Kinh nguyệt là một hiện tượng đặc trưng cho phái nữ và nó có tác động cực kỳ quan trọng tới hành vi và tư tưởng của bạn gái. Hiểu về sự thay đổi của cơ thể cả về sinh lý và tâm lý trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ giúp bạn nữ biết cách chăm sóc cơ thể mình hơn và các bạn nam có thể thấu hiểu và thông cảm với cô gái của mình bởi sự thất thường của cô ấy nhiều khi không phải do lỗi của cô ấy đâu. Chúc các bạn tìm thêm được nhiều thông tin hữu ích ở đây. KINH NGUYỆT LÀ GÌ? Hiểu chính xác, Kinh nguyệt là tập hợp các thay đổi sinh lý lặp đi lặp lại ở cơ thể phụ nữ dưới sự điều khiển của hệ hormone sinh dục và cần thiết cho sự sinh sản Kinh nguyệt xảy ra lần đầu trong khoảng giai đoạn từ 12-18 tuổi, đánh dấu tuổi dậy thì của bạn nữ, và sẽ xảy ra hàng tháng kéo dài trong các năm tiếp theo đó. Kinh nguyệt thường bắt đầu kết thúc ở giai đoạn từ 50 tuổi trở đi và kết thúc vĩnh viễn khi bạn nữ bước sang giai đoạn "mãn kinh" (đọc thêm tại đây ) CHU KỲ KINH NGUYỆT LÀ GÌ? Mỗi lần lặp lại của các thay đổi sinh lý của cơ thể bạn gái được gọi là một "Chu kỳ kinh nguyệt" Chu kỳ kinh nguyệt được điều hòa bởi sự tương tác phức tạp của thay đổi nội tiết tố. Hormone tạo hoàng thể và hormone kích thích nang trứng, được tiết ra bởi tuyến yên, thúc đẩy quá trình rụng trứng và kích thích buồng trứng sản xuất nội tiết tố nữ. Estrogen và progesterone kích thích tử cung và vú để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh. Theo định nghĩa, chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu từ ngày đầu tiên ra máu, được tính là ngày 1 và kết thúc ngay trước kỳ kinh tiếp theo. Một chu kỳ thường kéo dài từ 28-45 ngày và không hề giống nhau ở mọi phụ nữ. Mỗi phụ nữ lại có những thay đổi cơ thể khác nhau trong chu kỳ của mình. Chỉ 10 - 15% phụ nữ có chu kỳ chính xác là 28 ngày. Ngoài ra, ít nhất 20% phụ nữ có chu kỳ không đều, nghĩa là dài hoặc ngắn hơn bình thường. Thông thường, các chu kỳ dài nhất (rong kinh) xuất hiện trong những năm đầu khi mới có kinh (dậy thì) và trước khi mãn kinh. Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể người phụ nữ sẽ rụng từ 1 - 2 trứng và có một trứng được phóng ra. Lúc này, một số bộ phận khác của cơ quan sinh dục sẽ phối hợp làm việc: Nội mạc sẽ bao phủ toàn bộ tử cung và xây dựng theo dạng đồng bộ hóa để sẵn sàng làm tổ cho trứng được thụ tinh và hình thành bào thai. Trong giai đoạn rụng trứng, nếu có tinh trùng bơi vào, khả năng trứng và tinh trùng gặp nhau và dẫn đến có thai sẽ cao hơn. Trong trường hợp trứng phóng ra mà không được thụ tinh với tinh trùng, lớp nội mạc sẽ không cần thực hiện chức năng làm tổ cho trứng. Khi đó, lớp nội mạc sẽ bong ra và chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới bắt đầu. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA MỘT CHU KỲ KINH NGUYỆT. 