Chú chó dầm mưa Tác giả: Việt Sứt Thể loại: Truyện ngắn Buổi sáng, ở một căn phòng trong nhà tôi.. - Gâu gâu gâu! - Ôi mẹ ơi, cái quái! Hệt như vừa chứng kiến một cảnh jumpscare trong phim kinh dị, tôi giật mình nhảy cẫng lên và đập mông cái "bịch" xuống sàn nhà. Con chó có bộ lông tuyền vàng ươm như lúa chín và trắng dần về phía bốn chi với phần đuôi, tác giả của màn hù dọa, lon ton lại gần, thè lưỡi định liếm tôi. - Con chó chết tiệt! Chó chết tiệt! Biến, biến ngay ra ngoài! Biến! Tôi điên tiết gào thét, hai tay ôm mông còn hai chân đá với khua khoắng loạn xạ, khiến con chó chỉ biết rên khẽ rồi lủi thủi đi ra ngoài. Thật ra con chó đó có tên đấy, là Mưa, nhưng tôi chưa bao giờ gọi nó bằng tên cả. Lí do thì cũng đơn giản thôi: Tôi ghét nó! Hai tuần trước.. Đứa em gái của tôi rất mê đọc manga, và sau khi nghe tin bộ manga mà mình yêu thích vừa phát hành tập mới kèm theo cả postcard phiên bản giới hạn, con bé đã nằng nặc đòi bố mẹ cho tiền để mua bằng được, dẫu cho hôm ấy trời đổ mưa rào xối xả. Để đảm bảo sự an toàn của em gái, tôi được cắt cử vào vị trí "hộ tống" em nó đi mua manga, và trên đường từ hiệu sách trở về nhà, chúng tôi đã bắt gặp một cảnh tượng có lẽ là lần đầu tiên được nhìn thấy trong đời: Một con chó đang dầm mưa. Mặc dù hỏi han cũng như dán giấy thông báo ở khắp nơi, không ai biết hay đứng ra tự nhận là chủ của con chó. Sau cùng, cả bố, mẹ, em gái và tất nhiên trừ tôi ra, đều tán thành ý kiến nhận nuôi con vật vô chủ ấy, đặt tên cho nó là Mưa, bởi vì.. nó dầm mưa.. - Gâu gâu gâu! - Cái.. Tao lấy đinh đóng vào mõm mày bây giờ đấy! Đang ăn sáng, bị tiếng sủa của con Mưa chọc thẳng vào lỗ tai, tôi suýt nữa thì sặc mì tôm lên mũi. Chỉ trong vòng một buổi sáng thứ Hai rất đỗi bình thường mà các dây thần kinh của tôi đã bị bóp nghẹt tới tận hai lần với độ chênh lệch chưa đầy năm phút, xui thế không biết! - Một tuần trôi qua rồi, sao anh với Mưa vẫn chưa hòa thuận được vậy? - Biết chết liền. Cơ mà khoan, anh vốn dĩ đã ghét động vật, nhất là chó, nên cần gì hòa thuận với nó cơ chứ? - Cả hai ở chung một nhà mà, không hòa thuận thì sống sao được ạ? - Hầy, thôi ăn nhanh lên Nhi, sắp muộn học rồi. Đứa em gái tên Nhi "xì" một tiếng rồi cặm cụi giải quyết nốt bát mì. Bố mẹ tôi đều đã đi làm từ sớm, nên công việc chuẩn bị bữa sáng với đôn đúc Nhi đi học đều do tôi đảm nhận. À quên, con Mưa nữa, tôi còn phải chăm sóc thêm nó nữa, mặc dù sâu thẳm trong thâm tâm tôi chẳng hề muốn làm vậy chút nào. - Mưa ở nhà ngoan nhé, chị đi học đây! Vỗ về và hôn nhẹ vào cái mũi ươn ướt của Mưa xong, Nhi bước chân sáo tới trường. Trường học của hai anh em tôi đều gần nhà nên chỉ cần cuốc bộ, nhưng riêng hôm nay hành trình đi học của tôi gian khổ hơn cái Nhi nhiều. Vừa đặt chân lên mặt phố, quay đầu lại nhìn phần đường vừa đi, tôi phát hoảng khi con Mưa, bằng một điều kì diệu chết tiệt nào đó, đã thoát ra khỏi chuồng và chạy theo tôi. "Chắc chốt của chuồng bị lỏng rồi..", tôi thầm nghĩ rồi khoát tay chỉ thẳng vào con chó có bộ lông màu lúa chín đang thè lưỡi, quát: - Về ngay, tao còn đi học! - Gâu.. - Tao bảo về là về cơ mà, chui tạm vào cái hốc đá cạnh nhà ấy, đến trưa tao sẽ nhốt mày lại vào chuồng. - Gâu gâu.. - Ơ kìa, về! Tao bảo là về! - Gâu gâu gâu.. Tôi tính tiến tới sút cho con chó này một nhát, thì bỗng cảm giác thấy kì dị, liền quay ra nhìn xung quanh. Trên phố, mấy bà bán hàng rong, các ông bác ngồi ăn sáng, thậm chí cả em bé nằm trong nôi đều nhìn chằm chằm vào cái tình huống đáng cười đang xảy ra ngay trên phố giữa thanh thiên bạch nhật này: Một con người quát tháo một con chó. Hai má nóng ran, tôi cay đắng gục mặt xuống, không nói không rằng, phóng thẳng tới trường, mặc kệ con Mưa ở lại phía sau. Thấy chủ đi liền một mạch như vậy rồi, chắc con chó sẽ tự động quay về hốc đá cạnh nhà chờ đợi đến buổi trưa để được nhốt lại vào chuồng thôi. - Này Long, tớ hỏi chút. Khung cảnh hiện tại là gần kề lan can tầng hai của trường trung học cơ sở. Một cậu học sinh với nước da bánh mật và dáng người cao lớn đáp lại câu gọi của tôi: - Hửm, Minh muốn hỏi gì à? - Nhà cậu có nuôi chó phải không? - Ừ, thì sao? - Thế chó nhà cậu có hay sủa dọa cậu không? Có hay lì lợm và không nghe lời cậu không? - Lúc mới nuôi thì hơi hơi, nhưng sau một thời gian thì ngoan hẳn. - Ò.. Thấy tôi vẻ đăm chiêu, Long vỗ mạnh vào vai tôi: - Sao, gặp khó khăn với thành viên mới hả? - Cái gì mà thành viên mới? - Tôi hừ mũi - Cậu nói như kiểu nó là người không bằng.. - Thì đúng là như vậy mà. Có câu "Chó là người bạn tốt nhất của con người" đây thây, hiểu không? - Từ chối hiểu. - Thôi nào, như tớ đã nói vừa nãy đó, hồi đầu thì kị nhau ghê lắm, nhưng về sau sẽ thân thiết ngay thôi. Buổi trưa, ở hốc đá cạnh nhà tôi.. - Thân thiết à? Con Mưa vốn nằm im lìm trong hốc đá bỗng ngẩng đầu lên khi thấy tôi trong bộ đồng phục nam sinh, vai đeo cặp, đang lẩm bẩm trước cổng nhà. Nó liền phi ra và đớp vào bàn tay tôi. Đau đớn đến nỗi muốn hét rống lên, nhưng sau kịp thời kìm lại, tôi quyết định chỉ xuýt xoa và thốt khẽ một câu: - Thân thiết cái quần què! Buổi chiều, ở ngôi nhà cạnh hốc đá cạnh nhà tôi.. - Ông ơi, ông! - Cứ vào đi cháu, ông không có khóa cổng đâu. Tôi nhanh chóng kéo thanh chốt cổng rồi nhẹ nhàng đi vào nhà. Ông nội tôi bị bệnh về tim, tôi không rõ cụ thể tên bệnh