TÁC PHẨM: CHỢ QUÊ ĐỒNG XOÀI TÁC GIẢ: QUYÊN QUYÊN THỂ LOẠI: TẢN VĂN *********************** Má gọi điện nói chợ Đồng Xoài bị Phong tỏa, dịch bệnh covid lan tới trên này rồi. Làn sóng covid năm nay* khiến Đồng Xoài cũng gồng mình chống chọi như bao tỉnh thành khác. Gác máy rồi mà trong dạ thấy xốn xang, tự nhiên sống mũi cay cay, ký ức của mười mấy năm trước vội vã ùa về. Tốt nghiệp lớp mười hai xong Tôi khăn gói lên Sài Gòn đi học, thỉnh thoảng về quê thăm má rồi chở má đi chợ. Đồng Xoài vừa là tên chợ cũng là tên thành phố, trước năm 1975 Đồng Xoài là quận Đôn Luân của tỉnh Phước Long, sau năm 1975 thì quận Đôn Luân đổi tên thành huyện Đồng Xoài, trải qua mấy lần phân cấp, chia tách, sáp nhập cái tên Đồng Xoài thân thương vẫn còn mãi đến ngày hôm nay. * * * Gia đình Tôi may mắn được ở rất gần chợ, mấy bước chân thôi là mua gì cũng có. Cha Tôi nhạy bén lắm, cha nói cất nhà thì cố mà chọn nơi mặt tiền sầm uất, ở nhà mặt tiền rủi có thất nghiệp cũng tự mở cửa bán buôn kiếm cơm qua ngày. Hồi đó tiểu thương trong chợ không đông như bây giờ, nhưng chợ nằm ở trung tâm người dân các vùng lân cận ghé về mua hàng đông lắm, thịt cá đầy đủ, rau củ thì có hơi đèo nhưng được cái tươi ngon và an toàn. Má Tôi bán gia cầm trong chợ, ngày nào cũng gà gáy hồi bốn giờ là cha sẽ gọi mấy chị em dậy phụ làm để sáng sớm má kịp chở hàng ra chợ bán. Thời đó trong chợ ít người bán gia cầm lắm, nên nhà Tôi cũng khấm khá lên nhờ cái nghề đó. Sáng sớm má chở đi một xe đầy hàng, thế nhưng trong ngày chị em Tôi còn thêm mấy lần nữa thay phiên nhau tiếp hàng cho má, hai bà chị lớn nên xách một lần hai giỏ, Tôi còn nhỏ chỉ xách một lần một giỏ nhỏ thôi. Tuổi thơ quẩn quanh trong chợ, không ngõ ngách nào mà chị em Tôi không biết, bà bán xôi, bà bán cơm rượu, bà án chè, bà bán bánh đúc mắm nêm, nhắm mắt tụi tôi cũng đi tới đúng chỗ. Sáng nào má cũng cho tiền rồi mấy chị em tự kéo nhau ra hàng ăn, Tôi đi theo mấy bà chị riết rồi cũng rành hết làng trên xóm dưới. Buổi chiều chợ tan sớm lắm, ăn cơm tối xong là Tôi lấy xe đạp ra khoảng sân đầu chợ để tập xe. Hồi nhỏ cái gì Tôi cũng chậm hơn bạn bè tụi nó biết nhìn đồng hồ coi giờ thì cha Tôi còn phải vẽ cái hình đồng hồ trên nền xi măng để chỉ cho Tôi đọc giờ, có mấy lần Tôi đọc sai nhiều quá cha bực mình ném viên phấn xuống nền rồi bỏ đi làm hàng, Tôi thì vừa sợ vừa chán rồi trốn đi xuống chợ với má luôn. Tới lớp ba mấy đứa bạn tự chạy xe đi học còn Tôi thì vẫn còn tập tành ở cái sân đầu chợ. Hồi đó nhà ít lắm không san sát như bây giờ, nhưng được cái an ninh, buổi tối chỉ có tiếng dế tiếng đêm thôi. Tôi cứ chạy xe vòng quanh miệng nghêu ngao bài hát Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh, không hiểu cớ gì mà cứ tập xe là Tôi hát bài đó, rồi tập tới mỏi chân Tôi một mình dắt xe về nhà ngủ. Nội Tôi cũng có một hàng bán cá khô trong chợ, nội bán từ thời trẻ cho tới năm năm trước khi mất nội mới nhượng lại cái sạp đó cho người khác, gia đình nói miết nội mới chịu nghỉ bán, con cháu thương nội già yếu còn nội thì thương mấy con khô. Tờ mờ sáng là nội đi bán, mặt trời lặn từ lâu rồi mới thấy nội về, tối tới thì cộng sổ đếm tiền, Tôi mà đánh hơi thấy mùi cá khô là Tôi biết nội đang ở gần đâu đó. Mỗi ngày phụ má dọn hàng về là mấy chị em ghé qua hàng nội ngồi chơi, lần nào ghé qua nội cũng cho đồ ăn, hồi đó chỉ được bánh quy, bánh con sâu, kẹo na, kẹo me mà sao thấy ngon phải biết. Cứ ghé nội là có đồ ăn nên mấy chị em tôi