1-Giai đoạn kinh nguyệt Hành kinh là hiện tượng tiêu biểu của chu kỳ kinh nguyệt khi người phụ nữ bị ra máu ở vùng âm đạo. Tuy gọi là máu nhưng máu này không phải là máu sạch mà có lẫn trong đó các nội mạc tử cung được bong ra kèm theo chất nhầy. (Do đó bạn nào có ý tưởng về việc tận dụng lượng máu này cho đỡ lãng phí thì cũng quên luôn đi nhé ^^) Giai đoạn này xảy ra khi trứng ở chu kỳ trước không được thụ tinh hoặc quá trình mang thai không xảy ra. Khi đó, lớp niêm mạc tử cung bị bong ra và rời khỏi cơ thể thông qua âm đạo, nồng độ Estrogen và Progesterone giảm xuống, trứng sẽ được giải phóng ra ngoài kèm theo đó là máu, chất nhầy, niêm mạc tử cung và hình thành nên kinh nguyệt. Trong thời gian này, các bạn nữ sẽ phải dùng đến sức mạnh của băng vệ sinh, cốc nguyệt san, tampon.. để trải qua được những ngày này dễ dàng hơn đấy. Ở giai đoạn này, cơ thể bạn có thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng như: Đau bụng kinh, đau tức ngực, đau nhức lưng dưới, đau đầu, dễ nóng giận, tâm trạng thất thường.. Giai đoạn này thường kéo dài từ 3-7 ngày và là giai đoạn chị em có nhiều sự thay đổi tính nết do hoocmon rất cần sự quan tâm thông cảm của các anh em. Các triệu chứng này có thể xảy ra trước, trong hoặc sau kì kinh tuỳ từng bạn và mức độ lại không giống nhau ở mỗi người. Đa số chúng sẽ hết theo chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên nếu triệu chứng xảy ra rất nghiêm trọng, đó có thể là một dấu hiệu về sức khoẻ và bạn nên tới bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thêm. 2-Giai đoạn nang trứng Giai đoạn này xảy ra song song với giai đoạn hành kinh (Tức là khi bạn bắt đầu hiện tượng ra máu, giai đoạn này cũng đã bắt đầu rồi). Giai đoạn nang trứng bắt đầu khi ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt diễn ra và kết thúc khi rụng trứng . Tuyến yên sẽ được nhận tín hiệu để giải phóng hormone kích thích nang trứng. Hormone này kích thích buồng trứng sản xuất từ 5 - 20 nang nhỏ, mỗi nang sẽ có một quả trứng chưa trưởng thành. Số trứng không trưởng thành còn lại sẽ được tái hấp thụ vào cơ thể. Các nang trứng trưởng thành làm thay đổi nồng độ Estrogen và làm dày niêm mạc tử cung để tạo ra một môi trường giàu chất dinh dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thụ thai và hình thành bào thai. 3-Giai đoạn rụng trứng Đây là giai đoạn duy nhất trong chu kỳ mà bạn có thể mang thai. Khi buồng trứng giải phóng một quả trứng trưởng thành, trứng sẽ di chuyển về phía ống dẫn trứng đến tử cung và được thụ tinh bởi tinh trùng. Quá trình rụng trứng xảy ra vào ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Trong vòng 24h, khả năng mang thai sẽ diễn ra. Trong thời gian này, nếu không được thụ tinh, trứng sẽ chết hoặc tan ra ở bên trong cơ thể. 4-Giai đoạn hoàng thể Giai đoạn này xảy ra khi nang trứng giải phóng trứng, kéo dài từ 11-17 ngày. Khi đó, cơ thể giải phóng hormone Progesterone và một số Estrogen. Nồng độ hormone này tăng cao giúp cho niêm mạc tử cung dày lên và sẵn sàng cho quá trình thụ tinh tiếp theo. Trong trường hợp quá trình thụ tinh xảy ra, hormone gonadotropin sẽ duy trì hoàng thể và giữ cho niêm mạc tử cung dày lên, đảm bảo sự an toàn khi mang thai. Trong trường hợp không mang thai, hoàng thể co lại và tái hấp thụ vào cơ thể. Nồng độ Estrogen và Progesterone giảm, chu kỳ kinh nguyệt mới sẽ bắt đầu và bạn có thể gặp một số biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) xảy