Có ý kiến cho rằng: "Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được người nghệ sĩ sáng tạo ra để truyền tải một nội dung tư tưởng sâu sắc." Làm sáng tỏ ý kiến bằng bài thơ Sang thu - Hữu Thỉnh. BÀI LÀM Nhà văn người Nga Leonit Leonop đã từng nói: "Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung.", có nghĩa là sự thống nhất hài hòa về mặt nội dung và hình thức là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên giá trị bất hủ của tác phẩm nghệ thuật. Để đạt được điều đó, mỗi người nghệ sĩ đều phải rất cố gắng, có người dành trọn tâm huyết của mình, sáng tạo không ngừng trong quá trình sáng tác. Sự thống nhất hài hòa về mặt nội dung và hình thức ấy tạo nên vẻ đẹp cho thi ca, bởi vậy nên mới có ý kiến cho rằng: "Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được người nghệ sĩ sáng tạo ra để truyền tải một nội dung tư tưởng sâu sắc.", và bài thơ "Sang thu" của nhà thơ Hữu Thỉnh chính là một trong số các tác phẩm nghệ thuật thể hiện được điều đó. Trước hết, "ngôn ngữ thơ" là thứ ngôn ngữ biểu hiện tập trung nhất tính hàm súc, phong phú của ngôn ngữ, là phương tiện bật lên sức sống mãnh liệt của bài thơ. Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật, tức là "ngôn ngữ thơ" như một tấm áo khoác bên ngoài, tạo nên ấn tượng về mặt hình thức bên ngoài của mỗi tác phẩm nghệ thuật đối với độc giả. Nếu "hình thức nghệ thuật" là cái biểu đạt, là chất liệu, thủ pháp tổ chức nên tác phẩm nghệ thuật thì "nội dung tư tưởng" chính là cái được biểu đạt tồn tại bên trong hình thức biểu đạt được tổ chức thành chỉnh thể tác phẩm nghệ thuật. "Nội dung tư tưởng chứa" đựng những quan điểm mĩ học, cảm hứng, tâm hồn thi nhân về con người và cuộc đời; được đúc kết từ quá trình sáng tạo của nhà thơ. Nhận định trên đã khẳng định vai trò của nội dung và hình thức đối với văn chương nói chung và thơ ca nói riêng: Một tác phẩm thơ giá trị phải có sự kết hợp hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; đồng thời đề cập đến yêu cầu đối với người nghệ sĩ là phải sáng tạo và có phong cách riêng. Trong bài thơ "Sang thu", nhà thơ Hữu Thỉnh đã đưa mùa thu-nguồn cảm hứng bất tận của thi ca trở thành nguồn cảm hứng của riêng ông vào bài thơ này. Nếu như trong "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, mùa thu được nhận ra qua mùi hương cốm mới trong làn gió thổi qua; hay thơ cô Trung Quốc là một ;á ngô đồng rụng, cả thiên hạ biết thu đã sang thì Hữu Thỉnh lại nhận ra mùa thu qua làn hương ổi. Hương ổi là thứ mùi hương gần gũi, quen thuộc với làng quê, với tuổi thơ của nhiều thế hệ, là một ấn tượng mới lạ chưa từng thấy trong thơ. Trong câu: "Bỗng nhận ra hương ổi" thì từ "bỗng" có nghĩa là đột ngột, thình lình. Nhà thơ nhận ra hương ổi trong trang thái chưa hề được chuẩn bị, như là vô tình, như là sửng sốt, như là cơ duyên để nhà thơ được quan sát, được cảm nhận mùa thu mới chớm theo cách riêng của mình. Tác giả dùng từ "bỗng" mà không phải là từ "chợt" hay từ "đột nhiên", bởi từ "bỗng" như một thán từ, một thái độ bất ngờ reo lên; không những thế, việc sử dụng thanh ngã trong từ "bỗng" làm cho câu thơ như cong vút hẳn lên, làm người nghe bất ngờ, giật mình hơn là thanh nặng trong từ "chợt" hay từ "đột nhiên". Hương ổi ngỡ ngàng ấy "phả vào trong gió se", nhờ gió truyền đi tín hiệu báo thu về. "Phả" nghĩa là bốc mạnh và tỏa ra thành luồng, hơi mùa thu đã tỏa đầy trong không gian. Hữu Thỉnh không tả mà chỉ gợi cho người đọc liên tưởng tới trái ổi chín trong khu vườn nhỏ thơm lừng trong những ngày cuối hạ đầu thu, thấm cả vào hồn người. Gió mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh là cái "gió se", là cái se lạnh của gió heo may đầu thu xua đi cái oi bức của mùa hạ, tạo