là gì nhưng nghe người nhà kể lại rằng có thời gian dài ông phải tĩnh dưỡng trên bệnh viện do bị đột quỵ, rồi để tránh trường hợp tương tự xảy ra, bố mẹ tôi đã mua lại căn nhà cũ kế bên hốc đá mà con Mưa vẫn hay "núp lùm" trong đó rồi đưa ông về sống để dễ dàng chăm sóc. - Sao nào, cháu thân được với Mưa chưa? Ông nội một tay vuốt nhẹ bộ râu trắng cước của mình, tay còn lại cầm hờ cuốn sách (hình như là sách viết về loài chó thì phải), cười hiền hậu. Tôi ngay lập tức làm bộ bực mình: - Cháu ghét nó, phiền phức kinh khủng! - Hà hà, cháu nên biết rằng bộ não của loài chó tương đương với bộ não của một đứa trẻ hai tuổi đấy. Chúng chỉ đơn giản là trẻ con, ngây ngô và nghịch ngợm, nếu biết cách tiếp cận thì ông chắc chắn cháu sẽ yêu quý Mưa cho mà xem. - Thật thế ạ? - Tôi tròn xoe mắt nhìn ông. Ông nội đưa tay đặt nhẹ lên đầu tôi, ôn tồn nói: - Thông minh, trung thành và yêu thương chủ nhân, đó là những đức tính mà con người chúng ta đã phải công nhận, phải khâm phục ở loài chó. Ông nhớ ông có đọc được một câu rất hay: "Nếu bạn đối xử với con chó như một con người, nó sẽ đối xử với bạn như một con chó". Mưa cũng thế, cháu chưa biết cách làm quen, chưa biết chơi với nó hay chăm sóc nó thì nó cũng không thể nào đáp lại cháu bằng một thứ tình cảm lớn lao được. Hãy yêu thương và trân trọng Mưa cháu à. Những lời ông nội nói hệt như một khúc hòa tấu tràn đầy thanh sắc trầm bổng rót nhẹ vào tai tôi vậy, rất cuốn hút và khiến đối phương đang lắng nghe phải cảm phục vô cùng. Tôi hơi cúi người xuống: - Vâng ạ, cháu hiểu rồi. - Ừm.. Cùng lúc ông nội gật đầu là tiếng gọi to của cái Nhi ở trước cổng nhà tôi: - Anh Minh ơi, em về rồi, mở cổng cho em đi! Tôi vội vàng đứng dậy, chào ông rồi nhanh chóng đi ra phía cửa. - Này Minh.. Nghe tiếng ông nội, tôi liền dừng lại. - Gì ạ? - Một câu hỏi cuối nhé: Cháu có yêu thương con người không? - Dạ, có chứ ạ.. - Hà, nếu cháu yêu thương con người thì hẳn cháu cũng có thể yêu thương một con chó, đúng không nào? Rồi, như để chốt hạ, ông nội nháy mắt rất "hoành tráng". Buổi tối, ở một căn phòng trong nhà tôi.. - Ê.. Tôi hất hàm gọi con Mưa đến bên cạnh. Con chó lưỡng lự lại gần, vẻ ngơ ngác; chắc nó đang suy luận xem tôi bỗng nhiên trở nên tốt thực sự hay giả vờ tốt để sút nó mấy nhát. Khi đã xác định được khoảng cách hợp lí giữa hai bên, tôi giơ tay ra chạm nhẹ lên đầu Mưa. Con chó hơi run, rồi bắt đầu thè lưỡi, đuôi vẩy qua vẩy lại như quả lắc đồng hồ bị treo ngược. Tôi chuyển từ chạm sang xoa nhẹ, con Mưa cũng chuyển từ vẩy đuôi sang quay tít đuôi và liếm nhẹ vào cổ tay tôi. Rồi, cao hứng, nó định đợp tôi bằng hàm răng sắc như những mũi dao