Cho Tác giả: Đoản Nhất Thiên Thể loại: Gia đình, truyện ngắn. Những ánh mắt kia đang cười nhạo mình! Cậu nghĩ như vậy khi nhìn lại bộ quần áo đang mặc. Đó là một chiếc quần dài với nhiều chỗ đã sờn vải. Đó là một chiếc áo đã xỉn màu và có nhiều mảnh vá. Chúng thật xấu xí! Và khi cậu về tới nhà, mẹ cậu vội vã chạy ngay lại, hỏi han công việc của ngày hôm nay. Rồi cậu không thể kìm chế hơn nữa, cậu gắt lên: - Thôi đi! Tất cả là tại bà! Người ta cười nhạo tôi là thằng bất lịch sự khi ăn mặc như vậy đến phỏng vấn, họ nói tôi muốn vào một công ty uy tín, làm một công việc lương cao thì ít ra tôi cũng nên chi một khoản tiền để sắm sửa cho mình một bộ cánh đẹp đẽ, chẳng khách hàng nào hài lòng khi nhìn vào bộ đồ cũ này. Họ cười tôi có phải cố ý ăn mặc như vậy để chứng minh bằng cấp tôi đạt được đều bằng sự nỗ lực của tôi. Rồi người xung quanh cười nhạo cách ăn mặc như khoác giẻ rách lên người! Bà đã làm gì cho tôi? Hả? Bà không có tiền, cũng chẳng tài giỏi, bà chỉ là một phụ nữ ngu dốt quanh quẩn bên xó bếp và làm những công việc rẻ mạt. Bà mặt dày xin người ta từng đồng tiền và lấy quần áo người ta thải ra để mặc! Và bà cũng bắt tôi cũng phải mặc những thứ bỏ đi ấy! Phải chăng ít lâu nữa bà cũng có ý định muốn tôi ăn xin giống bà? Tôi căm ghét bà! Tôi căm hận cái nhà này! Cậu gào thét như vậy, và cảm thấy vui sướng khi giải tỏa được một chút uất ức. Cậu không nhìn người mẹ buồn thiu. Và để chứng minh mình còn rất giận, trên đường về phòng của mình, cậu cố tình tạo những tiếng vang thật lớn. * * * Buổi chiều, một giáo viên cũ gọi điện cho cậu hẹn cậu ra ngoài, thầy nói thầy có một người quen làm giám đốc của một công ty khá nổi tiếng, người ấy đang rất cần những nhân tài trẻ và thầy đã giới thiệu cậu cho người ấy. Sau khi nghe về năng lực cũng như hoàn cảnh của cậu người ấy rất muốn được gặp cậu nên thầy đã gọi điện cho cậu hỏi ý kiến của cậu thế nào! Và tất nhiên cậu vui vẻ đồng ý, cậu quăng hết buồn phiền của sáng nay qua đầu. Cậu phải điều chỉnh tâm lý của mình thật hoàn hảo, đây là cơ hội rất khó có được và cậu cần nắm lấy nó? Lúc ra ngoài, cậu còn chẳng để ý ánh mắt của mẹ. Bà dõi mắt theo con trai, đôi môi thì mấp máy như muốn nói: "Con trai, đi đường cẩn thận". Nhưng bà đã kiềm chế không thốt ra.. Cuộc nói chuyện diễn ra thuận lợi hơn mong rất nhiều. Và không khí hòa hợp một cách kỳ lạ. Điều đó cũng là một phần khiến cậu thả lỏng mình. Trung niên đột nhiên hỏi cậu một câu: - Tôi muốn cậu thật lòng nói cho tôi biết, động lực nào giúp cậu đạt những thành tích này? Cậu suy nghĩ trong chốc lát và nói: - Cháu muốn thay đổi hoàn cảnh gia đình. Trung niên mỉm cười: - Tại sao? Vì mẹ cậu hay vì chính mình? Cậu trả lời: - Thưa chú, cháu nghĩ khi một người sốngười trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn ngay từ bé, rào cản ấy sẽ bắt họ làm ra hai lựa chọn. Hoặc là ngừng bước và chấp nhận hoặc là vượt qua để đi tiếp. Và cháu là loại người thứ hai! Cháu muốn trả ơn mẹ đã cưu mang, chăm sóc, nuôi dạy cháu. Cháu muốn vì tương lai của mình mà nỗ lực. Để người vợ có