Chứng khoán là gì? Những điều cần biết về Chứng khoán

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi truyệncủathảo, 8 Tháng bảy 2021.

  1. truyệncủathảo Vui vẻ

    Bài viết:
    156
    Chứng khoán là gì?

    Theo thuật ngữ chuyên ngành thì chứng khoán là bằng chứng xác nhận về quyền và lợi ích pháp lý của một cá nhân hoặc tổ chức đối với tài sản hoặc phần vốn mà tổ chức đó phát hành.

    Có thể coi chứng khoán là một loại hàng hóa đặc biệt, một loại hàng hóa ảo (hàng hóa trừu tượng) có thể đem ra thỏa thuận, mua bán, thay thế hoặc định giá tài chính.. Người ta có thể kiếm tiền thông qua đầu tư mua bán các loại cổ phiếu chứng khoán tại nơi giao dịch gọi là thị trường chứng khoán.

    Doanh nghiệp, tổ chức nào phát hành chứng khoán thì được gọi là đối tượng phát hành. Các đơn vị có thể chứng nhận chứng khoán bằng một chứng chỉ, hoặc bằng bút toán ghi sổ hay dữ liệu điện tử.

    [​IMG]

    Thuật ngữ thường dùng trong chứng khoán

    - Cổ phần: Nguồn vốn của một tổ chức được chia thành các phần bằng nhau.

    - Cổ phiếu: Chứng chỉ được phát hành để xác nhận quyền sở hữu cổ phần.

    - Cổ phiếu phổ thông: Là loại cổ phiếu xác định quyền được biểu quyết đối với các quyết định lớn của công ty và được hưởng lợi ích hay cổ tức nhưng không cố định.

    - Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: Là loại cổ phiếu có giá trị phiếu biểu quyết cao hơn nhiều so với cổ phiếu dạng phổ thông.

    - Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: Là loại cổ phiếu xác định quyền được trả cổ tức cao hơn so với cổ phiếu phổ thông.

    - Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: Là loại cổ phiếu xác định quyền được đơn vị phát hành hoàn vốn bất cứ khi nào theo yêu cầu hoặc theo các điều kiện được xác lập.

    - Cổ đông: Là những cá nhân/tập thể sở hữu cổ phiếu.

    - Cổ tức: Là khoản lợi nhuận được chia cho cổ đông sẽ nhận được hàng năm từ công ty cổ phần (bao gồm cổ tức bằng tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu).

    - Cổ tức cố định: Phần lợi nhuận được chia cho cổ đông mà không phụ thuộc kết quả kinh doanh của công ty.

    - Cổ tức thưởng: Phần lợi nhuận được chia cho cổ đông tùy phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.

    - Trái phiếu: Là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ phải trả của tổ chức phát hành.

    - Chứng chỉ quỹ: Là chứng khoán được phát hành bởi các quỹ đầu tư chứng khoán.

    - VN-Index: Chỉ số thể hiện biến động các cổ phiệu niêm yết trên sàn HOSE.

    - HNX-Index: Chỉ số thể hiện biến động các cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX.

    - IPO: Phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng.

    - Vốn hóa: Tổng giá trị cổ phần của các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết.

    - Thanh khoản: Mức độ nhanh chóng trong việc mua bán chứng khoán.

    - Khối lượng giao dịch: Số chứng khoán được giao dịch trong phiên.

    Thị trường chứng khoán là gì?

    Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán các loại chứng khoán. Hàng hóa giao dịch trên thị trường chứng khoán bao gồm các loại chứng khoán như là các cổ phiếu, trái phiếu và một số công cụ tài chính khác đạt điều kiện có thời hạn trên 1 năm.

    Thị trường chứng khoán vẫn được coi là một bộ phận quan trọng của thị trường vốn. Hoạt động của thị trường chứng khoán cũng nhằm huy động các nguồn vốn tiết kiệm trong xã hội tập trung thành nguồn vốn lớn của doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức kinh tế xã hội để tham gia sản xuất phát triển kinh tế..

    [​IMG]

    Phân loại thị trường chứng khoán

    Ở Việt Nam thị trường chứng khoán có 2 dạng:

    - Thị trường chứng khoán sơ cấp

    - Thị trường chứng khoán thứ cấp

    Trong đó, thị trường sơ cấp là nơi người mua mua được chứng khoán lần đầu của người phát hành. Còn thị trường thứ cấp là để các bên mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành ở thị trường sơ cấp.

    Ngoài ra, có thể phân loại thị trường chứng khoán dựa trên loại chứng khoán giao dịch là:

    Thị trường cổ phiếu; thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.

    Trong thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm: Thị trường hợp đồng tương lai, hợp đồng lựa chọn.. Thị trường chứng khoán phái sinh chỉ xuất hiện ở những nền kinh tế phát triển cao cấp.

    Các tổ chức kinh doanh trên thị trường chứng khoán:

    Các tổ chức kinh doanh tham gia thị trường chứng khoán bao gồm: Công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư chứng khoán, các trung gian tài chính, các tổ chức liên quan đến chứng khoán, cơ quan quản lý Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, Công ty dịch vụ máy tính chứng khoán..

    [​IMG]

    Đặc điểm của chứng khoán

    - Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế: Phát hành cổ phiếu là cách phổ biến để các doanh nghiệp trong hệ thống kinh tế tư bản huy động vốn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cung cấp cho công chúng một môi trường đầu tư lành mạnh với các cơ hội lựa chọn phong phú.

    - Tính thanh khoản: Khả năng thanh khoản là một trong những đặc tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán đối với các nhà đầu tư. Việc kinh doanh tự do, minh bạch diễn ra trên thị trường chứng khoán dựa trên nguồn cung và cầu. Bằng cách này, các nhà đầu tư có thể chuyển đổi các cổ phần họ sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn thông qua cơ chế định giá đang hoạt động.

    - Tính minh bạch: Đặc điểm giao dịch công khai giúp cho TTCK duy trì tính minh bạch trong các giao dịch tài chính. Vì tính minh bạch nên tất cả những người tham gia đều nắm được thông tin về giá cả của các cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường và những người tham gia còn có thể truy cập vào những thông tin tương tự giúp cho họ có thể giao dịch tự do và hiệu quả.

    - Tính tổ chức: TTCK cung cấp cho các nhà đầu tư một mức độ an toàn thông qua sự giám sát của các tổ chức chuyên nghiệp giúp tạo một nền tảng giao dịch an toàn.

    - Kim chỉ nam cho nền kinh tế: TTCK được coi là kim chỉ nam của nền kinh tế và là một công cụ quan trọng giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô.

    - Những rủi ro và lợi nhuận: Các nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận đầu tư một cách rủi ro vào TTCK nếu họ muốn có được một lợi nhuận lớn.

    Thị trường chứng khoán hoạt động như thế nào?

    Khoản 14 Điều 4 Luật Chứng khoán quy định, hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật này.

    Bên cạnh đó, cũng tại Điều 4, đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.

    Hiện nay, theo Điều 5 Luật Chứng khoán, thị trường chứng khoán được Nhà nước tổ chức hoạt động theo nguyên tắc:

    1. Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.

    2. Công bằng, công khai, minh bạch.

    3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

    4. Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.

    Đồng thời, để phát triển và quản lý thị trường chứng khoán, theo Điều 6, Nhà nước đã và đang thực hiện các chính sách:

    - Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển.

    - Quản lý, giám sát bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.

    - Đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cho hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

    Như vậy, chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Việt Nam đều được pháp luật quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

    (Nội dung được tổng hợp từ nhiều nguồn, có chỉnh sửa)
     
    Hải Nguyệt Linh Thư thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...