bếp. - Uây, không được! Tôi vội rụt tay lại. Mưa thấy vậy liền lui một bước, tai cụp hờ xuống. Tôi chỉ vào miệng nó, rồi bắt chéo hai cánh tay thành hình chữ X: - Không được cắn, làm thế là sai, biết chưa? Mưa nghiêng đầu, chóp mũi đen hơi hếch hếch, sau đặt mông xuống nền nhà, ngụ ý "Dạ, vâng ạ!". Tôi mỉm cười hài lòng, đoạn vào trong bếp làm bữa tối cho nó.. Những ngày sau là những ngày với độ tốt đẹp được tăng tiến dần dần. Mưa đã nghe lời tôi hơn, không dọa tôi mỗi sáng nữa (mà chỉ một chút thôi), không đớp tay tôi mỗi khi được vuốt ve nữa (mà chỉ một chút thôi), không xổng chuồng chạy lông nhông nữa (cái này là tuyệt đối, vì bố tôi đã thay thanh chốt chuồng rồi). Đôi lúc có thời gian rảnh, tôi còn đeo rọ mõm cho Mưa và dắt nó đi dạo quanh xóm. Bố, mẹ, đặc biệt là Nhi, đều ngạc nhiên hết mức trước tình thế được xoay chuyển 180 độ giữa tôi và Mưa. Thậm chí cái Nhi còn nghi ngờ tôi đã bị bắt cóc và thay thế bởi một kẻ giả mạo nào đó. Tất nhiên "phần thưởng" cho sự suy diễn linh tinh ấy là cái véo tai cực mạnh đến từ vị trí của tôi, làm em nó phải xin lỗi rối rít kèm theo lời chúc mừng cho một sự thân thiết mới đã được khai sinh trong gia đình này. Buổi sáng Chủ Nhật, ở trước cổng nhà ông nội: - Ông ơi! Ông! Im lặng. - Ông ơi! Cháu Minh đây! Vẫn im lặng. - Cháu vào nhé? Vẫn là sự im lặng. Tôi gãi gãi đầu, quyết định mở cổng đi vào. Mục đích sang nhà ông nội hôm nay của tôi là muốn kể lại "chiến dịch" làm thân với Mưa rất đỗi "huy hoàng" (cái này hơi quá thì phải), đồng thời tôi cũng muốn cảm ơn ông nội rất nhiều vì lời khuyên cùng sự giảng giải của ông về những điều tốt đẹp và tuyệt vời mà một chú chó có thể mang lại cho con người. Đang ấp ủ trong lòng các dự định đấy, dòng suy nghĩ của tôi bị cắt ngang bởi những tiếng thở dốc đầy đau đớn. Linh cảm không hề lành, tôi chạy vội vào, và thấy ông nội đang vật vã trên ghế, tay phải bấu chặt vào ngực, tay trái đang cố gắng gượng dậy, còn miệng thì phát ra tiếng "Hức.. hức", nghe tuyệt vọng vô cùng. - Ông ơi! Ông ơi! Tôi hét lên hãi hùng và nhanh chóng đỡ lấy thân người già yếu đang run rẩy liên hồi. Ông nội như phát khóc, thều thào bên tai tôi: - Thuốc.. thuốc trợ tim.. lọ màu trắng.. trong.. trong.. tủ gỗ.. - Dạ vâng, cháu đi lấy ngay! Nhẹ nhàng dìu ông xuống lại ghế, tôi bắt đầu lục tung cái tủ gỗ đựng thuốc kê cạnh giường ngủ khuất sau tường. Có tới hàng tá lọ thuốc màu trắng, tôi định mang tất cả tới trước mặt ông để hỏi nhưng tình hình cấp bách lắm rồi nên đành tự dựa vào vốn tiếng Anh của bản thân để tìm thôi. - Đây rồi! Sau khi xác định chính xác lọ thuốc trợ tim, tôi liền đến nhanh bên ông nội. Ông ngồi bất