Chứng minh ý kiến của Nguyễn Đình Thi qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tthuong2928, 24 Tháng mười hai 2022.

  1. tthuong2928

    Bài viết:
    6
    Đề bài: Trong văn bản "Tiếng nói của văn nghệ", Nguyễn Đình Thi viết: "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh". Qua "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật, em hãy chứng minh ý kiến trên.

    BÀI LÀM:

    "Văn học thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học" - Tố Hữu. Trong văn bản "Tiếng nói của văn nghệ", Nguyễn Đình Thi viết: "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh". Điều đó đã được thể hiện qua "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật.

    Có cuộc sống mới có nghệ thuật, chính vì vậy nghệ thuật chính là sự khắc họa xã hội, khắc họa thời đại qua những áng văn chương hiện thực, để có một tác phẩm kiên cố vượt qua sự băng hoại của thời gian thì rất cần "những vật liệu mượn ở thực tại" để xây đắp. Những tác phẩm hay là những tác phẩm có sự cô đọng trong lòng độc giả, vì vậy phải đòi hỏi sự "mới mẻ" trong tâm hồn mỗi tác giả. Mỗi tác phẩm lại ấn chứa một ý nghĩa riêng, một thông điệp riêng mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc, đó chính là những "lời nhắn nhủ" thâm tình. Cuộc sống khơi nguồn cho văn chương, văn chương lại cống hiến cho đời sống, mỗi tác phẩm là một tâm huyết to lớn của người nghệ sĩ mong muốn mình có thể gom góp những gì mình có dù nhỏ nhoi vào đời sống con người, chữa lành những tâm hồn tổn thương, sẻ chia những niềm vui nỗi buồn và cho ta thấy rằng cuộc sống vốn thật đẹp biết bao.

    "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" được nhà thơ tâm huyết của thời kì kháng chiến chống Mĩ - Phạm Tiến Duật sáng tác vào năm 1969 khi ông đang tham gia kháng chiến trên con đường Trường Sơn lịch sử. Nơi đây đã gợi lên cho ông biết bao những xúc cảm lạ kì, và bài thơ trên được ra đời. Với giọng thơ dí dỏm, khỏe khoắn và trẻ trung, Phạm Tiến Duật đã khắc họa nên hình ảnh những người lính lái xe đầy nhiệt huyết, lạc quan, vô tư mặc kệ sự thiếu thốn do chiến tranh gây ra và nguy hiểm luôn rình rập họ bất cứ lúc nào.

    "Điều mới mẻ" ở bài thơ đầu tiên chính là nhan đề "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", một nhan đề hòa hợp cả chất thi sĩ, cả chất chiến sĩ. Tiếp đó chính là hình ảnh những "chiếc xe không kính" và từ đó, nét đẹp tươi mới của những người lính lái xe càng được tô đậm thêm.

    "Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi".

    Hay "Không có kính rồi xe không có đèn

    Không có mui xe, thùng xe có xước."

    Những chiếc xe bị những lượt đạn bom làm cho méo mó không còn nguyên hình dạng, chịu những tác động mạnh từ ngoại cảnh, nào bom, nào đạn, nào mặt đường gồ ghề, bụi cát, sỏi đá. Những hình ảnh chân thực đầy mới mẻ ấy khiến chúng ta lập tức hình dung ra chiếc xe "không kính", "không đèn", "không mui xe", "thùng xe xước" và gần như đã tàn tạ lắm rồi, tưởng như không thể di chuyển được nữa. Nhưng vì miền Nam phía trước, vì đất nước ngày mai độc lập, những chiếc xe thiếu đủ vật chất ấy vẫn bon bon trên tuyến đường Trường Sơn vào chi viện cho miền Nam ruột thịt.

    "Ung dung buồng lái ta ngồi

    Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

    Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

    Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

    Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

    Như sa như ùa vào buồng lái."

    Dẫu đi giữa làm mưa bom quân địch dội xuống, những người lính trẻ vẫn giữ cho mình phong thái rất "ung dung", coi thường hiểm nguy. Họ tập trung "nhìn đất" để tránh hố bom, ổ gà; "nhìn trời" để quan sát máy bay địch; "nhìn thẳng" tới con đường cách mạng vinh quang phía trước. Vì không có kính nên những cơn gió cứ vô tư mà "sa" mà "ùa" vào buồng lái, quật vào mặt những người chiến sĩ. Nhưng họ chẳng lấy làm khó chịu, họ coi như làn gió ấy đang "xoa" đôi mắt của mình một cách rất nhẹ nhàng. Những chiếc xe không kính như đã làm hòa hợp thêm sự gắn bó giữa người với thiên nhiên. Từ buồng lái có thể thấy rõ vì sao trời lấp lánh, thấy cánh chim đang bay cao và cảm nhận như thể tất cả những thứ họ quan sát được đã gói gọn vào trong một buồng lái nhỏ hẹp. Phong thái ung dung, tự tin và tinh thần dũng cảm, hiên ngang, bất chấp bom đạn, coi thường gian khổ, hiểm nguy, luôn hướng về phía trước của người lính là một hình ảnh vô cùng sáng giá tô đậm thêm nét hiện thực cho tác phẩm.