cảm guacs thư thái, nhẹ nhõm. Gió trong "Sang thu" rất khác so với cái gió khắc nghiệt của thơ xưa, khác hẳn với: "Bát nguyệt thu cáo phong nộ hào" (Tháng Tám thu cao gió thét già) trong "Mao ốc vị thu phong sở phá ca" của Đỗ Phủ, hay "Gió thu hiu hắt" trong "Cảm thu, tiễn thu" của Tản Đà.. Còn sương thu thì được nhân hóa qua hai chữ "chùng chình", nớ vừa gợi lên hình ảnh làn sương dày, đặc quyện, giăng mắc trong không gian; vừa gợi lên cảm giác như sương cố tình bước chậm lại bởi vẫn còn lưu luyến mùa hạ mà chưa mạnh dạn bước sang thu, gợi bầu không khí thơ mộng huyền ảo rất đặc trưng của mùa thu. "Sương chùng chình qua ngõ", "ngõ" ở đây vừa là một không gian thực của những xóm ngõ làng quê, lại vừa gợi liên tưởng đến ngõ nhỏ của thời gian thông giữa hai mùa thu-hạ. Đó là những tín hiệu chân thực, gần gũi, nhưng nó cũng mong manh, mơ hồ, vô ảnh vô hình. Từ cái chân thực, gần gũi ấy tác giả đi đến kết luận "thu đã về" nhưng nó vẫn còn mong manh, mơ hồ quá nên nhà thơ mới nói "hình như". Câu thơ: "Hình như thu đã về" mang âm điệu của tiếng reo thầm, là niềm vui của một thi nhân khi trời đất sang thu; thể hiện sự trầm lắng, điềm tĩnh của một con người từng trải nên mới chỉ là tiếng reo thầm mà không phải là tiếng reo vui như tiếng reo của những đứa trẻ. Phải chăng nhà thơ đã quá thờ ơ trước thời khắc giao mùa hay bởi lòng ông đang bối rối? Thu về tự bao giờ? Từ hương ổi hay từ những làn gió heo may? Thu làm lòng người xao xuyến quá chừng để rồi không biết được rằng là thực hay mơ. "Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về" (cái phần trích thơ này chẳng hiểu sao mình sửa mấy lần nó vẫn cứ tự nhảy chữ hoa ở 3 dòng sau, mong các bạn thông cảm nha ;-;) Nếu khổ thơ đầu tiên chỉ là những tín hiệu mơ hồ, được quan sát trong không gian gần và hẹp (có thể là trong xóm ngõ, trong một vườn cây) thì ở khổ thơ thứ hai tác giả đã quan sát những hình ảnh cụ thể trong một không gian vừa xa, vừa rộng với dòng sông dưới mặt đất, cánh chim và đám mây trên bầu trời. Dòng sông "dềnh dàng" lúc thu về mang nặng phù sa, nước dâng đầy, chảy thật chậm sau một mùa hạ nhiều bão lũ, nước sông ào ạt dữ dội. "Dềnh dàng" cũng gợi lên cảm giác thật nhẹ nhõm, lắng đọng, chậm rãi. Con sông mùa thu cứ cố ình chậm lại là để chờ đợi ai, là để chờ đợi điều gì? Nhưng đàn chim thì khác, chúng bắ đầu trở nên vội vã. Có thể là vội vã bay về phương Nam tránh rét, cũng có thể là phải vội vã về tổ sau một ngày kiếm ăn vì sang thu ngày ngắn hơn. Hai câu thơ đầu của khổ thơ thứ hai xuất hiện thủ pháp đối lập thú vị: Sống chậm rãi đối lập hoàn toàn với những cánh chim vội vã. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhận ra những chuyển biến tinh vi trong lòng tạo vật. Đó là những điều hết sức chân thực, tạo sự quân bình trong cuộc sống bởi mùa thu cũng chính là sự quân bình giữa hai mùa hạ nóng, đông lạnh. Thậm chí cả đám mây mùa hạ cũng "vắt nửa mình sang thu", lơ lửng giữa bầu trời cao rộng. Dường như giữa hai mùa thu-hạ có một đường ranh giới vô hình, giăng mắc khắp không gian. Đám mây tưa như chiếc khăn voan trắng vắt ngang qua đường ranh giới phân định giữa hai mùa, tụa như cây cầu nối giữa hai đầu mà một bên này là mà hạ, bên kia là mùa thu. Câu thơ tả đam mây là câu thơ vô cùng độc đáo, giàu sức gợi. Tác giả mượn không gian để nói đến thời gian: Mùa hạ chưa qua hẳn mà mùa thu đã về, khiến lòng người có đôi chút tiếc nuối nhẹ nhàng. "Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu" Thời gian vẫn không ngừng chuyển động, vạn vật vẫn tiếp tục chuyển mình sang thu. Tuy thu sang vẫn còn cái nắng, cái mưa, những sấm của mùa hạ nhưng tuy nắng vẫn còn, mưa đã vơi dần, "sấm cũng bớt bất ngờ" hơn. Các hiện tượng thời tiết đặc