động, tay phải để duỗi chứ không bấu chặt vào ngực như ban nãy nữa, hai mắt nhắm lại, trông như đang ngủ. "Chắc hẳn cơn đau đã hạ xuống..", tôi tự nhủ rồi mở lọ thuốc ra, hơi kề vào tay ông: - Ông ơi, thuốc đây ạ, ông uống đi. Im lặng. - Ông uống thuốc đi ạ, cháu sẽ đi gọi bố mẹ để đưa ông lên viện. Vẫn im lặng. - Ông ơi, ông ơi.. Ông.. Vẫn là sự im lặng.. Đột tử do ngừng tim. Lời của bác sĩ nói rất rõ nhưng khi đến tai tôi thì nghe văng vẳng như đang ở nơi nào đó xa xôi lắm.. Bố tôi khó nhọc ấn từng phím số điện thoại để gọi báo cho người thân. Mẹ và em gái thì òa khóc nức nở, chỉ riêng tôi là không có nổi một hành động cụ thể gì. Việc duy nhất tôi làm là dán chặt cả thân mình xuống hàng ghế nhựa trên hành lang dài dằng dặc của bệnh viện, mang vẻ mặt thất thần và lặng tanh. Tôi đã có thể cứu ông nội. Tôi là người duy nhất mang trọng trách đó trong tình huống ngặt nghèo như vậy, nhưng tôi không thể làm được. Tôi đã thất bại. Ông nội phải ra đi trong nỗi đau đớn khổ sở tới khốn cùng là tại tôi. Tôi chẳng thể có cơ hội nói với ông rằng tôi và Mưa đã trở nên thân thiết như thế nào. Tôi chẳng thể có cơ hội nói với ông rằng tôi muốn cảm ơn ông vì bài học cùng những lời dạy dỗ chân thành và sâu sắc về loài vật mà ông luôn hằng ca ngợi. Tôi chẳng thể.. chẳng thể nữa.. Đám tang đã diễn ra, nhưng tôi vẫn chưa rơi nước mắt dù chỉ một giọt. Không phải là tôi không thể, mà tôi không muốn khóc trước mặt gia đình tôi cùng những người đến thăm viếng trong khi chính bản thân đã gián tiếp gây ra sự kiện này. Phải cho tới khi vòng ra sau nhà, để lại đám tang tỏa khí lạnh ngắt kèm theo tiếng kèn trống não nề vang lên từng đợt, tôi mới bật khóc rưng rức. Biết bao cảm xúc hối hận, đau lòng, thương tiếc.. cuộn trào như sóng lớn đánh động bên trong tôi, làm tôi không thể kìm lại nữa. Tuyến lệ như cái vòi nước bị bật tung, từng giọt nước mắt nóng hổi lăn xuống hai bên má. Tôi cứ khóc.. Có những âm thanh nhẹ tựa lông hồng đang ngày càng áp sát tôi, nghe như tiếng bước của một loài động vật bốn chân. Rồi, chủ nhân của âm thanh lạ kì dừng lại trước mặt tôi, khẽ dùng lưỡi liếm nhẹ cổ tay tôi. - Mưa.. Tôi thều thào cất tiếng, ngẩng mặt lên. Mưa nhìn tôi bằng đôi mắt nhỏ đen láy. Tôi bất giác đưa tay ra và ôm Mưa vào lòng. Cảm giác ấm áp này là thế nào? Tôi tự hỏi, tay siết chặt hơn. Mưa gác đầu lên vai tôi, từng hơi thở của nó hệt như những lời thủ thỉ tâm sự của một người bạn hiền. Chú chó này đang muốn nói với tôi điều gì? Tôi lại tự hỏi, lệ lại tiếp tục tuôn rơi; từng hạt nối từng hạt rơi xuống bộ lông vàng ươm rồi lăn đi dịu êm như nước suối mùa xuân. Tôi không còn nghe thấy tiếng kèn