Review Sách Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ - Nguyễn Nhật Ánh

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Mèoo lười, 18 Tháng một 2021.

  1. Mèoo lười

    Bài viết:
    14
    Tên sách: Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

    Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

    [​IMG]

    * * *

    Nếu cho bạn một điều ước, bạn sẽ ước gì? Còn tôi, tôi sẽ ước một lần được quay về tuổi thơ, về lại những năm tháng vô tư hồn nhiên ấy. Rồi một ngày, tôi đã thực sự bước lên và tham gia chuyến xe quay về với những tháng ngày ấu thơ thông qua cuốn sách: "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm là một trong những sáng tác thành công nhất của ông và được trao Giải thưởng văn học ASEAN năm 2010.

    Với giọng văn nhẹ nhàng, trong sáng, hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần sâu sắc, "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là bức tranh sống động, đặc tả một cách sắc nét những câu chuyện tuổi thơ để đánh thức tâm hồn của những ai đã từng là trẻ con ngày xưa ấy.

    Cuốn sách gồm 12 chương truyện, mỗi chương là những trò nghịch ngợm và suy nghĩ "khác người" của lũ trẻ lên tám. Nhưng chính suy nghĩ đơn thuần ấy của chúng lại cho ta nhiều suy ngẫm, đặc biệt là những bậc phụ huynh. Mở đầu cuốn sách là tâm sự của cu Mùi về những ngày chán ngắt của mình. Bởi vì quá chán nên chúng chơi một trò mà đứa trẻ lên tám nào cũng mê. Vâng! Là trò chơi gia đình. Lấy bản thân làm hình mẫu tôi xin cam đoan, đọc đoạn này các bạn sẽ đổ nước mắt vì cười quá nhiều. Đây là một gia đình gồm bốn người: Cu Mùi, Tí sún, Hải cò và Tủn. Gia đình này có những luật bất thành văn chẳng hạn chăm ngoan học bài chính là lêu lổng, con ngoan là phải chạy nhảy leo trèo, tắm sông đánh lộn. Đặc biệt hơn nữa ba mẹ như anh cu Mùi là cực ghét những đứa thông minh, học nhoáng cái đã thuộc làu, con ngoan là đứa.. ờm ngu đần. Thêm vào đó là lối "dạy con" : Đánh nhau là phải bầm dập mặt mày rách tan quần áo chứ quần áo sạch sẽ thì sẽ là đứa con hư hỏng, làm ba mẹ xấu hổ và bị liệt vào loại "làm nhục tổ tiên". Ngoài ra còn nhiều "bài học" mà "ba mẹ lên tám" dạy như: Tới giờ ăn cơm mà ngồi vào ăn là không được giáo dục, 2 lần 4 có thể bằng bất kì số nào nhưng tuyệt đối không phải bằng 8. Vậy là từ trò chơi mà thành thật, đám nhóc thực sự áp dụng những điều chúng chơi như 3 lần năm không phải bằng 15 hay chỉ đứa đần độn mới giữ tập sách sạch đẹp vào đời thật. Kết quả, chúng bị ba mẹ cho ăn đòn. Cuối cùng chúng buộc phải chấp nhận rằng 2 lần 4 là 8 mà 3 lần 5 bằng 15. Nhưng có lẽ các "nhà cách mạng thay đổi thế giới" vẫn chưa muốn ngừng tay, vẫn ôm ấp khát khao tạo thế giới mới. Vậy nên chúng quyết định cải cách một lần nữa: Gọi cuốn tập là cái nón, con chó là cái bàn ủi, gọi Hải cò là cảnh sát trưởng, con Tủn là tiếp viên hàng không, Tí sún là nàng bạch tuyết, còn cu Mùi là thầy hiệu trưởng. Và cái giá phải trả của lần cải cách này xảy ra khi cô giáo bảo Hải cò đi gặp thầy hiệu trưởng, nó đã phát ngôn thế này: "Thưa cô, thầy hiệu trưởng hôm nay không đi học. Hôm qua thầy hiệu trưởng đánh nhau với em, sáng nay còn nằm rên hừ hừ ở nhà ạ". Tiếp đó là câu chuyện nấu mì gói của con Tí sún khiến cu Mùi phải miêu tả bằng hai chữ "ghê tởm". Tất nhiên nó chỉ nghĩ thôi chứ chưa phun ra từ đó. Một ngày cu Mùi tìm được thú vui mới: Bắt chước chú Nhiên nhắn tin. Cơ mà vui quá hóa buồn. Một lần bắt chước không dùng não nên nó nhắn cho con Tủn rằng: "Chiều nay chúng ta lên giường một chút chăng? Buồn ơi là sầu!" Dùng bộ não tám tuổi của chúng thì cũng nào hiểu nội dung câu này đâu, tập tành nhắn tin thôi mà, nhưng người lớn lại không nghĩ vậy. Tin nhắn này không chỉ Tủn xem, mẹ của Tủn cũng xem. Vậy là chiều hôm đó chỉ một mình cu Mùi nằm úp mông trên giường.. Buồn ơi là sầu!

    Bên cạnh đùa vui, tác giả cũng cho ta không ít phút giây suy ngẫm, giữa trẻ con và người lớn. Trẻ con ấy mà, vô lo vô nghĩ, thích gì làm đó, phóng khoáng hồn nhiên. Nhưng một khi lớn rồi, vẻ phóng khoáng ấy dễ bị thời gian gột rửa dần đi, thay vào đó họ tính toán từng chút, đôi khi cố chấp, cứng nhắc và tẻ nhạt gấp trăm lần trẻ con. "Thằng Hải cò sẵn sàng làm những gì nó muốn, trong khi ông Hải cò chỉ làm những gì người khác muốn", lớn lên chúng ta không còn là chính mình. Rồi một ngày có lẽ bạn cũng sẽ phải thốt lên: Cuộc sống người lớn thật phức tạp.

    Giữa dòng đời chảy trôi ồn ào tấp nập, nơi đâu mới làm ta thực sự thấy yên bình. Ngoài những điều trên còn rất nhiều câu chuyện hài hước ẩn chứa trong cuốn sách: "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" nữa nhé. Có lẽ cuốn sách này cũng là một nơi bạn có thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, gạt bỏ hết gánh nặng, áp lực khi làm người người lớn, quay lại với tuổi thơ ấu không sầu lo. Đừng bỏ qua "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" nha, bởi như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã viết:

    "Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em.

    Tôi viết cho những ai từng là trẻ em."
     
    Last edited by a moderator: 18 Tháng một 2021
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...