Chứng minh "Có công mài sắt, có ngày nên kim" (Văn 7) Bạn có biết không, mỗi con người đều đang đứng trên một bãi bùn lầy, trước mắt là những nấc thang đầy gai nhọn và dây tơ, còn sau lưng là con dốc trơn nhẫy và đen tối. Bạn có thể bị chôn vùi, cũng có thể bị tụt xuống dưới. Vậy chỉ còn bước lên trước, hướng phía ánh sáng lay lắt mà đi. Nhưng làm sao đây khi bạn đang để chân trần? Chẳng thế nào cả, bạn vẫn phải bước tiếp, từng bước từng bước một. Samuel Johnson đã nói: "Những thành tựu vĩ đại không được gặt hái bằng sức mạnh mà bằng sự kiên trì". Ngoan cường là bàn đạp của bạn lúc này. "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Câu tục ngữ đúng đắn, tâm huyết của cha ông ta là minh chứng cho tầm quan trọng của sự kiên trì, quyết tâm và hoài bão cao đẹp. Người ta kể chuyện đời xưa, có một người phụ nữ xấu xí bị chồng ghẻ lạnh. Nhưng cô ấy luôn làm tất cả để chồng mình vui. Cô tự tay kiếm một miếng sắt sáng bóng, to, cứng vừa đủ. Ngày qua ngày, người phụ nữ miệt mài rèn sắt, mặc chai tay, mặc người khác chê cười. Mệt mỏi, chán chường không làm cô ấy dừng bước. Thế rồi, cô rèn ra một cây kim nhỏ xíu, nhọn hoắt và mềm mại, may được một chiếc áo đẹp. Ai cũng cảm thấy bất ngờ, nhất là người chồng. Và các bạn có biết không, cuối cùng thì người chồng kia cũng nhận ra tấm chân tình của cô ấy. Vất vả nhiều ngày với đôi tay sưng tấy, chai sạn đã đổi lấy được hạnh phúc và nụ cười trên môi. Câu chuyện có lẽ chỉ là một sự tưởng tượng, hoàn toàn phóng đại, xa xôi, nhưng nó là lời giải thích cụ thể, dễ hiểu nhất cho câu "có công mài sắt, có ngày nên kim". Người "gan cứng chí bền", giàu nghị lực, niềm tin, vượt nhiều thử thách ắt sẽ nhận được kết quả xứng đáng. Bạn có biết quá trình học nói và đọc vô cùng gian nan của Helen Keyler? Chưa đầy hai tuổi đã bị mù và điếc, việc học đối với Helen là rất xa vời. Nhưng bằng sự kiên cường vượt lên số phận, ngày ngày nhẫn nại học phát âm bằng cách chạm vào môi và cổ họng của gia sư Anne để bắt chước nói, Helen rất nhanh sau đó đã nói được những câu từ đơn giản. Rồi học chữ nổi, vào trường cho trẻ mù điếc Perkins, đỗ đại học Harvard.. Dần dần, bà trở thành nhà hoạt động xã hội, diễn giả và một trong số 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ XX. Sự nỗ lực không ngừng đã thúc đẩy bà tiến về phía trước, đối mặt với khó khăn và không bỏ cuộc. Giống như Êđisơn vậy, ông đã thí nghiệm đến 10000 lần để phát minh ra bóng đèn điện. Ông không hề nao núng và sợ hãi bởi thất bại. Những con người ấy, có công mài sắt cũng có ngày nên kim. Đấu tranh và chạy đua với bản thân cũng là một việc làm khôn ngoan. "Kiến tha lâu cũng đầy tổ". Nếu không thể, hãy cố gắng từng chút một, dám dấn thân và mạo hiểm là chìa khóa thành công. Câu chuyện tiếp đây là một ví dụ. Đại bàng là loài chim có tuổi thọ cao nhất, cuộc đời của chúng có thể kéo dài tới 70 năm. Nhưng một con chim đại bàng thông thường chỉ sống được khoảng 40 năm. Để sống được quãng đời dài nhất, chim đại bàng phải vượt qua một giai đoạn thay đổi khó khăn, có ý nghĩa sống còn. Năm 40 tuổi, móng vuốt đại bàng dài ra và không còn linh hoạt để có thể quắp mồi. Chiếc mỏ dài và sắc bén của nó cùn đi, cong lại. Đôi cánh già nua, nặng nề, bộ lông mọc dài, bết dính, mất dần khả năng chống nước. Lúc này, chim đại bàng đứng trước hai lựa chọn: Chịu chết hoặc vượt qua một quá trình biến đổi đau đớn kéo dài 150 ngày để có thể tiếp tục làm "chúa tể bầu trời". Trong tiến trình "lột xác" đó, đại bàng bay lên một đỉnh núi cao, trú ẩn trong tổ và gõ mỏ vào đá cho đến