trống não nề nữa, chỉ cảm giác nơi đây tràn ngập sự đồng cảm, sự nhẹ nhàng và ấm nóng vô biên tỏa ra từ con vật mà tôi đã từng ghét bỏ vô cớ. Và dần dần, tôi nhớ ra, những xúc cảm lắng đọng trong tâm hồn tôi bây giờ giống y hệt hồi tôi còn bé, hồi tôi còn được ngồi cạnh ông nội, nghe ông kể chuyện, nghe ông khuyên bảo và dạy dỗ về những bài học của đời người. - Ông ơi.. Tôi cất giọng thì thầm, nhẹ nhàng mà thanh thản. Mưa nghe vậy liền cụp tai xuống, ngả đầu vào người tôi. Khóe mắt nó ươn ướt trông rất đỗi dịu dàng.. Vài ngày sau.. Buổi tối, ở một căn phòng trong nhà tôi.. - Nào, ra ngoài đi. Ngủ ngon nhé! Mưa được tôi vỗ về, ngoáy tít cái đuôi tỏ vẻ vui thích lắm. Tôi thì chưa vui được; cả gia đình tôi chưa thể vui lại được sau khi ông nội mới chỉ mất có vài ngày. - Ra ngoài đi, nghe lời nào. Tôi vừa xoa vừa dúi mạnh vào đầu Mưa để làm nó đi khỏi phòng, rồi tắt điện và lên giường ngủ. Đêm đến.. "Ọc.. ọc.. ọc..", bụng réo liên tục, âm ỉ như nồi nước sôi, cảm giác buồn nôn với cảm giác buồn đại tiện cứ thay phiên nhau trào lên rồi hạ xuống, khó chịu vô cùng. Toàn thân toát đầy mồ hôi, tôi quyết định bật dậy, hùng hổ bước tới nhà vệ sinh để "chiến đấu". Thật không hiểu nổi bản thân đã tống cái gì vào bụng mà để bây giờ phải khốn khổ như thế này, tôi vừa đi vừa tự thầm trách mình thì bắt gặp một bóng đen đang ngồi chình ình trước chạn bếp cạnh cửa nhà vệ sinh. - Ủa, Mưa, còn thức à? Bóng đen giật nảy mình khi nghe tiếng tôi gọi, chắc vậy, vì tôi không có bật điện nên chỉ thấy lờ mờ. Sau vài giây bất động, bóng đen liền nhanh chóng đứng dậy và tiến sát tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy kì dị. Bình thường, ở tư thế đứng thẳng, tôi rõ ràng cao hơn Mưa tận một mét rưỡi, nhưng hiện tại ở tình huống này, tôi lại thấp hơn Mưa và độ chênh lệch ít nhất cũng phải gần nửa mét. Chưa kịp phản ứng gì thì bóng đen đã đứng trước mặt tôi.. Bốp! Đau, không, một từ "đau" là không đủ để diễn tả cảm giác của tôi lúc này. Phần trán bị đập sưng lên một cục to tướng, tôi gục xuống, ôm đầu choáng váng; nhưng chính sự choáng váng ấy đã giúp tôi tỉnh táo hơn bao giờ hết để có thể nhìn nhận lại sự việc: Cái bóng đen kia là người, một con người cực kì cao lớn bận đồ đen từ đầu đến chân, khuôn mặt để trần trông chỉ mới ngoài hai mươi tuổi, còn tay phải người này đang cầm một cái mỏ lết, hẳn chính là thứ khiến tôi bị u một cục trên trán. Trộm. Chắc chắn là vậy, bởi nhờ nằm bẹp dí dưới sàn, tôi đã thấy cái TV cà tàng nhà tôi bị vác khỏi vị trí ban đầu là bệ tủ dưới bàn thờ và hiện tại nó đang ở trạng thái dựng nửa vời phía cửa sổ mở toang hoang. Rồi tôi thấy cả Mưa nữa, bị thít