Câu chuyện chú còn trẻ chú vào hầm trước đi Một ngày tháng 7 năm 1967 ở Hà Nội, đồng chí Mai Văn Bộ được Bác Hồ gọi đến mời cơm tiễn chân trước khi đồng chí lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ Tổng đại diện Chính phủ ta bên cạnh Chính phủ Pháp. Trong bữa cơm, Bác kể chuyện về khu Luýc-xăm-bua, Mông-pac-nát, nơi Bác có nhiều kỷ niệm. Bác nói Bác rất yêu Paris, Paris đã dạy cho Người nhiều điều.. Bỗng tiếng còi báo động rú lên. Một chiến sĩ bảo vệ yêu cầu Bác và các đồng chí khác xuống hầm. Ít phút sau đã nghe tiếng đạn nổ. – Thưa Bác, tác chiến báo cáo chúng nó đánh cầu Long Biên. Mời Bác vào hầm trú ngay cho. Bác quay lại đồng chí Bộ, nói: – Bác già rồi, chẳng bom đế quốc nào ném đâu. Chú còn trẻ, chú cần vào hầm trú ẩn trước. Rồi Bác đẩy đồng chí Bộ đi trước, sau đó đến đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí cảnh vệ. Bác là người vào hầm trú ẩn sau cùng. Ý nghĩa câu chuyện chú còn trẻ chú vào hầm trú ẩn trước đi Như vậy, câu chuyện đã cho ta một bài học nữa đó là "Phải biết hi sinh vì chung cuộc, không thể sống ích kỉ và chỉ nghĩ cho bản thân của mình". Đúng thế, chúng ta phải biết hi sinh vì mọi người, không nên đắn đo thiệt hơn với mọi người xung quanh mình. Tuy tuổi cao sức yếu, lẽ ra Bác phải được chăm sóc ân cần chu đáo, nhưng Bác đã từ chối tất cả những gì tốt đẹp nhất dành cho mình. Như trong mẩu chuyện "Ba chiếc ba lô", tuy là một vị lãnh đạo giữ chức vụ rất cao, nhưng khi đi cùng các bộ đội, chiến sĩ của mình vượt đường rừng, đường núi, Bác vẫn muốn ba lô của mình được chia đều đồ vật như hai ba lô còn lại. Với Bác, "chỉ có lao động thật sự mới mang lại hạnh phúc cho con người". Hay trong mẩu chuyện "Chú còn trẻ, chú vào hầm trú ẩn trước đi", khi có đạn bom tới, Bác đã không ngần ngại đẩy từng đồng chí cán bộ của mình vào hầm trú ẩn trước và sau đó Bác mới vào. Đây là một hành động thật cao cả và tuyệt vời mà không phải ai cũng làm được. Lúc nào cũng vậy, Bác không muốn mình làm quan mà chỉ muốn làm đầy tớ của nhân dân, Bác luôn muốn mình được bình đẳng như bao người xung quanh. Cả cuộc đời vì dân, vì nước, chủ tịch Hồ Chí Minh đã gần như quên đi những gì thuộc về bản thân mình. Bác không đặt ra một quyền lợi đặc biệt nào cho bản thân mà luôn ân cần quan tâm đến những điều nhỏ nhoi, bình dị nhất của mọi người, trong đó có các cán bộ, chiến sĩ. Bác từng tâm sự: "Một cán bộ muốn có uy thì rất dễ tạo ra nhưng muốn có tín thì rất khó xây dựng", đây là một câu nói tôi vô cùng tâm đắc. Bác đã nêu một tấm gương sáng ngời không chỉ cho dân tộc ta, cho nhân loại, cho hôm nay, mai sau và mãi mãi. Trong xã hội hiện nay, tình yêu thương con người, yêu thương đồng chí, đồng đội đang đứng trước những thách thức và cám dỗ trong cuộc sống. Từ những câu chuyện về Bác có thật như vậy, chúng ta mới thấy hết tính chất vĩ đại của tầm nhìn, đạo đức tác phong Hồ Chí Minh. Học tập Bác thời nào cũng thấy khó, nhất là làm sao thắng được chính mình, tức là thắng được chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa đặc quyền đặc lợi. Vì thế, mỗi chúng ta cần cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa. Phải học tập, tu dưỡng và rèn luyện suốt đời theo gương của Người. Với tôi, những câu chuyện trên lại một lần nữa giúp tôi có dịp soi rọi lại bản thân mình. Bài học tôi rút ra được đó chính là sự bình đẳng, tôn trọng, yêu thương, thông cảm và giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp cũng như những người xung quanh mình, đặc biệt là lối sống "mình vì mọi người". Nhìn lại thời gian qua, trong cuộc sống cũng như trong công việc, bản thân tôi đã có cái tôi và sự ích kỷ khá lớn. Tôi chưa có sự gần gũi, quan tâm, chia sẽ khó khăn với những người xung quanh, chưa một lần đặt mình vào vị trí của họ để hiểu, để thông cảm cho hoàn cảnh, cho công việc của họ. Làm việc gì, đôi khi tôi chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình trước, luôn cho việc làm, lời nói, hành động của mình là đúng mà chưa nghĩ đến cảm nhận, suy nghĩ của người khác. Đây là một khuyết điểm rất lớn mà bản thân tôi cần phải sửa chữa trong thời gian tới. Tuổi trẻ của chúng ta hôm nay được thừa hưởng thành quả cách mạng rực rỡ mà Đảng và Bác Hồ đã mang lại, đó sẽ là hành trang vô cùng quí báu để chúng ta vững bước vào đời. Chúng ta, những thanh niên thời đại mới, phải luôn cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức bản thân mọi lúc, mọi nơi. Học tập Bác phải xuất phát từ cái tâm của mỗi người, hãy xứng đáng với danh hiệu thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.