    "Không có kính ừ thì có bụi

    Bụi phun tóc trắng như người già

    Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc

    Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

    Không có kính ừ thì ướt áo

    Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời

    Chưa cần thay lái trăm cây số nữa

    Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi."

    Dẫu thế đất có "bụi", dẫu thế trời có "mưa" những người lính lái xe vẫn mang trong mình sự lạc quan tràn trề. Những chiếc xe bon bon kéo theo lớp bụi mịt mờ cũng chẳng che nổi sự tinh nghịch và hồn nhiên của những người lính trẻ. Bị bụi phun bạc cả tóc, họ vẫn vui vẻ "châm điếu thuốc" rồi "nhìn nhau mặt lấm cười ha ha" đầy vui vẻ. Bị mưa xối xả như ngoài trời, ướt hết cả áo quần, họ cũng "chưa cần thay" mà quyết định "lái trăm cây số nữa" khi "mưa ngừng gió lùa" sẽ "khô mau thôi". Có thể thấy sự trẻ trung hiện rõ trên từng hành động và nét mặt của họ, dù cuộc kháng chiến còn nhiều hơn những vất vả, họ vẫn luôn vui tươi, sống hết mình với tuổi trẻ phơi phới. Hình ảnh người lính hiện lên với vẻ trẻ trung đầy tươi mới và làm rực rỡ thêm tác phẩm.

    "Những chiếc xe từ trong bom rơi

    Đã về đây họp thành tiểu đội

    Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

    Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

    Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

    Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

    Võng mắc chông chênh đường xe chạy

    Lại đi, lại đi trời xanh thêm".

    Cái "bắt tay" qua "cửa kính vỡ rồi" chính là cái bắt tay mang đầy tình cảm sẻ chia, yêu thương, đùm bọc giữa những người lính với nhau giữa hoàn cảnh chiến tranh đầy khó khăn. Họ luôn "họp thành tiểu đội" gắn kết bền chặt bên nhau tưởng chừng không gì có thể tách rời. Những người chiến sĩ ấy vốn là những người xa lạ giống như "anh và tôi" trong tác phẩm "Đồng chí" của Chính Hữu, chỉ khác, những người lính trong thơ của Phạm Tiến Duật là những người lính trẻ tuổi, cống hiến cả tuổi xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, họ vui vẻ hơn, trẻ trung hơn chứ chưa mang nỗi ưu phiền, nhạy cảm như những người lính trong thơ Chính Hữu. Dù thế, chỉ cần "chung bát đũa" họ đã gọi nhau hai tiếng "gia đình" thiêng liêng. Sự "chông chênh" không đơn giản là chiếc võng ngủ trên xe mà còn là con đường cách mạng phía phía còn nhiều lắm những gian lao, khó khăn. Dù thấy những người lính vẫn dũng cảm "lại đi, lại đi trời xanh thêm", mơ ước về một bầu trời trong xanh không có máy bay địch, hướng một tương lai nơi đất nước hòa bình độc lập.

    "Không có kính rồi xe không có đèn

    Không có mui xe, thùng xe có xước

    Xe vẫn chạy vì miền nam phía trước

    Chỉ cần trong xe có một trái tim."

    Những thiếu thốn về vật chất đơn thuần không thể cản bước tiến của những người lính. Xe có hỏng hóc thế nào, thiếu thốn ra sao, chỉ cần trong xe có "một trái tim" xe vẫn sẽ băng băng vụt qua mỏi nẻo đường để tiếp tế cho miền Nam phía trước còn đang chịu nhiều đau thương. Tình yêu đất nước đó to lớn hơn bất cứ điều gì hết, hơn cả cái chết, hơn cả chiến tranh, hơn cả nguy hiểm rình rập.

    "Lời nhắn nhủ" mà Phạm Tiến Duật muốn thể hiện qua bài thơ là hình ảnh người lính trong thời kì chống Mĩ đầy oanh liệt, đó là biểu tượng đẹp đẽ và luôn trường tồn với thời gian. Họ đã làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc ta, hi sinh cả tuổi trẻ, thanh xuân của mình vì một đất nước độc lập tự do. Bên cạnh đó lên án sự tàn phá nặng nề của chiến tranh phi nghĩa và thể hiện cả những khó khăn vất vả mà người lính đã phải đối mặt để đổi lại cho ta đất nước hòa bình như ngày hôm nay.

    Để xứng đáng với sự hi sinh cao cả đó mỗi chúng ta phải luôn có trách nhiệm với bản thân, ra sức học tập rèn luyện để phát triển đất nước càng thêm giàu mạnh, trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội.

    "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là bài thơ mang giọng điệu khỏe khoắn, tự nhiên đầy sôi nổi như tuổi trẻ sục sôi trong mỗi chiến sĩ, đó chính là vẻ đẹp tinh thần vượt qua mọi khó khăn về vật chất của những người lính quật cường thời kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ đã thực sự chất chứa biết bao những "điều mới mẻ" cùng "lời nhắn nhủ" ấn dấu được nhà thơ Phạm Tiến Duật thầm "góp vào đời sống"
     
    LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...