Chủ nghĩa Dada /Dadaism là gì?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Thủy Tô, 29 Tháng mười hai 2023.

  1. Thủy Tô

    Bài viết:
    44
    Những năm đầu của thế kỉ XX, thế giới xảy ra nhiều biến động lớn, chế độ tư bản khủng hoảng, chiến tranh nổ ra tàn khốc, con người bị chao đảo trong cơn bão thời đại. Khoa học kĩ thuật phát triển mạnh mẽ đáp ứng đời sống vật chất con người nhưng đời sống tinh thần không được đáp ứng. Con người rơi vào nỗi cô đơn, trăn trở về chính sự tồn tại của mình. Bất mãn, thất vọng, hoài nghi trước thế giới, con người quay trở về đời sống nội tâm nhưng càng đi sâu vào nội tâm lại càng thấy trống trải, bế tắc, hỗn loạn.. Tuyệt vọng, con người lại nhìn thế giới với thái độ hư vô, chuyển sang đập phá các giá trị thường quy, tạo ra nghệ thuật "phản nghệ thuật", văn chương "phản văn chương" để diễn tả cảnh tượng biến suy hùng vĩ của thời cuộc. Hàng loạt các chủ nghĩa trong văn học như Chủ nghĩa biểu hiện, Chủ nghĩa vị lai ra đời trong hoàn cảnh đó. Chủ nghĩa Dada dường như là sự hỗn loạn cực điểm của nghệ thuật giai đoạn này.

    Văn học, nghệ thuật luôn chịu tác động dù ít hay nhiều, dù sớm hay muộn, của thời đại. Hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra những biến động trong tâm hồn con người nên nghệ thuật thoát thai từ thế giới tâm hồn đó cũng vụn vỡ, hỗn loạn là điều tất yếu.

    Chủ nghĩa Dada được khởi xướng bởi nhóm nghệ sĩ lưu vong đến Thuỵ Sĩ- một nước trung lập trong Thế Chiến thứ nhất, gồm những cái tên như nhà thơ Tristan Tzara, nhà văn Hugo Ball, Richard Huelsenbeck.. Họ tập trung thành câu lạc bộ Carabet Voltaire để trưng bày, biểu diễn các tác phẩm hội họa, thơ ca, các vũ điệu và đưa ra nhiều tuyên ngôn văn nghệ. Được khởi xướng từ năm 1916, đến năm 1919, chủ nghĩa Dada tiếp tục được lan rộng và trở nên thịnh hành ở Pháp với các tác phẩm của Louis Aragon, Andre Breton, Eluya.. Năm 1922, chủ nghĩa Dada dần tàn lụi vì sự chuyển hướng sang chủ nghĩa siêu thực của một số cây bút lớn.

    [​IMG]

    Tranh lập thể Tristan Tzara

    Cái tên Dada được Tzara lí giải với nhiều nghĩa. Đó là cách gọi một trò chơi ngựa gỗ của trẻ em Pháp, cũng là từ chỉ cái đuôi bò cái trong ngôn ngữ bộ tộc Kru, trong tiếng Nga hay Rumani nghĩa là "dạ dạ" hay đó là tiếng bập bẹ rất ngây thơ của trẻ con. Cuối cùng, chính Tzara lại nói "Dada không là gì cả", một cái gì gần như hư vô và chỉ có thể dùng sự ngây thơ để cảm nhận nghệ thuật của chủ nghĩa này. Chủ nghĩa Dada hạ thấp lý trí, lương tri, đề cao tính thơ ngây của ngôn ngữ, nghĩa là, trong sáng tạo văn học không cố sắp đặt chữ, không diễn tả một ý đồ nào mà để tất cả ngẫu nhiên, hỗn loạn. Việc làm thơ trở thành việc xếp đặt các từ ngữ một cách phi lí, vô nghĩa. Các từ ngữ được xáo trộn trong một chiếc mũ rộng rồi nhặt lên, ghép lại thành thơ. Một buổi ngâm thơ là sự hòa trộn của giọng gào rú, những điệu nhảy, những tiếng gõ đập của các đồ vật.. Những hành động đó bị coi là sự đập phá các giá trị nghệ thuật, nhưng qua đó, Dada đề cao sự tự do, giải phóng những công thức, những ràng buộc chính trị để người nghệ sĩ có thể độc lập, tự do sáng tạo.

    [​IMG]

    Tác phẩm cắt dán "ABCD" của Raoul Hausmann (1920)

    Trong nghệ thuật thiết kế, hội họa, điêu khắc các nghệ sĩ Dada sử dụng biện pháp cắt dán ảnh, nghệ thuật sắp đặt, kết nối những đồ vật tầm thường vô dụng thành tác phẩm thậm chí chỉ kí tên lên một chiếc bình đựng nước tiểu để đả phá suy nghĩ về nghệ thuật cao quý, lề lối, mở rộng nghệ thuật ra tất cả mọi đồ vật, mọi phạm trù của đời sống. Những thứ bỏ đi, những thứ vô dụng cũng có thể được nghệ sĩ gia công, lắp ghép để trở thành nghệ thuật. Dada là sự khám phá sâu sắc các khía cạnh tầm thường của đời sống, tìm kiếm nghệ thuật trong những ngóc ngách sâu xa của thế giới.

    Dù thời gian tồn tại tương đối ngắn và hứng chịu nhiều chỉ trích, phản đối từ công chúng nhưng chủ nghĩa Dada vẫn thế hiện vai trò, vị trí của nó trong tiến trình văn học, nghệ thuật. Dada tàn lụi nhưng tiếp tục hóa chuyển vào chủ nghĩa siêu thực- khám phá con người từ vô thức, nghệ thuật trừu tượng, nghệ thuật sắp đặt sau này. Sự nối tiếp đó chứng tỏ cho sự phản ánh của văn học, nghệ thuật với đời sống, tâm hồn con người. Nghệ thuật càng về sâu càng đi vào những khúc mắc, trăn trở, những đổ vỡ của nội tâm, khám phá sâu sắc hơn về con người và cất tiếng đả phá những điều xấu xa, đề cao quyền tự do của con người. Dù "phản nghệ thuật" nhưng phẩm chất sâu xa của Dada vẫn rất nghệ thuật, dù "không là gì cả" nhưng vẫn mênh mang ý nghĩa.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...