ra trong 7 đến 10 ngày trước và thường kết thúc vài giờ sau khi bắt đầu có kinh. Có một số triệu chứng như: Ngực bị sưng đau Tâm trạng bị thất thường: Dễ bị kích thích, lo lắng, không ổn định về tỉnh cảm, trầm cảm Đau đầu Bị chướng bụng, đầy hơi. Khó ngủ, mất ngủ. Ham muốn tình dục bị thay đổi. Thèm ăn. SỰ THAY ĐỔI NỘI TIẾT TỐ TRONG CHU KỲ KINH NGUYỆT Sự thay đổi nội tiết tố - bao gồm estrogen, progesterone và testosterone, trong chu kỳ kinh nguyệt là một trong những yếu tố điều khiển mọi hành động và suy nghĩ của phụ nữ. Trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi hoocmon cũng sẽ tác động làm cho tâm lý chị em có những biến đổi thất thường. Các bạn có thể gặp tình trạng chị em hôm qua tươi cười hớn hở hôm nay lại bực bội, cáu kỉnh, giận cá chém thớt vô cớ. Đó không phải là lỗi của phụ nữ mà do hoocmon nhé các anh. Ngày thứ 1 - 7: Estrogen và progesterone giảm Chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu bằng hiện tượng chảy máu kinh, đánh dấu ngày đầu tiên của giai đoạn nang trứng. Nồng độ estrogen và progesterone thấp khiến các lớp trên cùng của niêm mạc tử cung dày lên, bị phá vỡ và bong ra, xuất hiện máu kinh. Giai đoạn này, cơ thể sản xuất nhiều hormone prostaglandin gây đau bụng kinh. Sự gia tăng của estrogen còn ức chế sự thèm ăn, khiến phụ nữ "đến ngày" thường ăn không ngon. Sự mất máu cũng dẫn đến nguy cơ thiếu sắt, do đó chị em nên ăn những thực phẩm rau lá xanh, như cải xoong, cải xoăn, hoặc bổ sung chất sắt. Ngày thứ 8 - 14: Estrogen và testosterone tăng hết mức Giai đoạn rụng trứng bắt đầu với sự gia tăng nồng độ hormone tạo hoàng thể và hormone kích thích nang trứng. Hormone luteinizing kích thích sự phóng thích của trứng (rụng trứng), thường xảy ra từ 16 - 32 giờ sau khi bắt đầu tăng sinh. Mức độ hormone nữ tiếp tục tăng khiến bạn có cảm giác hạnh phúc, lạc quan và cảm thấy tự tin hơn về ngoại hình cũng như sức hấp dẫn của bản thân. Ngoài ra, sự thay đổi hormone testosterone tăng còn làm cho phái đẹp cảm thấy "đàn ông" hơn, nghĩa là mạnh mẽ trong cuộc sống thường ngày và có ham muốn tình dục cao, dễ đạt cực khoái. Tuy nhiên hormone này sẽ tạo ra nhiều dầu, nên phụ nữ cần chú trọng chăm sóc da để tránh tắc nghẽn lỗ chân lông, gây mụn trong giai đoạn này. Ngày thứ 15 - 22: Progesterone tăng, estrogen và testosterone giảm một nửa, sau đó estrogen tăng trở lại Đây được gọi là giai đoạn hoàng thể sau rụng trứng, nồng độ hormone tạo hoàng thể và hormone kích thích nang trứng giảm. Nang trứng vỡ sẽ đóng lại và hình thành thể vàng, sản xuất progesterone. Progesterone và estrogen làm cho niêm mạc tử cung dày hơn, để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh. Mức độ progesterone tăng khiến bạn buồn ngủ và ít muốn hoạt động, ham muốn tình dục cũng giảm, trong khi đó sự thèm ăn tăng lên. Hormone này cũng có thể khiến chị em trở nên "não cá vàng", dễ bị viêm da và nổi mụn. Giai đoạn này, phụ nữ cần ăn nhiều trái cây và rau củ, đồng thời bổ sung thật nhiều nước. Nếu cảm thấy căng thẳng, có thể tập thể dục nhưng không kéo dài quá 40 phút. Hoạt động thể chất quá lâu trong giai