mõm và hai chi sau lại bằng một loại dây nhựa đặc biệt nào đó; từ đây cũng có thể suy ra rằng tên trộm này là dân chuyên nghiệp, hẳn hắn đã tìm hiểu về nhà tôi từ trước thì mới "vô hiệu hóa" được Mưa dễ dàng như thế. Dùng hết sức lực hiện có, tôi gượng dậy, cố hét thật to nhưng không kịp. Tên trộm đã nhanh hơn, bổ mỏ lết vào đầu tôi thêm phát nữa, đúng thẳng vào chỗ đang sưng to, nhưng thay vì sưng to hơn, phần u một cục ấy bẹp xuống rồi rách toạc, bật ra không biết bao nhiêu là máu. Tôi đổ rập xuống sàn ngay tức khắc như cây bị đốn gốc, đầu óc hoa hết lên. Lúc đó.. tôi nhìn Mưa.. Mưa cũng nhìn tôi.. Đôi mắt nó long sòng sọc như chất chứa một cơn thịnh nộ điên cuồng đang chực chờ để được bùng nổ.. Tên trộm thở hổn hển, hơi cúi người xuống, giơ mỏ lết lên để lấy đà. Hắn định ghè vỡ đầu tôi. Trái tim như bị ai đó bóp nghẹt, miệng muốn gào thét hết cỡ nhưng sức lực không biết đã trôi tuột đi đâu, tôi đăm đăm nhìn cái mỏ lết phi xuống.. Và.. - Hự! Ủa? Tiếng kim loại đập vào xương sọ sao nghe lạ tai quá vậy? Tôi tự hỏi một cách ngớ ngẩn, đồng thời nghe tiếng mỏ lết rơi đánh "coong" xuống nền nhà. Tên trộm ngã bệt ra, giằng co dữ dội với Mưa đang ghim bộ hàm sắc bén vào từng thớ thịt của hắn. - Không thể nào.. Cả tôi và tên trộm cùng thốt lên khe khẽ. Rõ ràng là Mưa đã bị thít chặt bởi dây nhựa, thoát khỏi sự giam cầm ấy gần như là bất khả thi, nhưng Mưa đã làm được. Nó làm vậy là vì tôi, là để cứu tôi. Nhưng giờ không phải lúc để ngưỡng mộ hay thán phục. Mưa đã tạo cho tôi một cơ hội mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ xuất hiện lại lần thứ hai. Tận dụng toàn bộ lưu lượng khí hiện có trong phổi, tôi hít thật sâu rồi hô hoán: - Trộm! Trộm! Có trộm! Trộm! Như không muốn khiến tôi phải thất vọng, cọt kẹt lạch cạch rầm rầm bình bịch, một cuộc diễu hành âm thanh vang vọng từ phía phòng ngủ của bố mẹ và em gái tôi. Tá hỏa, tên trộm cố gắng vùng vẫy để tẩu thoát, nhưng Mưa vẫn nghiến chặt vào cánh tay hắn, quyết không buông tha. Bị dồn tới đường cùng, tên trộm đánh răng "ken két", quờ quạng chỗ đằng sau thắt lưng hắn rồi rút ra một con dao bếp dài cỡ bốn mươi centimet và giơ nó lên.. Tôi hét không thành tiếng.. Phập! Lưỡi dao cắm ngập vào cổ của Mưa, nghiền nát gần như toàn bộ mạch máu có trong đó.. Chú chó với bộ lông vàng ươm như lúa chín thốt lên một tiếng "ẳng" cụt ngủn, lăn "uỵch" ra nền nhà. Ngay lập tức, thứ sức lực đáng lẽ đã tiêu biến bỗng chốc dâng trào lại bên trong tôi như sóng dữ, tôi gầm thét, lao đến tên trộm: - Hây aaaaaa! Kinh ngạc và hoảng sợ, đấy là những gì mà tên trộm kịp biểu hiện trên khuôn mặt của hắn trước khi bị tôi quật ngã