khi mỏ cũ gãy rời ra. Đại bàng phải chờ mỏ mới mọc trở lại, rồi dùng mỏ bẻ gãy các móng vuốt cũ đã mòn. Nó cọ mỏ vào vách đá hay thân cây để mỏ thêm cứng và sắc hơn. Chiếc mỏ cứng cáp đó sẽ theo đại bàng trong suốt quãng đời tiếp theo. Sau đó, con chim dùng mỏ và vuốt nhổ hết lớp lông đã già trên mình như một hình thức "lột da". Đối với loài chim, không có lông, không có mỏ, chúng sẽ phải chịu đói vì không thể bay lượn hay săn mồi. Quá trình nhổ lông cũng khiến đại bàng phải chịu nhiều tổn thương, đau đớn, thậm chí có thể khiến con chim mất mạng vì chảy máu hay nhiễm trùng. Nhưng nếu vượt qua được, 5 tháng sau đại bàng có thể bay lượn với bộ cánh mới, chào mừng cuộc đời một lần nữa và sống thêm 30 năm. Quá trình "tái sinh" đầy đau đớn của đại bàng cũng giống như những sóng gió xảy ra trong cuộc đời con người. Mỗi chúng ta muốn phát triển, bước sang một trang cuộc đời mới thì phải không ngừng học hỏi, thay đổi và thích nghi với cuộc sống. Người chiến thắng sau cùng sẽ là người tiếp tục bước từng bước nhỏ; quyết định và hành động sẽ từ từ nối tiếp nhau và cuối cùng dẫn đến khoảnh khắc hào hùng của chiến thắng. "Người chuyển núi bắt đầu bằng việc rời những viên đá nhỏ". Cây kim sẽ càng nhọn khi bạn càng mài giũa nó. Không biết bao nhiêu lần con người buông tay từ bỏ khi chỉ một chút nỗ lực và kiên trì là thành công. Có truyện kể về người đào kim cương nọ, đã đào cả một ngày trời, mồ hôi nhễ nhại, nhưng còn cách viên kim cương 1 mm thì lại bỏ về. Vừa đáng thương lại đáng tiếc. Anhxtanh có câu: "Tôi nghĩ và nghĩ hàng năm hàng tháng. 99 lần đi tới kết luận sai lầm, nhưng lần thứ 100, tôi đúng". Quả đúng như vậy, ánh sáng luôn xuất hiện ở cuối những con đường dài. Không có rắc rối nào có thể đứng vững trước sự tấn công của những hành động và suy nghĩ kiên trì. Bác Hồ của chúng ta đã ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, bôn ba nước ngoài, khổ nhọc trăm bề. Nhưng Bác luôn vững vàng và quyết tâm đến cùng, để rồi thành công cứu nước thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Lý tưởng và ước mơ cao đẹp của con người để thực hiện được thì luôn đòi hỏi sự lâu bền, gian khó và kiên trì. Nghị lực và sự bền bỉ sẽ chinh phục mọi thứ. Những bạn học sinh chăm chỉ học tập, ôn luyện ắt sẽ vượt qua các bài kiểm tra. Người nông dân một nắng hai sương cần cù siêng năng đồng áng cũng sẽ có một vụ mùa bội thu. Hay đơn giản hơn, từ một đứa bé còn bú mẹ, trưởng thành qua ngày hôm nay cũng cần đến một quá trình rèn luyện trau dồi thường xuyên. Hoặc người nào có được công việc suôn sẻ cũng phải trải qua chuỗi ngày trượt phỏng vấn. Sống giống như chèo thuyền ngược dòng nước. Không nghỉ ngơi hay buông xuôi mới cập bến. Bạn biết vì sao người trẻ tuổi thường có tỉ lệ thành công thấp? Vì họ là những người đã được đáp ứng đủ các nhu cầu nên khi gặp tình huống phát sinh hay mất mát sẽ mất bình tĩnh, chán nản và bỏ cuộc, mất hết hứng thú. Vậy nên bạn ơi, mỗi người phải tạo được mục tiêu phấn đấu, tự lực và kiên trì theo đuổi ước mơ. Gan lì, học cách đứng lên sau thất bại thì cuộc sống sẽ đầy sự lạc quan và tin tưởng. Quá khứ có thể tốt, nhưng hiện tại là tốt hơn và tương lai là tốt nhất. Con người chúng ta sinh ra đều là một miếng sắt thô cứng. Nhưng "có công mài sắt có ngày nên kim". Ai cũng có thể trở thành cây kim mềm mại và sắc nhọn nhất, chỉ cần là sự kiên trì và nỗ lực chạy về phía những bậc thang đầy gai kia. Bạn biết không, con đường nào có gai và dây thì sẽ có hoa hồng. Sự kiên trì sẽ là đôi giày đồng hành cùng bạn trên con đường ấy!