Chùa Viên Giác (Chùa Thình Thình) – nét đẹp hoang sơ cổ kính 1. Giới thiệu về chùa Viên Giác (chùa Thình Thình) ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. 1.1. Vị trí địa lý chùa Viên Giác. Chùa Viên Giác nằm trên dãy núi Thanh Thanh, có độ cao gần 170m so với mực nước biển. Từ trên cao nhìn xuống núi có hình thù giống như một con cá sấu khổng lồ, núi nghiêng từ 32o–đến 42o nên có sự chênh lệch giữa phía đông và phía tây dọc theo dãy núi Phượng Hoàng cắt giữa xứ Trung Ngôi và hồ Chuồng Trâu. Trước đây, người trên núi thường nghe thấy âm thanh "ình" "ình", lâu dần người dân đọc chệch thành "thình thình", nên từ đây người xứ này hay xứ khác đến đều gọi nơi đây là núi Thình Thình thay vì tên cũ Thanh Thanh. Hình 1.1. Toàn cảnh chùa Viên Giác (chùa Thình Thình) Chùa Viên Giác tọa lạc ở núi Thình Thình, xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ thành phố Quảng Ngãi đến chùa Viên Giác, có hai con đường đi đến núi: Con đường thứ nhất đi từ cầu Trà Khúc xuống chợ Châu Sa, sau đó rẽ trái về hướng thành cổ, đi qua cánh đồng lúa của xã Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Bình Tân, đến trung tâm xã Bình Tân rồi theo đường dốc men theo sườn núi để lên đến chùa, con đường thứ hai là từ thành phố Quảng Ngãi đi ra Tịnh Phong, Sơn Tịnh đến ngã ba Tân Gân đi về hướng đông tầm 6km thì đến núi Thình Thình. Con đường lên núi là những đoạn đường rất nguy hiểm và khó đi, khi thì dốc đứng, lúc thì đầy đá gập ghềnh, đặc biệt khi trời mưa đường rất trơn và có cây đổ, gãy, chắc vì lẽ đó mà chùa vắng du khách đến thăm quan, chỉ có mùng 1, ngày rằm mới có phật tử về đây cúng dường, cầu phúc. 1.2. Quá trình hình thành và phát triển chùa Viên Giác. Theo lời kể của Đại Đức Thích Đồng Lộc người quản lý chùa Viên Giác hiện nay thì ngôi chùa do Hòa Thượng Tăng Cang Diệu Quang - Đệ lục tổ của Tổ đình Sắc tứ Thiên Ấn đến khai sơn lập chùa vào năm 1920. Ban đầu, chùa có tên chữ là Thanh Thanh Viên Giác tự, sau này người dân sống trên núi dựa vào âm thanh thình thình phát ra từ trong lòng núi mà gọi với cái tên thân thương Thình Thình. Ông tổ đầu tiên của chùa Viên Giác có thế danh là Trần Phước Huy, xuất gia quy y tại chùa Thiên Ấn được ngũ tổ ban pháp danh Chơn Trung, tự Đạo Chí, hiệu Diệu Quang, tu theo dòng Lâm Tế Vạn Phong Thời Ủy thuộc Pháp phái Chúc Thánh. Khoảng năm 1920 Hòa Thượng Diệu Quang đến núi Thanh Thanh và thấy nơi đây yên tĩnh phù hợp với việc tu hành nên đã quyết định lập chùa ẩn tu. Ban đầu chùa không lớn và khang trang như bây giờ mà chỉ là túp lều nhỏ nằm hiu quạnh trên đỉnh núi. Sau bao lần trùng tu do thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh nên chùa mới có vị trí và hình hài như ngày hôm nay. Ngày 13 tháng 2 năm Nhâm Thìn, Hòa Thượng Diệu Quang viên tịch, hưởng thọ 62 tuổi, được an táng trong khuôn viên chùa Viên Giác. Hình 1.2. 