trưng của mùa hạ chưa mất nhưng cường dộ của nó đã giảm dần, hạ chưa qua nhưng đã nhường bước cho thu tới rồi cứ thế lùi dần lại phía sau. "Sấm" ở đây cũng có thể hiểu là những vang động bất thường của ngoại cảnh, cuộc đời. Trong khi những hiện tượng khi giảm dần đi thì "hàng cây" lại có sự tăng lên về tuổi tác, về kinh nghiệm, sự từng trải, dạn dày mưa nắng nên đã trở nên "đứng tuổi", đã bớt bất ngờ hơn trước những vang động của cuộc đời, vững vàng hơn và trưởng thành hơn. "Vẫn còn bao nhiêu nắng Đã vơi dần cơn mưa Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi" Với cách sử dụng ngôn ngữ bình dị mà sáng tạo, hàm súc, "Sang thu" của Hữu Thỉnh không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu của quê hương mà còn làm sâu sắc hơn tình cảm dành cho quê hương trong trái tim nhà thơ cũng như trong trái tim của biết bao con người. Bài thơ ra đời năm 1977 khi đất nước vừa mới đi qua những năm tháng mưa bao bão đạn của chiến tranh vẫn còn nhiều gian khó, thử thách (những nắng, mưa, sấm, chớp) nhưng đã bản lĩnh, vững vàng (bởi nắng, mưa, sấm đã bớt rồi). Đất nước đã hòa bình, con người cũng đổi thay. Có người cho phép mình được thanh thản, bình yên để cảm nhận một buổi sớm thu về. Đó là những giây phút vô cùng quý giá mà suốt thời bom đạn chiến tranh chưa ai có được. Có người cho phép mình được sống "dềnh dàng", nghỉ ngơi một chút, có người lại "vội vã", hối hả với những lo toan thường nhật hoặc tìm kiếm cơ hội mới trong cuộc đời đã sang trang. Trong "Sang thu", thì ra mùa thu đâu chỉ có chuyện tiên sơ, mùa thu còn là chuyện trưởng thành. "Sang thu" không chỉ là sang thi của đất của trời mà còn là sang thu của cả một đời người. Nhà thơ cùng những người cùng thế hệ đã đi qua chiến tranh, đã bỏ lại một phần tuổi trẻ, bỏ lại một mùa hạ đầy nhiệt huyết trên chiến trường đầy khói đạn nên đã bước sang mùa thu của cuộc đời. Đó là những con người trong tim "vẫn còn bao nhiêu nắng", bao nhiêu nhiệt huyết, khát vọng và trong lòng cũng đã phần nào vơi đi những nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh như "đã vơi dần cơn mưa". Họ đứng tuổi, dày dạn nắng mưa nên cũng bớt bất ngờ trước những "sấm", những biến động của cuộc đời. Đó chính là nội dung tư tưởng sâu sắc ản dưới những ngôn ngữ thơ độc đáo tạo nên vẻ đẹp bên ngoài cho bài thơ mà Hữu Thỉnh muốn gửi gắm tới chúng ta qua tác phẩm của mình. Bên cạnh sự sáng tạo trong cách sử dụng ngôn ngữ, việc miêu tả mùa thu bằng những bước chuyển mình của vạn vật, Hữu Thỉnh đã khuấy động một cách nhìn riêng, một lối miêu tả riêng thoát khỏi những cái mang tính ước lệ để khẳng định vị trí của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật với đề tài mùa thu - là một đề tài hay nhưng rất nhiều thách thức đối với người nghệ sĩ muốn để lại dấu ấn trong sự nghiệp thi ca. Nhưng nhà thơ vẫn làm được điều đó, và "Sang thu" đã trở thành bài thơ được những bạn đọc yêu thơ rất yêu thích, trân trọng cũng là vì thế. "Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được người nghệ sĩ sáng tạo ra để truyền tải một nội dung tư tưởng sâu sắc.", nhận định ấy quả đúng không sai. Nhà văn Nga Macxim – Gorki từng nói rằng nội dung và hình thức tác phẩm gắn bó không rời với nhau như tâm hồn và thể xác. Vì vậy những tác phẩm văn học nói chung và thơ ca nói riêng khi có nội dung tư tưởng sâu sắc hòa quyện với hình thức độc lạ chắc chắn sẽ bất tử trong lòng người yêu văn học nhiều thế hệ, trở thành những tác phẩm vượt không gian, thời gian, thoát ra khỏi cả định luật của sự thối rữa và sẽ không bao giờ "thừa nhận cái chết". Khi đó tác phẩm ấy sẽ đánh dấu một dấu mốc quan trọng của người nghệ sĩ trong sự nghiệp sáng tác, trong lòng bạn đọc đương thời và hậu thế sau này.