CHỨC NỮ, NGƯU LANG Trên trời Chức Nữ với Ngưu Lang Một dải sông Ngân lệ mấy hàng (Tản Đà) Sông Ngân nước chảy hững hờ Ngưu Lang ngồi khóc bên bờ sông Ngân Một năm gặp được mấy lần! Anh khổ vô ngần Chức Nữ em ơi! Đôi ta chẳng hợp lòng trời Một dòng nước bạc ngăn đôi chung tình Chẳng cho liền cánh liền cành Đày em trên ấy, đọa anh dưới này. Lạc loài đôi lứa thơ ngây Một năm sống để một ngày gặp nhau. Đôi ta có tội gì đâu Cớ sao chim chẳng bắc cầu cho qua? Có chăng tội với Trời già Chẳng qua là tội đôi ta chung tình. Dây oan mình buộc lấy mình Con sông bất bình chảy mãi về xuôi.. Bao giờ Chức Nữ em ơi! Cho giời nghĩ lại, cho giời quay đi! Xuân xanh để lỗi một thì Anh là bướm dại yêu gì được hoa! Mênh mang một dải Ngân hà Tình sao không phụ mà ra phụ tình! Con tằm là luỵ ba sinh Mà em là luỵ của anh muôn đời Em là con gái nhà trời Còn anh con cái nhà người thường dân Yêu em có vạn có ngàn Nhưng cha chẳng chứng cho bàn tay không! Anh chưa tên chiếm bảng rồng Lấy đâu xe bóng ngựa hồng vinh qui? Cưới em bằng tấm tình si Đò không chở thí, lấy gì sang sông? Tên em anh khắc bên lòng Bụi hồng vương lấy má hồng thương anh! Vì cha chẳng đoái duyên mình Anh đành sống để chung tình với em! Đêm qua mới thực là đêm Chân cứng đá mềm, Chức Nữ em ơi! Bờ sông bên ấy gieo thoi Sao em chẳng dệt một lời thơ anh? Tơ trời mấy sợi mong manh Biết anh có dệt nên hình gì không? Một bờ sông, hai bờ sông Một lòng! Anh dám hai lòng ở đâu! Bao giờ cho hợp duyên nhau Anh bắc nghìn cầu, Chức Nữ em ơi! Thơ Nguyễn Bính Giới thiệu sự tích Ngưu Lang, Chức Nữ: Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên gia ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào ngày 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu. Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông. Tuy nhiên sau một thời gian vì cảm thương cho sự chia lìa của cặp vợ chồng, Ngọc Hoàng đã trả lại hình hài cho những người thợ mộc và ra lệnh họ phải làm một cây cầu thật vững chắc để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp nhau. Từ đó, Ngưu Lang và Chức Nữ được sống bên nhau. Có lẽ do tích này mà vùng Bình Định (miền Trung Việt Nam) có từ "quạ làm xâu" nói về những con quạ vắng đi đâu một thời gian rồi trở về với cái đầu trọc lóc trong rất khôi hài. Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra. Cảm nhận về bài thơ: Bài thơ Ngưu Lang Chức Nữ cho ta cảm nhận sâu sắc về tình yêu thủy chung, son sắc của đôi trai tài, gái sắc trong sự chia ly. Xuyên suốt bài thơ là nỗi khổ chia ly của đôi tình nhân vì bị trời đày đọa. Toàn bài thơ là cảm giác yêu thương, nhung nhớ, khắc khoải mong chờ đến ngày được gặp nhau dù chỉ một lần trong năm và đôi lúc bất bình vì bị trời đày đọa. Thậm chí chàng trai luôn có cảm giác áy náy dù chung tình nhưng như phụ tình vì không ở gần bên cô gái.