xuống sàn. Cùng lúc đó, bố, mẹ, em gái phi ra với lần lượt ba cán chổi to nhỏ lăm lăm trên tay. Nhìn thấy đối tượng khả nghi, bố tôi chạy "huỳnh huỵch" đến, dùng cả thân hình "hộ pháp" của mình cưỡi lên người tên trộm làm hắn hết muốn thở. Tiếp nối, mẹ và cái Nhi lấy chổi chèn chặt tên trộm lại để hắn không còn cơ may mà trốn thoát đi được. Vừa cố gắng khống chế tên trộm, bố tôi vừa lấy điện thoại bấm số gọi công an. Lẽ ra tôi phải tiến tới liền để trợ giúp mới phải, nhưng thay vì làm thế, tôi lại hướng về nơi Mưa đang nằm hấp hối. Dẫu cho trán vẫn chảy máu ròng ròng, tôi ngồi xuống bên cạnh Mưa, đưa tay đặt lên đầu nó: - Mưa.. thực sự.. cảm ơn.. và.. xin lỗi.. xin lỗi.. Tao xin lỗi! Tôi bật khóc nức nở, cả người ôm lấy Mưa nằm yên bất động trên vũng máu đỏ tươi. Chú chó tội nghiệp cố gắng vận dụng chút sinh lực còn lại, nhìn tôi với ánh mắt trìu mến và dịu hiền, liếm nhẹ vào mặt tôi như gửi gắm những nỗi niềm yêu thương cuối cùng của cuộc đời. Rồi, hai mắt nhắm lại, Mưa nhẹ nhàng tắt thở.. "Ông nhớ ông có đọc được một câu rất hay: 'Nếu bạn đối xử với con chó như một con người, nó sẽ đối xử với bạn như một con chó'.". "Hà, nếu cháu yêu thương con người thì hẳn cháu cũng có thể yêu thương một con chó, đúng không nào?". "Hãy yêu thương và trân trọng Mưa cháu à.". Những lời khuyên bảo, những lời dạy dỗ của ông nội vẫn luôn in hằn trong đầu tôi như thể tôi mới được nghe chúng ngày hôm qua. Cứ mỗi lần nghĩ về là không khỏi bồi hồi và xúc động. À, có cả hối hận với tiếc nuối nữa, bởi vốn dĩ tôi không thể tiếp thu hay thực hành trọn vẹn những gì ông đã nói. Khoảng thời gian tôi cùng Mưa làm quen rồi thân nhau chỉ vỏn vẹn có một tuần ít ỏi. Đáng lẽ đã phải dài hơn rất nhiều.. Đúng rồi, đáng lẽ đã phải dài hơn rất nhiều.. Sau khi công an đến và áp giải tên trộm đi, tôi đã tắm rửa cho Mưa, choàng vải xung quanh thân nó rồi đem chôn ở khoảng đất phía sau nhà, đắp một nấm mộ thật to. Ngày qua ngày, tôi và Nhi đều thay nhau chăm sóc cho mộ của Mưa, cứ sợ rằng sẽ có vài con chó hay những đứa trẻ nghịch ngợm tới quật mộ lên. Rồi sau này lúc cùng gia đình chuyển nhà đi nơi khác, tôi đã cố gắng cầu xin chủ nhân mới hãy để ý và quan tâm tới nấm mộ phía sau nhà. Nhiều năm trôi qua, khi trở về thăm tổ ấm xưa kia, tôi đã kinh ngạc và xúc động biết bao, rằng nấm mộ của Mưa vẫn còn đó, vẫn vững chãi y nguyên như những mảnh kí ức còn đọng lại trong tâm trí tôi. Nơi ấy đã, đang và sẽ luôn luôn lưu giữ hài cốt của một chú chó anh hùng. Tôi vui lắm. Chắc cậu cũng vui như tôi phải không, chú chó dầm mưa của tôi ơi? -Việt Sứt- [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Của Việt Sứt