Chữ Viết Của Các Quốc Gia Đông Nam Á

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi thamnguyen, 30 Tháng mười một 2018.

  1. thamnguyen

    Bài viết:
    12
    Các quốc gia ở Đông Nam Á đã hình thành nên hệ chữ viết của mình từ sớm và hầu hết đều chịu ảnh hưởng, tiếp thu và sáng tạo ra chữ viết riêng trên nền tảng chữ Săngxcrit của Ấn Độ.

    Tấm bia cổ xác nhận sự xuất hiện của chữ Săngxcrit ở Champa là bia Võ Cảnh (Khánh Hòa), có niên đại thế kỷ III - IV. Từ đó cho đến khi vương quốc Champa sụp đổ (1471), chữ Săngxcrit luôn được dùng trong triều đình. Trên cơ sở tiếp thu chữ Ấn Độ, người Chăm cũng sáng tạo ra hệ chữ riêng của mình. Tấm bia Đông Yên Châu có niên đại thế kỷ IV nói về vị thánh Naga được viết bằng chữ Champa cổ. Theo các nguồn sử liệu Trung Quốc, ngay trước thế kỷ XII, người Champa đã dùng chữ viết của mình để trao đổi thư từ và ghi chép kinh sách. Từ thế kỷ XIII trở đi, chữ Champa cổ chuyển sang kiểu chữ vuông của Bắc Ấn, rồi đến thế kỷ XV lại trở lại với kiểu chữ nét cong và móc nhưng phóng khoáng hơn.

    Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, khi mới hình thành quốc gia, người Khơme ở Campuchia đã học tập chữ Săngxcrit của người Ấn. Từ đó về sau, chữ Săngxcrit trở thành văn tự thông dụng và chính thức trong triều đình. Nhờ đó, các quý tộc, tăng lữ Khơme ngày càng am hiểu văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là thơ, sử thi và luật pháp cổ Ấn Độ. Từ thế kỷ VIII, dựa trên kiểu chữ Ấn Độ, người Khơme sáng tạo nên hệ thống chữ viết của mình. Chữ viết cổ Khơme ngày càng phát triển và chiếm địa vị quan trọng trong xã hội. Các bài văn bia, ngoài phần mở đầu được viết bằng chữ Săngxcrit thì những phần còn lại đều được viết bằng chữ Khơme cổ.

    Ở Indonexia, một số hệ thống chữ viết khác đã được sử dụng trong suốt quá trình lịch sử của quốc gia này. Bảng chữ cổ nhất trên những bia ký ở những thế kỷ VII - XIII là thứ chữ Brami ở miền Nam Ấn Độ, được viết từ trái sang phải. Từ thế kỷ XIII, cùng với sự du nhập của Hồi giáo thì chữ Arap cũng được phổ biến rộng rãi. Nhưng từ thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha, sau đó là người Hà Lan (thế kỷ XVII) đã mang hệ chữ Latinh truyền bá vào Indonexia.

    Người Thái và người Lào cũng có hệ chữ viết riêng, có lẽ bắt đầu từ thế kỷ XIII. Chữ viết được hình thành trên cơ sở ngôn ngữ dân tộc và tiếp thu hệ thống chữ viết có nét cong của người Khơme. Đến cuối thế kỷ XIII, hệ thống chữ viết của Thái và Lào được hoàn chỉnh, họ đều dùng hệ chữ viết đó để ghi chép.

    Chữ Mianma cổ xuất hiện khoảng thế kỷ XI. Nó bắt nguồn từ chữ Môn cổ có nguồn gốc từ khoảng thế kỷ IV, và hệ chữ này cũng có nguồn gốc từ Ấn Độ.

    Như vậy, có thể thấy rằng trong quá trình phát triển lịch sử của các quốc gia Đông Nam Á, ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ là không hề nhỏ và sự ảnh hưởng đã góp phần cho sự phát triển của các quốc gia này.
     
    Admin thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...