960.

    Nhân vật Bá Kiến lại được tạo dựng từ nguyên mẫu là ông chánh tổng Trần Duy Bính, còn sống đến sau năm 1945, về sau có nhiều con cháu tham gia kháng chiến hoặc thành đạt ở nhiều nơi.

    Như vậy, tác phẩm "Chí Phèo", thực sự được Nam Cao "xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại", rất giàu giá trị hiện thực. Qua tác phẩm, người đọc hoặc như được sống lại trong không khí của một làng quê nghèo đói, xơ xác hoặc được biết thêm nhiều điều mới mẻ về nông thôn Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám. Ở phương diện này, "Chí Phèo" quả là đã "soi bóng thời đại mà nó ra đời".

    B2. Những điều mới mẻ, Nam Cao muốn nói đến trong Chí Phèo:

    Cái nhìn hiện thực mới mẻ: Viết về cuộc sống của những người nông dân Nam Cao không chỉ đề cập đến nỗi khổ đau về vật chất mà xoáy sâu vào bi kịch tinh thần đau đớn: Bi kịch tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người.

    Quá trình tha hóa của Chí Phèo

    Quá trình tha hóa này đã trở thnahf quy luật; Nêu những nhân vật đồng dạng với Chí Phèo.

    Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

    Cái nhìn nhân đạo sâu sắc: Nam Cao đã phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện của những con người bị lưu manh hóa và khát vọng hoàn lương của họ.

    Phân tích gọn quá trình hồi sinh của Chí Phèo sau khi gặp thị Nở.

    B3. Những điều mới mẻ đó được Nam Cao thể hiện qua một hình thứcnghệ thuật đặc sắc

    Bút pháp điển hình hóa khi xây dựng nhân vật:

    Chí Phèo, Bá Kiến là những điển hình đặc sắc trong tác phẩm. Vừa sinh động, độc đáo, không lặp lại, các nhân vật này mang sức khái quát cao cho mối xung đột diễn ra khốc liệt ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng, đặc biệt là nhân vật Chí Phèo. Hắn là điển hình sinh động cho những người nông dân cố cùng bị hủy hoại, tha hóa đến tận cùng bởi thế lực tàn bạo -> xây dựng nhân vật điển hình sắc nét.

    Nhân vật Chí Phèo được khắc họa sinh động từ ngoại hình đến nội tâm

    Ngoại hình:

    Nội tâm: Tài năng của Nam Cao khi miêu tả nội tâm nhân vật, nhất là đoạn miêu tả tâm trạng chí Phèo khi được ăn cháo hành. Đặc biệt là tài năng miêu tả trạng thái lưỡng hóa dở say dở tỉnh của Chí Phèo.

    Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc:

    Cốt truyện độc đáo, các tình tiết giàu kịch tính, luôn biến hóa mang lại nhiều bất ngờ cho người đọc

    Kết cấu:

    Không theo trình tự thời gian: Mở đầu bằng tiếng chửi của Chí Phèo khi đã tha hóa, sau đó ngược về quá khứ kể về lai lịch và quá trình tha hóa của Chí Phèo. Cuối cùng trở lại với hiện tại khi hắn uống rượu say với Tự Lãng và gặp thị Nở.

    Kết cấu đầu cuối tương ứng: Mở đầu và kết thúc đều gắn với hình ảnh cái lò gạch cũ..

    Kết luận:

    Cái nhìn bi quan, bế tắc của Nam cao về hiện tượng Chí Phèo.

    Ngôn ngữ, giọng điệu sinh động

    Ngôn ngữ, giọng điệu của Nam Cao được thể hiện một cách sinh động, đa dạng trong truyện ngắn này. Ngòi bút hiện thực vừa tỉnh táo, khách quan, sắc lạnh lại vừa đằm thắm, trữ tình như hòa quyện, xuyên thấm vào nhau.

    Ngoài ra, giọng trần thuật cũng thay đổi phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật, khi thì dùng lời kể trực tiếp, khi thì nửa trực tiếp, khi lại có sự đan xen giữa hai giọng kể trên một cách nhịp nhàng, nhuần nhuyễn - đoạn văn mở đầu tác phẩm, đoạn miêu tả tâm trạng khi ăn bát cháo hành, đoạn độc thoại nội tâm của Bá Kiến.

    4. Nhận xét, đánh giá:


    Ý kiến của Nguyễn Đình Thi: "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ" hoàn toàn đúng đắn được rút ra từ trải nghiệm trong thực tiễn sáng tác văn học của ông. Trong ý kiến của mình, Nguyễn Đình Thi đã đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống và nghệ thuật, đồng thời khẳng định vị trí, tài năng của tác giả và giá trị, sức sống lâu bền của tác phẩm qua sự sáng tạo riêng mới mẻ, độc đáo của mỗi tác phẩm.

    Ý kiến trên giúp người cầm bút
    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
     
    Admin, Kiều LyBụi thích bài này.
    Last edited by a moderator: 27 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...