rảnh là qua liền. Ngày nào trời mưa thì xin nội thêm mấy con khô đem về chiên giòn lên rồi ăn với cơm nóng, có lẽ đó là món ăn quốc dân ngon hơn bất cứ loại sơn hào hải vị nào mà Tôi từng biết. Thế rồi quy luật sinh lão bệnh tử khiến con người ta phải thay đổi, cha Tôi bị gai cột sống, đau lưng do ngồi nhiều nên quyết định nghỉ bán gia cầm, má chở Tôi trên chiếc xe "Dream lùn" đi thông báo cho từng bạn hàng. Cha má làm ăn chân chính, thiệt tình, nên bạn hàng họ thương, ai nghe cũng chép miệng tiếc lắm. * * * Sau ngày đó nhà Tôi không còn mùi gia cầm, cũng không còn dậy sớm, cả nhà quanh quẩn với nhau cũng chán rồi cha với má mới tính chuyện cho người ta thuê căn nhà gần chợ, cả gia đình chuyển đến nơi khác để bắt đầu cuộc sống mới. Nội thì hàng ngày vẫn chăm chỉ xếp mấy con khô thẳng hàng, mỗi năm gần tết Tôi nghỉ học sớm là về phụ nội bán khô, chợ tết đông lắm một mình nội cân khô tính tiền không xuể được. Phụ nội bán xong tới lúc về là nội thưởng cho khô chỉ vàng, khô lù đù 1 túi to. Nội gắn bó với chợ từ lúc tóc xanh cho đến khi đầu bạc, tới chợ hỏi bà Sáu bán khô là người ta chỉ đường tới tận nơi. Đến lúc nội nghỉ bán khô thì gia đình Tôi cũng không còn ai kiếm sống gì trong ngôi chợ đó nữa, tình cảm dành cho cũng từ đó mà nhạt phai. * * * Mỗi lần về quê là thấy chợ đổi mới, chợ giờ đây sầm uất và mở rộng hơn nhiều. T iểu thương được phân lô trật tự, chỗ Tội tập xe ngày xưa cũng lấp đầy người mua bán, con hẻm tới trường giờ đã trở thành đường lộ rộng lớn với nhà cao tầng và hàng quán hai bên. Chợ Đồng Xoài là tuổi thơ của Tôi, là tuổi trẻ của cha má và là cả cuộc đời của nội. Chợ làm Tôi nhớ đến nhiều kỷ niệm đặc biệt là nhớ nội, nội mà còn sống nghe tin chợ phong tỏa, chắc nội buồn lắm. Ngôi chợ sầm uất bỗng chốc vắng vẻ điêu tàn trước sự tàn phá của dịch bệnh, nghĩ tới mà lòng quặn lại từng cơn. Chợ là nơi nương náu, là chốn đi về cho biết bao người dân, chợ chứa đựng tuổi thơ của nhiều đứa trẻ, nhờ chợ nhiều người có tiền ăn học rồi tha phương đi lập nghiệp. Chợ đau dân thương chợ, nhưng chỉ có thể đứng nhìn từ xa, những dãi băng phong tỏa màu đỏ tựa như những miếng bông đang bang bó vết thương rỉ máu của chợ. Dân đành để chợ ngủ một giấc dài dưỡng thương rồi khấn trời lạy phật cho dịch bệnh mau qua. Nhà văn Chế Lan Viên đã thật đúng khi nói rằng: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở khi ta đi đất đã hóa tâm hồn" Tôi sẽ chẳng nhớ về chợ đâu, cũng chẳng nhớ lại những ký ức đẹp đẽ nếu không chứng kiến sự đìu hiu của chợ bây giờ. Có lẽ lúc sắp mất đi điều gì đó người ta mới thấy trân quý hiện tại và quá khứ, mới thấy rằng khung trời đó không gian đó chứ đựng biết bao điều tươi đẹp vậy mà suýt chút nữa chúng ta đã tự tay chôn vùi hồi ức đó. * * * Rồi sớm thôi chợ sẽ lại khỏe mạnh, sẽ đông đúc và náo nhiệt như nó vốn đã từng. Chợ sẽ vẫn vậy, vẫn tiếp tục là khung trời tuổi thơ của những đứa trẻ, vẫn sẽ bao bọc những con người buôn gánh bán bưng trên mảnh đất mang tên Đồng Xoài. * Kỷ niệm đại dịch Covid 2021 (Hết) (Mỗi tác phẩm viết ra đều chứa đựng rất nhiều tâm tư và tâm huyết của tác giả, chỉ mong được chia sẻ nỗi niềm với bạn đọc xa gần. Chúng ta có thể không biết nhau, không gặp nhau, nhưng nhờ những con chữ này chúng ta biết được đâu đó trên thế giới này ta vẫn còn có bạn đồng hành và dõi theo. Nếu có chia sẻ tác phẩm rất mong bạn đọc ghi trích dẫn nguồn truyện và xin đừng sao chép. Chân thành cảm ơn bạn đọc rất nhiều)