1 Mộ tháp Hòa Thượng Tăng Cang Diệu Quang Kế thừa Trụ trì chùa Viên Giác là Hòa Thượng Huyền Đạt (1903-1994) có thế danh là Trương Bá Kiên. Năm 1990, Hòa Thượng Huyền Đạt trùng tu lại chùa, cách chùa cũ 100m và hướng mặt chùa ra phía tây. Sau khi tiến hành trùng tu không lâu, Hòa Thượng Huyền Đạt do sức khỏe ngày càng yếu nên vào năm 1994 Ngài viên tịch thọ 91 tuổi, được an táng trong khuôn viên chùa Viên Giác. Sau khi Hòa Thượng Huyền Đạt viên tịch, Hòa Thượng Hạnh Pháp lên thay, nhưng do lâm bệnh nặng mà giao phó chùa cho Hòa Thượng Thích Hạnh Diên quản lý công tác Phật sự. Hiện tại chùa vẫn chưa có trụ trì mà do Đại Đức Thích Đồng Lộc thay mặt quản lý và chăm lo việc kinh Phật, hương khói của ngôi chùa trên trăm tuổi này. Do có công với cách mạnh và sự linh thiêng của ngôi chùa, nên vào năm 1993 chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. 1.3. Quang cảnh, kiến trúc chùa Viên Giác Từ xa nhìn lại núi Thình Thình giống như con cá sấu khổng lồ được bao bọc bởi dãy rừng nguyên sinh xanh ngút ngàn trông rất hùng vĩ, cũng vì vậy mà nơi đây từng là nơi trú ẩn, đóng quân của bộ đội ta. Chùa tọa lạc trên đỉnh núi rộng bằng phẳng, được phủ xanh bởi lớp rêu nõn nà, xanh mướt, nên dù đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa do thiên tai (bão) hằng năm, hay bao lần bảo vệ quân ta dưới mưa bom lửa đạn thì chùa vẫn vậy, vẫn giữ được nét hoang sơ và cổ kính. Đứng trên đỉnh núi nhìn ra xa, phía tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía bắc và đông là cảnh mờ ảo thơ mộng thấp thoáng vẻ đẹp xanh tươi của đảo Lý Sơn, phía Nam là thành phố Quảng Ngãi nguy nga, ồn ào tấp nập xe cộ. Do đường lên chùa khó khăn lại xa khu dân cư nên ngày thường ít người đến cúng viếng, họa may có những vị khách phương xa tò mò về truyền thuyết và khung cảnh hùng vĩ bạt ngàn nhưng không kém phần thơ mộng của chùa mà tìm đến. Chùa có diện tích khoảng 500m2, đi hết đoạn đường dốc, ta sẽ nhìn thấy cổng tam quan được tô son thếp vàng đề chữ Viên Giác tự. Hình 1.3 Cổng chùa Viên Giác (chùa Thình Thình) Ở giữa sân chùa là tòa sen thờ tam Phật cao hơn 3m, bên phải là tòa mộ tháp của vị tổ khai sơn Hòa Thượng Diệu Quang, bên trái là bốn tòa mộ tháp của các đời trụ trì. Trong chánh điện thờ Phật tổ, Chuẩn Đề, Tiêu Diện, Địa Tạng. Đằng sau chánh điện là Hậu tổ, ở giữa thờ tượng Bồ Đề Đạt Ma, di ảnh của tổ khai sơn và các vị tổ kế thừa, hai bên tả hữu là nơi hương khói của các tánh linh. Hai bên chánh điện có lối đi xuống nhà Tăng, nhà Phương trượng và nhà trù tạo thành khoảng không có hình chữ khẩu mà người xưa hay gọi là giếng trời, khoảng sân có đài quan âm cao hơn 3m. Bên ngoài chùa là rừng cây cổ thụ xanh mướt, có những cây to phải đến vài người ôm mới hết. Trong cuộc trò chuyện với Đại Đức Thích Đồng Lộc, ngài có kể lại rằng: "Ngày xưa, chùa được xây hoàn toàn bằng gỗ của thân cây