một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Để người con và những đứa cháu cũng có khởi đầu tốt đẹp hơn, khi đó nó sẽ không phải quá vất vả để đạt đến hoặc chúng phải vụt mất cơ hội vì hoàn cảnh không cho phép. - Cậu đã từng vụt mất những cơ hội như vậy? Cậu gật đầu, đáp: "Vâng." Trung niên hỏi cậu: - Tôi có thể nghe vài ví dụ chứ? - Vâng, tất nhiên được ạ. Cháu nhớ khi còn học cấp 2, có lần trường tổ chức cuộc thi tìm hiểu khoa học nhưng lúc ấy cháu không đủ nguồn để tìm kiếm tài liệu nên đã không thể tham gia. Khi chọn trường cấp 3, cháu không đủ tiền để nộp học phí ở một trường tốt hơn. Khi cháu lên đại học, cháu không thể dành trọn thời gian để học nên có một khoảng thời gian điểm số của cháu không tốt và cũng vì vậy mà có một số hoạt động của trường cháu không thể tham gia. Cháu còn không đủ thời gian để dành cho các mối quan hệ. Và đến khi ra trường, khi xin việc vào những công ty, cháu không đủ tiền để mua một bộ đồ tử tế và khiến họ không thể chấp nhận. Trung niên im lặng lắng nghe cậu nói hết câu chuyện của mình và ông cũng nghe ra chút bất bình trong lời của cậu. Trung niên hơi gật đầu nhìn hắn: - Mẹ cậu năm nay đã 46 tuổi? Cậu không hiểu vì sao trung niên lại đột nhiên hỏi vậy nhưng vẫn gật đầu: - Vâng. Trung niên lại hỏi: - Cha cậu đã mất sớm phải không? - Dạ. Khi cháu mới lên 4, cha đã mắc bệnh qua đời. Trung niên ồ lên một cách kinh ngạc: - Mẹ cậu đã làm thế nào để nuôi cậu đến tận bây giờ? Có ai đã giúp đỡ sao? Cậu hơi nhíu mày. Câu hỏi này làm cậu nghĩ đến việc mẹ cậu nhặt từng mảnh chai miếng sành, từng đồ rác rưởi mà mẹ cho là còn dùng được, và chúng hiện vẫn đang chất đống ở nhà khiến nhà cậu không khác gì bãi rác. Hay như khi mẹ cậu đội nắng phơi sương giữa đồng những ngày vụ mùa để cấy cho người ta nhận vài đồng rẻ mạt. Hay như khi mẹ cậu làm những món đồ nhỏ từ vải thừa, từ những viên sỏi và những thứ linh tinh khác đem bán, mẹ cố gắng nài nỉ từng người mua, cậu ghét cái cảnh mà mẹ cậu rối rít cảm ơn người ta khi người ta mua và cho thêm mẹ vài đồng tiền công chế tác. Cậu ghê cái cảnh mẹ mua hàng tá quần áo cũ với giá rẻ về chỉnh sửa để mặc.. Nhưng cậu tự hỏi dường như mẹ chưa từng xòe tay xin ai cái gì, cũng chưa từng nhận sự giúp đỡ của ai. Vậy nên cậu trả lời: - Mẹ đã làm rất nhiều nghề để nuôi cháu mà chưa từng nhờ đến ai. Trung niên thốt lên: - Bằng cách nào? Một người phụ nữ yếu đuối như vậy có thể làm gì để tự nuôi sống bản thân và nuôi con trai của mình? Cậu nếu ở trong hoàn cảnh của người phụ nữ ấy liệu sẽ làm gì? Cậu trai trẻ, cậu nên nhớ khi cha cậu mất, mẹ cậu chưa đến 30 tuổi và với một người phụ nữ thì họ cần được yêu thương, cậu mà là người phụ nữ ấy, cậu sẽ làm gì? Cậu nhíu mày suy nghĩ. Không để cậu trả lời, trung niên đã nói tiếp: - Trước khi nghe câu trả lời của cậu, tôi nghĩ tôi phải nhắc nhở cậu. Mẹ cậu làm bất kể nghề gì nhưng chưa từng làm gì thẹn với lương tâm, trái với pháp luật. Và, như cậu nói, những người gặp cản trở ngay từ bé sẽ có lựa chọn hoặc là đi tiếp hoặc là dừng bước nhưng cậu liệu có nghĩ đến một người sống trong một