đoạn này sẽ khiến nồng độ căng thẳng cortisol tăng cao. Ngày thứ 23 - 28: Estrogen và progesterone sẽ giảm đột ngột Nếu trứng không được thụ tinh, thể vàng sẽ thoái hóa và không còn sản xuất progesterone, nồng độ estrogengiảm, các lớp trên cùng của niêm mạc bị phá vỡ và rụng, rồi xuất hiện máu kinh để bắt đầu một chu kỳ kinh mới. Ngược lại, khi trứng được thụ tinh, hoàng thể tiếp tục hoạt động trong thời kỳ đầu mang thai, giúp duy trì thai kỳ. Trước ngày hành kinh, estrogen giảm sẽ làm cạn kiệt hóa chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, khiến nhiều chị em phụ nữ cảm thấy ủ rũ, cáu kỉnh và suy nghĩ tiêu cực. Trên thực tế, có đến 30 - 80% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị ảnh hưởng bởi hội chứng tiền kinh nguyệt. Việc trải qua những thay đổi cả về thể chất và tinh thần trong những ngày trước kỳ kinh khá phổ biến. Cơ thể của phụ nữ cũng trữ nước nhiều hơn, tạo cảm giác cồng kềnh, buồn ngủ và thiếu sức sống. Sự thay đổi hormone cũng khiến cơ thể nhạy cảm với insulin, làm cho bạn dễ bị hạ đường huyết và thèm đồ ngọt. Giai đoạn này, chị em hãy tự thưởng cho mình một một bộ phim hay, đi dạo thư giãn hoặc thực hiện các sở thích riêng. Nhờ đó, hormone hạnh phúc ở não được kích hoạt sẽ giúp bạn bình tĩnh và lạc quan hơn. MỘT SỐ THAY ĐỔI CỦA NỮ GIỚI TRONG CHU KỲ KINH NGUYỆT Hoóc môn nữ giới ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gồm các cơ quan sinh sản, suy nghĩ, hành vi và vẻ bề ngoại của chị em trong suốt chu kỳ "đèn đỏ". Mặt đỏ hơn trong giai đoạn rụng trứng: Nồng độ estrogen cao hơn trong thời gian rụng trứng có thể khiến các mạch máu giãn ra, làm da mặt họ đỏ hơn. Có lẽ vì vậy mà sức hút của nữ giới trong thời gian này đối với giới mày râu lại quyến rũ hơn gấp ngàn lần. Ham muốn sex hơn so với ngày thường: Hoóc môn estrogen và testosterone cao hơn trong thời gian rụng trứng làm tăng ham muốn tình dục của phụ nữ. Trong giai đoạn rụng trứng, phụ nữ thường mua và mặc những trang phục hấp dẫn hơn. Đặc biệt họ thường mơ về quan hệ tình dục trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt, khi cơ thể đang chuẩn bị cho việc rụng trứng. Quan tâm đến người khác giới nhiều hơn: Trong giai đoạn rụng trứng, chị em thấy cơ thể phấn khích hơn, vì vậy họ thường để ý và quan tâm đến người khác giới. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng thích những người đàn ông mạnh mẽ, cá tính trong thời gian rụng trứng, đặc biệt là nam giới có gương mặt vuông chữ điền, cơ bắp, nhiều râu.. Giác quan mạnh hơn: Phụ nữ đang trong giai đoạn rụng trứng có thể phát ra các mùi (nói chung) tốt hơn ngày thường. Ttrong chu kỳ "đèn đỏ" bản thân người phụ nữ còn cảm nhận được các mối đe dọa tiềm năng cho bản thân và gia đình. Các chuyên gia khuyên phụ nữ nên theo dõi suy nghĩ và cảm xúc của bản thân thông qua nhật ký, từ đó biết được những thay đổi tâm trạng gắn liền với chu kỳ kinh nguyệt chỉ là tạm thời và có cách kiểm soát phù hợp. Hiểu cơ thể là một yếu tốt quan trọng quyết định đến hạnh phúc của bạn nữ, mong rằng các bạn sẽ luôn hiểu và luôn yêu cơ thể mình. Chúc các bạn nhiều hạnh phúc. Thương yêu.