mít, nhưng hồi xưa chùa thường nuôi dưỡng, bảo vệ cách mạng nên chùa bị quân địch tàn phá nặng nề, sau này lại bị hỏa hoạn nên bị thiêu rụi hết toàn bộ các thư tịch sách vở và sau nhiều lần trùng tu chùa được xây lại bằng xi măng cốt thép, nộp mái ống. Ngài cũng nghe các vị Trụ trì trước kể lại chỉ có những cánh cửa gỗ ở chánh điện là còn giữ lại vết tích xưa, do nó được làm từ cột của chùa cũ. 1.4. Truyền thuyết về chùa Viên Giác (chùa Thình Thình). Người dân ở đây bao đời đều truyền nhau bài ca dao: " Núi Thình Thình, Chùa cũng Thình Thình Ai lên tới đó cho mình hỏi thăm Vì đâu nên tiếng nên tăm Để cho miếng đất ngàn năm Thình Thình! " Đó là bài ca dao mà người dân ở đây dùng để miêu tả về âm thanh phát ra từ lòng núi mỗi khi đặt chân đến vùng đất này. Vốn dĩ, Thình Thình không phải là tên chính của dãy núi này. Trước kia nó tên là Thanh Thanh Sơn, nhưng do cấu tạo của vùng đất trên đỉnh núi mà khi bước chân cứ nghe thấy tiếng" ình ình "sau đọc chệch thành" thình thình "và người dân cũng dựa vào đó mà lấy tên gọi cho ngọn núi thuộc dãy Thanh Thanh Sơn. Nói về âm thanh" thình thình "Đại Đức Thích Đồng Lộc, kể:" ngày xưa có vị thiền sư tài ba lên núi lập am tu hành, sau khi tu thành chánh quả, ngài phát nguyện rằng khi ta viên tịch hãy chôn ta vào trong lòng núi. Ở đó ngài thi triển các phép thần thông để khi có người lên núi, ngài dựa vào âm thanh các bước chân để phát hiện kẻ thiện người ác. Nếu là người thiện thì âm thanh bước chân sẽ êm ả, nếu là người ác thì âm thanh phát ra sẽ có tiếng "ình ình" khó chịu như tiếng của loài thú dữ, để rồi cảm hóa họ. Nên núi mới có bài đồng dao trên ". Sau này, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, sở dĩ có âm thanh" thình thình"là do cấu tạo của lòng đất có nhiều lỗ hổng. Các lần trùng tu chùa sau này vì đào móng gặp rất nhiều lỗ hổng nên đã sai người lấp đất lại nên về sau chỉ có khoảng đất từ cổng tam quan đi về phía tay phải 20m mới nghe được âm thanh này mà thôi. Ngoài ra, chùa Thình Thình còn có tích về thần núi. Dân chúng kể rằng, nhiều lần lên núi hái củi, thường thấy một vị thần râu tóc dài và bạc phơ chống gậy đi lại trên núi, nghe tiếng động là ngài biến mất. Nếu chỉ lên núi hái rau dại về ăn hay chặt cành, chặt những cây đã chết khô về làm củi thì mọi việc diễn ra hết sức bình thường. Tuy nhiên, những ai lên núi phá rừng thì dù có cố gắng tới đâu cũng không thành công. Hoặc như đi săn thú rừng, nếu săn ở dưới chân núi thì họa may bắt được vài con, con trên đỉnh núi thì chưa bao giờ săn được con thú nào cả. Tương truyền là do vị thần kia bảo hộ những loài thú kia khỏi những hiểm họa mà con người đem lại. Chùa Viên Giác là ngôi chùa nổi tiếng với nhiều giai thoại kỳ lạ và linh thiêng nằm trên đỉnh núi Thanh Thanh Sơn. Dù trải qua nhiều thăng trầm của thời gian nhưng chùa vẫn giữ được vẻ cổ kính và hoang sơ như trước.