con đường trải đầy hoa họ có thể tận dụng hết công dụng của nó chứ? Những người nhìn vào quần áo của cậu và cười nhạo, cậu có nghĩ họ quá thiển cận? Hay những người nghi ngờ, liệu họ quá tiêu cực? Cậu có nghĩ một ngày vì tài năng và hoàn cảnh của cậu đã làm cho một ông chủ của một doanh nghiệp lớn cảm thông và dành thời gian quý báu của mình để đến gặp mặt? Cậu luôn oán trách mẹ không cho mình một hoàn cảnh tốt, không cho được cậu điều gì nhưng cậu có nghĩ đến từng ấy thời gian cậu đã làm gì cho mẹ? Trước một loạt câu hỏi của trung niên, cậu im lặng thật lâu. Trung niên cũng không nói lời nào như đang chờ đợi câu trả lời của cậu. Không khí thoáng chốc có chút căng thẳng. Sau cùng trung niên lên tiếng: - Tôi nghĩ cậu muốn hỏi tại sao tôi lại hỏi những câu như vậy và làm sao tôi biết cảm xúc của cậu trong khi cậu chưa từng nói. Tôi có thể nói với cậu, tôi chưa từng điều tra cậu mà chỉ dựa trên những biểu cảm trước đó của cậu để phán đoán và hỏi. Cậu biết đấy, khi một người không làm gì sai mà bị chỉ trích, dù ít hay nhiều họ cũng sẽ có biểu hiện. Và tôi có thể nói, tôi cũng từng giống như cậu. Tôi không nói mình hiểu cảm giác của cậu, mỗi người được sinh ra đều có sự đặc biệt của họ nên sẽ chẳng ai giống ai cả. Nhưng tôi cũng từng sống trong hoàn cảnh khó khăn và có một bà mẹ vất vả. Tôi có thể nói cho cậu biết, hoàn cảnh của tôi khó khăn hơn của cậu rất nhiều và thời cấp 3 của tôi cũng rất ngông, tôi thường theo một nhóm bạn trốn học chơi bời. Có một ngày, tôi bị đám bạn chê khi mặc chiếc áo vá chằng chịt và tôi cũng rất tức giận. Khi ấy tôi không muốn mất bạn bè nhưng lại cảm thấy rất khó chịu và tôi đã trút giận lên mẹ mình. Tôi có lẽ may mắn hơn cậu khi có một người cha. Lúc đó cha tôi nghe thấy lời tôi nói và đã tát vào mặt tôi một cái thật mạnh. Cha đã hét lên: "Mày có từng nghĩ ai đã kiếm tiền nuôi mày không? Không phải thằng cha vô dụng của mày, không phải cái người suốt ngày say xỉn rồi về đánh đập vợ mà là mẹ mày! Mẹ mày có thể làm bất cứ nghề gì chỉ để kiếm chút khoản tiền lo cho mày ăn học và bao cấp cho thú nghiện rượu của cha mày! Mày không xem lại chính đồ mà mày đang mặc, không có mẹ mày thì liệu mày có mảnh vải che thân không? Từng mảnh vải được may trên chiếc áo mày đang mặc cũng là mẹ mày tỉ mỉ từng đêm cặm cụi vá vào. Khi mày còn đang ngủ ngon trong chăn ấm, mày liệu biết rằng mẹ mày có đang thức khuya? Mày có tư cách gì để chỉ trích mẹ mày?" Cha tôi lúc đó đã rất tức giận mà mắng tôi rất nhiều và cũng làm tôi hiểu ra rất nhiều thứ. Tôi bây giờ cũng muốn hỏi cậu: "Cậu có tư cách gì để bất mãn với mẹ cậu?" Tôi không đến đây để chỉ trích hay dạy đời cậu, tôi chỉ muốn tìm cho công ty những hạt giống tốt nhất và cậu không thể nghi ngờ là một sự lựa chọn của tôi. Tôi không muốn trọng dụng những người không biết cách biết ơn. Tôi hi vọng cậu có thể suy nghĩ lời tôi nói và tôi sẽ chờ câu trả lời sớm nhất từ cậu. Nói rồi trung niên liền không chờ cậu trả lời mà bước đi, nếu cậu không thể cân nhắc kỹ trước khi trả lời thì trung niên cũng không cần một người như vậy. Hết