Chứng minh nhận định của Ga - Đa - Tốp qua Đồng chí và bài thơ về tiểu đội xe không kính

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tthuong2928, 25 Tháng mười hai 2022.

  1. tthuong2928

    Bài viết:
    6
    Đề bài: Ra-xum Ga-đa-tốp được mệnh danh là nhà thơ của mọi thời đại có dành cho báo Nước Nga văn học một cuộc trò chuyện, trong đó bày tỏ sâu sắc suy nghĩ của mình về văn học: ".. Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo."

    (Đọc hiểu văn bản, SGK Ngữ văn 9 – 2005, trang 160)

    Em hiểu lời bàn trên như thế nào? Bằng sự hiểu biết của mình về hoàn cảnh lịch sử đất nước, con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, hãy làm sáng tỏ lời bàn ấy qua tác phẩm "Đồng chí" của Chính Hữu và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật.

    BÀI LÀM:

    Viết về văn học, Phạm Văn Đồng có nhận định: "Văn học, nghệ thuật là công cụ để hiểu biết, khám phá, để sáng tạo thực tại xã hội". Ra-xum Ga-đa-tốp được mệnh danh là nhà thơ của mọi thời đại có dành cho báo Nước Nga văn học một cuộc trò chuyện, trong đó bày tỏ sâu sắc suy nghĩ của mình về văn học: ".. Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo." Trong hai cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp, chống Mĩ, "Đồng chí" của Chính Hữu và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật là những bài thơ tiêu biểu được đúc kết bằng những câu từ đậm chất nghệ thuật mà vẫn khắc họa thành công hình ảnh, hơi thở của thời đại.

    Thực vậy, văn học bắt nguồn từ cuộc sống, cuộc sống là đầu nguồn duy trì mạch chảy dồi dào của văn học. Những người nghệ sĩ gieo rắc những hạt nắng văn chương hay chính là những nghệ thuật sáng giá xuống dòng chảy ấy và chính họ biến dòng chảy văn học thành tấm gương phản chiếu hiện thực của thời đại. Đó chính là "chân lí" của văn chương được "khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn". Nhà văn là những sứ giả của thời đại, họ viết những gì họ cảm nhận được qua lăng kính trần trụi của bản thân và thâm tâm họ luôn biết "hát đúng giai điệu của thời đại" đầy chân thực.

    "Đồng chí" được chính Hữu viết vào năm 1948 khi cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt. Bài thơ mang những cảm xúc dồn nén ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc đã làm nổi bật lên hình ảnh người lính mộc mạc.

    "Quê hướng anh nước mặn đông chua

    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

    Anh với tôi đôi người xa lạ

    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau."

    Xuất thân của họ là những người nông dân chất phác từ những miền quê nghèo khó. "Anh" với "tôi" ban đầu là những người "xa lạ" nhưng họ đã gắn bó hơn với nhau qua những làn hành quân. Chính Hữu đã cực tả cuộc sống kham khổ của những người nông dân không hề tô vẽ. Với tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, những người nông dân ấy sẵn sàng từ giã quê nhà, ra lính, khắc tên mình lên khẩu súng giành độc lập hòa bình.

    "Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

    Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi

    Áo anh rách vai

    Quần tôi có vài mảnh vá

    Miệng cười buốt giá

    Chân không giày."

    Những lời thơ đầy lắng động ghim vào trái tim của người đọc gợi lên nỗi xót xa cho những khó khăn thiếu thốn của người lính được Chính Hữu khắc họa rất chân thực. Cái giá rét, cơn sốt, cái khó khăn, cái thiếu thốn ấy là thật. Đất nước còn nghèo, những người lính không có đủ thuốc men chữa trị, họ cam chịu những đợt sốt rét run người. Những người lính kiên cường không chịu khuất phục trước cái thiếu thốn vật chất bởi lẽ họ có đầy đủ niềm vui tinh thần, niềm tin chiến thắng. Những trái tim lạnh giá giữa trời rét được sưởi ấm bằng tình đồng chí nồng hậu trước sự khắc nghiệt nơi núi rừng Việt Bắc.

    Cái chất hiện thực còn được khắc họa trong câu thơ "Đêm nay rừng hoang sương muối". Giữa trời đông bốn bè là rừng, thậm chí có cả "sương muối" chính là những khó khăn người lính gác đêm phải trải qua. Khu rừng chìm vào màn sương muối hoang vu giăng đầy nhưng người lính vẫn đứng hiên ngang phục kích giặc. Với ý chí quật cường, bảo vệ từng tấc đất của Tổ Quốc luôn thường trực đã tiếp cho họ sức mạnh vượt lên trên tất cả.

    Những hình ảnh hiện thực Chính Hữu đưa vào bài thơ đã khắc họa những khó khăn của những người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp đầy gian lao và khó khăn, nhưng chính tình đồng chí ấm áp đã gạt đi mọi vất vả ấy để cùng tiến bước, cùng hướng tới tương lai tươi sáng phía trước.

    "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật được viết vào thời kì kháng chiến chống Mĩ năm 1969. Bài thơ tô đậm tinh thần lạc quan của những người lính lái xe Trường Sơn bất chấp khó khăn nguy hiểm.

    "Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi."

    Những chiếc xe chở hàng không có kính vẫn bon bon trên con đường Trường Sơn lịch sử. Vốn dĩ xe vẫn đủ đầy tiện nghi những chính những đợt bom quân Mĩ dội xuống đã khiến cửa kính xe vỡ đi.

    Chính thiếu thốn đó khiến những đợt vận chuyển hàng của quân ta càng thêm khó khăn. Những người lính phải chịu những đợt "gió vào xoa mắt đắng", những làn bụi mù mịt "phun tóc trắng như người già", những cơn "mưa tuôn mưa xối như ngoài trời". Đó là hình ảnh tả thực đầy trần trụi không chút hoa mĩ trong bài thơ của Phạm Tiến Duật. Rồi:

    "Không có kính rồi xe không có đèn

    Không có mui xe thùng xe có xước"

    Cứ ngỡ những khó khăn ấy sẽ ghìm hãm lại lí tưởng chiến đấu của những người lính nhưng không hề. Họ vẫn luôn lạc quan "nhìn nhau mặt lấm cười ha ha", "bắt tay qua cửa kính vỡ rồi", họ dũng cảm đối mặt với khó khăn không hề bạn bè trốn chạy. Họ đoàn kết, "chung bát đũa" đơn thuần cũng đã "là gia đình đấy" dù chẳng chung huyết thống nhưng những người lính đã gắn bó với nhau tới nỗi giữa họ chính là hai tiếng "gia đình" thiêng liêng.

    Trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", Phạm Tiến Duật đã làm toát lên những hình ảnh độc đáo trẻ trung, hình ảnh thơ hiên ngang đầy sôi nổi của người lính bất chấp con đường cách mạng còn nhiều lắm những khó khăn. Đó là những hình ảnh thực đầy sáng giá.

    Nhận định của Ra-xum Ga-đa-tốp là rất sắc đáng. Hai bài thơ dưới ngòi bút tả thực của Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đã khắc họa hiện thực tàn khốc của chiến tranh và hơn cả là sự lạc quan của những người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, đó là tài nghệ của nhà văn, đó là những giai điệu của thời đại được cất lên từ sâu thẳm nơi thâm tâm và hiện thực cuộc sống.
     
    Admin thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...